SpStinet - vwpChiTietKHCN

 

Chương 2. ĐỊNH HƯỚNG VÀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.1. ĐỊNH HƯỚNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

2.1.1. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX về lĩnh vực KH&CN tại báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa IX trình bày tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X (14-17/10/2015), với mục tiêu “xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, KH&CN của khu vực Đông Nam Á”, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về KH&CN trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa X xác định gồm:

– Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, chính sách tài chính để tạo bước phát triển đột phá cho khoa học - công nghệ; ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ so với các lĩnh vực khác; xác định danh mục sản phẩm chủ yếu để đặt hàng với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, gắn kết nghiên cứu, đào tạo với sản xuất - kinh doanh. Thực hiện thật tốt chính sách đối với đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là các chuyên gia giỏi.

– Hoàn thiện chính sách để thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là tài chính doanh nghiệp, đầu tư phát triển khoa học - công nghệ; nâng tỷ trọng các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

– Khuyến khích đầu tư xã hội, tăng đầu tư công để nâng chất lượng, hiệu quả các chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm; có cơ chế thích hợp để gắn kết sử dụng cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm của các cơ quan nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế; coi trọng, phát huy vai trò khoa học xã hội và nhân văn.
– Phát triển và quản lý tốt thị trường KH&CN.

Một số chỉ tiêu cụ thể về phát triển KH&CN đến năm 2020 (theo tài liệu “Những vấn đề chủ yếu của Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X”):

– Đầu tư cho KH&CN từ ngân sách thành phố tăng trung bình hàng năm 20% và huy động đầu tư từ xã hội cho KH&CN tăng 30% hàng năm.

– Tỉ lệ ứng dụng các đề tài KH&CN vào thực tế đến năm 2020 đạt 50%, doanh thu từ đề tài đạt khoảng 1.000 tỉ đồng.

– Số đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đạt 400 đơn (trong đó số bằng độc quyền được cấp là 100 bằng).

– Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của thành phố đạt 35% trở lên.

– Doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đạt 40%.

2.1.2. Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Triển khai Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tại kỳ họp thứ 2, ngày 05/8/2016, Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 111/2016/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố giai đoạn 2016 - 2020, trong đó xác định: “xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, KH&CN của khu vực Đông Nam Á”. Trong các nhiệm vụ và giải pháp chính, Nghị quyết đặt ra yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ KH&CN làm nền tảng để phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cụ thể:

– Phát triển mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức.

– Hoàn thiện chính sách để thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là tài chính doanh nghiệp để đầu tư phát triển KH&CN. Bổ sung chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tích cực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, sáng tạo để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị sản xuất - kinh doanh.

– Nâng tỷ trọng các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; bảo hộ sở hữu trí tuệ trong chuyển giao công nghệ, tạo bước phát triển mới của thị trường KH&CN.

– Xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các Quỹ đầu tư mạo hiểm, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực triển khai ứng dụng công nghệ mới; khuyến khích và hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo công nghệ, hình thành các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao... Nghiên cứu đổi mới chính sách tài trợ đầu ra của Nhà nước đối với sản phẩm KH&CN.

– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từng bước tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của thế giới, phát triển tiềm lực KH&CN của Thành phố.



2.2. MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH VÀ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.2.1. Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về Chương trình hành động về khoa học và công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 14/02/2015, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, gồm nhiều nội dung:

– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng: về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN; gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành; tích cực, chủ động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong mọi lĩnh vực đời sống. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống.

– Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động KH&CN: (i) Rà soát, điều chỉnh Quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm của Thành phố; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đồng đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm gắn kết giữa doanh nghiệp với các viện, trường, phấn đấu số đề tài, dự án theo cơ chế đồng đầu tư đạt 30% năm 2015 và 50% năm 2020; giảm thủ tục hành chính trong thực hiện đề tài, dự án; (ii) Ban hành Quy chế hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố; (iii) Xây dựng Đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm của Thành phố; (iv) Xây dựng mô hình, cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác, đầu tư, khai thác, phát huy năng lực KH&CN của các tổ chức và chuyên gia khoa học - công nghệ; (v) Xây dựng Chương trình phát triển sản phẩm công nghệ cao ưu tiên đầu tư của Thành phố giai đoạn 2016-2020 nhằm kêu gọi đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn lực trong nước nhằm đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại; (vi) Xây dựng các văn bản hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, vận động doanh nghiệp xây dựng và sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; (vii) Tiếp tục xây dựng đổi mới cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, sử dụng, trọng dụng và đãi ngộ chuyên gia KH&CN,...

 Triển khai các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu:

Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố: khoa học xã hội và nhân văn và quản lý đô thị; cơ khí - tự động hóa; điện tử - công nghệ thông tin; vi mạch, an toàn an ninh mạng, vật liệu mới; công nghệ sinh học và dược liệu; bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu và một số lĩnh vực khác theo yêu cầu của thực tiễn.

Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp: ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; tiết kiệm năng lượng; phát triển tài sản trí tuệ; phát triển ứng dụng và sản xuất sản phẩm công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực thiết kế và chế tạo; chuyển giao công nghệ; tư vấn về KH&CN.

Triển khai các chương trình ứng dụng KH&CN nhằm thúc đẩy các ngành có tiềm năng, có lợi thế hoặc theo yêu cầu cấp thiết của thành phố Hồ Chí Minh: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khoa học tính toán, khoa học dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, ứng dụng và phát triển hệ thống thông tin địa lý (GIS), …

– Phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN của thành phố Hồ Chí Minh:

Phát triển và nâng cao năng lực hệ thống tổ chức KH&CN công lập: (i) Kiện toàn và nâng cao năng lực các tổ chức KH&CN công lập hiện có; (ii) Đầu tư phát triển các dự án (Khu Công nghệ cao giai đoạn 2, Công viên Phần mềm Quang Trung, chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung, dự án đầu tư xây dựng Viện Khoa học Công nghệ và Tính toán, …) nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới, công nghệ cao; (iii) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam. Đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin và đào tạo nguồn nhân lực của Trung tâm để làm tốt vai trò đầu mối, tạo động lực thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN của Thành phố và khu vực; (iv) Hình thành và tổ chức hoạt động hiệu quả các tổ chức KH&CN công lập mới (Trạm quan trắc vũ trụ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Công nghệ điều trị liệu pháp tế bào gốc,…); (v) Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình ươm tạo doanh nghiệp KH&CN thông qua đầu tư và khai thác có hiệu quả các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học trên địa bàn thành phố, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung; (vi) Triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ giai đoạn 2015 - 2020.

Tiếp tục tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phân tích, thí nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo lường, phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển sản xuất - kinh doanh và công tác quản lý nhà nước; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển KH&CN; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp hình thành bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), khai thác sử dụng hiệu quả quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Tổ chức tốt các hoạt động hội thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, các hoạt động tôn vinh các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật.

– Phát triển thị trường KH&CN:

+ Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với thị trường KH&CN thông qua việc thẩm định công nghệ trong giai đoạn cấp phép đầu tư, tư vấn công nghệ và chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ; tăng cường chức năng quản lý nhà nước về KH&CN thông qua mạng lưới các hiệp hội ngành nghề để các hiệp hội trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp trong quá trình toàn cầu hóa.

+ Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thành và đưa vào khai thác Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước đến các doanh nghiệp.

+ Phát triển hạ tầng thông tin và thống kê KH&CN: thông tin về kết quả các công trình nghiên cứu thành công trong nước; thông tin về công nghệ và thiết bị trong nước có khả năng cung cấp chuyển giao; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết nối cung - cầu sản phẩm KH&CN mới.

+ Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

+ Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN: tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020.

2.2.2. Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Triển khai Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020; cụ thể hóa Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 14/02/2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; ngày 31/3/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1519/QĐ-UBND phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, với các nội dung:

– Về phương hướng

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN: tập trung triển khai các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách về KH&CN đi vào nề nếp và có hiệu quả nhằm khuyến khích mọi thành phần xã hội tham gia hoạt động KH&CN.

Tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu: ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm của Thành phố, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN thành phố: huy động nguồn vốn xã hội và nguồn vốn nước ngoài nhằm gia tăng đầu tư cho KH&CN, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN, nâng cao năng lực hạ tầng KH&CN và xây dựng các tổ chức KH&CN trọng điểm theo mô hình tiên tiến.

Phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp KH&CN và các hoạt động dịch vụ KH&CN: thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp KH&CN; phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ KH&CN, dịch vụ chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh công tác thống kê KH&CN, xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN.

Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN: đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từng bước tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của thế giới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH&CN của Thành phố.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở: thúc đẩy các hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN, các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng hoạt động của các đơn vị ở cơ sở, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

– Về mục tiêu:

Mục tiêu chung: phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành một trung tâm KH&CN của cả nước và khu vực.

Mục tiêu cụ thể: (i) Phấn đấu đến năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo và một số lĩnh vực KH&CN trọng điểm của Thành phố đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; (ii) Tỷ lệ các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ ngân sách nhà nước ứng dụng vào thực tiễn đạt 60% và được thương mại hóa tăng 10% hàng năm; (iii) Hàng năm hỗ trợ trực tiếp ít nhất 50 doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, trong đó có 10% doanh nghiệp đạt hiệu quả rõ rệt; (iv) Xây dựng được 5 sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố; (v) Phấn đấu đến năm 2020 có 300 doanh nghiệp KH&CN được thành lập, trong đó có 100 doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động ươm tạo KH&CN; (vi) Có ít nhất 2.000 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích trong giai đoạn 2016 - 2020; (vii) Xây dựng ít nhất 2 tổ chức KH&CN có mô hình tiên tiến thế giới.

– Nhiệm vụ chủ yếu:

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN: (i) Triển khai hiệu quả các cơ chế mới về hoạt động của các tổ chức KH&CN, trong đó gắn quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập với tái cơ cấu ngành KH&CN để tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động: “các tổ chức KH&CN không phù hợp với quy hoạch và hoạt động yếu kém sẽ phải sáp nhập, giải thể, tổ chức lại”, “năm 2016 hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”…; (ii) Triển khai hiệu quả các cơ chế mới về quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính: “cơ chế xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách dành cho KH&CN phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN và nhu cầu phát triển của Thành phố”, “áp dụng triệt để cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần thực hiện nhiệm vụ KH&CN”, đảm bảo: “nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng và hiệu quả cao”; “triển khai cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ để thực hiện nhiệm vụ KH&CN”…; (iii) Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN của Thành phố ở các cấp; nâng cao chất lượng công tác truyền thông về KH&CN.

Tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu: (i) Rà soát, tổ chức lại các chương trình KH&CN trọng điểm của Thành phố theo hướng ưu tiên nghiên cứu và triển khai ứng dụng cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ của Thành phố; (ii) Ưu tiên nguồn lực để phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành như: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ vi mạch, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí - tự động hóa và công nghệ môi trường; (iii) Tiếp tục đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý phục vụ công tác quản lý, hoạch định đường lối, chính sách phát triển Thành phố; (iv) Tiếp tục đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ trong các ngành: công nghiệp, y-dược, nông nghiệp, năng lượng, an ninh-quốc phòng,...

Tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN thành phố: (i) Triển khai các biện pháp huy động nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển KH&CN: “nhằm tăng tỷ lệ đầu tư cho KH&CN từ xã hội đạt mức cao hơn 2-3 lần so với đầu tư từ ngân sách Thành phố, trong đó có cơ chế hợp tác công tư đồng tài trợ”, khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ mới, công nghệ cao...; (ii) Đầu tư phát triển các tổ chức KH&CN như:“thành lập các trạm quan trắc vũ trụ, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghệ điều trị liệu pháp tế bào gốc, viện nghiên cứu vi mạch bán dẫn”,…, đảm bảo đến năm 2020: “một số lĩnh vực nghiên cứu có cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”; (iii) Phát triển nguồn nhân lực KH&CN cả về số lượng và chất lượng, gắn kết quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội: “thực thi hiệu quả chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ KH&CN”, “đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN”; (iv) Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KH&CN đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố: “rà soát, chọn lựa để đầu tư nâng cao năng lực của các phòng thí nghiệm trọng điểm, tổ chức KH&CN của Thành phố theo mô hình tiên tiến”, “tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN của Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Công viên Phần mềm Quang Trung, Viện Nghiên cứu, phát triển, Viện Khoa học Công nghệ tính toán; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, thống kê KH&CN của Thành phố phục vụ yêu cầu quản lý, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ Thành phố để làm tốt vai trò đầu mối, tạo động lực thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN của Thành phố và khu vực”.

Phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp KH&CN và các hoạt động dịch vụ KH&CN: (i) Đưa Sàn giao dịch công nghệ Thành phố vào hoạt động chính thức; hỗ trợ nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; (ii) Phát triển các doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, xây dựng thí điểm các quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu; (iii) Thực hiện quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá, định giá tài sản trí tuệ để hỗ trợ việc chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ. Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp và nhà khoa học; (iv) Xây dựng chính sách và bố trí nguồn lực để hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; xã hội hóa dịch vụ tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp, hỗ trợ khai thác nguồn thông tin sáng chế ở trong và ngoài nước phục vụ nghiên cứu khoa học và sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ nghiên cứu giải mã, làm chủ công nghệ được chuyển giao ở trong nước và từ nước ngoài; (v) Đầu tư nâng cao năng lực đo lường, thử nghiệm cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đáp ứng yêu cầu quản lý trong nước và hội nhập quốc tế; (vi) Thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa; nghiên cứu tính toán năng suất lao động và các giải pháp nâng cao năng suất lao động; (vii) Tổ chức khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN. Đảm bảo việc đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp. Triển khai toàn diện công tác thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo; (viii) Khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, xây dựng bản đồ công nghệ để định hướng đổi mới công nghệ. Tổ chức thường xuyên các sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), các hoạt động trình diễn, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.

Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN: (i) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020; (ii) Nghiên cứu tìm kiếm các cơ hội, mô hình hợp tác nghiên cứu, phát triển với các tổ chức KH&CN nước ngoài.

Thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo tại cơ sở: (i) Hỗ trợ phổ biến, triển khai các mô hình ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại cơ sở; (ii) Thúc đẩy hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo thông qua các phong trào tại cơ sở; (iii) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý trong công tác quản lý trên các lĩnh vực: đô thị, du lịch, môi trường, xây dựng, kiến trúc, hộ khẩu,...

2.2.3. Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020

Ngày 07/6/2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2953/QĐ-UBND về Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020. Việc ban hành quyết định này nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình xác định mục tiêu chung:

– Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH&CN. Tăng đầu tư từ ngân sách thành phố cho hoạt động nghiên cứu KH&CN. Xây dựng các chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là: 4 ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su và chế biến tinh lương thực, thực phẩm); 9 ngành dịch vụ (tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; KH&CN, y tế; giáo dục và đào tạo); ngành công nghiệp hỗ trợ; 7 chương trình đột phá (nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập; giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước; giảm ô nhiễm môi trường; và chỉnh trang và phát triển đô thị); quản lý phát triển đô thị thành phố.

Chú trọng đầu tư cho các sản phẩm KH&CN ứng dụng trực tiếp vào sản xuất và đời sống xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cao và xuất phát từ đặt hàng của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu nhằm ươm tạo các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố.

– Thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN. Đầu tư cho các tổ chức KH&CN có ưu thế để hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh trong 4 ngành công nghiệp chủ lực theo mô hình tiên tiến của thế giới. Xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu năng lực quản lý cho đội ngũ KH&CN của Thành phố.

– Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH&CN. Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN, thúc đẩy hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, tổ chức hoạt động KH&CN và doanh nghiệp.

Các mục tiêu cụ thể:

– Đến năm 2020, mức chi cho sự nghiệp KH&CN đạt 50% trong tổng mức chi cho KH&CN hàng năm của Thành phố. Dành không dưới 70% kinh phí nghiên cứu KH&CN đầu tư cho các chương trình trọng điểm phục vụ cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ, ngành công nghiệp hỗ trợ và 7 chương trình đột phá của Thành phố.

– Tỷ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, phục vụ nhu cầu xã hội và phát triển tiềm lực KH&CN đạt 60%.

– Xây dựng được 5 sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố.

– Xây dựng ít nhất 2 tổ chức KH&CN có mô hình tiên tiến thế giới.

– Hỗ trợ hình thành 300 doanh nghiệp KH&CN.

– Có 500 doanh nghiệp thành lập quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

– Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên sâu trong và ngoài nước cho 100 cán bộ nghiên cứu KH&CN ưu tiên cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố; 60 cán bộ quản lý KH&CN.

– Đến năm 2020, xây dựng được mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Để thực hiện, các giải pháp triển khai chủ yếu bao gồm:

– Xây dựng chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm và các định hướng nghiên cứu giai đoạn 2016-2020:

Chương trình Cơ khí và tự động hóa: nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy, thiết bị (phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ; thiết bị cơ giới hóa và tự động hóa cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi và trồng trọt; thiết bị, công nghệ phục vụ thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản; trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm, chẩn đoán, điều trị cho ngành y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm); ứng dụng robot cho sản xuất công nghiệp; thiết kế, chế tạo robot thay thế ngoại nhập; thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển tự động các quá trình sản xuất; nghiên cứu phát triển công nghệ gia công, chế tạo các chi tiết cơ khí và khuôn mẫu cho ngành công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu chuyển giao công nghệ, giải pháp nội địa hóa công nghệ chế tạo thiết bị, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ năng lượng.

Chương trình Điện - điện tử và công nghệ thông tin: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vi mạch, các sản phẩm ứng dụng vi mạch; công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng khai thác dữ liệu lớn (big data); công nghệ, kỹ thuật ứng dụng điện toán đám mây; công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm ứng dụng di động, IoT, ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS), viễn thám và các công nghệ liên quan; công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm trong lĩnh vực an ninh thông tin.

Chương trình Hóa dược, công nghệ thực phẩm và công nghệ vật liệu: nghiên cứu quy trình công nghệ bào chế thuốc và thực phẩm chức năng từ nguyên liệu trong nước; sản xuất, chế biến tinh lương thực - thực phẩm không sử dụng chất phụ gia; nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu cao su kỹ thuật, cao su tổng hợp chuyên dụng, polymer, vật liệu mới tiên tiến,…; các loại pin nhiên liệu (fuel cell), tích trữ năng lượng, sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ 2 và thứ 3; nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới.

Chương trình Công nghệ sinh học: nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới (công nghệ tế bào gốc, công nghệ gen, công nghệ nano); nghiên cứu kỹ thuật tạo giống, nhân giống, bảo quản, chế biến,... (trong lĩnh vực nông nghiệp); cấy mô, ghép tạng, ghép tủy, sinh học phân tử - di truyền, liệu pháp tế bào, chẩn đoán,... (trong lĩnh vực y tế),...; nghiên cứu và sản xuất các loại kháng thể đơn dòng, vắc-xin thế hệ mới, KIT chẩn đoán, dược sinh học, chế phẩm sinh học,...

Chương trình Quản lý và phát triển đô thị: nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp và mô hình nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,... theo hướng phát triển đô thị thông minh, phát triển bền vững.

Các lĩnh vực KH&CN khác: nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật, phương pháp và quy trình trong lĩnh vực điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu về cơ chế, chính sách, giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển đời sống văn hóa; nghiên cứu phát triển công nghệ, chính sách, giải pháp, mô hình thúc đẩy phát triển quốc phòng - an ninh của Thành phố; các lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản khác.

– Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN:

– Sửa đổi, bổ sung và ban hành mới quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Thành phố nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức triển khai và nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách cho các đề tài, dự án có sự cam kết đồng đầu tư; cho các đề tài, dự án có sự cam kết hợp tác thực hiện giữa đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có ảnh hưởng đến một ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; cho các chương trình nghiên cứu, ứng dụng có sản phẩm cụ thể và có tác động ảnh hưởng lớn.

– Hoàn thiện và đổi mới quy trình tổ chức tuyển chọn, đánh giá đề tài, dự án.

– Điều chỉnh, bổ sung bộ biểu mẫu áp dụng quy trình quản lý, tổ chức triển khai thực hiện đề tài, dự án.

– Hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá làm cơ sở cho việc tuyển chọn các đề tài, dự án cần đầu tư và có tính phân loại cao nhằm xác định mức độ ưu tiên đầu tư kinh phí toàn phần hoặc một phần.

+ Xây dựng cơ chế thúc đẩy hình thành và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu triển khai.

– Nâng cao tiềm lực KH&CN:

+ Xây dựng cơ chế hợp tác trong hoạt động nghiên cứu KH&CN; ưu tiên đầu tư các đề tài, dự án được thực hiện bởi các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều tổ chức nghiên cứu nhằm thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.

+ Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm, các tổ chức hoạt động KH&CN có thế mạnh nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy các tổ chức KH&CN phát triển theo mô hình tiên tiến thế giới.

+ Khảo sát, đánh giá nhu cầu xã hội và năng lực hoạt động nghiên cứu phát triển của các tổ chức hoạt động KH&CN, các doanh nghiệp để lựa chọn đầu tư nhằm tạo ra một số sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố.

+ Xây dựng cơ chế định giá, giao quyền, chuyển giao kết quả nghiên cứu để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN.

+ Xây dựng cẩm nang hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; đề xuất cơ chế đóng góp kinh phí của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp vào Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố; cơ chế đồng đầu tư (nhà nước 30% - doanh nghiệp 70%) để phát triển sản phẩm KH&CN cho doanh nghiệp.

+ Triển khai thực hiện thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về tiềm lực các phòng thí nghiệm trên địa bàn Thành phố.

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về tiềm lực của các tổ chức hoạt động KH&CN.

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới chuyên gia KH&CN.

+ Xây dựng quy chế khai thác và chia sẻ lợi ích của các cơ sở KH&CN có sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Thành phố.

– Xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN giai đoạn 2016 - 2020.

– Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN:

+ Xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các phòng thí nghiệm trong nước và quốc tế.

+ Xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

+ Xây dựng cổng thông tin kết nối các nhà trí thức trong và ngoài nước.

– Đẩy mạnh công tác truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiên cứu KH&CN:

+ Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về KH&CN.

+ Công khai hóa quy trình, thủ tục, biểu mẫu hướng dẫn đăng ký và tổ chức triển khai thực hiện đề tài, dự án và các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

+ Xây dựng cổng thông tin nhận đăng ký hồ sơ trực tuyến: thành lập tổ chức hoạt động KH&CN; đăng ký hồ sơ thực hiện đề tài, dự án.

+ Xây dựng và hoàn thiện quy trình điện tử quản lý và giám sát tiến độ thực hiện đề tài, dự án.

+ Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về tiềm lực KH&CN, quy trình truy xuất, cập nhật, chia sẻ thông tin, khai thác và sử dụng.

2.2.4. Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020

Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KH&CN của thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016-2020 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động, và cụ thể hóa Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2954/QĐ-UBND ngày 07/6/2016 về phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu chung: “thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KH&CN của Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động”.

Mục tiêu cụ thể bao gồm: (i) Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động vào năm 2018; (ii) Giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường thành phố hàng năm bình quân tăng không dưới 15%, và không dưới 20% đối với một số lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển; (iii) Đến năm 2020, số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đạt 70% với mức đầu tư chiếm 8% lợi nhuận trước thuế; (iv) Số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức bình quân 22.000 đơn/năm; trong đó, số đơn đăng ký sáng chế đạt 400 đơn/năm; (v) Đến năm 2020, hỗ trợ hình thành mới 100 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN (sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN…); (vi) Đến năm 2020, đào tạo được 100 chuyên gia về thị trường KH&CN (chuyên gia của các tổ chức trung gian, cán bộ - công chức quản lý có liên quan).
Các nhiệm vụ chủ yếu là:

– Xây dựng, đưa Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018: chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cho Sàn giao dịch công nghệ, xây dựng và hệ thống hóa các cơ sở dữ liệu về hàng hóa, cung cấp thông tin chi tiết, kết nối cung - cầu công nghệ, thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường KH&CN:

+ Đến quý IV/2016 hoàn thiện cơ sở dữ liệu ban đầu của Sàn giao dịch công nghệ; đến quý III/2017, hoàn thành cơ sở vật chất - kỹ thuật của Sàn giao dịch công nghệ (cơ sở pháp lý, quy chế tổ chức - hoạt động; bộ máy nhân sự tiếp nhận, xử lý thông tin, hướng dẫn, giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến hoạt động thị trường KH&CN; cơ chế tài chính; hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; thiết lập hệ thống đại lý, môi giới, đối tác; hệ thống thông tin giao dịch; hệ thống các chuyên gia và tổ chức tư vấn).

+ Đến cuối năm 2017, cung cấp cơ sở dữ liệu về các loại hàng hóa của thị trường KH&CN, thông tin công bố sáng chế; cung cấp công cụ trực tuyến về đánh giá trình độ công nghệ, các báo cáo đánh giá xu hướng công nghệ, các mô hình chuyển giao công nghệ thành công.

+ Đến năm 2019, hoàn tất thiết lập và kết nối Sàn giao dịch công nghệ điện tử của Thành phố với các địa phương và quốc gia, mở rộng quy mô thị trường KH&CN.

– Hỗ trợ hình thành các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: hình thành các chủ thể hỗ trợ cho thị trường KH&CN vận hành hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho kết nối cung - cầu công nghệ

+ Xây dựng kế hoạch và cơ chế hỗ trợ của Thành phố để hình thành mới 100 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: trung tâm giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

+ Định kỳ 2 lần/năm, tổ chức khóa đào tạo và cấp chứng chỉ nhằm đáp ứng các điều kiện về nhân lực cho các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

+ Tổ chức đào tạo và xây dựng mạng lưới 100 chuyên gia của các viện, trường, quỹ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có kỹ năng về thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, quản trị tài sản trí tuệ, tư vấn - môi giới công nghệ, đánh giá - định giá công nghệ, tư vấn đầu tư, quản trị doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp.

+ Hỗ trợ hình thành các đơn vị quản lý và khai thác tài sản trí tuệ của các trường, viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

– Xúc tiến kết nối cung - cầu công nghệ: tăng mối liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu - phát triển, nhà đầu tư và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng giá trị giao dịch hàng hóa của thị trường KH&CN.

+ Thiết lập kênh thông tin thường xuyên thu thập, đánh giá nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành truyền thống của Thành phố, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ hỗ trợ.

+ Định kỳ hằng quý, tổ chức một hoặc nhiều sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ như sau: hội chợ công nghệ và thiết bị, trình diễn công nghệ, hội nghị chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, triển lãm sáng chế, triển lãm sản phẩm KH&CN có tiềm năng thương mại hóa.

+ Xây dựng quy chế trao đổi chuyên gia giữa tổ chức nghiên cứu, phát triển với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới công nghệ trong sản xuất - kinh doanh.

+ Xây dựng các quy định chuẩn hóa về sản phẩm hình thành từ quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm đưa vào thương mại hóa và giao dịch trên thị trường KH&CN.

– Thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ: tăng nguồn cung sản phẩm KH&CN được bảo hộ pháp lý trên thị trường KH&CN, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp, trường, viện khi khai thác, thương mại hóa các sản phẩm này

+ Định kỳ hằng quý, tổ chức tập huấn, hội thảo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về thủ tục xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ mới phát sinh trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất - kinh doanh trước khi công bố hoặc đưa vào thị trường KH&CN.

+ Từ năm 2016, các đề tài nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ được đầu tư từ nguồn ngân sách của Thành phố phải bảo đảm tạo ra được sáng chế mới và xúc tiến ít nhất một đơn đăng ký sáng chế hoặc giống cây trồng mới cho các kết quả nghiên cứu để chuẩn bị cho giai đoạn thương mại hóa.

+ Ban hành quy định về cơ chế, chính sách để việc quản lý, khai thác tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố: xây dựng và thực hiện các thủ tục ghi nhận, quản lý, công bố, chuyển giao các tài sản trí tuệ phát sinh từ các nhiệm vụ KH&CN được đầu tư từ nguồn ngân sách của Thành phố (có ít nhất 1.000 tài sản trí tuệ được đưa vào danh mục đến năm 2020).

+ Đến năm 2017, điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện, quy trình chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm KH&CN được đầu tư từ nguồn ngân sách của Thành phố cho các cơ quan chủ trì và các tổ chức, cá nhân khác; đảm bảo nguyên tắc phân chia và hài hòa lợi ích theo quy định pháp luật và tạo thuận lợi cho quá trình thương mại hóa các sản phẩm nói trên.

+ Tiếp tục tổ chức Chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ hàng năm ở các cấp độ khác nhau, giúp các doanh nghiệp, trường, viện nâng cao năng lực quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trên thị trường KH&CN; góp phần thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2020.

+ Đến năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hình thành ít nhất 05 đơn vị cung ứng dịch vụ điều tra thị trường hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền thu thập và cung cấp kịp thời thông tin, chứng cứ cho các cơ quan thực thi xử lý, góp phần bảo đảm độ an toàn cho các dòng tiền đầu tư vào các tài sản trí tuệ mới trên thị trường KH&CN.

– Truyền thông, thống kê và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình: nâng cao nhận thức, phổ biến thông tin trực tiếp và đa dạng về thị trường KH&CN, đánh giá hiệu quả của Chương trình.

+ Xây dựng và thực hiện Kế hoạch truyền thông về thị trường KH&CN của Thành phố trên các phương tiện báo, đài truyền hình, đài phát thanh, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của Thành phố; giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ các cơ chế chính sách và hiệu quả đạt được của Thành phố trong việc thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN.

+ Nghiên cứu thành lập Giải thưởng đổi mới sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh nhằm vinh danh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng KH&CN; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN.

+ Định kỳ hằng năm, tổ chức kiểm tra tiến độ, thống kê kết quả các hoạt động của Chương trình; báo cáo sơ kết đánh giá về tiến độ, hiệu quả thực hiện và sự phù hợp của mục tiêu để tham mưu đề xuất Thành phố điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Chương trình theo tình hình thực tế.

2.2.5. Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020

Ngày 21/3/2015, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1212/QĐ-UBND về Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020, với các mục tiêu chung: “tập trung đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong 3 lĩnh vực: năng suất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng và sở hữu trí tuệ tại các doanh nghiệp nhà nước”. Các mục tiêu cụ thể là:

– Đến năm 2016, 90% doanh nghiệp nhà nước có chương trình ứng dụng KH&CN của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp nhà nước thành lập, trích và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN để đầu tư cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp; ít nhất 50% các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa hoặc tái cấu trúc có hệ thống quản lý tài sản trí tuệ được quản lý và khai thác có hiệu quả.

– Phấn đấu trong giai đoạn 2015-2020, năng suất lao động của doanh nghiệp hàng năm tăng tối thiểu 5%.

– Từ năm 2015, doanh nghiệp áp dụng các giải pháp nhằm thực hiện tiết kiệm năng lượng, mức tối thiểu đạt 2%. Phấn đấu đến 2020, 100% doanh nghiệp tiết kiệm được từ 5% - 40% năng lượng sử dụng.

Các nhiệm vụ trong Chương trình bao gồm:

– Khảo sát thống kê, đánh giá hiện trạng ứng dụng KH&CN của doanh nghiệp: đánh giá và thống kê hiện trạng trình độ công nghệ, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất, lao động, vật tư, nguyên liệu, tiêu hao năng lượng.

– Đào tạo nâng cao năng lực quản trị trong hoạt động ứng dụng KH&CN: tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách, hội thảo giới thiệu mô hình, giải pháp, trao đổi kinh nghiệm; đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng quản lý năng suất, chất lượng, công nghệ.

– Quản lý và khai thác tài sản trí tuệ: xây dựng kế hoạch, nội dung định giá tài sản trí tuệ làm cơ sở cho việc đánh giá tổng quan giá trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp trước khi thực hiện việc cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp; xây dựng hệ thống quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

– Ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng: xây dựng định mức tiêu hao năng lượng và nhận diện và ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp; ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

– Ứng dụng giải pháp tăng năng suất, chất lượng: đổi mới quản trị doanh nghiệp; quản lý và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, thực hiện các biện pháp tăng năng suất lao động; áp dụng các công cụ quản lý năng suất trong doanh nghiệp.

– Giám sát, thống kê, đánh giá hiệu quả: điều tra, giám sát, thống kê, đánh giá hiệu quả chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp; xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động ứng dụng KH&CN trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

2.2.6. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 15/8/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4181/QĐ-UBND về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu chung của Chương trình: “hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố ứng dụng hiệu quả tiến bộ KH&CN vào tổ chức quản trị, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập kinh tế và phát triển bền vững”. Các mục tiêu cụ thể là:

– Về năng suất lao động: tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 từ 6,5%/năm trở lên. Trong đó, năng suất lao động của doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố tăng 12%/năm; năng suất lao động của các doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp tăng 15%/năm.

– Về ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: (i) Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%/năm; (ii) Đến 50% doanh nghiệp vừa và lớn ngoài nhà nước được tư vấn thành lập, sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH&CN; (iii) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho 10.000 doanh nghiệp, trong đó 30% là các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm; (iv) Hỗ trợ 1.000 dự án đổi mới công nghệ, sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng.

– Về khởi nghiệp sáng tạo: hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Các nội dung Chương trình triển khai thực hiện gồm:

– Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo: thực hiện theo 5 dự án

+ Dự án 1: “Đào tạo về công cụ quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo”: (i) Đào tạo đội ngũ giảng dạy các công cụ về quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; (ii) Đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn và thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; (iii) Đào tạo đội ngũ chuyên viên và cung cấp công cụ năng suất, chất lượng, đổi mới sáng tạo, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp; (iv) Đào tạo đội ngũ chuyên gia của doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu: “30% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, 10% doanh nghiệp thuộc các ngành còn lại được đào tạo các hạng mục về quản trị năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển”.

+ Dự án 2: “Tư vấn nâng cao năng suất chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp”: (i) Xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển mạng lưới kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia, các công ty tư vấn trong và ngoài nước về năng suất chất lượng; (ii) Hỗ trợ tổ chức tư vấn năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp; (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iv) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý nhằm tăng năng suất và chất lượng; (v) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản trị tài sản trí tuệ để bảo vệ và khai thác có hiệu quả các kết quả của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu: “Hỗ trợ 10% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, 3% các doanh nghiệp thuộc các nhóm còn lại, hình thành 20 doanh nghiệp kiểu mẫu”.

+ Dự án 3: “Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm”: (i) Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển hoặc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, sản phẩm mới do doanh nghiệp đề xuất và cùng đầu tư thực hiện; (ii) Hỗ trợ thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo của xã hội tạo ra những sản phẩm mới mà doanh nghiệp cùng đầu tư thực hiện và có chiến lược phát triển.

Mục tiêu: “hỗ trợ 300 dự án”.

+ Dự án 4: “Hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ”: (i) Thành phố tăng nguồn vốn cho chương trình hỗ trợ vay ưu đãi lãi suất; (ii) Cải tiến thủ tục giải quyết hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin; (iii) Tăng cường truyền thông chương trình đến doanh nghiệp; (iv) Tổ chức kết nối chương trình với mạng lưới ngân hàng; (v) Tuyên truyền, quảng bá, phổ biến thông tin về Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Mục tiêu: “hỗ trợ 200 dự án”.

+ Dự án 5: “Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mua sắm công thông qua các hình thức hợp tác công tư (PPP)”: (i) Xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường mua sắm công; (ii) Xây dựng quy trình, thủ tục đăng ký tham gia đầu tư công minh bạch, công khai và ứng dụng công nghệ thông tin; (iii) Xây dựng các chương trình mua sắm công trong các lĩnh vực tổ chức và hướng dẫn để các doanh nghiệp được tham gia đầu tư.

Mục tiêu: “hỗ trợ 100 dự án”.

– Hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo: thực hiện theo 5 dự án

+ Dự án 1: “Hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp”: (i) Xây dựng 40.000 m2 mặt bằng sàn hỗ trợ hoạt động cung cấp dịch vụ và ươm tạo; (ii) Hợp tác đối tác công tư xây dựng 2 cơ sở ươm tạo theo mô hình quốc tế phục vụ phát triển 2 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm; (iii) Hợp tác đối tác công tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp; (iv) Hợp tác công tư quảng bá thu hút đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái.

Mục tiêu: “Quy hoạch và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với tổng quy mô 40.000 m2trên toàn thành phố. Trong đó hợp tác theo hình thức đối tác công tư với đối tác trong và ngoài nước để xây dựng và vận hành 2 cơ sở ươm tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực ươm tạo nhằm phục vụ 2 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Xây dựng hạ tầng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm không giới hạn dịch vụ văn phòng, thực nghiệm, logistic, thư viện, hội trường,...”.

+ Dự án 2: “Hỗ trợ hình thành và hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”: (i) Hỗ trợ phát triển các vườn ươm tạo của các trường, viện và khu vực tư nhân trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế vận hành, kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp; (ii) Hỗ trợ hình thành 4 nhóm liên kết mạnh doanh nghiệp - trường, viện - cơ sở ươm tạo trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu; hỗ trợ hình thành các nhóm liên kết khác theo yêu cầu phát triển của xã hội; (iii) Hỗ trợ hình thành và kết nối mạng lưới tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp chuyên nghiệp; (iv) Kết nối nhà đầu tư, mạng lưới đầu tư tài chính thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (v) Thực hiện chương trình ươm tạo sản phẩm và hỗ trợ khởi nghiệp của Thành phố trên cơ sở tuyển chọn các dự án khởi nghiệp sáng tạo; (vi) Hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tổ chức sàn giao dịch, các cuộc thi, giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo…; (vii) Hỗ trợ hình thành Trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố làm đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy, kết nối các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố.

Mục tiêu: “Hình thành các hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm; hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo,...”.

+ Dự án 3: “Đào tạo cộng đồng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”: (i) Hỗ trợ đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho 200 giảng viên đại học - cao đẳng; (ii) Hỗ trợ xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành về sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng bộ công cụ đào tạo trực tuyến về sáng tạo và khởi nghiệp; (iii) Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong trường đại học; (iv) Hỗ trợ đào tạo và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho 50% trường phổ thông; (v) Hỗ trợ hình thành cơ sở ươm tạo sản phẩm giáo dục đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ cho giáo viên và sinh viên sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm giáo dục sáng tạo; (vi) Đào tạo cán bộ quản lý về hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, năng lực xây dựng chính sách thúc đẩy các hoạt động này; (vii) Hỗ trợ các chương trình đào tạo bổ sung kỹ thuật, kỹ năng cho thanh niên, trên cơ sở hợp tác quốc tế; (viii) Hỗ trợ hình thành 10 trung tâm đào tạo và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo theo hình thức hợp tác công tư.

Mục tiêu: “50% hệ thống trường phổ thông có câu lạc bộ (CLB) hoạt động đổi mới sáng tạo; 20 trường đại học, cao đẳng có giảng viên, giáo trình và giảng dạy về khởi nghiệp. Hình thành bộ giáo trình lý thuyết và thực hành về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng bộ công cụ và giáo trình online về đào tạo sáng tạo và khởi nghiệp”.

+ Dự án 4: “Thúc đẩy hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp”: (i) Hỗ trợ hình thành cổng thông tin, diễn đàn giáo dục, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố; kết nối các hoạt động mạng thông tin của các cộng đồng khởi nghiệp, các thành phần của hệ sinh thái trên môi trường mạng internet...; (ii) Hỗ trợ kết nối và thực hiện các hoạt động hội thảo, hội chợ, triển lãm, các sự kiện như Festival, Demo Day, Talk Shows...; (iii) Xây dựng chương trình tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo hàng năm và giải thưởng đổi mới sáng tạo cấp thành phố hàng năm; (iv) Xây dựng chương trình truyền thông đại chúng về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các hoạt động của cộng đồng khởi nghiệp, các sản phẩm, công nghệ, dịch vụ mới.

Mục tiêu: “Gia tăng chỉ số khởi nghiệp của Thành phố tăng 20% sau 5 năm; gắn kết các cộng đồng khởi nghiệp, các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp; thu hút sự quan tâm, tham gia và đầu tư của xã hội kể cả của nước ngoài”.

+ Dự án 5: “Xây dựng các công cụ hỗ trợ tài chính và pháp lý”: (i) Ban hành chính sách ưu đãi về giá thuê mặt bằng, hưởng các ưu đãi khác cho các cơ sở ươm tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian khác có liên quan (tư vấn, dịch vụ hỗ trợ, các quỹ đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp,...; (ii) Ban hành chính sách của Thành phố hỗ trợ hoạt động ươm tạo sản phẩm và khởi nghiệp, bao gồm nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, tư vấn xây dựng mô hình kinh doanh, đăng ký tài sản trí tuệ,...; (iii) Xây dựng và trình Chính phủ chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư mạo hiểm của Thành phố; (iv) Xây dựng quy chế một cửa và thành lập tổ công tác liên ngành tư vấn và hỗ trợ thực hiện thủ tục pháp lý trong hoạt động thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ, đầu tư, áp dụng các ưu đãi,...; thực hiện ISO điện tử triệt để đối với các quy trình này; (v) Hỗ trợ các trường, viện, cơ quan nghiên cứu thành lập các tổ chức quản lý và kinh doanh tài sản trí tuệ; (vi) Hỗ trợ hình thành và hoạt động hội khởi nghiệp sáng tạo.

Mục tiêu: “Xây dựng các chính sách ưu đãi, các công cụ hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của Thành phố”.

2.2.7. Kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Triển khai Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 27/02/2015 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 14/02/2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4937/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 về Kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu chung của Kế hoạch được xác định:

– Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vai trò của KH&CN, phát huy sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, doanh nghiệp để KH&CN thực sự là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sự phát triển đi lên của các cơ quan, đơn vị; phấn đấu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm lớn về KH&CN của khu vực Đông Nam Á.

– Đảm bảo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chương trình, kế hoạch phát triển ngành, đơn vị phải được xây dựng trên những cơ sở khoa học vững chắc.

– Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN tại cơ sở; tăng cường truyền thông tại cơ sở về vai trò của KH&CN, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền và vận động thực hiện các chính sách, pháp luật về KH&CN trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

– Đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN tại cơ sở nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan, đơn vị nhà nước.

– Xây dựng, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra các giá trị mới trong lĩnh vực hoạt động, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các mục tiêu cụ thể là:

– 100% cán bộ phụ trách KH&CN tại quận, huyện được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhà nước về KH&CN, kiến thức liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của KH&CN; 100% quận, huyện có cơ sở dữ liệu thống kê về lĩnh vực KH&CN nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn.

– Hàng năm mỗi quận, huyện có ít nhất 3 mô hình, sở ngành có 2 mô hình, công trình ứng dụng KH&CN hiệu quả nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị nhà nước; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

– Hàng năm mỗi quận, huyện có ít nhất 3 địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế được hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao hiệu quả hoạt động.

– 100% làng nghề được hỗ trợ ứng dụng KH&CN để nâng cao hiệu quả hoạt động.

– 100% các cơ quan, đơn vị nhà nước cấp cơ sở có tổ chức phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị; hàng năm các quận, huyện tổ chức các hoạt động, phong trào sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong các tầng lớp nhân dân nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất - kinh doanh.

– Đến năm 2020, có ít nhất 50% các trường phổ thông cơ sở trở lên xây dựng được các câu lạc bộ sáng tạo hoặc tổ chức được hoạt động sáng tạo hàng năm.

– Phấn đấu từ năm 2017, hỗ trợ ươm tạo thành công 10 sản phẩm hoặc doanh nghiệp KH&CN từ các cuộc thi sáng tạo hàng năm.

– Tăng gấp 2 lần thời lượng phát sóng, số lượng tin tức, chuyên đề về các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trên các cơ quan truyền thông chính của thành phố Hồ Chí Minh.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, các nhiệm vụ và giải pháp được xác định cần triển khai là:

– Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN cấp cơ sở: kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo công tác thống kê KH&CN tại cơ sở; xây dựng môi trường, cơ chế thúc đẩy hoạt động sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng KH&CN mới, hiện đại vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về KH&CN.

– Đẩy mạnh công tác truyền thông về KH&CN.

– Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN tại cơ quan, đơn vị: áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và các phương pháp quản trị tổ chức; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, KH&CN; thúc đẩy phong trào sáng kiến trong cơ quan, đơn vị.

– Thúc đẩy ứng dụng KH&CN, hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân: thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

2.2.8. Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ

Quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí ban hành kèm theo Quyết định số 3187/QĐ-UBND ngày 20/7/2007; và Quy chế này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 1962/QĐ-UBND, ngày 24/4/2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 24/11/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 48/2016/QĐ-UBNĐ, thay thế Quy chế quản lý các chương trình đề tài dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bằng Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trong đó, bên cạnh việc giữ lại một số nội dung quan trọng của Quyết định số 1962/QĐ-UBND và Quyết định số 3187/QĐ-UBND, Quyết định số 48/2016/QĐ-UBNĐ đã cập nhật, bổ sung thêm nhiều quy định mới liên quan đến các trình tự, thủ tục thực hiện các công tác quản lý, triển khai các hoạt động KH&CN, cũng như các định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước,...:

– Về phạm vi áp dụng, Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ quy định việc: “quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”, rộng hơn so với Quy chế quản lý các chương trình đề tài dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chỉ “áp dụng cho việc quản lý các đề tài, dự án thuộc các Chương trình Khoa học và công nghệ của thành phố Hồ Chí Minh”.

– Về quản lý nhà nước về nhiệm vụ KH&CN: trong 9 nội dung liên quan, xác định yêu cầu: “Quản lý thống nhất việc phân bổ ngân sách sự nghiệp khoa học của thành phố. Quản lý, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước cho lĩnh vực KH&CN của thành phố đúng mục đích, có hiệu quả và tuân thủ theo các quy định hiện hành”.

Ở góc độ quản lý chuyên ngành, hàng năm, ngoài việc quản lý các nhiệm vụ sử dụng kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý, Sở Khoa học và Công nghệ còn: “chịu trách nhiệm tổng hợp, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt danh mục nhiệm vụ sử dụng kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học của Thành phố do các cơ quan quản lý khác đề xuất, bao gồm những nhiệm vụ phát sinh trong năm”.

– Nhiệm vụ KH&CN được xem xét đưa vào thực hiện phải đáp ứng yêu cầu: “Trên 50% số thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá hồ sơ đạt từ 70 điểm trở lên (tính theo thang điểm 100), trong đó bắt buộc phải có các ủy viên phản biện và không có tiêu chí nào có quá 1/3 số thành viên hội đồng có mặt cho điểm không (0 điểm)”.

– Yêu cầu đối với sản phẩm của các nhiệm vụ KH&CN cũng cụ thể hơn: “sản phẩm của đề tài nghiên cứu lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng chuyển sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm, có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng; kết quả đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phải tạo ra được luận cứ khoa học, giải pháp kịp thời cho việc giải quyết vấn đề thực tiễn trong hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, pháp luật của Nhà nước; sản phẩm của các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khác phải đảm bảo tính mới, tính tiên tiến so với các kết quả đã được tạo ra tại Việt Nam hoặc quốc tế thông qua các công bố trong nước và quốc tế hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội. Công nghệ hoặc sản phẩm của dự án sản xuất thử nghiệm phải có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở qui mô sản xuất hàng loạt; kết quả dự án KH&CN phải giải quyết vấn đề KH&CN phục vụ trực tiếp dự án đầu tư sản xuất sản phẩm trọng điểm, chủ lực, ưu tiên, mũi nhọn của Thành phố, có ý nghĩa tác động lâu dài tới sự phát triển KH&CN của ngành, lĩnh vực,...”

– Điều kiện đối với các tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học: “các tổ chức chủ trì nhiệm vụ phải là tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN hoặc trường, viện, tổ chức có chức năng nghiên cứu KH&CN (ngoại trừ đối với nhiệm vụ theo hình thức đề án khoa học, tổ chức chủ trì có thể là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp); cá nhân đang làm chủ nhiệm từ 01 nhiệm vụ trở lên bằng nguồn kinh phí tài trợ của thành phố không được đăng ký làm chủ nhiệm nhiệm vụ mới”.

– Hội đồng tư vấn KH&CN: “do thủ trưởng cơ quan quản lý thành lập, thực hiện các hoạt động tuyển chọn, giám định, nghiệm thu, thẩm định kinh phí; thanh lý; thẩm định, đánh giá kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách; xác định nhiệm vụ cấp quốc gia”.

– Thời gian giải quyết thủ tục đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN: tối đa 53 ngày.

– Cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ: “kinh phí thực hiện nhiệm vụ do Sở Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý được chuyển vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ thành phố và được quản lý theo điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ sử dụng ngân sách thành phố do các cơ quan khác quản lý được ngân sách thành phố cấp trực tiếp vào tài khoản dự toán của cơ quan đó”.

– Quản lý và xử lý tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN thể hiện dưới dạng tài sản hữu hình và tài sản vô hình: “thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 01/9/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính quy định về hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; việc định giá các tài sản trí tuệ nhằm mục đích xử lý tài sản được thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước”; “việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản vô hình thuộc Thành phố quản lý cho đối tượng thụ hưởng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”.

– Quy chế cũng xác định: “Cơ quan có thẩm quyền về đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin kết quả nhiệm vụ là Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ”.

2.2.9. Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH&CN vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ Tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học

Triển khai Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; Kết luận số 179-KL/TU ngày 24/02/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về chủ trương thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH&CN, ngày 21/11/2014, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND về Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH&CN vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ Tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học.

Theo đó, chuyên gia KH&CN được xác định là: “những nhà khoa học tham gia vào các hoạt động KH&CN”, có trình độ tiến sĩ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động KH&CN của từng đơn vị (nêu trên), “có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới”, “sáng chế được công nhận, có công trình nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp công nghệ cao, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực công nghệ cao khác”. Các trường hợp trình độ mới chỉ là cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ thì: “phải có công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc đã được nghiệm thu, hoặc sáng chế được công nhận đem lại hiệu quả cao, hoặc có chuyên môn sâu; có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, ươm tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, quản lý hoạt động KH&CN, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế chế tạo sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao”.

Quyết định cũng xác định nhiều chính sách đối với chuyên gia KH&CN như: tuyển dụng, lao động; lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ; điều kiện, môi trường làm việc; xuất nhập cảnh và cư trú; ngoại hối, thuế và phí; nhà ở và hỗ trợ ổn định cuộc sống;…Trong đó, thu nhập của chuyên gia KH&CN có thể lên đến 150 triệu đồng/tháng là một trong những giải pháp mạnh của Thành phố trong việc thu hút các chuyên gia đầu ngành để tạo ra đột phá về KH&CN.

 

2.3. MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH TRỌNG ĐIỂM VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2016

Nhằm tạo thế và lực mới cho việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra cho kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó nâng cao sự đóng góp của KH&CN là mục tiêu hàng đầu để nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN trọng điểm, kết quả đạt được trong năm 2016 như sau:

(1) Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN của Thành phố

– Triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học và nâng cao tiềm lực KH&CN, trong đó tập trung vào 5 chương trình trọng điểm: chương trình cơ khí và tự động hóa; chương trình điện - điện tử và công nghệ thông tin; chương trình hóa dược, công nghệ thực phẩm và công nghệ vật liệu; chương trình công nghệ sinh học; chương trình quản lý và phát triển đô thị và các lĩnh vực KH&CN khác. Trong năm 2016, đã triển khai 123 đề tài/dự án mới, thực hiện giám định 89/108 đề tài, đạt tỷ lệ 82,4 % so với kế hoạch, nghiệm thu 173/241 đề tài, đạt 71,8 % kế hoạch, trong đó 50% đề tài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; có 135/173 đề tài, dự án có kết quả nghiệm thu được ứng dụng, chiếm tỷ lệ 78% (trong đó 23% được ứng dụng trực tiếp, 55% ứng dụng gián tiếp).

– Xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến; đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN trong 4 ngành công nghiệp chủ lực; đề án liên kết nguồn lực thông tin KH&CN,...

(2) Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế

– Tiếp tục hỗ trợ ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, kết quả năm 2016 đã có 19/91 doanh nghiệp xây dựng chương trình ứng dụng KH&CN của doanh nghiệp, trong đó 13 doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt đề án tái cấu trúc.

– Triển khai tiếp dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, trong đó tập trung công tác đào tạo, tư vấn nâng cao năng lực quản trị trong lĩnh vực quản lý và khai thác tài sản trí tuệ, tiết kiệm năng lượng, năng suất, chất lượng, sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Trong năm, đã tổ chức 143 lớp tập huấn cho doanh nghiệp, đào tạo hơn 3.200 người là đại diện các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân quận - huyện, sở ngành về đổi mới sáng tạo, năng suất chất lượng, an toàn điện cơ bản, an toàn hóa chất, kiểm soát nguồn năng lượng nguy hiểm, tự động hóa PLC. Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý tài sản trí tuệ cho 10 doanh nghiệp; hỗ trợ 50 dự án nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm, đạt 7,5% so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020; phối hợp với MBI-ADB để xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường mua sắm công; tư vấn tiết kiệm năng lượng và đổi mới công nghệ cho 104 công ty, giúp tiết kiệm 28,8 triệu kWh điện/năm và 327 tấn OE/ năm, tương đương tiết kiệm chi phí năng lượng 56,93 tỉ đồng/năm.

– Triển khai các hoạt động hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định: Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á và các đơn vị có liên quan hình thành mô hình tổ chức (SIHUB - Saigon Innovation Hub) hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố, làm đầu mối thúc đẩy, kết nối các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; định hướng, điều phối và đẩy mạnh hợp tác đối tác công - tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; điểm kết nối cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố để triển khai các chính sách hỗ trợ của Thành phố cho cộng đồng, kết nối các nguồn lực của xã hội và đầu mối hợp tác quốc tế cho hoạt động khởi nghiệp. Với mục tiêu này, nhiều sự kiện thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã được SIHUB tổ chức như: phối hợp với Hanwa, Lotus Fund và Tekes (Phần Lan) xây dựng các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, tìm kiếm đối tác và góp vốn khởi nghiệp; hợp tác với SECO (Thụy Sỹ) về đào tạo nâng cao năng lực cho các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp; hợp tác với MAIN (Mekong Angle Investor Network) về kết nối mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần các nước trong khu vực sông Mêkong; hỗ trợ 500 gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại các sự kiện Saigon Tech Startup Fest, Hatch! Fair, BSSC Startup Day và Triển lãm SIHUB; kết nối các nhà đầu tư, mentor, doanh nghiệp qua 29 hoạt động như Demo Day, Startup night, hội thảo khởi nghiệp thu hút 1.670 lượt người tham gia; 300 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ; 700 nhà khởi nghiệp, bạn trẻ được đào tạo những kiến thức cơ bản để giúp phát triển ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp; 1.500 lượt nhà khởi nghiệp, bạn trẻ được hỗ trợ kết nối với nhà đầu tư, quỹ đầu tư, kết nối với người chỉ dẫn, nhà cố vấn.

Công tác kết nối các nguồn lực tham gia đầu tư vào KH&CN nói chung và đặc biệt là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2016 đã tạo được dấu ấn quan trọng: kết nối hợp tác với các hoạt động ươm tạo và đổi mới sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ (Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan - IPP, Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam - VSV), các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp ở Thành phố (vườn ươm Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, các vườn ươm doanh nghiệp của trường đại học, các vườn ươm tư nhân), Vườn ươm Rehobooth (Hàn Quốc), Vườn ươm Mars (Canada) và các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân và quốc tế.

(3) Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Các hoạt động thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN tiếp tục được triển khai. Đề án thử nghiệm Sàn Giao dịch công nghệ trong năm 2016 đã có 185 yêu cầu được tư vấn, cung cấp thông tin, 85 yêu cầu được kết nối chuyên gia tư vấn; kết nối thành công 7 hợp đồng chuyển giao công nghệ; tổ chức 8 kỳ hội thảo trình diễn công nghệ theo đặt hàng của doanh nghiệp phục vụ hơn 500 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Mô hình cổng thông tin giao dịch công nghệ trực tuyến, công cụ hỗ trợ giao dịch công nghệ trên địa bàn thành phố, được xây dựng với 3 chức năng chính: giao dịch công nghệ, dịch vụ tư vấn, tìm kiếm đối tác; được đưa vào vận hành từ tháng 11/2016.

Các hoạt động Chợ công nghệ và thiết bị thường xuyên, Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành được tổ chức định kỳ tại 79 Trương Định, Quận 1 đã thu hút sự quan tâm và dần trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin về công nghệ.

Hoạt động đăng ký sở hữu công nghiệp, trong năm 2016 đã có 9.687 đơn đăng ký và 1.406 văn bằng được cấp. Số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được công nhận trong năm là 1.700. Xây dựng quy chế quy định các vấn đề liên quan đến việc ghi nhận, xác lập quyền sở hữu, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ; kế hoạch hỗ trợ hình thành các tổ chức trung gian cho thị trường KH&CN thành phố; phối hợp với các chuyên gia Canada trong việc đánh giá hoạt động của các vườn ươm trên địa bàn thành phố, v.v…

(4) Chương trình thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH&CN ở cơ sở

Nhằm xây dựng, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra các giá trị mới trong lĩnh vực hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống; đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN tại cơ sở, năm 2016, Sở KH&CN đã hoàn thành việc tổ chức các khóa đào tạo cho 163 cán bộ công chức quận/huyện về nghiệp vụ kiểm tra về đo lường, năng suất chất lượng và KPI, đổi mới sáng tạo; 468 lượt cán bộ, nhân viên của 260 doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo, năng suất chất lượng; 2.642 lượt giáo viên, học sinh về đổi mới sáng tạo. Triển khai, giới thiệu 8 mô hình/ứng dụng KH&CN hiệu quả tại các quận/huyện.

Xây dựng và vận hành 3 trang thông tin điện tử về: đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, sáng kiến cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về KH&CN và đổi mới sáng tạo với các diễn đàn và ứng dụng tương tác trực tiếp với người dùng, lượng thông tin trong năm đạt 1.018 tin/bài/chuyên đề.
 


2.4. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ NĂM 2017

(1) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN

– Hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

– Tiếp tục kiện toàn tổ chức và đưa các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ sớm đi vào hoạt động ổn định.

– Thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra chuyên ngành trong việc thực hiện các chương trình, đề tài, dự án KH&CN sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

– Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN của thành phố.

(2) Tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu và nâng cao tiềm lực KH&CN thành phố

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN thành phố giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 2953/QĐ-UBND ngày 07/6/2016, cụ thể:

– Triển khai thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm của thành phố theo hướng ưu tiên nghiên cứu và triển khai ứng dụng cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ của thành phố.

– Tiếp tục đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý phục vụ công tác quản lý, hoạch định đường lối, chính sách phát triển thành phố.

– Triển khai đề án phát triển các tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến và đề án phát triển sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu KH&CN mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của thành phố.

– Hoàn chỉnh quy chế quy định các vấn đề liên quan đến việc ghi nhận, xác lập quyền sở hữu, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.

(3) Triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh

– Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo: hỗ trợ ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; đào tạo công cụ về quản trị nâng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; tư vấn năng suất, chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

– Tiếp tục triển khai các hoạt động hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố: xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp; triển khai hoạt động Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố; triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

(4) Triển khai có hiệu quả chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN thành phố

– Xây dựng, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để Sàn giao dịch công nghệ thành phố chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018.

– Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ; tiếp tục tổ chức chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ ở các cấp độ khác nhau.

– Tiếp tục tư vấn, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN, cơ sở ươm tạo công nghệ.

(5) Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở và chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn thành phố

– Tuyên truyền, đào tạo nghiệp vụ quản lý KH&CN, năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách KH&CN quận/huyện; đào tạo đổi mới sáng tạo cho giáo viên và học sinh tại các trường phổ thông và các khóa kiến thức về năng suất chất lượng, tổ chức hoạt động và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

– Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng KH&CN cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng, hoàn chỉnh tài liệu kỹ thuật, hoàn chỉnh mô hình, đề tài, dự án ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đào tạo và hình thành mạng lưới lực lượng kỹ thuật, chuyển giao tại các quận/huyện.

– Tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ các dự án triển khai ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo phục vụ nông nghiệp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân.