SpStinet - vwpChiTiet

 

Hành xử thế nào với các “Công nghệ mới không patent”


 

Công nghệ mới không patent là thuật ngữ mà chúng ta đã sử dụng trong loạt bài “Vận dụng một số quy tắc vận hành “Thị trường patent” vào “Thị trường công nghệ” sơ khai của Việt Nam”, gồm 6 bài từ STINFO 6/2016 đến bài này.

Mục tiêu cần tiến tới trong khoảng vài chục năm là phải làm cho thị trường công nghệ patent phát triển ở nước ta. Chỉ có như vậy chúng ta mới nói được về “Hiện đại hóa”. Một trong những giải pháp quan trọng để tiến tới mục tiêu đó là phát triển nhanh thị trường công nghệ nội địa, mà hiện nay, hàng hóa chính mới chỉ là các công nghệ mới không patent. Dần dần, các công nghệ mới không patent sẽ nhường chỗ cho các công nghệ patent.

Để phát triển nhanh thị trường công nghệ nội địa với hàng hóa chính còn là các công nghệ mới không patent thì rất nhiều vấn đề ở cấp quốc gia cần tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trực tiếp giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao là điều rất quan trọng, giúp khơi thông dòng chuyển giao công nghệ giữa các đối tác trong nước.

Hai vấn đề quan trọng hàng đầu cần hiểu rõ và giải quyết thật tốt trong chuyển giao các công nghệ mới không patent là:

   1. Trách nhiệm tài chính đôi bên ra sao?

   2. Trách nhiệm hợp tác, cùng nuôi dưỡng công nghệ của đôi bên ra sao?

Trong 5 bài trước, chúng ta đã làm rõ 2 mối quan hệ trên cho thị trường các công nghệ patent. Những mối quan hệ đó rất khác so với những mối quan hệ giữa bên mua và bên bán những công nghệ đã thương mại hóa.

Cho đến nay, chúng ta hành xử với các công nghệ mới không patent giống như với các CNĐTMH. Điều này hoàn toàn không hợp lý. Nếu có dịp khảo sát những hợp đồng chuyển giao công nghệ trong nước, ta thấy cũng không khác gì so với mua một công nghệ đã thương mại hóa từ bên ngoài. Để dễ hình dung, xin nêu một thí dụ như sau:

Giả sử một Viện nghiên cứu A có công nghệ X, có dự định chuyển giao cho doanh nghiệp B.

Hiện nay, B vẫn đang sản xuất – kinh doanh, với thu nhập (tức lãi) trong 10 năm tới là khoảng 15 tỷ (thu nhập được chiết khấu về hiện tại). Hai bên nhất trí sẽ thử nghiệm công nghệ X trong 2 năm. Trong 2 năm đó, doanh nghiệp B sẽ vận hành công nghệ được thiết lập tại Viện A, không tính hao phí công nghệ, mà doanh nghiệp B chỉ phải trả hao phí điện nước, phí mặt bằng nội bộ mà Viện nghiên cứu A đang thành toán. Các chuyên gia kỹ thuật và thị trường của Viện nghiên cứu A sẽ làm việc cùng doanh nghiệp B để kiểm tra năng lực của công nghệ, chất lượng sản phẩm làm ra và đánh giá sự tiếp nhận của thị trường đối với những sản phẩm đó. Có thể nói, trong thực tiễn chuyển giao công nghệ nội địa, chưa bao giờ có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên được đặt ra như vậy. Đây là vấn đề mà các bên chuyển giao công nghệ cũng như các cơ quan quản lý cần biết và vận dụng trong thực tế.


Máy bay trực thăng do kỹ sư Bùi Hiển sáng chế.


Về mặt kinh tế, có thể có các số liệu và tính toán như sau:

Khi khai thác X trong năm thử nghiệm thứ 2 (hai bên cùng hợp lực) doanh nghiệp đạt thu nhập là 5 tỷ. Với một vài giả thiết về thị trường và sau kết quả khá tốt của năm thử nghiệm thứ 2, hai bên ước tính được rằng nếu khai thác X trong 10 năm, doanh nghiệp B có thể có thu nhập (chiết khấu về hiện tại) là khoảng 21 tỷ, nghĩa là thu nhập của doanh nghiệp B sẽ tăng thêm 6 tỷ nếu so với trường hợp doanh nghiệp không có công nghệ X. Với kết quả thử nghiệm và tính toán đó, hai bên nhất trí chuyển giao thực sự công nghệ X.

Tương tự thí dụ trong bài “Tính phí bản quyền khi chuyển giao công nghệ patent” (STINFO 8/2016) ta có thể tính ra được “Phí bản quyền” sẽ là khoảng 1,5 tỷ. Bên B sẽ trả dần từ năm thứ nhất sau 2 năm thử nghiệm.

Tương tự thí dụ trong bài “Tính phí trả trước khi chuyển giao công nghệ patent” (STINFO 9/2016) ta có thể tính ra được “Phí trả trước U(X)” (để có 2 năm thử nghiệm với sự hợp tác chặt chẽ của đôi bên, như mô tả trên) sẽ là khoảng 35 triệu. Bên B trả khoản này trước khi tiến hành các thử nghiệm với sự hỗ trợ như nêu trên của Viện nghiên cứu A.

Từ những thảo luận trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận định và nguyên tắc nên vận dụng trong chuyển giao công nghệ mới không patent, hàng hóa chủ yếu của thị trường công nghệ hiện nay của nước ta như sau:

   1. Các công nghệ mới không patent là các công nghệ nói chung chưa thưuơng mại hóa. Phần lớn chúng còn trong các phòng thí nghiệm, hoặc may mắn hơn là chập chững ở ngưỡng cửa từ phòng thí nghiệm bước ra thực tiễn sản xuất. Chúng thường là rất bất định, cả về mặt công nghệ và thị trường, thậm chí còn bất định cao hơn cả các công nghệ patent. Vì vậy, việc phải vượt qua những cách suy nghĩ và hành xử quen thuộc trong mua – bán các công nghệ đã thương mại hóa, chủ động và mạnh dạn sử dụng một số nguyên tắc vận hành thị trường công nghệ patent cho thị trường các công nghệ mới không patent, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tính bất định của công nghệ.

    2. Bài toán định giá công nghệ với các công nghệ mới không patent phức tạp hơn bài toán này cho các công nghệ đã thương mại hóa. Như loạt bài trước của bài này, chúng ta thấy rõ 2 bài toán cần giải khi định giá các công nghệ mới không patent là tính “Phí bản quyền” và tính “Phí trả trước”. Với các công nghệ đã thương mại hóa thì chỉ có một bài toán tương đương bài toán tính “Phí bản quyền”. Các chuyên gia về định giá công nghệ, ngoài 3 phương pháp cơ bản về định giá công nghệ thì còn cần nắm vững các phương pháp giải bài toán tính “Phí trả trước” khi chuyển giao công nghệ.

   3. Vấn đề đặc biệt quan trọng là mối quan hệ giữa hai bên, “bên chuyển giao – licensor” (hay là bên bán khi nói về các công nghệ đã thương mại hóa) với “bên nhận chuyển giao – licensee” (hay là bên mua khi nói về các công nghệ đã thương mại hóa) trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ rất khác nhau khi công nghệ được chuyển giao là công nghệ đã thương mại hóa hay công nghệ mới không patent. Khi chuyển giao công nghệ mới không patent thì lisensor và lisensee có thể ví như cha và mẹ của công nghệ mới không patent được chuyển giao. Họ cùng phải nuôi cho nó lớn lên và từ đó cùng thu lợi. Chữ “chuyển giao” chúng ta dùng thực sự chưa nói hết vai trò của sự hợp tác này, mà có lẽ chỉ đủ khi nói về các công nghệ đã thương mại hóa.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, các quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ của Nhà nước có thể nên xem xét việc hỗ trợ phần “Phí trả trước” cho 2 bên chuyển giao, coi đó là kinh phí mồi cho sự hoàn thiện công nghệ, nghiên cứu thị trường và tiến tới chuyển giao thành công.
 

TS. NGUYỄN TRỌNG, STINFO số 11&12/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả