SpStinet - vwpChiTiet

 

Biến giấy vụn thành tiền

Tiết kiệm và giữ xanh trái đất bằng tái chế giấy

Giấy có từ lâu đời, ngành công nghiệp giấy luôn phát triển song hành với phát triển đời sống con người. Có rất nhiều loại giấy tùy theo công dụng, các loại chủ yếu như: giấy in/viết, giấy in báo, giấy bao bì, giấy tissue, giấy vàng mã… Giấy bao bì là loại được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trong các loại giấy trên thế giới, từ 60 triệu tấn năm 1990 lên đến 95 triệu tấn năm 2000 và ước đến 176 triệu tấn năm 2015. Trong 10 năm qua, nhu cầu bao bì toàn cầu tăng bình quân 4%/năm. Dự báo đến năm 2015 nhu cầu giấy bao bì sẽ tăng 27% so với năm 2010 trên toàn cầu. Trung Quốc là nước có mức tiêu thụ giấy tăng cao nhất, trên 100 triệu tấn vào năm 2015, kế đến là Mỹ. (BĐ1 và BĐ2,bảng 1)

Nhu cầu tiêu dùng giấy tăng cao, nguồn nguyên liệu giấy luôn là bài toán phải giải. Thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng để tạo nguồn nguyên liệu sản xuất giấy thì hệ thống sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học, môi trường sống muôn thú sẽ bị phá hủy, nên giải pháp cho nguyên liệu giấy được áp dụng tại nhiều nước và là xu thế tất yếu của phát triển bền vững là tái sử dụng giấy.

Cần khoảng 2,2 đến 4,4 tấn gỗ để sản xuất một tấn bột giấy. Với giấy đã qua sử dụng, chỉ cần 1,4 tấn có thể tạo ra 1 tấn bột giấy tái chế. Mỗi tấn giấy tái chế sẽ giúp tiết kiệm 24 cây rừng tự nhiên, gần 4.000 kWh điện đủ dùng cho cả một căn nhà 3 phòng ngủ trong 1 năm, 605 lít dầu thô, gần 40 ngàn lít nước, hạn chế một lượng khí CO2 tương đương với lượng khí thải của 1 chiếc ô tô trong 6 tuần (Bảng 2 và 3). Giấy từ bột nguyên thủy có thể tái chế được 6 lần. Bột giấy tái chế tuy chất lượng kém hơn bột nguyên thủy nhưng nhược điểm này có thể khắc phục được phần nào nhờ công nghệ.

Tái chế giấy mang lại nhiều lợi ích nên được nhiều nước chú trọng, từ tổ chức thu gom đến nghiên cứu công nghệ tái chế. Công nghiệp tái chế giấy phát triển mạnh trên thế giới. Bột gỗ dùng sản xuất bao bì đã giảm rất nhanh, năm 1990 sử dụng 53% bột gỗ, năm 2010 giảm còn 28% và dự báo đến 2020 bột gỗ sử dụng chỉ còn 19%, ngược lại, sử dụng bột giấy tái chế để sản xuất bao bì lại tăng mạnh: 44% năm 1990, tăng lên 72 % năm 2010 và 81% năm 2020 (BĐ3).

Càng phát triển càng chú trọng thu hồi giấy vụn

Dân ở nước các phát triển sử dụng rất nhiều giấy. Năm 2010, trung bình sử dụng giấy trên thế giới là 57 kg/người/năm, nhiều nhất là dân Bắc Mỹ tiêu thụ đến 234,8 kg/người/năm, các nước thuộc EU: 142 kg/người/năm, thấp nhất là các nước châu Phi 7,8 kg/người/năm. Tiêu thụ rất nhiều giấy, đồng thời các nước phát triển cũng là những nước tổ chức thu gom giấy vụn rất tốt. Năm 2009 tỉ lệ tái chế giấy ở châu Âu lên đến 72,2%, lượng giấy thu hồi để tái chế là 58 triệu tấn, trong đó 20,8% được xuất khẩu tái chế ở các nước khác (BĐ4).

Châu Á có lượng giấy thu hồi nhiều và là vùng có năng lực tái chế giấy cao nhất, chiếm đến 87% năng lực sản xuất (BĐ5), nhưng không phải là châu lục thu hồi giấy tốt nhất (trừ Nhật Bản và Philippines có tỉ lệ thu hồi giấy lần lượt là: 74% và 44%). Các nước đứng đầu trên thế giới về lượng giấy thu hồi và tiêu thụ giấy tái chế là Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức (Bảng 4 ). Có thể thấy vấn đề thu hồi giấy và sử dụng giấy tái chế rất được các nước phát triển quan tâm và tỉ lệ thu hồi giấy đều tăng cao hơn qua mỗi năm (BĐ6).

Bài toán làm thế nào để thu hồi giấy tối đa và tái sử dụng giấy một cách có hiệu quả luôn được đặt ra. Trách nhiệm tìm lời giải tối ưu và thích hợp với hoàn cảnh mỗi nước trong từng thời kỳ ở các nhà quản lý và doanh nghiệp sản xuất giấy.

 Anh Tùng, STINFO Số 9/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả