SpStinet - vwpChiTiet

 

Chống ngập: trước tiên phải chống tắc cống

Ngập úng trong đô thị là vấn đề gây nên nhiều bức xúc trong đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân cơ bản là sự thiếu ý thức của người dân trong việc xả rác bừa bãi xuống các miệng cống, ao hồ và kênh rạch. Cống thoát nước tắc nghẽn bởi rác thải làm cho tình trạng ngập úng cục bộ tại các đô thị hiện nay diễn biễn ngày càng phức tạp, nhất là khi mùa mưa đến. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh các biện pháp nhằm nâng cao ý thức của người dân, giới khoa học cũng đã có nhiều đóng góp cụ thể.

Là cư dân sống tại các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, hẳn ai cũng quen thuộc với cảnh “sống chung với lũ” mỗi khi mùa mưa đến. Nằm trong nhóm các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, Việt Nam thường xuyên phải gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, gia tăng lượng mưa tại các đô thị lớn. Đơn cử như năm 2017, theo số liệu từ báo Tuổi trẻ, địa bàn TP.HCM không chỉ có chịu mưa nhiều hơn những năm trước (185 cơn mưa), mà còn xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan, với vũ lượng lên đến hơn 200mm. Thêm vào đó, địa hình TP.HCM tương đối thấp tại các khu vực phía Tây Nam và Đông Nam (độ cao chỉ từ 0,5-1m), chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng lũ từ thượng lưu sông Đồng Nai và thủy triều biển Đông. Sự bất lợi từ hai yếu tố thời tiết và địa hình đã tạo ra nhiều điểm đen ngập úng tại TP.HCM như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức),…

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do thời tiết và địa hình, không thể bỏ qua những nguyên nhân chủ quan từ con người. Dễ thấy nhất vẫn là vấn đề ý thức con người, khi không khó để bắt gặp hình ảnh người dân vô tư xả rác xuống cống rãnh, kênh rạch. Nhiều nơi, miệng cống thoát nước, kênh rạch bị lấp đầy rác, mất khả năng thoát nước. Khi cơn mưa trút xuống, ngập úng diễn ra, và ngày càng trầm trọng. Trong Chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, chủ đề “Ngập nước tại TP.HCM, nguyên nhân và giải pháp” của Đài Truyền hình TP.HCM vừa phát sóng, anh Ngô Chí Hùng, nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM đã chia sẻ những nhọc nhằn của nghề nạo vét cống thoát nước. Hình ảnh người công nhân vệ sinh bất chấp nguy hiểm, trầm mình trong dòng nước cống dơ bẩn, độc hại, để thu dọn hàng trăm loại rác thải đã khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Theo TS. Hồ Long Phi (Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), việc xả rác vô tội vạ đã gây tắc cống, làm giảm 30-40% năng lực thoát nước của Thành phố. TS. Phạm Sanh (Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) cũng nhận định, rác thải chính là thủ phạm lớn gây ngập hiện nay ở TP.HCM, có thể làm giảm 40-50% khả năng thoát nước. Như vậy, chống tắc cống chính là một giải pháp rất quan trọng trong việc chống ngập tại Thành phố.

Để khắc phục tình trạng tắc nghẽn cống và cải thiện điều kiện lao động cho công nhân vệ sinh, các nhà khoa học đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, từ những nghiên cứu ứng dụng trực tiếp vào các công việc thường nhật như Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị lấy bùn đất, bao nilông và các tạp chất khác trong các hố ga và hệ thống cống thoát nướccủa tác giả Hoàng Lanh (Đại học Bách Khoa TP.HCM), Nghiên cứu thiết kế thiết bị tời quay nạo vét lòng cống thoát nước của nhóm tác giả Chu Quốc Huy và cộng sự (Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM) nhằm tạo ra thiết bị tời cải tiến dựa trên nguyên lý hoạt động bàn quay nạo vét cống thủ công, sử dụng các loại máy động lực thích hợp để giảm bớt lao động chân tay và tăng năng suất lao động cho công nhân; cho đến các giải pháp mang tính tổng thể, dài hơi hơn như Nghiên cứu một số giải pháp phòng hộ để cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ sức khỏe cho công nhân nạo vét cống ngầm thành phốcủa hai tác giả Thái Sanh Nguyên Bình và Võ Quang Đức; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh thái (ecological engieering) xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững (SUDS), góp phần phòng chống ngập úng, lún sụt và ô nhiễm ở TP.HCMcủa PGS.TS. Đoàn Cảnh,…

Cống tắc gây ngập lụt là vấn đề nóng, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống của người dân, nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng giải quyết vấn đề này đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong hơn 40 sáng chế đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhiều sáng chế đầy tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, ví dụ như Máy nạo vét cống ngầm và thoát ngập đường phố của tác giả Lưu Hải Thống, có tác dụng đẩy trôi chất thải tích tụ trong lòng cống ngầm và tiêu nhanh nước ngập đường phố bằng máy bơm xoáy có vận tốc và lưu lượng lớn; Cửa thu – thoát nước cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi lắp đặt trên miệng hầm ga thu nước của nhóm tác giả Bùi Văn Trường, Trần Văn Chí và Trần Minh Trí; sáng chế Máy nạo vét lòng cống để nạo vét bùn trong lòng cống và Quạt hút khí lòng cống” với khả năng hút các chất khí độc hại, làm tươi không khí trong lòng cống, tạo môi trường làm việc an toàn, thoải mái hơn cho công nhân của tác giả Ngô Tuấn Cường; Hố ga thu nước công cộng có chứa tấm ngăn mùicủa tác giả Hoàng Xuân Sâm cho phép lắp đặt đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng và chi phí thấp nhưng có khả năng ngăn tối đa mùi hôi từ cống bốc lên, giảm thiểu ô nhiễm không khí cho môi trường,...

Ngay tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vận hành) cũng đang giới thiệu và chào bán một số giải pháp công nghệ hỗ trợ giảm thiểu tắc cống, gây ngập lụt, như Miệng cống thoát nước có lưới chắn rác cố định và miệng thu nước được chế tạo liền khối do ông Đồng Xuân Dũng (Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp xây dựng HT) thiết kế và chế tạo với khả năng ngăn mùi hiệu quả, giúp cho công nhân vệ sinh có thể nạo vét chất thải ngay phía trên mặt đường mà không cần phải chui xuống hố ga; Hố ga thoát nước ngăn triều cường (hố ga có cửa chặn nước) của tác giả Thân Thế Hào (Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong) có khả năng chống thấm và chống nước thải bên ngoài xâm nhập ngược vào hệ thống thoát thải gia đình và công cộng; Hệ thống thiết bị nạo vét bùn thải cống và hố ga thoát nước của tác giả Hoàng Đức Thảo (Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị Bà rịa – Vũng tàu) cho phép cơ giới hóa việc thu gom bùn thải trong lòng cống giữa hai hố ga của đoạn cống thoát nước cần nạo vét. Ngoài ra, Hệ thống giám sát mưa và ngập từ xa của Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống giới thiệu, chào bán tại đây cho phép ghi nhận và thu thập dữ liệu chính xác, giúp kiểm soát các điểm ngập, chủ động điều tiết, giảm nạn ùn tắc giao thông, ngập lụt, đồng thời là cơ sở cho các nhà quản lý đô thị thiết kế, cải tạo hệ thống thoát nước, góp phần giảm ngập tình trạng ngập lụt.

Bên cạnh việc triển khai mạnh mẽ Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của các cơ quan quản lý tại TP.HCM (cải tạo 6.000 km cống ngầm thoát nước, xây dựng cống ngăn triều Mương Chuối, xây dựng hố điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản,…), sự nỗ lực của các nhà khoa học trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng và tắc nghẽn đường cống sẽ góp phần giảm thiểu những khó khăn của cư dân đô thị trong mùa mưa lũ, cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân vệ sinh tại TP.HCM cũng như các đô thị lớn trên cả nước.