SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu sáng chế liên quan đến sâm

Các chiết phẩm có nguồn gốc thực vật đã được biết đến và sử dụng từ rất lâu. Đến nay, các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm tòi sáng tạo ra các phương pháp để thu được các chất chiết hữu ích.

CHIẾT PHẨM TỪ NHÂN SÂM (Panax Ginseng)
Số bằng sáng chế 1-0007520; ngày cấp: 09/02/2009 tại Việt Nam; tác giả: Kim Donghyun, Ryu Jonghoon, Pierre, Myung Joo, Choo Min Kyung, Park Eun Kyung, Bae Eun Ah; chủ sở hữu: Kuan Industrial Co. Ltd.
Tên đầy đủ của sáng chế là “Sử dụng chiết phẩm từ nhân sâm đã được xử lý và saponin tách được từ chiết phấm này”. 
Thành phần hóa học của nhân sâm rất phong phú, hoạt chất chính của nhân sâm là hỗn hợp saponin, gọi chung là ginsenosid, được coi là một trong những dược liệu quý để điều trị một số bệnh hiểm nghèo, tăng cường thể lực. Sáng chế này đề cập đến cách  sử dụng mới của chiết phẩm từ nhân sâm. Theo đó, chiết phẩm nhân sâm thu được theo sáng chế này có hoạt tính bảo vệ tránh đột quỵ não hoặc hoạt tính điều trị bệnh đột quỵ não, vì thế rất có ích trong việc phòng ngừa hoặc điều trị bệnh đột quỵ não và các bệnh về não ở người và động vật.
Chiết phẩm thu được từ nhân sâm theo sáng chế này được tăng cường tác dụng dược lý nhờ xử lý bằng axit để tạo chuyển hóa sinh học cho nhân sâm trước khi chiết xuất. Quá trình chuyển hóa sinh học nhân sâm được thực hiện bởi quá trình lên men bằng vi khuẩn axit lactic và quá trình lên men bằng vi khuẩn đường ruột.

PHƯƠNG PHÁP SẢN XUẤT SINH KHỐI TẾ BÀO RỄ SÂM NGỌC LINH (Panax vietnamensis)
Số bằng sáng chế 1-0007523; ngày cấp: 11/02/2009 tại Việt Nam; tác giả: Lê Bách Quang, Hoàng Văn Lương, Nguyễn Văn Dự, Vũ Hà, Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Long, Vũ Bình Dương, Nguyễn Hoàng Ngân, Chử Văn Mến, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Tùng Linh, Đào Văn Đôn, Nguyễn Văn Thư, Sang Yo Byun; chủ sở hữu: Học Viện Quân Y (Việt Nam).
Sâm Ngọc Linh có tác dụng tăng lực, chống ôxy hóa, bảo vệ tế bào gan và có tác dụng chống viêm; được dùng làm thuốc chữa ung thư, thuốc kháng khuẩn, làm hương liệu… Sâm Ngọc Linh chỉ có mặt ở vùng đất độ cao 1.600m-2.000m so với mặt biển,  ở nước ta phân bố chủ yếu ở 2 bên sườn núi Ngọc Linh (thuộc 2 huyện Trà My, Quảng Nam và Đăk Tô, Kon Tum), là loại cây sinh trưởng chậm, hơn 6 năm mới có thể sử dụng được. Loại sâm này được đưa vào sách đỏ Việt Nam vì diện tích tự nhiên bị thu hẹp do khai thác quá mức và sinh thái tự nhiên ngày càng thay đổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của sâm. Sáng chế này đề xuất phương pháp sản xuất sinh khối tế bào rể sâm Ngọc Linh đã mở ra hướng sản xuất dược liệu quí từ sâm Ngọc Linh mà không phụ thuộc nhiều vào điều kiện môi trường và thời gian.
Phương pháp sản xuất sinh khối tế bào rễ sâm Ngọc Linh được nghiên cứu gồm việc nuôi cấy tạo sinh khối tế bào rễ sâm trong môi trường cấy phù hợp với đặc tính của tế bào sâm Ngọc Linh. Môi trường nuôi cấy tế bào rễ sâm là môi trường Murashige Skoog và môi trường Gamborg được bổ sung chất điều tiết sinh trưởng, kinetin, nước dừa và dịch chiết hoài sơn (củ mài). Việc bổ sung các dưỡng chất này làm cho tế bào phát triển tốt, dẫn đến kết quả thu được sinh khối tế bào rễ sâm Ngọc Linh nhiều hơn.
 
STINFO