SpStinet - vwpChiTiet

 

Giống cây trồng: cần phải đưa lên vị trí hàng đầu

Việt Nam hiện đang là một trong các nước có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy có nhiều lợi thế về tự nhiên và con người, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp rào cản từ một yếu tố cốt lõi – giống cây trồng. Nguyên nhân là do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn giống nhập từ nước ngoài, thiếu hụt trong cung ứng và phát triển nguồn gen giống bản địa.

Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp phát triển với nguồn giống cây trồng dồi dào và đa dạng có thể kể đến như 30 giống lúa siêu đột biến có phẩm chất gạo thơm ngon, chống chịu sâu bệnh tốt và cho năng suất cao lên đến 10 tấn/ha, cùng hàng nghìn giống cây trồng bản địa (sầu riêng, xoài cát, bưởi da xanh,…) và hàng trăm giống thảo dược quý hiếm. Tuy nhiên, theo ước tính mỗi năm Việt Nam tốn khoảng 500 triệu USD để nhập giống cây trồng các loại, trong đó có tới 70 triệu USD tiền giống rau, chưa kể các giống khác như bắp lai, lúa lai…Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016 đã có 150.000 tấn giống cây trồng được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó giống lúa có hơn 7.000 tấn, còn lại là các giống cỏ, ngô, rau, hoa và dưa hấu... Ngoài ra chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 4.800 tấn giống cây các loại.

Hiện nay, thị trường giống trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của nền nông nghiệp và chưa có nhiều giống cây thực sự do người Việt tạo ra, nên việc quá phụ thuộc vào giống cây trồng nhập nội là điều không thể tránh khỏi. Nguyên nhân của bất cập này là do các hoạt động nghiên cứu và cung ứng giống cây trồng mới chưa đa dạng; kinh phí cung cấp cho hoạt động nghiên cứu vẫn còn khá eo hẹp; những khó khăn trở ngại trong hành lang pháp lý và bảo hộ giống cây trồng; sự thiếu hụt trong khâu điều tra nhu cầu thị trường dẫn đến thương mại hóa sản phẩm giống không hiệu quả; các doanh nghiệp kinh doanh giống cây trồng có khả năng thương mại hóa sản phẩm khó tiếp cận với nguồn gen quốc gia; thói quen nhân giống để trồng tiếp vụ sau của các hộ sản suất khiến chất lượng hoa, quả không giống ban đầu. Thêm vào đó, khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc và chất lượng của các giống cây trồng trôi nổi trên thị trường cũng là một trong những bài toán khó đặt ra cho các cơ quan chức năng.

Với yêu cầu về chất lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, ngoài bài toán kinh tế cho việc nhập khẩu giống cây trồng mỗi năm tại nước ta tăng cao, còn kèm theo đó là những hệ lụy không mong muốn như tình trạng thất mùa do hạt giống giả và kém chất lượng, cũng khó cạnh tranh do giá thành nông sản cao.

Phát biểu tại hội thảo hội thảo “Ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để phát triển nông nghiệp Thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp các tỉnh, thành Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, từ ngàn xưa, tập quán ông bà ta là giữ giống để sản xuất nên "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", còn ngày nay, giống phải được đưa lên vị trí hàng đầu. Do đó, để bảo đảm nhu cầu của gần 100 triệu dân và mục tiêu xuất khẩu nông sản mỗi năm khoảng 30 tỉ USD thì vai trò của ngành giống là rất quan trọng.

Từ sự hỗ trợ, đầu tư cho công tác nghiên cứu tạo giống của các cơ quan chức năng, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai, đem lại những hiệu quả thiết thực như: Ứng dụng phương pháp chiếu xạ tạo nguồn vật liệu khởi đầu cho tạo giống mè (Sesamum Indicum L.) mới, trình bày một số nội dung, phương pháp kiểm tra giống, xử lý chiếu xạ và khảo nghiệm đồng ruộng; Nghiên cứu chọn tạo giống khổ qua lai F1 (Momordica charantia) cho vùng Đông Nam Bộ” nhằm đánh giá đặc tính nông học, xây dựng quy trình chọn dòng/giống khổ qua thuần kết hợp giữa đánh giá hình thái và chỉ thị phân tử; “Nghiên cứu chọn tạo giống cà chua bi năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với khu vực phía Nam đã thu thập được 19 giống cà chua bi gồm 16 giống nhập nội; Nghiên cứu xây dựng công nghệ vi nhân giống quang tự dưỡng bán tự động để sản xuất cây cấy mô (Lan Dendrobium và Hồng Paulownia) kết hợp với đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng công nghệ mới lên giá thành cây cấy mô so với công nghệ vi nhân giống truyền thống; Nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp mô hom một số loài cây thân gỗ đạt hiệu quả kinh tế cao như: xoài cát hòa lộc, nhãn hột tiêu, sầu riêng hạt lép, tràm bông vàng nhằm tạo ra hàng loạt cây con đồng nhất, mang các đặc tính tốt từ cây mẹ chọn lọc;...

Để chuẩn hóa và thống nhất một số kỹ thuật nhân giống, các tiêu chuẩn như: 10TCN 479:2001 “Nhân giống cà phê vối bằng phương pháp ghép”; 10TCN 559:2002 “Quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính tiêu bằng phương pháp giâm hom thân”; 04TCN 74:2006 “Quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng rừng keo lai vô tính”; 10 TCN 599:2004 “Quy trình nhân giống nhãn, vải bằng phương pháp ghép”; 10TCN 570:2003 “Quy trình kỹ thuật nhân giống tằm dâu”,… đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Các nhà sáng chế cũng góp phần với gần 30 sáng chế có khả năng ứng dụng cao, có thể ví dụ như: “Quy trình nhân giống rong mơ” cho hiệu quả và thành phẩm có chất lượng cao của tác giả Vũ Thị Mơ, Lê Như Hậu và cộng sự ; “Quy trình nhân giống cây lan Hoàng thảo Hạc vỹ (Dendrobium aphyllum) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào”“Quy trình nhân giống cây Lan Kim Tuyến”  của tác giả Nguyễn Thị Lài và Phạm Hương Sơn giúp tạo nguồn giống cây với số lượng lớn, sạch bệnh, rút ngắn được thời gian nuôi cấy và tiết kiệm chi phí sản xuất,...

Tham gia đóng góp vào các nỗ lực chung để phục vụ cộng đồng bằng công tác truyền thông khoa học và công nghệ, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tập hợp và giới thiệu nhiều bộ phim về công nghệ nhân giống để giúp nông dân và các hộ sản xuất dễ dàng tiếp cận với các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, ví dụ như: kỹ thuật nhân giống thông caribê - kỹ thuật ươm rau trong bầu; kỹ thuật nhân giống thông bằng phương pháp vô tính; kỹ thuật nhân giống hoa cúc; kỹ thuật nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; kỹ thuật ghép mắt ghép cành trên cây bưởi Phúc Trạch; kỹ thuật nhân giống cây dâu tây bằng phương pháp nuôi cấy mô, bọ cánh tơ hại chè và biện pháp phòng trừ;…

Thực tế đã cho thấy, hiệu quả sản xuất và tình hình an ninh lương thực một quốc gia nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng giống cây trồng. Ngoài việc tăng cường hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học có tính khả thi và tiềm năng cao, các cơ quan chức năng cần có các chiến lược và kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát triển nguồn gen giống quý trong nước, cũng như mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tự chủ các giống và gen cây trồng; duy trì sự kết nối và phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền, nhà nghiên cứu, người nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh giống để góp phần kiểm soát nguồn gốc và đảm bảo chất lượng giống cây trồng.