SpStinet - vwpChiTiet

 

Thị trường KH&CN: vẫn còn chập chững

 

Thời gian qua, dù đã có những tín hiệu tích cực, nhưng thị trường KH&CN ở Việt Nam vẫn còn đang chập chững những bước đi ban đầu, với lượng giao dịch còn hạn chế. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại các hội thảo gần đây do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP.1HCM như “Phát triển thị trường KH&CN” (tháng 11/2016), “Phát triển thị trường KH&CN khu vực phía Nam - từ thực tiễn của TP. HCM” (tháng 12/2016). 
 


Đã có những tín hiệu tích cực 
 

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển thị trường KH&CN đã được triển khai, đặc biệt tập trung vào các vấn đề về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, về định giá các kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ,…tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường KH&CN. Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 của quốc gia, bắt đầu triển khai năm 2015 đã có những tác động tích cực, tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả đối với đời sống kinh tế - xã hội. Theo đó, có 9 nhiệm vụ được phê duyệt năm 2015, 15 nhiệm vụ được phê duyệt năm 2016, tập trung vào các chủ đề và nội dung trọng tâm của hoạt động phát triển thị trường KH&CN, bao gồm nghiên cứu hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển các hoạt động của tổ chức trung gian, thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ,… , và cả các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.


Tiềm năng phát triển nguồn cung và cầu của thị trường KH&CN có nhiều khởi sắc. Tính đến hết năm 2015, cả nước có khoảng 2.800 doanh nghiệp KH&CN. Trong đó, 204 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN, 23 DN công nghệ cao, 400 DN đang hoạt động tại các khu công nghệ cao; 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ, 43 vườn ươm công nghệ và DN KH&CN.


Các hoạt động trung gian cũng tạo được hiệu ứng tích cực đối với thị trường KH&CN. Cả nước hiện có 8 sàn giao dịch công nghệ đang hoạt động. Một số sàn giao dịch công nghệ hoạt động khá hiệu quả như tại TP. HCM, Hải Phòng, Bắc Giang. Thông qua các sàn giao dịch công nghệ, giai đoạn 2011 – 2015 có khoảng 500 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết và thực hiện với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Các sự kiện nhằm kết nối cung – cầu, phát triển thị trường KH&CN được đầu tư triển khai thực hiện như: các sự kiện chợ công nghệ, thiết bị (Techmart), kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), ngày hội khởi nghiệp công nghệ (Techfest). Qua các kỳ Techmart và Techdemo, hơn 2.000 hợp đồng và biên bản được ghi nhớ và ký kết với tổng giá trị giao dịch hơn 3.400 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011 – 2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 2006 – 2010.


Từ năm 2012, tại TP. HCM, Sàn Giao dịch công nghệ được đưa vào hoạt động thử nghiệm với nhiệm vụ là đầu mối chuyển giao công nghệ (CGCN); tổ chức các hoạt động giao dịch, giới thiệu, tư vấn, kết nối, thương mại hóa kết quả NCKH; tập trung hỗ trợ DN đầu tư, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ,… Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN đã triển khai các hoạt động thử nghiệm của Sàn Giao dịch công nghệ TP. HCM kết hợp với các hoạt động thường xuyên của Trung tâm để phát triển thị trường KH&CN như tổ chức Techmart (thường xuyên, đa ngành, chuyên ngành, online); hội thảo giới thiệu công nghệ; báo cáo phân tích xu hướng công nghệ; tư vấn, kết nối CGCN,… nhằm góp phần đưa sản phẩm công nghệ ra thị trường. Thông qua các hoạt động này, trong năm 2016, Sàn Giao dịch công nghệ TP. HCM đã tiếp nhận 145 yêu cầu về công nghệ và thiết bị; đã xử lý, cung cấp thông tin cho hơn 80 DN có nhu cầu; kết nối tư vấn chuyên gia cho hơn 40 yêu cầu tìm hiểu sâu về ứng dụng công nghệ và đi đến ký kết thành công 7 hợp đồng CGCN, trị giá gần 8 tỷ đồng (một số dự án tiêu biểu như: dây chuyền thiết bị phân loại quả thanh long, thiết bị đóng thùng quả thanh long, nồi trộn gia nhiệt – kiểu nồi đứng, thiết bị sấy lạnh men vi sinh,…).


Thành phố cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nỗ lực triển khai các nội dung của Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 vào thực tiễn, mà trong đó, Quyết định số 2954/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP. HCM về Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN TP. HCM giai đoạn 2016 – 2020 được ban hành gần đây là một ví dụ. 



Trưng bày một số sản phẩm KH&CN tại hội thảo Phát triển thị trường KH&CN. Ảnh: LV.


Với trên 222 tổ chức KH&CN có nhiều thành tựu về nghiên cứu như chế tạo chip vi mạch, cảm biến, linh kiện bán dẫn, quang điện, vật liệu nano, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học,… đăng ký hoạt động trên địa bàn, Thành phố đã triển khai và đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ươm tạo DN, phát triển DN KH&CN,… qua đó đóng góp thêm cho quá trình hình thành và phát triển thị trường KH&CN.


Hội thảo Phát triển thị trường KH&CN được Bộ KH&CN tổ chức tại TP. HCM
ngày 14/11/2016.
Ảnh: LV.

 


Vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ
 

Dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng theo ông Phạm Đức Nghiệm (Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN), công tác phát triển thị trường KH&CN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu với thị trường, nhà khoa học với DN còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian chưa thể hiện tốt, chức năng kết nối cung cầu, tư vấn CGCN còn mờ nhạt. Hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp còn đang ở tình trạng tự phát, thiếu sự liên kết và chưa thực sự đủ mạnh để phát triển DN khởi nghiệp. Nguồn nhân lực và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN còn nhiều hạn chế, cả về số lượng và chất lượng. Thị trường KH&CN chủ yếu vẫn là mua bán máy móc, thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua bán công nghệ, bản quyền công nghệ. Bên cạnh đó, khung pháp luật cho thị trường KH&CN chưa được hình thành đầy đủ; hoạt động thương mại hóa công nghệ còn gặp nhiều khó khăn đến từ cả bên cung, bên cầu và cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước; việc hỗ trợ từ Nhà nước chưa nhiều nên DN chưa thực sự yên tâm đầu tư dài hạn cho công nghệ.


Ngoài ra, theo ông Chu Bá Long (Sở KH&CN TP. HCM), việc xác định giá trị hàng hóa của thị trường KH&CN hiện còn nhiều khó khăn; DN chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của đổi mới công nghệ, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ của các DN còn thấp; đa số các DN chưa có chiến lược phát triển hoặc chưa định hướng được phương thức – hướng đầu tư đổi mới công nghệ. Nguồn thông tin về thiết bị, công nghệ còn thiếu, gây khó cho việc xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ.


Ông Lương Tú Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP. HCM) nhận định, nhu cầu về CGCN, thị trường KH&CN ở TP.HCM là rất lớn. Tuy nhiên, DN đầu tư đổi mới công nghệ tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước còn rất khó; công nghệ thiết bị trong nước chưa hoàn thiện, sản xuất đơn chiếc, chất lượng chưa cao, chưa chuyên nghiệp nên DN chưa mặn mà tiếp nhận. Mặt khác, giao dịch công nghệ cần rất nhiều yếu tố đồng bộ như định giá, đánh giá công nghệ, vấn đề sở hữu trí tuệ,… nhưng thực tế hiện nay các hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa hỗ trợ nhiều cho CGCN.

Theo ông Lê Văn Rao (Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hà Nội), DN khởi nghiệp hiện nay rất khó khăn trong việc đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ. Việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản trí tuệ đã gây cản trở cho các DN khởi nghiệp và nhà đầu tư. Các DN cũng không được ngân hàng chấp thuận khi dùng tài sản trí tuệ làm tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng. Đây là rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư.


Ông Phan Minh Tân (Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng, chúng ta đã nỗ lực nhiều năm qua để phát triển thị trường KH&CN nhưng chưa đạt được kết quả là do chưa đổi mới được tư duy về làm thị trường KH&CN. Phát triển thị trường KH&CN chưa tuân thủ theo quy luật của nền kinh tế thị trường mà vẫn áp đặt ý muốn chủ quan trong việc đưa ra những cơ chế, chính sách mà chưa tháo gỡ được những vướng mắc của thị trường. Do vậy, Nhà nước chỉ nên quản lý bằng thể chế và chính sách, thị trường KH&CN cần để xã hội cùng làm mới có thể phát triển hiệu quả. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tại hội thảo.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo Phát triển thị trường KH&CN khu vực phía Nam - từ thực tiễn của TP.HCM.
Ảnh: LV.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, một trong những biện pháp phát triển thị trường KH&CN hiệu quả là thông qua hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN, các Sở KH&CN, ngành KH&CN tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp quan trọng để phát triển thị trường KH&CN. Đó là tiếp tục triển khai các biện pháp phát triển các tổ chức trung gian truyền thống hỗ trợ hoạt động CGCN, đặc biệt là các tổ chức xúc tiến CGCN tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức môi giới công nghệ, định giá tài sản trí tuệ,… Tích cực tuyên truyền, gia tăng hoạt động giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước để thúc đẩy thương mại hóa, đưa công nghệ, sản phẩm công nghệ vào thực tiễn. Đồng thời, xây dựng các chính sách, chương trình KH&CN quy mô quốc gia, tỉnh để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tập trung vào hỗ trợ thành lập và phát triển các mô hình tổ chức trung gian kiểu mới. Bên cạnh đó, để những kết quả NCKH, công nghệ trong nước đi vào thực tiễn, các nhà khoa học phải biến kết quả NCKH thành sản phẩm và công nghệ có thể thương mại hóa. Hiện nay Bộ KH&CN đang bàn với một số bộ ngành có liên quan để làm sao trong chính sách mua sắm tập trung, mua sắm công hoặc đầu tư cho phát triển địa phương thì ưu tiên sử dụng công nghệ của Việt Nam và làm chủ được công nghệ. Bộ KH&CN cũng đang có các chương trình về đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ,... nhằm hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các DN và hỗ trợ những cá nhân, tổ chức đang có mong muốn CGCN.


Hội thảo Phát triển thị trường KH&CN khu vực phía Nam - từ thực tiễn của TP. HCM do Cục Công tác phía Nam – Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN TP. HCM tổ chức ngày 22/12/2016.
Ảnh: LV.


LAM VÂN, STINFO số 11&12

Tải bài này về tại đây.