SpStinet - vwpChiTiet

 

Thị trường bán lẻ Việt Nam

Vài nét về thị trường bán lẻ thế giới

Hàng năm, Tập đoàn Tư vấn thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trong đó xếp hạng 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, dựa trên cơ sở điều tra, khảo sát các nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới. Năm 2008, Việt Nam đã soán ngôi số một của Ấn Độ để trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trong số các thị trường mới nổi, rồi tụt xuống vị trí thứ 6 năm 2009, năm 2010 đứng thứ 14, năm 2011 xuống vị trí 23, và năm 2012, Việt Nam không ở trong bảng xếp hạng Top 30, có phải thị trường bán lẻ Việt Nam không còn hấp dẫn nữa?.

 
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tăng đều mỗi năm, năm 2000 đạt 220,4 ngàn tỷ đồng, đến năm 2010 tăng gấp 7,1 lần, đạt 1.561,6 ngàn tỷ đồng (BĐ1). Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, từ các siêu thị, trung tâm thương mại rộng lớn, hiện đại đến các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, cả các gánh hàng rong khắp phố phường đã tạo nên bộ mặt đa dạng và gần như phát triển hoàn toàn tự do không theo quy hoạch của thương nghiệp Việt Nam. Hiện nay cả nước có hơn 630 siêu thị và 110 trung tâm thương mại, hơn 2.000 cửa hàng tiện ích và 2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Có lẽ không có nước nào người dân được bán hàng tận tay như ở Việt Nam.


Bán lẻ hiện đại trên đà phát triển
 

So với các nước lân cận, thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa đến 20% thị trường bán lẻ và ít cạnh tranh (BĐ 2). Thêm vào đó, gần 90 triệu dân và là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam hứa hẹn tiềm năng phát triển rất lớn và hấp dẫn đối với các nhà phân phối tổng hợp lẫn chuyên ngành dù không nằm top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn do A.T. Kearney xếp hạng.

 


Các doanh nghiệp trong nước chiếm phần lớn thị trường bán lẻ Việt Nam (BĐ 3). Hệ thống kinh doanh tổng hợp có SaigonCoop, SatraMart, Hapromart…, chuyên doanh có SJC, Petrolimex, Fahasa, PNJ…, điện tử-điện máy có Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Việt Long, Trần Anh, …và mạng lưới phân phối bán lẻ của các nhà sản xuất: Vinamilk, Vissan, Việt Tiến, Nhà Bè, Vina Giầy, Bitis…


Mở cửa cho các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài từ đầu năm 2009, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút được các nhà phân phối “khổng lồ” thế giới. Một số nhà phân phối hàng đầu thế giới như Metro Cash & Carry (Đức), Casino Group (Pháp) - Big C, Lion Group (Malaysia) - Parkson, Lotte Mart (Hàn Quốc), Zen Plaza, Family Mart, Ministop (Nhật), … đã có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố lớn ở nước ta. Nhiều tên tuổi khác đang nghiên cứu để nhảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam như Tesco (Anh), Wal-Mart (Mỹ), Carrefour (Pháp), FairPrice (Singapore)….
 

Năm 2012, theo bình chọn của Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia Magazine), 10 đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam được ghi nhận là những tên tuổi quen thuộc là Saigon Co.op, Công ty Vàng bạc đá quý TP.HCM - SJC, Công ty Cổ phần Phát hành Sách TP.HCM - FAHASA, Hệ thống Siêu thị Big C, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, Nguyễn Kim, Parkson, Thế giới Di động, TCT Group (Fivimart - Nhà đẹp).

 

Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay
 

Người Việt thường chọn nơi mua hàng theo thói quen, gần nhà hay tiện đường đi, đôi khi chẳng cần quan tâm đến giá cả, chất lượng dịch vụ, mẫu mã sản phẩm và thường có khuynh hướng trung thành với nhãn hàng yêu thích. Để chống chọi với bão giá hiện nay, họ có thể mua với số lượng ít đi hoặc bao gói lớn hơn tùy loại sản phẩm. Ví dụ như nước uống có gas, 72% người tiêu dùng cho biết sẽ chọn mua cùng nhãn hiệu nhưng mua ít hơn, các sản phẩm từ sữa có 61% sẽ chọn mua nhãn hiệu khác phù hợp với túi tiền hay các sản phẩm trong ngành thực phẩm, vệ sinh nhà cửa, chăm sóc thân thể có xu hướng chọn mua gói lớn hơn như các sản phẩm giặt tẩy, nước mắm, bột ngọt… (BĐ 4, BĐ 5)


Tận dụng ưu thế bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng và uy tín của hệ thống phân phối, các nhà phân phối lẻ đang chú tâm xây dựng các nhãn hàng riêng của mình và giá bán các sản phẩm thường rẻ hơn từ 15 đến 30% sản phẩm của doanh nghiệp.


Nhiều người chen nhau, không ngại nắng nóng xếp hàng chờ mua hàng khuyến mãi.

 

Khuyến mãi gần như là “tuyệt chiêu” được các nhà phân phối sử dụng tối đa để thu hút khách hàng. Hơn phân nửa người tiêu dùng hiếm khi thay đổi địa điểm mua sắm nhưng lại tích cực săn lùng hàng khuyến mãi (BĐ 7).

Thói quen tiêu dùng và hệ thống bán lẻ truyền thống vừa là trở ngại, vừa là cơ hội cho các hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam. Hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá rẻ, cung cách phục vụ là ưu thế để các điểm bán lẻ hiện đại thu hút khách mua hàng.
 

Dù kinh tế có nhiều khó khăn nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là chi cho giáo dục, y tế và thực phẩm. Thị trường bán lẻ với gần 90 triệu dân chắc chắn vẫn còn rất hấp dẫn.

 

Vũ Trung, STINFO Số 10/2012


Xem thêm:
Vài nét về thị trường bán lẻ thế giới
Năm 2012, dù kinh tế chưa khởi sắc, nhưng thị trường bán lẻ thế giới vẫn có xu hướng phát triển, nổi bật là các nước châu Mỹ La Tinh với 7 quốc gia trong Top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn do A.T Kearney xếp hạng.

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả