SpStinet - vwpChiTiet

 

Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học


Ngày 16/5/2017, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức Tọa đàm “Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, cao đẳng: Thực trạng và giải pháp”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
 

Báo cáo của PGS. TS. Lê Thị Nam Giang (Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Đại học Luật TP. HCM) cho thấy, hiện nay nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) chưa xây dựng được bộ phận, cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ (SHTT). Vì vậy, công tác tư vấn cho nhà trường và các nhà khoa học trong việc xác định các đối tượng SHTT từ kết quả nghiên cứu có thể được bảo hộ chưa được thực hiện tốt. Ngoài ra, nhiều giảng viên chưa được trang bị tốt kiến thức về SHTT, dẫn đến hệ lụy là nhiều TSTT chưa được xác lập quyền SHTT hoặc chưa có được phương án tối ưu trong xác lập quyền; số lượng TSTT được xác lập quyền từ hoạt động nghiên cứu chưa tương xứng với kết quả nghiên cứu, tiềm năng ở các trường đại học; việc khai thác thương mại từ quyền SHTT chưa cao, vấn đề quản trị TSTT chưa được coi trọng. Do đó, mỗi trường ĐH-CĐ nên thành lập trung tâm, bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về lĩnh vực SHTT, tùy thuộc vào TSTT mà trường đang có và chính sách thương mại hóa của nhà trường. Đại học Luật TP.HCM đã thành lập Trung tâm SHTT, do bên cạnh việc phục vụ công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu, nhà trường còn hướng tới phục vụ xã hội như cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo,… Đối với các trường không khai thác thương mại từ TSTT thì chỉ cần thành lập bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về SHTT. Bên cạnh đó, quy chế quản lý về SHTT cần được các trường xây dựng và ban hành các quy định theo thẩm quyền, nhằm ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền cũng như đề ra các chế tài đối với loại hành vi này; đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền về pháp luật SHTT.
 


Bà Lê Thị Nam Giang trình bày về thực trạng hoạt động
quản trị TSTT tại trường ĐH - CĐ.
Ảnh: LV.

 

Theo bà Hoàng Tố Như (Phó Trưởng phòng SHTT, Sở KH&CN TP. HCM), trên địa bàn TP. HCM có 48 trường đại học, 26 trường cao đẳng. Trong hoạt động của các trường ĐH-CĐ như đào tạo, nghiên cứu, xuất bản, phát hành các ấn phẩm khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học,... sẽ phát sinh TSTT. Tuy nhiên, thực tế các trường hiện nay vẫn rất loay hoay với việc làm thế nào để đăng ký quyền SHTT, xác lập chủ thể sở hữu các TSTT nói trên.


Để thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, TSTT và gắn kết giữa các trường ĐH-CĐ, viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp, theo bà Tố Như, nên thành lập doanh nghiệp trong các trường ĐH-CĐ; hoặc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp trong các trường ĐH-CĐ thành doanh nghiệp (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp); cho phép giảng viên trong các trường ĐH-CĐ, viện nghiên cứu được phép thành lập doanh nghiệp hay trực tiếp tham gia hội đồng quản trị của các doanh nghiệp được thành lập trong chính các trường, viện tương ứng.
 


Bà Hoàng Tố Như trao đổi tại buổi tọa đàm.
Ảnh: LV.
 

Một số đại diện các trường ĐH-CĐ tại buổi tọa đàm cũng cho rằng cần thành lập các doanh nghiệp trong trường ĐH-CĐ để thực hiện việc thương mại hóa, chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được bảo hộ quyền SHTT.
 

Ông Nguyễn Văn Bảy (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục SHTT) cho rằng, các trường ĐH-CĐ và viện nghiên cứu là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động sáng tạo, kinh doanh; nơi tạo ra, quản lý và chuyển giao các đối tượng SHTT. Tuy nhiên, nhiều trường, viện còn bị vướng ở khâu đăng ký quyền SHTT do hiểu sai nhiều khái niệm, dẫn đến những sai sót khi đăng ký hồ sơ xin cấp quyền SHTT tại Cục SHTT. Do vậy, cần có lộ trình hợp lý giữa việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học và thời điểm tiến hành nộp đơn xin xác lập quyền SHTT liên quan đến công trình nghiên cứu. Về mô hình doanh nghiệp trong trường ĐH-CĐ, theo ông, có thể thành lập các doanh nghiệp “ươm tạo” kết quả nghiên cứu. Sau đó, chủ sở hữu doanh nghiệp có thể hình thành nguồn thu từ bán kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng.


Theo ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM), thực tế cho thấy công tác quản trị TSTT tại hầu hết trường, viện và trung tâm nghiên cứu trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, đã không ít lần xảy ra các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu TSTT không đáng có giữa nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Qua tọa đàm, Sở KH&CN TP. HCM mong muốn các trường, viện chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị, giải pháp giúp Sở KH&CN TP. HCM có thêm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động quản trị TSTT có hiệu quả hơn.


LAM VÂN, STINFO số 5/2017

Tải bài này về tại đây.