SpStinet - vwpChiTiet

 

CASE: thương hiệu mạnh trong phân tích kiểm nghiệm


 

Với bề dày hoạt động trên 30 năm, Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP. HCM (CASE), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, được xem là một trong những đơn vị có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của ngành phân tích thí nghiệm tại TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung.
 

 

Thế mạnh khác biệt
 

Thành lập năm 1985 trong chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật giữa hai chính phủ Việt Nam – Pháp, đến nay, CASE đã trở thành đơn vị khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xác định được chỗ đứng vững chắc trong ngành phân tích thí nghiệm. Lĩnh vực hoạt động của CASE gồm: phân tích kiểm nghiệm hợp chuẩn hợp quy, xác nhận chất lượng, hiệu chuẩn, bảo trì, sửa chữa thiết bị phân tích, tư vấn, nghiên cứu, đào tạo và các dịch vụ khác có liên quan. Trong đó, thế mạnh của CASE là cung cấp dịch vụ về phân tích kiểm nghiệm.

 


Phòng R&D được trang bị máy HRGC/HRMS độ phân giải cao,
chuyên phân tích mẫu dioxin.
Ảnh: VN.

 

Với phương châm đi đầu trong nghiên cứu các phương pháp phân tích mới, chú trọng các tiêu điểm của xã hội về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, đồng thời rút ngắn thời gian phân tích đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp, CASE đã tạo được thế mạnh khác biệt.


Thế mạnh này hình thành từ sự đầu tư bài bản về nhân lực lẫn vật lực. CASE rất chú trọng yếu tố nguồn nhân lực, đội ngũ các nhà khoa học và nhân viên giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề đang làm việc tại CASE lên đến hơn 170 người, thường xuyên được CASE cử tham dự các khóa học về quản lý và chuyên môn ở trong nước cũng như nước ngoài (Hà Lan, Nhật, Anh, Mỹ, Đài Loan, Singapore,...). CASE cũng đầu tư những hệ thống máy móc thiết bị chuyên dụng, hiện đại như máy phân tích dioxin độ phân giải cao (HRGC-HRMS); hệ thống thiết bị sắc ký (máy sắc ký lỏng - HPLC - UPLC, sắc ký Ion – IC, sắc ký lỏng ghép khối phổ - LC/MS/MS, sắc ký khí – GC, sắc ký khí ghép khối phổ GC/MS/MS); các hệ thống phân tích kim loại (ICP, LC/ICP/MS, AAS); thiết bị nhiễu xạ tia X (XRD); máy phát xạ huỳnh quang tia X (XRF); thiết bị tự động phân tích thủy ngân trực tiếp, chuẩn độ điện thế, phân tích nitơ; thiết bị phân tích môi trường; thiết bị phân tích vi sinh,… cùng các phương pháp kiểm nghiệm đã được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế (FAO, AOAC, ISO, ASTM, AFNOR,…). Nhờ vậy, CASE đã được tổ chức Vilas đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn yêu cầu về năng lực phòng thí nghiệm hiệu chuẩn theo TCVN ISO/IEC 17025:2007 (ISO/IEC 17025:2005) và được nhiều doanh nghiệp trên cả nước biết đến là một đơn vị uy tín, chuyên phân tích kiểm nghiệm hóa lý, vi sinh trên các lĩnh vực thủy hải sản; nông sản thực phẩm; thực phẩm chế biến; mỹ phẩm, dược phẩm; sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ; tài nguyên, môi trường; nguyên - vật liệu đầu vào của các quy trình sản xuất…

Ngoài ra, CASE còn cung cấp dịch vụ phân tích kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm, có khả năng tìm được nguyên nhân các vụ ngộ độc hóa chất do dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, thuốc diệt chuột, dioxin,… có trong các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân như máu, huyết thanh, nước tiểu, tóc, dịch dạ dày,… Năm 2015, CASE đã phân tích hơn 1.800 chỉ tiêu trong các mẫu bệnh phẩm cho 57 bệnh viện tại TP. HCM, Ninh Thuận trong việc tìm ra nguyên nhân các vụ ngộ độc do hóa chất thông qua dịch vụ này.



Không gian làm việc của Phòng Sắc ký, nơi được trang bị nhiều máy móc,
thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu phân tích nhanh, chính xác.
Ảnh: VN.

 

Với tiềm lực của mình, CASE thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan để phục vụ công tác kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa (nông lâm hải sản, hóa chất, dược phẩm,…). Qua đó, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong các vấn đề như theo dõi tình hình biến động một số chỉ tiêu là tiêu điểm của xã hội về các lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, môi trường, sức khỏe cộng đồng. Ví dụ, gần đây, CASE đã xây dựng thành công quy trình phân tích nhanh chất Vàng ô (Auramine O) bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép khối phổ 2 lần (LC/MS/MS). Đây là phương pháp có độ chính xác, độ nhạy cao, thường được các tổ chức quốc tế dùng để phân tích các hóa chất độc hại nhóm A (vốn bị cấm trong thực phẩm). Vàng ô được CASE phân tích phát hiện từ các mẫu thức ăn gia súc, măng tươi, măng đã qua chế biến. Việc xây dựng được quy trình phân tích nhanh có ý nghĩa quan trọng, bởi trong thời gian ngắn, có thể cho ra kết quả chính xác cao, phù hợp cho công tác thanh kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng trong thời điểm thực phẩm “bẩn” đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, CASE cũng đang triển khai nghiên cứu phân tích và đưa ra cảnh báo cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát chất cấm thuộc nhóm chất kích thích tăng trưởng, kiểm soát chất cấm - hóa chất tạo mùi trong cà phê,… CASE cũng thực hiện báo cáo cho Trung tâm Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFI) các mẫu nhiễm, nghi ngờ nhiễm có mã kiểm soát của NAFI về dư lượng kháng sinh, kim loại nặng, phụ gia trong các mẫu nguyên liệu và sản phẩm thủy hải sản chế biến xuất khẩu, lên đến hơn 15.000 chỉ tiêu/năm.


Đặc biệt, trong lĩnh vực kiểm nghiệm mặt hàng thủy sản xuất khẩu, để nâng cao giá trị sản phẩm cho các doanh nghiệp, CASE đã tìm ra phương pháp định lượng những chỉ tiêu mới theo yêu cầu nghiêm ngặt của các tiêu chuẩn quốc tế, như chỉ tiêu Trifluralin (giới hạn phát hiện MDL của CASE là 0,3 ppb, đáp ứng tốt tiêu chuẩn về giới hạn tối đa dư lượng – MPRL của Nhật là 1,0 ppb, của châu Âu là 10 ppb), Chloramphenicol (MDL của CASE là 0,05 ppb so với tiêu chuẩn MPRL của châu Âu là 0,3 ppb), Nitrofuran (MDL của CASE là 0,1 ppb so với tiêu chuẩn MPRL của châu Âu là 1,0 ppb)… Phát huy thế mạnh trong phân tích, kiểm nghiệm các sản phẩm thủy sản, với hệ thống máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, hiện nay CASE có thể phân tích được hàng trăm chất có trong môi trường nuôi trồng và các sản phẩm thủy sản, với thời gian chỉ từ 4 đến 5 ngày có thể cho ra kết quả phân tích chính xác, bảo đảm kịp thời cho các doanh nghiệp đưa mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

 


Khẳng định vị thế và phát triển thương hiệu
 

Theo bà Chu Vân Hải (Giám đốc CASE), lợi thế làm nên thương hiệu CASE được khẳng định từ sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng. CASE hiện đang có gần 3.300 khách hàng là các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tư nhân, bệnh viện, trường học,… đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra còn có các khách hàng quốc tế ở Campuchia, Trung Quốc, Pháp, Philippine, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản,… Tập thể CASE đang nỗ lực phát triển thương hiệu bằng việc xây dựng và theo đuổi văn hóa doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, xây dựng niềm tin với khách hàng bằng sự tận tâm – chính xác – uy tín.



Thực hiện phân tích mẫu với hệ thống thiết bị sắc ký tại Phòng Sắc ký.
Ảnh: VN.
 

Để đáp ứng nhu cầu hoạt động ngày càng mở rộng, bên cạnh chi nhánh tại Cần Thơ đã đi vào hoạt động ổn định từ tháng 3/2010 (với doanh thu tăng gấp 2 lần hàng năm), CASE đang tiến hành xây dựng dự án Phòng thí nghiệm chất lượng cao tại TP. HCM. Dự án đã được UBND TP. HCM duyệt với tổng vốn đầu tư 87,4 tỷ đồng và sắp được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, từ tháng 10/2015, CASE đã đưa vào hoạt động văn phòng đại diện tại thành phố Nha Trang, đồng hành cùng doanh nghiệp Khánh Hòa và các khu vực lân cận trong việc nâng cao chất lượng thủy sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là một dấu ấn cho bước phát triển mới, khẳng định vị thế và thương hiệu của CASE.


Với năng lực và uy tín hình thành trong hoạt động thực tiễn, CASE đã được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chỉ định là một trong hai đơn vị được phép phân tích các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản; Bộ NN&PTNT chỉ định là Tổ chức chứng nhận hợp quy ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; IAQA (Cơ quan kiểm dịch nông nghiệp Indonesia) công nhận là phòng thử nghiệm thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia; Cục Chăn nuôi chỉ định là Tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm xuất khẩu, nhập khẩu,… Hàng năm, CASE thực hiện khoảng 2.000 hồ sơ, xác nhận chất lượng cho hơn 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (chiếm khoảng 10% lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam) với trị giá hàng hóa lên đến hơn 400 triệu USD.



Máy sắc ký lỏng ghép khối phổ (LC/MS), một trong những thiết bị hiện đại được CASE đầu tư giúp giải quyết vấn đề khó cho khách hàng như phân tích dư lượng kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc trừ sâu torng thực phẩm, phẩm màu độc hại,…
Ảnh: VN.

 

Về định hướng phát triển sắp tới, ông Lê Thành Thọ (Phó giám đốc CASE) cho biết, với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, CASE phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp KH&CN uy tín hàng đầu tại Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực kiểm nghiệm, giám định, chứng nhận sản phẩm hàng hóa và các lĩnh vực chuyên môn khác có liên quan. Bên cạnh đó, CASE sẽ tiếp tục phát huy những thuận lợi, thế mạnh vốn có; mở rộng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị trong ngành, hợp tác quốc tế và song phương; tiến tới mở rộng thị phần tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc và các nước trong khu vực; duy trì và phát triển phòng thử nghiệm, các phương pháp thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế, áp dụng hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean production), hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015,… nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập.


VÂN NGUYỄN, STINFO số 7/2016

Tải bài này về tại đây.