SpStinet - vwpChiTiet

 

Hệ thống giám sát, cảnh báo chất lượng nước tự động cho nuôi trồng thủy sản

Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu hàng đầu. Trong vòng 20 năm qua ngành thủy sản luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 10-20% và hiện đang chiếm 4% GDP, 8% xuất khẩu của cả nước...

Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu hàng đầu. Trong vòng 20 năm qua ngành thủy sản luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 10-20% và hiện đang chiếm 4% GDP, 8% xuất khẩu của cả nước. Tuy phát triển mạnh, nhưng dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản cũng bùng phát ở nhiều nơi do môi trường ô nhiễm. Tại nhiều địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, tôm nuôi chết hàng loạt do dịch bệnh, phần nhiều có nguồn gốc từ ô nhiễm môi trường nước. 9 tháng đầu năm 2016, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã xuất hiện và lây lan tại một số địa phương thuộc tỉnh Cà Mau với tổng diện tích thiệt hại là 360,95ha (chiếm 3,66% tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp); chỉ riêng trong tháng 1/2017, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã có 88 ha tôm bị thiệt hại; vụ tôm đầu năm 2017, diện tích tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh lên đến hơn 262ha tôm sú và 200ha tôm thẻ chân trắng,... Các hiện tượng này diễn ra với tần suất, phạm vi và mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng, nguyên nhân chính đều liên quan đến chất lượng nguồn nước nuôi trồng. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp để hạn chế rủi ro cho người nuôi thủy sản. Trong đó, thực hiện tốt quản lý nguồn nước, tăng cường khả năng phát hiện kịp thời chất lượng nước trong khu vực ao nuôi, giảm thiểu các tác hại của môi trường nước đến vật nuôi là công việc cần phải đảm bảo.

Đồng hành cùng giải quyết những khó khăn của bà con nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, Sàn Giao dịch công nghệ - Techmart Daily (do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM quản lý và vận hành đã lựa chọn Hệ thống giám sát, cảnh báo chất lượng nước tự động cho ngành thủy sản, sản phẩm công nghệ của một thành viên tham gia Sàn Giao dịch công nghệ - Techmart Daily, để giới thiệu với bà con nông dân nuôi trồng thủy sản trong sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” năm 2017, diễn ra tại Trung tâm Triểm lãm Quốc tế TP. Cần Thơ trong thời gian vừa qua.

Hệ thống giám sát, cảnh báo chất lượng nước tự động cho phép người nuôi trồng thủy sản nắm chắc các thông số môi trường nuôi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày một cách nhanh chóng, chính xác nhờ các thiết bị di động thông minh, mà không cần phải hiện diện ngay tại khu vực nuôi trồng.

Hệ thống làm việc theo nguyên tắc: nước từ ao nuôi được bơm lên bồn chứa bố trí bên trong hệ thống, nơi có các đầu dò (tùy biến theo yêu cầu) tiến hành đo đạc các thông số như pH, nhiệt độ, oxy hòa tan (DO), khí độc (NO2, NH3, H2S...). Kết quả đo đạc được chuyển về Trung tâm xử lý và hiển thị các số liệu thực tế. Trung tâm xử lý có tích hợp phần mềm truyền dữ liệu, kết nối qua kênh thu - phát Wi-Fi (sử dụng 3G hoặc Internet).

Với phần mềm được cài đặt sẵn, người sử dụng có thể truy cập và xem thông tin về chất lượng nước nuôi trồng bất cứ thời điểm nào. Trong trường hợp khẩn cấp, khi kết quả đo vượt quá biên độ cài đặt (quá cao hoặc quá thấp so với ngưỡng chấp nhận), thông tin sẽ được gửi tức thì đến người nhận dưới dạng tin nhắn qua thiết bị cầm tay và báo còi ngay tại nơi đặt hệ thống. Ngoài ra, qua việc cho phép theo dõi hàm lượng oxy trong nước thường xuyên, hệ thống còn giúp người nuôi trồng thủy sản đưa ra những quyết định chính xác về khả năng gia tăng mật độ nuôi (nhằm giảm chi phí, tăng năng suất), thử nghiệm những phương pháp nuôi trồng mới.

Với hệ thống giám sát, cảnh báo chất lượng nước tự động, bức tranh quản lý, vận hành các trang trại nuôi trồng thủy sản trở nên sáng sủa hơn, không chỉ tiết giảm đáng kể chi phí nhân công mà còn giảm bớt sự vất vả cho bản thân những người tham gia vào quá trình nuôi trồng thủy sản.

Tải bài viết tại đây