SpStinet - vwpChiTiet

 

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng

 

Ngày 04/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM kết hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức hội nghị “Gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp (DN) về việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng theo Thông tư 23/2015/TT–BKHCN (Thông tư 23)”. Thông tư 23 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, được Bộ KH&CN ban hành để thay thế Thông tư số 20/2014/TT–BKHCN (Thông tư 20).


Theo ông Đỗ Hoài Nam Vụ trưởng Vụ Thẩm định, Đánh giá và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN), Thông tư 23 thông thoáng hơn so với Thông tư 20, khi quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng tuổi thiết bị không quá 10 năm và được sản xuất phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hay Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc phù hợp với tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường (Thông tư 20 quy định dây chuyền, thiết bị cũ nhập khẩu về Việt Nam phải đảm bảo 2 điều kiện: thời gian sử dụng không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất và chất lượng còn lại trên 80%).


Thông tư này cũng xác định, trường hợp cần thiết, tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành quy định yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn mức trần là 10 năm nhưng phải thông báo cho Bộ KH&CN biết để thống nhất quản lý. Trường hợp đặc biệt, quy định về tuổi thiết bị cũng có thể được nới lỏng hơn, ví dụ như thiết bị đã qua sử dụng có tuổi quá 10 năm nhưng DN cần nhập khẩu, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành xem xét, quyết định. Các thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường thì không được phép nhập khẩu.



Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, Vụ Thẩm định, Đánh giá và giám định công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM trao đổi với các doanh nghiệp tại hội thảo. Ảnh: LV.


Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, một số nội dung của Thông tư 23 có thể gây khó khăn cho nhiều DN, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).


Theo ông Đỗ Phước Tống (Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh), thực tế hiện nay, có rất ít DN cơ khí đầu tư cho việc đổi mới thiết bị, mà đa phần là mua thêm các thiết bị đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn đảm bảo cho quá trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu phát triển DN. Nhiều DN khi bắt đầu sản xuất cũng đầu tư các thiết bị đã qua sử dụng nhưng vẫn còn giá trị sử dụng tốt, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng vì chưa có đủ nguồn lực tài chính, cũng như chưa có khả năng khai thác thiết bị mới một cách hiệu quả.


Cũng theo ông Tống, Thông tư 23 quy định chỉ được nhập máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ có tuổi thọ dưới 10 năm là chưa phù hợp với thực tế. Bởi ngoài những lĩnh vực đặc thù, hầu hết những thiết bị có tuổi thọ như vậy rất ít trên thị trường (chỉ chiếm 1%), do một số công ty phá sản bán ra và được DN ở nước sở tại mua hết, do còn sử dụng tốt. Chỉ các thiết bị có tuổi thọ trung bình từ 15-30 năm mới được các công ty lớn bán đi để đổi thiết bị mới. Vì thế, các loại thiết bị này chiếm đa số trên thị trường, và thực tế vẫn có thể sử dụng tốt do được sản xuất tại các quốc gia tiên tiến về kỹ thuật chế tạo máy công cụ. Các DNVVN chưa đủ điều kiện để mua thiết bị mới của các nước tiên tiến do giá quá cao, thiết bị dưới 10 năm tuổi thì ít và giá cũng khá cao. Nếu không mua được thiết bị đã qua sử dụng trên 10 năm, các DN phải mua thiết bị Trung Quốc chất lượng thấp, gây thiệt hại lớn cho DNVVN của Việt Nam.


Ông Trương Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty CP Máy công cụ và Thiết bị T.A.T) cũng cho rằng, tại Việt Nam, các DNVVN, nhất là trong lĩnh vực cơ khí gần như không có khả năng mua sắm thiết bị mới vì giá thành quá cao. Thông tư 23 có nhiều điểm đổi mới như bỏ qua quy định về giám định chất lượng phải đạt 80% mới cho nhập khẩu, thời hạn áp dụng dài,... Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét những trường hợp cụ thể để tránh làm khó cho DN.


Ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ, Thông tư 23 thể hiện chủ trương của Chính phủ về đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và tránh biến nước ta thành bãi rác thải công nghệ trên thế giới. Thời gian qua, Bộ KH&CN đã làm việc với nhiều bộ, ngành và DN ở nhiều lĩnh vực khác nhau để lấy ý kiến đóng góp về Thông tư 23. Vụ Thẩm định, Đánh giá và Giám định công nghệ sẽ tiếp thu và có những đề xuất lên Bộ KH&CN, Bộ Công Thương,... để có hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc một cách thấu đáo cho DN trên tinh thần hỗ trợ tối đa, trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

LAM VÂN, STINFO số 6/2016

Tải bài này về tại đây.