SpStinet - vwpChiTietKHCN

 

Chương 3. TIỀM LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

3.1. CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tổ chức KH&CN là những tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Theo Luật Khoa học và Công nghệ, các loại hình tổ chức KH&CN gồm:
 

– Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

– Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học, bao gồm: các đại học quốc gia, đại học vùng (gọi chung là đại học); các trường đại học, học viện; các trường cao đẳng; các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

– Tổ chức dịch vụ KH&CN được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

3.1.1. Tổ chức nghiên cứu và phát triển

Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 đã xác định hoạt động NC&PT bao gồm: nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm. Theo hình thức sở hữu thì gồm có tổ chức NC&PT công lập, ngoài công lập và có vốn nước ngoài.

Hệ thống các tổ chức NC&PT công lập của Việt Nam bao gồm:

– Các viện hàn lâm khoa học thuộc Chính phủ;

– Các tổ chức NC&PT do Chính phủ, Thủ tướng, hoặc bộ trưởng thành lập, trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (không kể hai viện hàn lâm);

– Các tổ chức NC&PT thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

– Các tổ chức NC&PT do các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính, sự nghiệp thành lập theo thẩm quyền;

– Các tổ chức NC&PT thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

3.1.1.1. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Theo dữ liệu tổng hợp của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số lượng các tổ chức NC&PT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các tổ chức thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức NC&PT do thành phố Hồ Chí Minh quản lý là 76 đơn vị (Bảng 3.1).

 

Bảng 3.1. Tổ chức NC&PT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
 

Nguồn: 

* Tổng hợp từ các Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành; các Quyết định của Thủ tướng về danh sách các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, ngành; nguồn điều tra tiềm lực KH&CN của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

** Tổng hợp từ danh sách các tổ chức KH&CN có đăng ký hoạt động tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

Quy mô tổ chức NC&PT theo số liệu từ điều tra NC&PT năm 2012 trên cả nước do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện cho thấy quy mô nhân lực NC&PT của tổ chức NC&PT là khá nhỏ, trung bình nhân lực một tổ chức NC&PT có khoảng 30 người. Khoảng 70% số tổ chức NC&PT có quy mô dưới 50 người (trong đó 24,3% có quy mô từ 1 đến 12 người; 23,8% có quy mô từ 13 đến 25 người và 21,1% có quy mô từ 26-50 người), số tổ chức lớn rất ít (3% có quy mô nhân lực trên 300 người). Dữ liệu điều tra NC&PT quốc gia năm 2014 do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện cũng cho thấy quy mô tổ chức NC&PT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng thể hiện xu hướng phân bổ trên với khoảng 95% số tổ chức NC&PT có quy mô từ 50 người trở xuống (trong đó 54,6% có quy mô từ 1 đến 12 người; 22,7% có quy mô từ 13 đến 25 người và 18,2% có quy mô từ 26-50 người); chỉ có 4,5% có quy mô từ 76 -100 người.


3.1.1.2. Tổ chức nghiên cứu và phát triển do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý
 

– Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) được thành lập ngày 01/10/2008 trên cơ sở hợp nhất Viện Kinh tế, Viện Nghiên cứu xã hội (thuộc Ủy ban nhân dân thành phố), và Viện Quy hoạch xây dựng (thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc). Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; có chức năng nghiên cứu, tham mưu và tư vấn cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường đô thị trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, một số đơn vị NC&PT trực thuộc các sở cũng đã có những thành tựu nổi bật như Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh, v.v...

– Viện Khoa học và Công nghệ tính toán được thành lập theo Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 22/01/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa Học và Công Nghệ thành phố; với các mục tiêu nghiên cứu về KH&CN tính toán, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, kết hợp đào tạo sau đại học, xây dựng đội ngũ nhà khoa học trong lĩnh vực tính toán ngang tầm khu vực và hội nhập quốc tế; tổ chức nghiên cứu KH&CN, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước. Nhờ được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng và có cơ chế quản lý đặc thù, đặc biệt là cơ chế nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, phát triển khoa học cơ bản, những năm vừa qua đã đạt được thành công ấn tượng với tổng cộng 57 đề tài khoa học, 124 bài báo quốc tế (danh mục ISI). Nhiều nghiên cứu khoa học cơ bản ở một số ngành khoa học như: khoa học sự sống, khoa học phân tử, toán cơ bản... đã được đăng trên các tập san uy tín và có nhiều trích dẫn. Trong các năm 2012-2014, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán cũng đã bước đầu thực hiện thành công một số đề tài ứng dụng, cụ thể như hệ thống quản lý thông tin môi trường, hiện đang được triển khai, sử dụng ở Trung tâm Quan trắc Môi trường thành phố Hồ Chí Minh; Prototype tàu ngầm cỡ nhỏ 02 chỗ ngồi cho hoạt động du lịch; Prototype mô hình tính toán phỏng đoán chất lượng nước cho sông Sài Gòn.

– Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh (HCMBIOTECH) được thành lập theo Quyết định số 161/2004/QĐ-UB ngày 02/07/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trụ sở Trung tâm được xây dựng trên khuôn viên rộng 23 ha, tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Chức năng, nhiệm vụ gồm: nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học; tiếp nhận, triển khai các quy trình, kỹ thuật hiện đại về công nghệ sinh học (công nghệ gene, công nghệ tế bào động thực vật, công nghệ vi sinh, công nghệ lên men...) phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và xử lý môi trường; đào tạo huấn luyện các kỹ thuật viên về công nghệ sinh học; sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ sinh học.

Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đa lĩnh vực. Một số sản phẩm của Trung tâm đã đưa ra thị trường như: chế phẩm sinh học BIMA; phân bón lá bio trùn quế; bio lân đạm; chế phẩm sinh học BIONEMA; dung dịch bánh dầu thủy phân BiBean, v.v…; Giống cây cấy mô các loại như cây kiểng tử la lan, các giống lan Dendrobium...; Các bộ “kit” phát hiện virus gây một số bệnh trên tôm, hoa lan, v.v...

3.1.2. Đại học, trường đại học, học viện và cao đẳng 
 

3.1.2.1. Tình hình chung:
 

Các đại học, trường đại học, học viện và cao đẳng (sau đây gọi tắt là trường đại học) có nhiệm vụ tiến hành NC&PT, kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ KH&CN theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, Luật Giáo dục đại học và các quy định khác của pháp luật. Trường đại học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nhiệm vụ KH&CN ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước và nghiên cứu khoa học về giáo dục. Trong nhiều trường đại học có thành lập các tổ chức NC&PT (các viện, trung tâm nghiên cứu).

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016, cả nước có tổng số 442 trường đại học và cao đẳng (trong đó có 223 trường đại học và 219 trường cao đẳng). Thống kê trên địa bàn thành phố có tổng số 93 trường đại học và cao đẳng (trong đó có 50 trường đại học và 43 trường cao đẳng), ngoài ra còn có 01 đại học và 06 học viện.

 

Bảng 3.2. Số lượng các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn: Tổng hợp của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh

3.1.2.2. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Nghị quyết số 53/NQ-TW của Bộ Chính trị về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xác định sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Để đạt được điều đó thì một trong các yếu tố quan trọng đó là tập trung đầu tư vào chất xám, chú trọng phát triển nhân tố con người. Và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) là một trong những nơi đào tạo nguồn lực chất xám cho sự phát triển của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 27/01/1995 theo Nghị định 16/CP của Chính phủ trên cơ sở sắp xếp 9 trường đại học lại thành 8 trường đại học thành viên và chính thức ra mắt vào ngày 6/02/1996.

Năm 2001, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức lại theo Quyết định số 15/2001/QĐ-TTg ngày 12/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ, có quy chế tổ chức và hoạt động riêng. Theo đó, ĐHQG-HCM là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có 7 đơn vị thành viên: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện Môi trường - Tài nguyên. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM còn có 26 đơn vị trực thuộc được tổ chức và hoạt động theo các chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ….

Cơ quan hành chính của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đặt tại phường Linh Trung - Thủ Đức. Hiện ĐHQG-HCM đang được xây dựng trên diện tích 643,7 hecta tại khu quy hoạch Thủ Đức - Dĩ An theo mô hình một đô thị khoa học hiện đại.

Về đội ngũ, năm 2014, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng hơn 5.600 cán bộ - công chức với khoảng 2.600 cán bộ giảng dạy, 2.200 cán bộ quản lý và 800 cán bộ nghiên cứu. Trong đó có: 250 giáo sư, phó giáo sư, 1.000 tiến sĩ, 1.800 thạc sĩ.

Qua hơn 20 năm hoạt động, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu, luôn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín được công nhận bởi ISI (Institute for Scientific Information - Thomson Reuters).

 

Bảng 3.3. Tình hình công bố khoa học của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.


So với giai đoạn 2006 - 2010, số lượng bài báo đăng tạp chí quốc tế giai đoạn 2011-2015 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gần gấp ba (từ 787 lên 2142). Hàng năm, số bài ISI trong tổng số bài báo quốc tế chiếm một tỉ lệ lớn, dao động từ 60% đến 77%. Tỷ lệ công bố quốc tế/ tiến sĩ cũng tăng dần và đạt mức 0,54 năm 2015. Không chỉ tăng trưởng về mặt số lượng mà chất lượng bài báo khoa học của các nhà nghiên cứu ĐHQG-HCM cũng được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá tốt hơn theo thời gian qua sự gia tăng chỉ số ảnh hưởng (IF: Impact Factor) trung bình từ 1,62 giai đoạn 2006-2010 lên 2,08 giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra, các nhà khoa học của ĐHQG-HCM cũng đã có các công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế rất uy tín như Nature (IF2015 = 41,456), Nature Genetics (IF2015 = 29,352), Cell Stem Cell (IF2015 = 22,268), Cancer Cell (IF2015 = 23,523), Physics Reports (IF2015 = 20,033), Nano Letters (IF2015 = 13,592), Angewandte Chemie (IF2015 = 11,261), American Chemical Society (IF2015 = 12,113), Nature Communications (IF2015 = 11,470)... Trên 75% số bài báo ISI trong giai đoạn 2011-2015 có tác giả chính hoặc tác giả thứ nhất thuộc ĐHQG-HCM, trong đó số bài báo mà tất cả tác giả là lực lượng của ĐHQG-HCM là 44%, cho thấy ĐHQG-HCM đang ngày càng phát huy năng lực nội tại trong nghiên cứu khoa học.

Trong bảng xếp hạng SCImago (SCImago Institutions Rankings) cho các trường đại học, viện và tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới dựa trên kết quả nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và tác động xã hội, Việt Nam có 04 đơn vị có tên trong bảng xếp hạng bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐHQG-HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nguồn http://www.scimagoir.com/rankings.php?year=2003&country=VNM). 

 

Bảng 3.4. Thay đổi các chỉ số xếp hạng của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh


Theo bảng xếp hạng của tổ chức Scientometrics for Vietnam (dự án nhằm cung cấp thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) và các cơ sở nghiên cứu khoa học tại Việt Nam), trong giai đoạn 2011-2015, ĐHQG-HCM là đơn vị đứng đầu về số lượng bài báo công bố, chỉ số H-index-nội lực (chỉ tính các bài báo có tác giả thuộc CSGDĐH tương ứng là tác giả liên hệ - corresponding author), tỉ lệ % tác giả liên hệ (tính trong số 10% số bài báo có tác động cao nhất (có số lượt trích dẫn nhiều nhất) của từng CSGDĐH) và đứng thứ 2 về số lượng trích dẫn và chỉ số H-index trong số 15 CSGDĐH Việt Nam có công bố quốc tế ISI (nguồnhttp://scientometrics4vn.com).

Tổ chức xếp hạng các trường đại học châu Á (QS University Rankings Asia) vừa công bố top 350 các trường đại học châu Á năm 2016. Việt Nam có 5 trường trong bảng xếp hạng gồm Đại học Quốc gia Hà Nội đứng thứ 139, ĐHQG-HCM đứng thứ 147, Trường Đại học Cần Thơ đứng trong nhóm 251-300, Trường Đại học Huế và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đứng trong nhóm 301-350.

3.1.3. Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ

Tổ chức dịch vụ KH&CN được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác, có chức năng chủ yếu là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động NC&PT; hoạt động liên quan đến sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ và hạt nhân, năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu KH&CN trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

3.1.3.1. Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hoạt động liên quan đến sở hữu công nghiệp

Tổ chức dịch vụ KH&CN hoạt động liên quan đến sở hữu công nghiệp (SHCN) bao gồm các tổ chức dịch vụ đại diện SHCN và các tổ chức dịch vụ giám định SHCN. Chức năng chính của các tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN gồm:

– Đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyên về xác lập và bảo đảm thực thi quyền SHCN;

– Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền SHCN;

– Thực hiện các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi SHCN.

Đến 30/11/2016, Thành phố Hồ Chí Minh có 45 tổ chức được ghi nhận đủ điêu kiện hành nghề dịch vụ SHCN và 32 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN. Nếu so với cả nước thì đạt tỷ lệ tương ứng là 24,8% và 10,2%.

Các tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định SHCN có chức năng sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền SHCN, cụ thể là.

– Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền SHCN;

– Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền SHCN hay không;

– Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;

– Xác định giá trị quyền SHCN, xác định giá trị thiệt hại.

Theo website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định SHCN cũng như cá nhân được cấp thẻ giám định viên SHCN; cả nước mới có 01 tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định SHCN được thành lập (Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ) và 04 cá nhân được cấp thẻ giám định viên SHCN.

3.1.3.2. Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Tổ chức dịch vụ KH&CN hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong các vấn đề có liên quan đến an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời phục vụ cho yêu cầu sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế. Các hoạt động dịch vụ chính liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng gồm:

– Hoạt động xây dựng và tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức phổ biến áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật của Thành phố, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;

– Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường;

– Hoạt động thử nghiệm;

– Hoạt động tư vấn, đào tạo;

– Hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm: chứng nhận, giám định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo gồm có: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), các tổ chức được chỉ định/công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo và các phòng hiệu chuẩn được công nhận. Hàng năm, hệ thống này tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo lường và thử nghiệm trên địa bàn thành phố, đảm bảo sự thống nhất về đo lường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Hệ thống tổ chức thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa bao gồm Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố Hồ Chí Minh, các phòng thử nghiệm thuộc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm thành phố Hồ Chí Minh - (CASE) và các phòng thử nghiệm thuộc các viện, trung tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 09/2016, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 49 tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và thử nghiệm chất lượng sản phẩm.

3.1.3.3. Tổ chức thông tin khoa học và công nghệ

Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập theo quyết định số 66/QĐ-UB ngày 28/5/1983 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông, tin học, thống kê và phát triển thị trường KH&CN phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và phát triển trên địa bàn thành phố và khu vực phía Nam.

Ngoài nhiệm vụ phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ và các cấp có thẩm quyền liên quan đến các chương trình, quy hoạch và kế hoạch dài hạn, hàng năm về phát triển hoạt động thông tin, thống kê KH&CN; phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố, Trung tâm tập trung vào ba mảng lớn là:

– Công tác thông tin KH&CN gồm tổ chức và thực hiện phổ biến thông tin KH&CN, thông tin thống kê KH&CN của Thành phố; phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa tri thức khoa học đến với mọi đối tượng; cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xuất bản và cung cấp các xuất bản phẩm thông tin KH&CN. Trung tâm tổ chức và phát triển nguồn tin KH&CN của thành phố; xây dựng và cập nhật các CSDL KH&CN; tổ chức và phát triển công tác thư viện, mạng thông tin KH&CN của thành phố. Trung tâm được giao nhiệm vụ là tổ chức đầu mối thông tin khoa học và công nghệ của Thành phố có chức năng thu thập và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thu thập và công bố thông tin về ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ; cung cấp thông tin phục vụ xác định, tuyển chọn, thực hiện và đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN và các nhiệm vụ khác.

– Công tác thống kê KH&CN với vai trò đầu mối của thành phố về nghiệp vụ và tổ chức hoạt động thống kê KH&CN; hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở về KH&CN đối với các đơn vị thuộc thành phố quản lý; tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê tổng hợp về KH&CN áp dụng đối với Sở; Trung tâm cũng có nhiệm vụ tổ chức hoặc tham gia thực hiện các cuộc điều tra thống kê KH&CN theo phương án điều tra đã được phê duyệt; tổ chức thu thập, tổng hợp, dự báo, phân tích thông tin thống KH&CN; xây dựng và cập nhật các CSDL thống kê KH&CN.
Nguồn lực thông tin KH&CN của Trung tâm có từ việc tạo lập, cập nhật, xử lý và lưu trữ nguồn lực thông tin KH&CN trong và ngoài nước, bao gồm: thông tin SHCN (về sáng chế và giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp); thông tin nghiên cứu triển khai (các báo cáo kết quả nghiên cứu, tạp chí chuyên ngành, dự báo chiến lược, tổng quan, các cơ sở dữ liệu KH&CN trong và ngoài nước); thông tin tiêu chuẩn (TCVN và tiêu chuẩn các nước trên thế giới); thông tin công nghệ và thiết bị.

– Công tác phát triển thị trường KH&CN được thực hiện thông qua việc tổ chức và tham gia tổ chức các hoạt động xúc tiến, triển lãm, chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, kết nối cung - cầu sản phẩm KH&CN; nghiên cứu, khảo sát nhu cầu công nghệ và thiết bị, triển khai dịch vụ cung cấp thông tin công nghệ và thị trường công nghệ trong và ngoài nước; dịch vụ tư vấn, môi giới và chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Trung tâm cũng tổ chức các hoạt động thông tin truyền thông phục vụ thương mại hóa sản phẩm KH&CN, thực hiện các hội nghị, hội thảo, trình diễn, giới thiệu công nghệ, thiết bị. Đặc biệt, chú trọng xây dựng mạng lưới xúc tiến, thương mại hóa sản phẩm KH&CN, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ.

3.1.3.4. Tổ chức ứng dụng khoa học và công nghệ trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh
 

a/ Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ (RTTC) là đơn vị sự nghiệp hoạt động theo cơ chế tự chủ được quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/09/2005 của Chính phủ, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật. Trên 30 năm hoạt động trong lĩnh vực khoa học, RTTC đã khẳng định được thế mạnh trong chuyên môn và tạo được niềm tin đối với cơ quan quản lý cũng như khách hàng trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

Các hoạt động chính của Trung tâm gồm:

– Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, hoàn thiện quy trình công nghệ trước khi tham gia thị trường;

– Chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong các lĩnh vực công - nông - lâm - ngư nghiệp;

– Thực hiện các dịch vụ tư vấn đầu tư, KH&CN, giải pháp hữu ích, sở hữu trí tuệ, lập và quản lý dự án đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ;

– Huấn luyện, đào tạo, trình diễn KH&CN;

– Hợp tác, liên kết về kinh tế và khoa học kỹ thuật với cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước.

RTTC đã triển khai các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, lựa chọn các công nghệ thích hợp từ nguồn trong nước và nước ngoài để có thể nhanh chóng thực hiện đổi mới công nghệ, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, bước đầu RTTC đã tạo lập và đưa vào phục vụ tra cứu khai thác các CSDL sau:

– CSDL tích hợp 2.500 công nghệ, thiết bị của các đơn vị trong nước, đang sẵn sàng cung cấp chuyển giao theo yêu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thuộc trên 20 lĩnh vực sản xuất. CSDL này sẽ được tiếp tục bổ sung cập nhật định kỳ thường xuyên.

– CSDL tích hợp 2.000 phim khoa học kỹ thuật, trình diễn, chỉ dẫn các thao tác kỹ thuật và công nghệ được áp dụng trong sản xuất các loại cây trồng và vật nuôi, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn ngoại thành. CSDL được thực hiện bổ sung, cập nhật theo định kỳ.

Mặt khác, RTTC còn cung cấp các dịch vụ KH&CN, đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân như môi giới, tìm kiếm, lựa chọn công nghệ thích hợp từ nguồn trong nước và nước ngoài; tư vấn chuyển giao công nghệ; đánh giá và định giá công nghệ; lập dự án đầu tư đổi mới công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn và các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.

b/ Trung tâm Thiết kế Chế tạo Thiết bị Mới (Neptech) được thành lập theo Quyết định số 3276/QĐ-UB ngày 11/8/2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Chức năng của Neptech là nghiên cứu và giải mã công nghệ; chuyển giao sản phẩm nghiên cứu vào sản xuất công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cơ khí - tự động hóa.

Neptech có nhiệm vụ phối hợp với doanh nghiệp, trường, viện khai thác hiệu quả thiết bị hiện đại và phần mềm chuyên ngành thiết kế chế tạo cơ khí; giải mã công nghệ thay thế thiết bị ngoại nhập; tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực trong cộng đồng doanh nghiệp. Neptech còn triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trường, viện và nhà khoa học.

Neptech được Nhà nước đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị phần mềm từ khâu đo lường, lấy mẫu, giải mã thiết bị cơ khí ngoại nhập, tính toán thiết kế, mô phỏng và triển khai chế tạo theo công nghệ hiện đại có khả năng tự động hóa với độ chính xác cao. Neptech hoạt động như một phòng thí nghiệm mở với những năng lực chính:

– Thiết kế - mô phỏng: thiết bị đo lường, lấy mẫu, giải mã thiết bị ngoại nhập gồm có máy đo tọa độ không gian 3 chiều CMM (CARL ZEISS); bộ thước đo cơ khí, đo độ cứng, siêu âm khuyết tật; thiết bị tạo mẫu nhanh: EDEN 250, v.v.. cho phép đo, vẽ, dựng hình những chi tiết có biên dạng phức tạp; ứng dụng trong ngành nhựa, giày dép, dập, chế tạo máy, khuôn mẫu, quá trình thiết kế ngược; sản phẩm trong ngành đúc: puly, bánh răng; giải mã kỹ thuật các thiết bị ngoại nhập. Ngoài ra, với những thiết bị phục vụ tính toán thiết kế, mô phỏng chuyên dụng, Neptech có khả năng thực hiện các ứng dụng như công nghệ thiết kế ngược, dựng hình theo mẫu; kiểm tra độ bền, tính tải trọng phá hủy; mô phỏng động lực học; thiết kế hệ thống điều khiển tự động.

– Gia công: với những thiệt bị chuyên dụng, Neptech có khả năng gia công các chi tiết cơ khí chính xác cao, có biên dạng đặc biệt; gia công khuôn mẫu; chế tạo chi tiết, cụm chi tiết, đồ gá thay thế cho máy móc thiết bị chuyên dùng; bảo trì thiết bị gia công cơ khí, máy móc cho ngành nhựa, chế biến gỗ…

c/ Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng (ECC-HCMC - Energy Conservation Center) được thành lập theo quyết định số 51/2002/QĐ-UB ngày 10/5/2002 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm:

– Nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ để phục vụ các mục tiêu yêu cầu tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, các dạng năng lượng mới, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo;

– Tham mưu cho lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ về các vấn đề liên quan đến năng lượng trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của Sở; biên soạn các định chuẩn năng lượng cho các ngành; triển khai công tác kiểm toán năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng;

– Đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng hiệu quả năng lượng và các nội dung liên quan cho các cơ quan, đơn vị tổ chức có nhu cầu;

– Làm đầu mối để triển khai các hoạt động liên quan đến năng lượng của Sở với các tổ chức dự án, chương trình hoạt động trong và ngoài nước tại Thành phố;

– Chủ trì các nhiệm vụ về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn.

Các hoạt động hiện nay của Trung tâm dựa theo chức năng và nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, trong đó tập trung chủ yếu vào 03 lĩnh vực: sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng phương án sử dụng các dạng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố; các hoạt động sản xuất sạch hơn.

Hàng năm, Trung tâm thực hiện tư vấn, kiểm toán năng lượng từ 30 - 50 đơn vị; thi công các giải pháp tiết kiệm năng lượng khoảng 20 đơn vị trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện kiểm toán năng lượng dịch vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Công tác nghiên cứu - triển khai tập trung chủ yếu vào hai vấn đề: (i) Nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý về tiết kiệm năng lượng và nghiên cứu giải pháp ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng vào tình hình thực tế của Việt Nam; (ii) Nghiên cứu xây dựng lộ trình ứng dụng các dạng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trên địa bàn. Hiện nay Trung tâm đã thực hiện đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố và đã có một bản đồ qui hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo này.

Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chủ yếu cho cán bộ kỹ thuật trong các ngành công nghiệp, cán bộ quản lý, các hiệp hội, tổng công ty, trường đại học… với nhiều chuyên đề như đào tạo cán bộ quản lý năng lượng, kỹ thuật tiết kiệm năng lượng đối với các hệ thống nhiệt - lạnh, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng, động cơ - bộ truyền động, lò hơi và hệ thống hơi, kỹ thuật bảo trì dây chuyền sản xuất công nghiệp,…

Trung tâm là đầu mối tiếp nhận và triển khai các chương trình, dự án liên quan đến vấn đề năng lượng và sản xuất sạch hơn của Thành phố; đối tác địa phương của nhiều dự án quốc gia…

3.1.3.5. Tổ chức hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN có thể được thành lập dưới các hình thức: sàn giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ, các tổ chức hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, vườn ươm,.... Trong đó:

– Trung tâm giao dịch công nghệ là loại hình tổ chức có khả năng thực hiện một số dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ trong phạm vi địa phương hoặc lĩnh vực nhất định.

– Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo là loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quy trình quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh; tiếp thu, làm chủ công nghệ; quản trị, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ; quản trị hoạt động đổi mới sáng tạo.

– Trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ là loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, người có quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ và các bên liên quan trong việc xác định giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.

– Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN là loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoàn thiện, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ; xây dựng mô hình kinh doanh, huy động vốn đầu tư và các hoạt động khác thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN.

– Tổ chức/công ty tư vấn chuyển giao công nghệ là loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN và các tổ chức khác có hoạt động tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.

Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm thành lập các cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN, những cơ sở công lập này nằm trong các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu phần mềm và các trường đại học như Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao trực thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh; Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Ươm tạo Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung tại Công viên Phần mềm Quang Trung; Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, v.v...


 

3.2. NGUỒN NHÂN LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 

3.2.1. Nhân lực khoa học và công nghệ tiềm năng tại Thành phố Hồ Chí Minh 


Tổng cục Thống kê tiến hành tổng điều tra dân số trên toàn quốc theo chu kỳ 10 năm và số liệu liên quan đến nhân lực mới nhất là từ cuộc tổng điều tra năm 2009. Nhân lực KH&CN tiềm năng(1) của Thành phố đã có sự phát triển rõ nét kể từ năm 1999 tới nay. Theo kết quả tổng điều tra dân số, nhân lực KH&CN tiềm năng năm 2009 đã tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 1999. Nhóm nhân lực KH&CN tiềm năng trình độ thạc sĩ có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất (tăng trên 457%), từ 4.538 người năm 1999 lên trên 20 nghìn người năm 2009 (nhiều gấp 4,5 lần). Số lượng người có trình độ tiến sĩ trong tổng nhân lực KH&CN tiềm năng tăng 72% so với năm 1999, nhưng tỷ lệ của nhóm này trong nguồn nhân lực KH&CN tiềm năng giảm từ 1,2% năm 1999 xuống còn 0,77% năm 2009 (Bảng 3.5).

(1) UNESCO và OECD sử dụng thuật ngữ "Nhân lực cho KH&CN" (Human resources for science and technology, viết tắt là HRST). Thuật ngữ "Nhân lực KH&CN tiềm năng" được Cục Thông tin KH&CN Quốc gia sử dụng cho khái niệm này trong sách KH&CN Việt Nam 2013. "Nhân lực KH&CN tiềm năng" của một quốc gia/vùng lãnh thổ được hiểu bao gồm toàn bộ những người có trình độ từ cao đẳng/đại học trở lên (tương ứng với bậc đào tạo thứ 3 theo phân loại quốc tế về giáo dục đào tạo) trong mọi lĩnh vực KH&CN và những người tuy chưa qua đào tạo chính quy như trên nhưng làm loại nghề nghiệp đòi hỏi trình độ tưong đương cao đẳng, đại học trở lên. Như vậy, "nhân lực KH&CN tiềm năng" chỉ xem xét về trình độ mà không xem xét đến nghề nghiệp và hoạt động (có hoạt động trong lĩnh vực KH&CN hay không). Đối với Việt Nam nguồn "nhân lực KH&CN tiềm năng" chỉ bao gồm toàn bộ những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên vì chúng ta chưa có văn bản pháp lý nào về việc công nhận những người chưa tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng được coi là có trình độ tương đương như vậy.

 

Bảng 3.5. Nhân lực KH&CN tiềm năng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Đơn vị tính: người)

Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, sách Tổng điều tra dân số và nhà ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1999 và sách Tổng điều tra dân số và nhà ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2009

Theo số liệu tổng điều tra năm 2009, trên 65% nhân lực KH&CN tiềm năng có độ tuổi dưới 39 tuổi, trong nhóm tuổi 20 - 29 chiếm tỷ trọng lớn nhất (36,79%), đến nhóm tuổi 30 - 39 (30,84%) (Bảng 3.6).

 

Bảng 3.6. Cơ cấu nhân lực KH&CN tiềm năng theo nhóm tuổi đối với từng giới năm 1999 và 2009 (%)

Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, sách Tổng điều tra dân số và nhà ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1999 và sách Tổng điều tra dân số và nhà ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2009.

Đến năm 2009, nhân lực có trình độ thạc sĩ tập trung nhiều nhất ở độ tuổi 30 - 39 (8.467/20.721 người, chiếm 40,86%) và bắt đầu thấp dần từ độ tuổi 40 - 49 và trên 50 tuổi (độ tuổi 40 - 49 là 20,5% và trên 50 tuổi là 18,21%). Cơ cấu nhân lực có trình độ tiến sĩ giảm dần từ cao đến thấp, cụ thể cao nhất là trên 50 tuổi (2.751/4.889 người, chiếm 56,27%), từ 40 - 49 tuổi (22,62%), 30 - 39 (17,37%) và thấp nhất là độ tuổi 20 - 29 (chỉ có 183/4.889 người, chiếm 3,74%) (Bảng 3.7).

 

Bảng 3.7. Cơ cấu nhân lực KH&CN tiềm năng theo nhóm tuổi ở các trình độ chuyên môn đối với từng giới năm 2009

Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, sách Tổng điều tra dân số và nhà ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1999 và sách Tổng điều tra dân số và nhà ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2009.

3.2.2. Nhân lực nghiên cứu và phát triển
 

Nhân lực NC&PT bao gồm những người tham gia trực tiếp vào hoạt động NC&PT trong cơ quan/tổ chức và được trả lương cho dịch vụ của họ. Theo OECD, nhân lực NC&PT được phân thành ba nhóm:

– Cán bộ nghiên cứu (nhà nghiên cứu/nhà khoa học/kỹ sư nghiên cứu): là những cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tham gia vào quá trình tạo ra tri thức, sản phẩm và quá trình mới, tạo ra phương pháp và hệ thống mới.

– Nhân viên kỹ thuật và tương đương: gồm những người thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi phải có kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật thuộc một trong những lĩnh vực KH&CN. Họ tham gia vào NC&PT bằng việc thực hiện những nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật có áp dụng những khái niệm và phương pháp vận hành dưới sự giám sát của cán bộ nghiên cứu.

– Nhân viên hỗ trợ trực tiếp NC&PT: gồm những người có hoặc không có kỹ năng, nhân viên hành chính và văn phòng tham gia vào đề tài, dự án NC&PT. Nhóm này gồm cả những người làm việc liên quan đến nhân sự, tài chính và hành chính nếu họ trực tiếp phục vụ công việc NC&PT của các tổ chức NC&PT.

Theo số liệu thống kê từ điều tra NC&PT năm 2014 do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện, tổng số nhân lực tham gia hoạt động NC&PT năm 2013 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là 15.609 người, trong đó:

– Cán bộ nghiên cứu (trình độ cao đẳng, đại học trở lên): 12.673 người;

– Cán bộ kỹ thuật: 844 người;

– Cán bộ hỗ trợ: 1.664 người;

– Người làm chức năng khác: 428 người.

Trong số 12.673 cán bộ nghiên cứu có 1.940 người có trình độ tiến sĩ, 5.324 người có trình độ thạc sĩ, 5.140 người có trình độ đại học (Bảng 3.8).

 

Bảng 3.8. Cán bộ nghiên cứu năm 2013 theo trình độ (Đơn vị tính: người)

Nguồn: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Dữ liệu điều tra NC&PT năm 2014.
 

3.3. TÀI CHÍNH CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 
Nguồn tài chính cho KH&CN được cấu thành từ các nguồn: ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp, vốn của nước ngoài.

3.3.1. Đầu tư cho khoa học và công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngân sách nhà nước

3.3.1.1. Tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngân sách nhà nước

Mức đầu tư cho KH&CN từ ngân sách của thành phố từ năm 2011 - 2012 chiếm chưa đến 2% tổng chi ngân sách địa phương. Tuy nhiên từ năm 2013 trở đi, Luật Khoa học và công nghệ quy định Nhà nước đảm bảo chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN(2) Do đó, trong 3 năm, từ 2013 - 2015, mức chi cho KH&CN của thành phố luôn trên 2%, cao nhất là năm 2014 với 4,16% tổng chi cân đối ngân sách địa phương (tương đương 1.746/41.979 tỷ đồng) (Bảng 3.9).


(2) Theo Chương VI, Điều 49, Khoản 1, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.
 

Bảng 3.9. Đầu tư từ ngân sách địa phương cho hoạt động KH&CN của Thành phố Hồ Chí Minh (Đơn vị tính: triệu đồng)

Nguồn: Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh.
Ghi chú:
- Số liệu từ năm 2011-2014: số thực hiện; Số liệu năm 2015: số dự toán;
- Số tổng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2014 và năm 2015 có bao gồm chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương;
 

Tổng mức đầu tư của thành phố trong 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015) cho KH&CN là 5.783,51 tỷ đồng, chiếm 2,24% tổng chi cân đối ngân sách địa phương. Mức chi cho KH&CN trong 03 năm gần đây đã lên đến hơn nghìn tỷ, điều này cho thấy sự đầu tư cho KH&CN của thành phố ngày càng được chú trọng.

 


Hình 3.1. Ngân sách thành phố đầu tư cho KH&CN từ năm 2011-2015.


Cơ cấu chi NSNN cho KH&CN bao gồm: chi đầu tư phát triển KH&CN và chi hoạt động sự nghiệp KH&CN.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố chú trọng cho đầu tư phát triển KH&CN, mức đầu tư luôn trên 70% tổng ngân sách cho KH&CN. Năm 2014, 86% chi ngân sách cho KH&CN được sử dụng để đầu tư phát triển KH&CN (1.502,375/1.746,485 tỷ đồng), cao nhất trong 5 năm gần đây. Xem xét tổng mức kinh phí cho đầu tư phát triển và hoạt động sự nghiệp KH&CN trong cả giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã chi 4.628,276 tỷ đồng (chiếm 80% tổng chi cho KH&CN) để đầu tư phát triển KH&CN và 1.155,234 tỷ đồng (chiếm 20% tổng chi cho KH&CN) để sử dụng cho hoạt động sự nghiệp KH&CN (Bảng 3.10 và Hình 3.2).

 

Bảng 3.10. Cơ cấu chi cho KH&CN từ ngân sách thành phố

Nguồn: Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh.
Ghi chú: số liệu từ năm 2011-2014: số thực hiện; số liệu năm 2015: số dự toán.


Hình 3.2. Cơ cấu kinh phí từ ngân sách địa phương cho KH&CN.


3.3.1.2. Kinh phí đầu tư phát triển

Tỷ lệ chi đầu tư phát triển KH&CN trên tổng chi đầu tư phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh tăng dần từ năm 2011, cao nhất là vào năm 2014, đạt bình quân 4,59% tính cho cả giai đoạn 2011-2015 (Bảng 3.11).

 

Bảng 3.11. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển KH&CN trên tổng chi đầu tư phát triển của thành phố Hồ Chí Minh (Đơn vị tính: triệu đồng)

Nguồn: Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi chú: số liệu từ năm 2011-2014: số thực hiện; số liệu năm 2015: số dự toán.

3.3.1.3. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ

Chi hoạt động sự nghiệp KH&CN trên tổng chi hoạt động thường xuyên của thành phố Hồ Chí Minh tăng dần từ năm 2011 và cao nhất vào năm 2015. Tỷ lệ bình quân cho cả giai đoạn 2011- 2015 đạt 0,88% (Bảng 3.12).

 

Bảng 3.12. Tỷ lệ chi hoạt động sự nghiệp KH&CN trên tổng chi hoạt động thường xuyên của thành phố Hồ Chí Minh 
(Đơn vị tính: triệu đồng)

Nguồn: Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi chú: số liệu từ năm 2011-2014: số thực hiện; số liệu năm 2015: số dự toán.

3.3.2. Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ
 

Các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã dành khoản kinh phí đáng kể để đầu tư cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp. Kinh phí đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp được chia thành hai nhóm: chi phí cho thực hiện nhiệm vụ KH&CN và chi phí cho đổi mới công nghệ(3)Số liệu từ cuộc điều tra nghiên cứu và phát triển năm 2014 (khu vực doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện) cho thấy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2013, doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN với tổng kinh phí đạt 585,87 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí chi cho thực hiện nhiệm vụ KH&CN là 69,134 tỷ đồng (chiếm 11,8%) và cho đổi mới công nghệ là 516,736 tỷ đồng (chiếm 88,2%) (Bảng 3.13).


(3)“Chi cho đổi mới công nghệ” bao gồm các khoản chi cho mua trang thiết bị, mua công nghệ mới hoặc các chi phi liên quan; “Chi cho NC&PT” bao gồm các khoán chi về nghiên cứu tạo ra các công nghệ, thiết bị mới.

 

Bảng 3.13. Đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN trên địa bàn TP. HCM (Đơn vị tính: triệu đồng)


Nguồn: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Dữ liệu điều tra NC&PT năm 2014.

3.3.3. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh

Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 76/2007/QĐ-UBND ngày 16/5/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Mục đích hoạt động nhằm hỗ trợ triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong nước, các kết quả nghiên cứu có triển vọng thành sản phẩm có tiềm năng thương mại. Thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ. Bảo toàn vốn, bù đắp chi phí và không vì mục đích lợi nhuận.

Chính sách ưu đãi: cho vay với lãi suất ưu đãi, tối đa bằng 50% lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại và không cần tài sản thế chấp. Tài trợ không thu hồi cho các dự án; mức tài trợ không quá 30% tổng kinh phí thực hiện.

Đối tượng áp dụng:

Các đối tượng được cho vay và tài trợ một phần gồm:

a/ Các công trình đã được cấp bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích;

b/ Các dự án tạo ra công nghệ mới thuộc những ngành mà Thành phố ưu tiên do doanh nghiệp thực hiện hoặc phối hợp với các tổ chức KH&CN thực hiện và chưa hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước;

c/ Các dự án nhằm mục đích thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học đoạt giải thưởng tại các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố và quốc gia;

d/ Các dự án của doanh nghiệp công nghệ được tạo dựng từ các vườn ươm công nghệ trên địa bàn thành phố.

Các đối tượng được vay vốn:

a/ Các dự án sản xuất thử nghiệm nhằm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu có triển vọng, hiệu quả kinh tế thuộc các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các đơn vị khoa học và các doanh nghiệp;

b/ Các dự án sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hiện đại với chi phí thấp thay thế nhập khẩu của chương trình chế tạo thiết bị từ nghiên cứu trong nước đã qua giai đoạn sản xuất máy mẫu;

c/ Chuyển giao công nghệ để đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao hơn.

Điều kiện cho vay: tổ chức, cá nhân không phân biệt thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố vay vốn để thực hiện các dự án không cần tài sản thế chấp mà căn cứ vào năng lực công nghệ, nghiên cứu ứng dụng và hợp đồng sản phẩm sẵn có phải có dự án khả thi, đảm bảo khả năng hoàn trả nợ vay và lãi vay qua kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định của Quỹ đánh giá có tính khả thi cao.

Dự án được tài trợ phải khả thi và được Hội đồng Quản lý Quỹ quyết định tài trợ sau khi thẩm định dự án chủ đầu tư phải có khả năng tài chính đảm bảo thực hiện tối thiểu 70% tổng kinh phí thực hiện.

Các dự án vay từ Quỹ không được trùng lắp với các dự án đã và đang thực hiện bằng nguồn vốn khác của Nhà nước. Chủ đầu tư dự án phải có khả năng tài chính đảm bảo thực hiện được tối thiểu 30% giá trị dự toán được Hội đồng thẩm định phê duyệt. Mức cho vay tối đa là 70% giá trị dự toán. Ngoài các điều kiện trên, bên đi vay được giải quyết cho vay khi có một trong các yếu tố sau:

– Dự án thuộc 04 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của Thành phố;

– Dự án nằm trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Điều kiện tài trợ: tài trợ một phần cho việc thực hiện các dự án tạo ra công nghệ mới thuộc những ngành nghề, lĩnh vực mà Thành phố ưu tiên khuyến khích, tài trợ một phần hay toàn bộ cho việc triển khai các công trình nghiên cứu khoa học đoạt giải thưởng tại các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố, quốc gia và các công trình đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.



3.4. CƠ SỞ HẠ TẦNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

3.4.1. Các phòng thí nghiệm trọng điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Cả nước có 16 phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) quốc gia đặt tại 13 viện nghiên cứu, 3 trường đại học thuộc 8 bộ, ngành và 1 tổng công ty, tập trung trong 7 lĩnh vực KH&CN gồm: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, cơ khí - tự động hóa, hóa dầu, năng lượng, hạ tầng. Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 3 PTNTĐ. Đó là Phòng Thí nghiệm Trọng điểm phía Nam về công nghệ tế bào thực vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới, 2 PTNTĐ thuộc Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Vật liệu polyme và compozit, và Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống.

Phòng Thí nghiệm Trọng điểm phía Nam về công nghệ tế bào thực vật chính thức hoạt động từ tháng 6/2008. Tổng diện tích sửa chữa, cải tạo và xây mới là 2.882 m2. Tổng giá trị đầu tư trang thiết bị, máy móc là 47.640 triệu đồng bao gồm hơn 1.000 thiết bị và phụ tùng thuộc 400 đầu máy; hơn 15.000 phụ kiện các loại, trong đó thiết bị có giá trị lớn nhất khoảng 1,6 tỷ đồng và thiết bị có giá trị nhỏ nhất khoảng 1,1 triệu đồng. Được đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng/đặc thù và thiết bị phụ trợ đảm bảo yêu cầu nên đã phục vụ tốt cho các nghiên cứu với hàm lượng KH&CN cao và công tác triển khai ứng dụng, đào tạo nhân lực nhằm phát triển tiềm lực KH&CN. Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển KH&CN hiện nay, cần thiết phải nâng cấp, thay thế bổ sung và tăng cường các thiết bị mới, hiện đại để có thể đảm trách tốt hơn cho hoạt động nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ hợp tác về KH&CN trong tương lai.

Các bộ phận nghiên cứu trực thuộc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm phía Nam về công nghệ tế bào thực vật gồm có các nhóm: Công nghệ vi nhân giống, Công nghệ phôi soma, Công nghệ quang tự dưỡng, Công nghệ di truyền, Công nghệ các chất có hoạt tính sinh học, Triển khai và đào tạo và Quản lý thiết bị.

Từ khi được đầu tư (năm 2004) đến nay, cùng phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới, Phòng Thí nghiệm Trọng điểm phía Nam về công nghệ tế bào thực vật đã và đang thực hiện 07 nhiệm vụ cấp nhà nước, 10 nhiệm vụ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, và một số nhiệm vụ khác qua hợp tác nghiên cứu KH&CN với các địa phương. Từ các kết quả nghiên cứu, đã có 101 báo cáo khoa học trên các tạp chí quốc tế, chuyển giao công nghệ tới các tỉnh có nhu cầu trong lĩnh vực công nghệ tế bào thực vật. Đồng thời sản xuất hàng triệu cây giống cấy mô chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh phía Nam.

Các kết quả nghiên cứu có thể kể đến như:

– Xây dựng quy trình nhân giống ổn định bằng công nghệ bioreactor (cánh khuấy, bán chìm nổi) một số cây trồng có giá trị kinh tế quan trọng như chuối cấy mô, cây dược liệu, cây lan các loại, hồ tiêu, lát hoa, cà phê, paulownia,…

– Xây dựng công nghệ nhân giống quang tự dưỡng để nâng cao chất lượng cây giống cấy mô.

– Xây dựng quy trình nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để tạo cây giống sạch bệnh.

– Xây dựng quy trình nghiên cứu chuyển gien mã hóa protein HIV-1-p24 (từ Human immunodeficiency virus - HIV) vào lục lạp tế bào cây thuốc lá và cà chua. Quy trình này lần đầu tiên được nghiên cứu trong nước thành công.

– Nuôi cấy thành công mô sẹo, phôi vô tính sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) trong môi trường lỏng bao gồm bioreactor tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc nhân sinh khối quy mô lớn tạo sản phẩm có khả năng thương mại hóa.

– Xây dựng quy trình sản xuất sinh khối một số thực vật sạch có giá trị dược liệu bằng công nghệ bioreactor.

Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Vật liệu polyme và compozit được thành lập theo quyết định số 1027/QĐ/ĐHQG/TCCB ngày 12/12/2003 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có chức năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các loại vật liệu mới trong ngành vật liệu polyme và compozit; mục tiêu là trở thành phòng thí nghiệm hàng đầu Việt Nam, có uy tín trong khu vực về lĩnh vực vật liệu polyme và compozit.

Kết quả nghiên cứu và triển khai:

Trong giai đoạn 2011-2015 đã thực hiện 12 nhiệm vụ cấp bộ; 01 nhiệm vụ cấp tỉnh.

– Công bố 66 báo cáo khoa học trên các tạp chí quốc tế, tạp chí chuyên ngành trong nước và ở các hội nghị khoa học toàn quốc; được cấp 04 bằng sáng chế/giải pháp hữu ích;

– Thực hiện 22 hợp đồng dịch vụ (chỉ tính hợp đồng có giá trị trên 2 triệu đồng) cho các cá nhân, tổ chức.

Đã có 26 sản phẩm nổi bật, tiêu biểu như:

– Vật liệu composite chịu nhiệt cao, cơ tính cao nền nhựa bismaleimide, sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu compozit cao cấp trên nền polyimid và sợi cacbon”.

– Vật liệu composite chịu nhiệt cao, cách điện tốt nền nhựa bismaleimide, sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu compozit cao cấp trên nền polyimid và sợi cacbon”.

– Khuôn nano oxit nhôm (anodic aluminium oxide nanotemplate), sản phẩm của đề tài“Nghiên cứu tổng hợp carbon nanotubes đi từ polyimide trong khuôn anodic aluminum oxide,…”

– Poly (3 hexyl thipohene), sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu tổng hợp polymer dẫn điện trên cơ sở poly (3-hexylthiophene)”.

– Nanoparticles oxide sắt từ γFe2O3 và Fe3O4; Vật liệu hybrid và nanocomposite trên cơ sở vật liệu hybrid và nền nhựa epoxy; màng phủ ngụy trang, v.v… sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu nanocompozit lai tạo ống cacbonnano đa tường (MWCNTs)/nanoparticles oxide sắt từ sử dụng chế tạo vật liệu hấp thụ sóng điện từ”.

– Sợi dứa dại (sisal) đã qua xử lý, sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu polyme compozit gia cường bằng sợi dứa dại”.

Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống được thành lập theo Quyết định số 590/QĐ/ÐHQG/TCCB của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ngày 04/08/2003. Mục tiêu của Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống là tạo ra các công trình nghiên cứu có tính mới, tính sáng tạo, tiếp cận hoặc đạt trình độ quốc tế, được công bố trên các tạp chí, ấn phẩm KH&CN có uy tín trên thế giới; các sáng chế, sản phẩm KH&CN được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, có khả năng thương mại hóa, góp phần nâng cao năng lực, trình độ công nghệ trong nước; hình thành nguồn nhân lực KH&CN đủ mạnh, đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ KH&CN quốc gia ở trình độ quốc tế; ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp KH&CN đáp ứng hiệu quả nhu cầu của các ngành công nghiệp và cộng đồng.

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính và trọng tâm, chính vì thế từ khi được thành lập đến nay, Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu theo định hướng đã đề ra, chủ yếu tập trung vào các mảng chính sau: công nghệ thiết kế và chế tạo với sự trợ giúp của máy tính trong công nghiệp và dân dụng; công nghệ đo, điều khiển tự động cho các hệ thống sản xuất công nghiệp và dân dụng; công nghệ chế tạo một số sản phẩm cơ điện tử trong công nghiệp và dân dụng như robot công nghiệp/dịch vụ và thiết bị chuyên dụng, cơ điện tử y - sinh, hệ vi cơ - điện tử (MEMS).

 

3.4.2. Các khu công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh

Xây dựng các khu công nghệ cao được coi là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của quốc gia, giúp Việt Nam nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về kinh tế và KH&CN với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời làm đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế và đưa đất nước hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia ở Việt Nam (phía Bắc có Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, miền Trung có Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn có các khu công nghệ thông tin tập trung và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao.

3.4.2.1. Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh

Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập từ năm 2004 với tổng diện tích 913 ha, bao gồm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 300 ha, giai đoạn 2: 613 ha). Sau 13 năm thành lập, xây dựng và phát triển, với chiến lược ban đầu là “xây dựng một đô thị KH&CN có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng kinh tế, công nghệ tri thức của Thành phố và khu vực kinh tế động lực phía Nam, thực hiện một mô hình sáng tạo công nghệ, phát triển vốn tri thức và nền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam”, SHTP đã thực sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ.

Với vị thế chiến lược, cách trung tâm thành phố 15 km, nằm giữa 43 khu công nghiệp, khu chế xuất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần kề Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, SHTP có lợi thế phát triển để trở thành “một thành phố khoa học công nghệ”. Trong 2 năm đầu tiên (2004 - 2006), SHTP có 2 trung tâm chính, đó là Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai, và Trung tâm Đào tạo. Trong giai đoạn này, Nidec của Nhật Bản là tập đoàn đầu tiên đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Giai đoạn 2006 đến 2008, SHTP là 1 trong 5 dự án kinh tế trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2006 - 2010. Đặc biệt, Ban quản lý SHTP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Intel với số vốn đầu tư lên đến 1 tỷ đô. Cũng trong thời gian này, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao đã được thành lập.

Giai đoạn 2008 - 2010, SHTP đã khai trương 3 phòng thí nghiệm trọng điểm của Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai, đó là: Phòng Thí nghiệm Cơ khí chính xác và Tự động hóa, Phòng Thí nghiệm Bán dẫn và Phòng Thí nghiệm Công nghệ nano.
Giai đoạn 2010 - 2012 được xem là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của SHTP. Giai đoạn này đã khánh thành phân khu sản xuất công nghệ cao giai đoạn 1 và khởi động tiếp sang giai đoạn 2. SHTP tiếp tục được chọn là một trong năm chương trình kinh tế trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2011 - 2016. Bên cạnh đó, SHTP đã khánh thành nhà máy sản xuất của Tập toàn Intel, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Sanofi, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới SamSung. Với những nỗ lực không ngừng vươn lên phát triển mạnh mẽ, SHTP đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

SHTP đã tổ chức thành công hội nghị thường niên Khu công nghệ cao lần thứ nhất năm 2013, kỷ niệm 10 năm thành lập và đăng cai hội nghị thường niên ASPA.

SHTP đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận:

– Sản lượng công nghiệp công nghệ cao tại SHTP tăng nhanh và bền vững trong các năm 2011 - 2015, nguyên nhân cơ bản là do bản chất các sản phẩm chủ lực của SHTP là sản phẩm công nghệ cao, có tính cạnh tranh toàn cầu.

– Khu công nghệ cao thu hút thành công các tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Samsung, hiện có 82 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 4.356 triệu USD trong đó có 46 dự án đang hoạt động. Giá trị sản lượng sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động tăng trưởng đều đặn: năm 2011 đạt 1 tỷ USD, năm 2012 đạt trên 2 tỷ USD, năm 2013 là 2,85 tỷ USD, năm 2014 đạt 3,25 tỷ USD và đến tháng 10 năm 2015 đạt 3,88 tỷ USD. Lũy kế từ đầu đến nay, SHTP có giá trị xuất khẩu đạt 13,909 tỷ USD và nhập khẩu 12,273 tỷ USD (trong đó giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị 673 triệu USD, nguyên vật liệu 11,6 tỷ USD).

– Sản phẩm của SHTP chiếm 94% nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao của Thành phố. Về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của SHTP so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố: năm 2010 đạt 9,17% (khoảng 500 triệu USD), đến năm 2012 đạt 25,26% (22,3 tỷ USD/8,83 tỷ USD). Ước kết thúc năm 2015 tỷ lệ này tăng đến trên 30% tổng giá trị xuất khẩu FDI thành phố.

– Về giá trị gia tăng: trước năm 2011, phần giá trị gia tăng trong cấu thành của giá trị sản xuất tạo ra tại SHTP chỉ đạt xấp xỉ như ở các khu công nghiệp thành phố, chỉ đạt bình quân khoảng 10% - 12%. Hiện nay, đã có khoảng 40% doanh nghiệp có giá trị gia tăng trên 25%. Vẫn còn một số doanh nghiệp doanh số lớn nhưng giá trị gia tăng thấp do cơ bản là lắp ráp, kiểm định sản phẩm. Ngược lại, một số doanh nghiệp có sản phẩm đã đạt giá trị gia tăng trên 35% (Nanogen, FPT, Digisensor,…). Tính trung bình, ước giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại SHTP hiện ở mức 22%. Bình quân 1 ha đất của SHTP tạo ra 29,76 triệu USD giá trị xuất khẩu. Năng suất 1 lao động tại SHTP tạo ra giá trị xuất khẩu bình quân (năm 2014) đạt 144.993 USD gấp hơn 7 lần so với các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố (20.055 USD).

– SHTP là thành viên chính thức của Hiệp hội các Công viên Khoa học thế giới (ISPA), Hiệp hội các Công viên Khoa học châu Á (ASPA), một số trường đại học lớn trên thế giới. Ngoài ra, SHTP còn là điểm đến của các nhà khoa học và doanh nhân người Việt ở nước ngoài… Đây được xem là một trong những nền tảng chủ lực để tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

– Đầu tư và tạo dựng thành công môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai. Đào tạo và ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao.

– Số lượng doanh nghiệp và kinh phí cho hoạt động R&D tăng dần trong những năm gần đây.

– SHTP đã có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng thể chế, văn bản pháp quy liên quan đến sự nghiệp phát triển công nghệ cao từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý và điều hành hơn 10 năm qua. Sự lan tỏa và ảnh hưởng của SHTP đã có nhiều tác động đến việc ban hành các chính sách quốc gia về công nghệ cao (như Luật Công nghệ cao, Quy chế khu công nghệ cao), khuyến khích các tỉnh/thành phía Nam mạnh dạn tiến hành nghiên cứu và đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao. Đặc biệt, sức ảnh hưởng và lan tỏa của SHTP đã thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng nội địa và ngành công nghiệp hỗ trợ.

3.4.2.2. Khu công nghệ thông tin tập trung
 

Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung gồm nhiều loại hình như: khu công nghệ phần mềm, công viên Phần mềm, khu tổ hợp CNTT, khu CNTT, trung tâm CNTT, trung tâm giao dịch CNTT và các loại hình khác chuyên sản xuất kinh doanh sản phẩm CNTT, cung ứng dịch vụ CNTT và các hoạt động khác liên quan đến CNTT. Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập các khu CNTT tập trung nhằm góp phần hình thành các trung tâm trọng điểm về CNTT phục vụ cho việc đào tạo chuyển giao CNTT, ươm tạo doanh nghiệp CNTT, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thu hút đầu tư, vốn và công nghệ trong và ngoài nước.

a/ Công viên Phần mềm Quang Trung

Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) là một trong các công trình kinh tế trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của đất nước và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố trong thời kỳ hội nhập. Tháng 4/2015, QTSC đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là một trong 10 công trình - sự kiện tạo dấu ấn của Thành phố 40 năm qua (1975 - 2015).

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, đến nay đã có 140 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động (91 trong nước và 49 nước ngoài) và 33 nhà đầu tư đã và đang hoàn thiện các công trình xây dựng phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt nội khu. QTSC đã thực sự trở thành điểm thu hút đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển trong ngành CNTT với những tên tuổi lớn trong và ngoài nước đang hoạt động như HP, KDDI, SPS, TMA, Global CyberSoft, Vina Data... với 20.155 người đang học tập và làm việc. Các doanh nghiệp đã xây dựng và cung cấp hơn 250 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu được xuất khẩu trên 20 quốc gia, tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu. Tính đến nay, QTSC là công viên phần mềm đầu tiên tại Việt Nam nhận được Giấy chứng nhận Khu Công nghệ thông tin tập trung do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển, QTSC đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
 
Trong giai đoạn hình thành và phát triển của QTSC, Thành phố đã tạo điều kiện khi ban hành Quyết định 21 về chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào QTSC. Đây là quyết định quan trọng, tạo đột phá thu hút đầu tư vào QTSC. Nhờ quyết định này mà các nhà đầu tư đã tin tưởng và vượt qua mọi rào cản, khó khăn để đầu tư vào QTSC, tạo nên diện mạo QTSC như ngày hôm nay. Từ đó, Thành phố cũng có thêm những bài học kinh nghiệm về chính sách khuyến khích đầu tư, làm cơ sở để Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách cho các khu công nghệ cao và khu CNTT tập trung sau này.


Bài học rút ra từ thành công đó là lựa chọn mô hình đúng. Mô hình Công ty Phát triển QTSC (là đơn vị quản lý và vận hành QTSC) vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý, phát triển QTSC vừa thực hiện mục tiêu phát triển các dịch vụ để tự cân đối và kinh doanh có lãi và được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù riêng để thực hiện nhiệm vụ chính trị là xây dựng QTSC. Thông qua mô hình này, QTSC đã có được sự chủ động linh hoạt, năng động, sáng tạo và thu hút được nguồn lực trẻ, tài năng, khơi dậy và nuôi dưỡng liên tục bầu nhiệt huyết và lòng tự hào của các trí thức trẻ để tham gia xây dựng, quản lý và phát triển QTSC.

QTSC đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như:

Xây dựng thành công mô hình công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam trong số 8 công viên phần mềm của cả nước với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hoàn chỉnh, cung cấp môi trường sống, làm việc chất lượng cao. Tạo thành một điểm thu hút đầu tư quan trọng cho ngành CNTT và phần mềm của Thành phố và cả nước, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội của Thành phố.

– QTSC phát triển ổn định, bền vững (nhất là giai đoạn 2011-2015) đã góp phần hình thành chủ trương, chính sách phát triển ngành CNTT. Ngoài ra, QTSC đã chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương trong cả nước cũng như các quốc gia bạn nghiên cứu, học hỏi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

– Góp phần đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT và ươm tạo thành công nhiều doanh nghiệp.

– Thương hiệu QTSC được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia đối với ngành CNTT và phần mềm Việt Nam, nâng cao vị trí của Việt Nam, và trở thành chỉ dẫn địa lý của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trên bản đồ phát triển phần mềm thế giới.

– Tạo tiền đề cho việc hình thành mô hình chuỗi QTSC. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước trên cơ sở phát huy và nhân rộng thành công của QTSC ở một số tỉnh, thành khác.

– Ngày 03/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 333/QĐ -TTg về việc thí điểm thành lập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung trong cả nước. Đây là dấu ấn quan trọng, một bước ngoặt lịch sử mới của QTSC và các thành viên trong Chuỗi QTSC. Mô hình Chuỗi QTSC là mô hình mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam cũng như không có mô hình mẫu để nghiên cứu, cho nên chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức. Chiến lược của mô hình Chuỗi QTSC là: đồng bộ về định hướng phát triển, các thành viên trong Chuỗi phải cùng tầm nhìn, cùng định hướng, và mang tính hỗ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh nhau; chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư phải tương đồng, không phân biệt theo quy mô; cùng nhau tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư để tăng cường thu hút đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam không chỉ đối với QTSC hiện hữu mà các thành viên trong Chuỗi; cùng nhau xây dựng chung một thương hiệu, và sử dụng chung hệ thống nhận diện thương hiệu (các thành viên có tên gọi, hệ thống riêng nhưng vẫn đảm bảo kế thừa thương hiệu QTSC); áp dụng chung một hệ thống quản lý điều hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mục tiêu trong 5 - 10 năm tới:

– Tập trung phát triển thương hiệu về gia công, phát triển phần mềm có uy tín trong khu vực và quốc tế thông qua Liên minh Các doanh nghiệp phát triển gia công CNTT Việt Nam (VNITO), góp phần đưa QTSC trở thành chỉ dẫn địa lý tin cậy của Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới.

– Hoàn thiện các cơ sở pháp lý chuỗi QTSC. Triển khai xây dựng QTSC 2, hỗ trợ các thành viên chuỗi thông qua đầu tư, quảng bá thương hiệu, chuyển giao kinh nghiệm quản lý và phát triển các hoạt động dịch vụ.

– Trở thành nơi cung cấp các ý tưởng sáng tạo, giải pháp, mô hình ứng dụng CNTT vào đời sống kinh tế xã hội. Thu hút các nhà khoa học, trường, viện để tăng cường năng lực nghiên cứu. Tạo điều kiện cho Viện Khoa học và Công nghệ tính toán của Thành phố phát triển, ưu tiên hỗ trợ tối đa cho các ý tưởng sáng tạo CNTT.

– Thu hút thêm 2-3 doanh nghiệp CNTT hàng đầu thế giới. Có từ 6 - 8 doanh nghiệp có quy mô nhân lực từ 1.000 chuyên viên, kỹ sư trở lên. Nâng tổng số chuyên viên làm việc từ tại QTSC đạt từ 16.000 - 18.000 người.

– Đẩy mạnh ứng dụng CNTT (Internet vạn vật - IoT) để tăng cường các hoạt động quản lý, điều hành và trở thành mô hình quản lý mẫu về “đô thị thông minh” của cả nước.

b/ Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Khu CNPM) là đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) được thành lập theo Quyết định số 157/QĐ/ĐHQG/TCCB ngày 2/5/2003 của Giám đốc ĐHQG-HCM nhằm tạo môi trường thuận lợi giúp tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ phần mềm nói riêng và lĩnh vực CNTT và truyền thông nói chung. Khu CNPM là mô hình khu công viên khoa học chuyên đề về lĩnh vực CNTT tập trung nằm trong đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

Tổng diện tích đất xây dựng Khu CNPM là 19,27 ha, bao gồm hai khu: Khu I rộng 8,14 ha nằm trên mặt tiền Đường Xuyên Á có tổng mức đầu tư cho hạ tầng là 316 tỷ. Khu II rộng 11,13 ha nằm trên mặt tiền Xa lộ Hà Nội, đối diện Suối Tiên có tổng mức đầu tư cho hạ tầng là 2.146 tỷ tương ứng diện tích sàn là 199.370 m2. Đặc biệt, trạm dừng Metro Suối Tiên kết nối trực tiếp vào Khu II của Khu CMPM.
 

Nhân lực hoạt động gồm 34 người, trong đó có 02 giáo sư/ phó giáo sư, 02 tiến sĩ, 05 thạc sĩ, 13 cử nhân. Kết quả đạt được từ khi thành lập đến nay:

– Khu CNPM đã từng bước rút ngắn khoảng cách giữa đại học và doanh nghiệp thông qua các khóa đào tạo nguồn nhân lực với các chứng chỉ quốc tế như Cisco, Microsoft, Linux…

– Tham gia Chuỗi QTSC, bước đầu được công nhận là Khu CNTT tập trung theo Quyết định số 333/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/3/2006.

– Xây dựng và kết nối thành công cộng đồng khởi nghiệp: thu hút hơn 50 nhóm khởi nghiệp tham gia các khóa đào tạo thúc đẩy khởi nghiệp iStartX và đặt văn phòng làm việc tại Khu CNPM. Điều quan trọng hơn là các nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp này là nơi thực tập được sinh viên trong và ngoài ĐHQG - HCM quan tâm và yêu thích tham gia. Mimosateck, một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công với sự hỗ trợ của Khu CNPM đã được định giá hàng triệu đôla và gọi vốn thành công vòng mầm (seed round).

– Hoạt động KH&CN của Khu CNPM chủ yếu tập trung ở hai đơn vị trực thuộc là Trung tâm Địa tin học (GeOC) và Phòng Thí nghiệm An ninh thông tin (Iselab). Trong đó các hoạt động của Iselab đã được chuyển giao thành công cho Công ty cổ phần An ninh thông tin chuyên nghiệp (Isepro) mà Khu CNPM là một cổ đông.

– Thường xuyên tổ chức các hội thảo về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), thu hút nhiều sự quan tâm từ các SMEs.

Hướng phát triển trong tương lai:


– Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: đến năm 2020, Khu CNPM sẽ là nơi tập trung mạnh mẽ các startup công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Nơi đây sẽ có hơn 100 startup công nghệ với các giai đoạn phát triển khác nhau từ giai đoạn hình thành ý tưởng, thành lập nhóm đến giai đoạn chiếm lĩnh thị trường.

– Đào tạo nguồn nhân lực: xác định là “cánh tay nối dài” của trường đại học, Khu CNPM đào tạo nâng cao kỹ năng, nhằm thu ngắn khoảng cách đáp ứng công việc giữa sinh viên với doanh nghiệp. Đưa ra các chương trình đào tạo chuyên nghiệp ngắn hạn với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

– Phát triển dịch vụ CNTT: nhằm phục vụ cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp. Kết hợp với đối tác thực hiện các dịch vụ CNTT phục vụ nhu cầu doanh nghiệp. Chuyên nghiệp hóa công tác quản trị, áp dụng CNTT thông tin vào quản lý công việc.

– Phát triển Chuỗi QTSC: Khu CNPM cùng với QTSC thực hiện phát triển và mở rộng Chuỗi QTSC. Khu CNPM thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của mình, là nơi tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong Chuỗi. Trong giai đoạn tiếp theo, Khu CNPM sẽ nổ lực hoàn thành hạ tầng cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ và hoạt động phát triển kinh doanh.

 

c/ E-Town

Tọa lạc trên đường Cộng Hòa, vốn được xem là con đường trọng điểm kinh tế giữa quận Tân Bình với các quận trung tâm và khu vực công nghiệp phía Bắc Thành phố, sau 1 năm xây dựng, ngày 27/11/2002 tòa nhà E-Town - tòa nhà đầu tiên trong cụm E-Town đã được khai trương tại 364 Cộng Hòa, quận Tân Bình, với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, tổng diện tích cho thuê văn phòng là 29,480 m2, trên tổng số gần 52.000 m2 diện tích sàn xây dựng. E-Town là tòa nhà dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, viễn thông... Ngoài hệ thống mạng trục tốc độ cao Gigabit Ethernet, bảo đảm độ bảo mật tối đa, E-Town có dịch vụ kết nối internet với đường truyền băng thông tối thiểu 2 Mbps cùng các dịch vụ hỗ trợ khác như: mail hosting, server hosting, web hosting, mạng riêng ảo… Hiện nay, đã có 10 doanh nghiệp đặt văn phòng tại đây đi vào hoạt động, chiếm 20% diện tích mặt bằng cho thuê (tương đương 6.000 m2).

Tính đến năm 2015, Công ty TNHH Quản lý và Khai thác Bất động sản R.E.E là công ty thành viên trực thuộc REE, có vốn điều lệ 6 tỷ VNĐ, tỷ lệ sở hữu 100% quản lý, khai thác cụm E-Town với tổng diện tích đất là 35.000 m2 gồm 7 tòa nhà E-Town, E-Town EW, E-Town2, E- E-Town3, E-Town4, trụ sở REE và khu thể thao liên hợp E-Town, diện tích văn phòng là 80.000 m2. Về hạ tầng kỹ thuật, các tòa nhà được trang bị hạ tầng mạng tốc độ cao, liên kết giữa các tòa nhà trong khu vực E-Town an toàn và bảo mật; hạ tầng cáp viễn thông, cáp quang sẵn sàng và dễ dàng nâng cấp, lắp đặt mới tới khắp các khu vực văn phòng; phủ sóng di động (nội mạng) tới tất cả các tòa nhà, liên kết với các nhà mạng di động lớn như Vinaphone, Mobifone, Viettel;…

Được đánh giá là khu cao ốc văn phòng hiệu quả của Thành phố, với hơn 200 khách thuê là các công ty nổi tiếng trong và ngoài nước chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực CNTT như: Atlas Industries (Vietnam) Co., Ascenx Technologies Vietnam Co., Ltd, Branch of Panasonic Vietnam Co., Ltd. In HCMC, Bureau Veritas (VN) Co., Ltd, CSC Vietnam Co., Ltd, Cybozu Vietnam Co., Ltd, Digital Works Vietnam Co., Ltd, DOU Holdings Networks VN Co., Ltd, Ericsson Vietnam Co., Ltd, eSilicon Vietnam JSC, Harvey Nash (Vietnam) Co., Ltd, HCS Co., Ltd, … hơn 12.000 người làm việc hàng ngày.

3.4.2.3. Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Khu NNCNC) được thành lập vào ngày 14/07/2004, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 04/2010 với diện tích 88,17 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, cách trung tâm thành phố 44 km về phía Tây Bắc, nằm trên tuyến đường đi địa đạo Củ Chi thuận tiện giao thông đi các tỉnh các tỉnh thành lân cận như: Tây Ninh, Long An, Bình Dương.
 
Là nơi tập trung các nguồn lực, năng lực KH&CN cao trong nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp đô thị của Thành phố, Khu NNCNC là nơi ươm tạo công nghệ mới, kết hợp nghiên cứu với sản xuất kinh doanh, tiếp thu, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ nông nghiệp; đồng thời ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại; gây dựng tiềm lực về công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho vùng Đông Nam bộ và Nam Bộ, cũng như cả nước; thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.


Hiện nay Khu NNCNC đang triển khai các dự án đầu tư mở rộng xây dựng các khu NNCNC lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi tương ứng tại các huyện Củ Chi (224 ha), Cần Giờ (90 ha), Bình Chánh (200 ha) với mục tiêu tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, tạo ra sản phẩm, công nghệ có hàm lượng chất xám cao hướng đến phát triển một nền nông nghiệp đô thị hiệu quả - sinh thái - bền vững góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Khu NNCNC hiện hữu có 7 phân khu chức năng gồm: khu trung tâm hành chính; khu thí nghiệm và trưng bày sản phẩm; khu học tập và chuyển giao công nghệ; khu trình diễn mô hình nhà màng theo công nghệ Israel; khu sơ chế và bảo quản nông sản; khu lâm sinh và cảnh quan; khu sản xuất kêu gọi đầu tư (56,6 ha).

Về nhân lực, toàn Khu NNCNC có 682 người, trong đó có 11 tiến sĩ, 59 thạc sĩ, 245 đại học, 53 cao đẳng, còn lại là trung cấp và lao động phổ thông (trong đó có 236 lao động của Ban Quản lý Khu NNCNC (05 tiến sĩ, 48 thạc sĩ, 135 đại học, 17 cao đẳng); và 446 lao động của các nhà đầu tư (tiến sĩ 06, thạc sĩ 11, đại học 110, cao đẳng là 36).

Tính đến năm 2015, đã có 14 doanh nghiệp đầu tư trong Khu NNCNC, trong đó có 01 dự án đầu tư từ nước ngoài và 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 450 tỷ.

Các sản phẩm chủ yếu gồm:

– Các mô hình và quy trình áp dụng công nghệ cao tiêu biểu: mô hình trồng rau, trồng hoa; mô hình tưới tiết kiệm nước; mô hình sản xuất trong nhà kính, nhà màng và nhà lưới; mô hình sản xuất hữu cơ; mô hình canh tác không dùng đất, mô hình thủy canh;

– Các công nghệ vi nhân giống và kỹ thuật xử lý nông sản sau thu hoạch;

– Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thành quả đạt được:

– Hoàn thiện 11 loại mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt chất lượng tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn Global Gap và tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Một số mô hình đưa vào thực tiễn sản xuất đã làm tăng năng suất, sản lượng một số cây trồng trọng điểm như hoa lan, rau an toàn…; mô hình ứng dụng bẫy côn trùng trong dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng.

– Chuyển giao cho hơn 30 tổ chức, cá nhân và hộ nông dân các kỹ thuật cấy mô invitro cây lan hồ điệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới, qui trình trồng nấm linh chi, mô hình trồng rau thủy canh cho nhà phố trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Trong đó, 04 tiến bộ kỹ thuật về rau ăn lá (cải bẹ xanh, cải ngọt), cà chua bi, ớt cay, dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Đây là các tiến bộ khoa học đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

– Hoàn thành 03 chương trình bảo tồn duy trì nguồn gen giống hoa lan Dendrobium nắng (3 giống: Hawaii Gem, Ceasar king, Ceasar 23), lan rừng (Kim điệp lai, Giả hạc xuân, Thái bình, Ngọc điểm) và lan Hồ điệp (trắng bông to, tím bông to)

– Khảo nghiệm 80 giống lan (lan Mokara, lan Dendrobium, lan Hồ điệp), 22 giống cà chua bi, 19 giống dưa lưới, 04 giống rau húng quế, 10 giống ớt sừng, 06 giống cá dĩa, cá chép nhật, 02 giống sâm bố chính và một số giống cây ăn trái như thanh long ruột đỏ, chuối laba, khế ngọt, cam ruột đỏ; trong đó có 28 giống (16 giống hoa lan, 4 giống dưa lưới, 4 giống cà chua bi, 1 giống rau húng quế và 3 giống ớt sừng) được đánh giá là thích hợp trồng trong điều kiện nhà màng tại Thành phố, có chất lượng cao và phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

– Nhân hơn 900.000 cây lan giống (lan Mokara, lan Dendrobium, lan Hồ điệp, lan Ngọc điểm), ươm hơn 610.000 cây giống rau ăn quả (ớt, bầu, bí, dưa hấu) và hơn 4.000 cây hoa nền với các đặc tính cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại so với cây trồng từ chồi hay cắt đọt, giảm mức độ bệnh và tránh được điều kiện thời tiết bất lợi, cung cấp cho bà con nông dân các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, các công ty chế biến nông sản và các trung tâm khuyến nông các tỉnh.


– Sản xuất được hơn 59 tấn hạt giống F1 các loại (bầu, bí, ớt, cà tím, dưa leo), hơn 10.500 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới, dưa leo thủy canh, bầu thủy canh, bí đao thủy canh, rau ăn lá, trái cây xử lý bằng công nghệ hơi nước nóng), hơn 14.000 lít chế phẩm sinh học, hơn 100.500 meo giống nấm, hơn 120.000 bịch phôi nấm (nấm linh chi, nấm bào ngư); các sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khả năng kháng bệnh tốt,… đạt tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

– Thu hút được 19 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo, trong đó đã có 06 doanh nghiệp tốt nghiệp, cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường, 08 doanh nghiệp đang ở giai đoạn ươm tạo chính thức và 05 doanh nghiệp đang ở giai đoạn tiền ươm tạo. Các lĩnh vực ươm tạo chủ yếu phân hữu cơ sinh học, nuôi trồng - chế biến nấm ăn và nấm dược liệu, chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, sản xuất rau sạch,...

– Thực hiện 09 dự án ươm tạo công nghệ để kêu gọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào chương trình ươm tạo doanh nghiệp, trong đó có 06 dự án hoàn thành và 03 dự án đã đưa công nghệ, sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo và chuyển giao cho các doanh nghiệp đang tham gia ươm tạo và những khách hàng có nhu cầu.

– Tổ chức 70 khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn với gần 2.000 người tham dự về: kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng; kỹ thuật xử lý ra hoa; kỹ thuật bảo quản trước và sau thu hoạch; kỹ thuật trồng rau ăn lá theo phương pháp thủy canh; kỹ thuật nhân nuôi cá thâm canh; công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp, ...; với sự tham gia hướng dẫn, giảng dạy của các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

– Ký kết hợp tác với 8 đơn vị nhà nước (thuộc 8 tỉnh thành Phú Yên, Vĩnh Long, An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Đăk Nông, Lâm Đồng) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành lập Câu lạc bộ Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 43 tổ chức và cá nhân tham gia. Hợp tác với Cục Hậu cần Quân khu 7 (giai đoạn 2014 - 2020) triển khai các tiến bộ khoa học, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất giống, đào tạo chuyên môn cho các bộ kỹ thuật tại Quân khu nhằm góp phần thực hiện chủ trương “Đưa thực phẩm sạch và an toàn cho bộ đội sử dụng”.

– Hợp tác với Đại sứ quán Israel, tổ chức PUM (Hà Lan), tổ chức Mạng lưới ươm tạo doanh nghiệp ASEAN (Indonesia) để tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện kỹ thuật…Hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản (Công ty TNHH Biomass Research Asia (2014 - 2019) về phối hợp về nghiên cứu sinh khối ở Việt Nam; Công ty TNHH UniverAsia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp; Công ty Syudensya triển khai dự án do JICA tài trợ về “Khảo nghiệm công nghệ xử lý nhanh phụ phẩm nông nghiệp dùng vi khuẩn đất Uchishiro” tại Củ Chi). Hợp tác với Cục Quản lý Phát triển nông thôn và Tổ chức Thương mại hóa - Chuyển giao công nghệ nông nghiệp (Hàn Quốc) triển khai thử nghiệm và kiểm tra khả năng nhân rộng của các giống cây trồng quốc tế (hoa lily, bắp, hoa lan…).

3.4.2.4. Cơ sở ươm tạo công nghệ

Các chương trình hỗ trợ tích cực của Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo nên sức sống mới cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại Thành phố. Các vườn ươm đã xây dựng khá hoàn thiện về hạ tầng, quy trình ươm tạo và chiến lược hoạt động, tạo tiền đề cho sự phát triển các doanh nghiệp công nghệ trong tương lai.

a/ Công ty TNHH Ươm tạo Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung

Công ty TNHH Ươm tạo Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung (gọi tắt là QTSC Incubator) được thành lập ngày 26/05/2005 và đi vào hoạt động từ tháng 03/2008, dưới hình thức phi lợi nhuận. QTSC Incubator được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cộng đồng châu Âu (EU) và Chính phủ Việt Nam. QTSC Incubator có trụ sở tại Tòa nhà QTSC Incubator - Khu Công viên Phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.

Phương hướng hoạt động, mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược của QTSC Incubator là xây dựng một trung tâm ươm tạo chất lượng cao nhằm hỗ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp phần mềm, CNTT vượt qua những khó khăn, rủi ro, thách thức trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm thành ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển bền vững và tăng trưởng cao về kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, xây dựng thương hiệu CNTT quốc gia.

Để đạt mục tiêu và thực hiện nhiệm vụ chiến lược đề ra, QTSC Incubator đã tạo ra chuổi dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như tư vấn lập dự án, xây dựng kế hoạch kinh doanh, giải pháp công nghệ, quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường; thẩm định dự án CNTT; kết nối tài chính và kết nối doanh nghiệp; đào tạo phát triển doanh nghiệp...

Với hình thức, mức độ, tiêu chuẩn ươm tạo rõ ràng từ “Tiền ươm tạo” đến “Doanh nghiệp ươm tạo” ở 03 mức độ khác nhau; QTSC Incubator có chính sách hỗ thiết thực từ hạ tầng, tư vấn; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, các quỹ/nhà đầu tư cho đến kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, v.v… Các doanh nghiệp sau khi kết thúc thời gian ươm tạo sẽ được chứng nhận tốt nghiệp và sẽ chuyển qua Khu Công viên phần mềm Quang Trung để chính thức trở thành doanh nghiệp.

Đến nay, QTSC Incubator đã ươm tạo hơn 20 doanh nghiệp phần mềm và có rất nhiều doanh nghiệp thành công như BTM, DMG, SYMBIO, AMBITION, SOLID LINE, VMT,…. Các sản phẩm phần mềm tại QTSC Incubator khá đa dạng, tiêu biểu như giải pháp ngành bán lẻ và data warehouse của Công ty BTM. Đây là một trong số ít các giải pháp phần mềm chuyên nghiệp phục vụ cho hoạt động bán lẻ tại Thành phố. Ngoài BTM, có thể kể đến Công ty C-Win cung cấp giải pháp phần mềm CRM chuyên trong lĩnh vực quản lý dự án xây dựng; Công ty IBELIS Việt Nam với phần mềm Ibelis®e-Branding bao gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật để trợ giúp doanh nghiệp vận hành hoạt động kinh doanh tốt hơn và hiệu quả hơn, cung cấp cho tất cả doanh nghiệp đầy đủ công cụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh trực tuyến, độ bảo mật cao, linh hoạt, khả năng mở rộng tốt; QTSCOnline (www.qtsconline.net), một doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu dịch vụ Greenmail, là công nghệ dựa trên nền tảng điện toán đám mây của Google, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí vận hành hệ thống CNTT theo tiêu chí 4 không (không cần đầu tư server, không mua bản quyền, không rủi ro, không cần bảo trì hay nâng cấp hệ thống) để tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

b/ Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là CTBI-NLU, nằm trên đường số 3 thuộc khuôn viên Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích 170 m2, có 8 phòng cho các doanh nghiệp ươm tạo làm việc và 1 văn phòng trung tâm, một phòng họp từ 20-50 người với thiết bị chuyên dùng cho hội họp, tất cả đều có đường truyền internet tốc độ cao.

CTBI-NLU chính thức đi vào hoạt động ngày 01/7/2008 (theo quyết định số 167/QĐ-ĐHNL) với mục đích phát triển và thương mại hóa các ý tưởng công nghệ thành các doanh nghiệp lớn mạnh đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường. Đây là một trong những chương trình hỗ trợ phát triển không lợi nhuận của Sở khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục đích tư vấn phát triển doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; và các điều kiện cần thiết khác nhằm hoàn thiện môi trường ươm tạo doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học. Ưu tiên ươm tạo tất cả các doanh nghiệp công nghệ thuộc các lĩnh vực là thế mạnh đào tạo và cứu nghiên của Trường như nông - lâm - ngư nghiệp, công nghệ sinh học, chăn nuôi, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin, sản xuất - thử nghiệm từ kết quả nghiên cứu.

CTBI-NLU hỗ trợ các tổ chức cá nhân có ý tưởng tạo lập doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ; hỗ trợ công ty, nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, ươm tạo những ý tưởng công nghệ khả thi trở thành công nghệ có khả năng thương mại hóa hay các doanh nghiệp công nghệ trẻ giai đoạn khởi nghiệp; lồng ấp các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ đã hoạt động nhưng chưa đủ năng lực trên thương trường. Ngoài ra, CTBI-NLU còn hỗ trợ các dịch vụ KH&CN như tư vấn, thông tin KH&CN, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý cho các tổ chức/cá nhân trong và ngoài vườn ươm.

Đối với các doanh nghiệp ươm tạo, CTBI-NLU cung cấp các dịch vụ ưu đãi về văn phòng làm việc và toàn bộ cơ sở vật chất sẵn có trong Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức các khóa đào tạo và huấn luyện theo nhu cầu; kết nối tư vấn giải quyết các khó khăn trong quá trình hoạt động; tổ chức các hoạt động kết nối thị trường và khách hàng; kết nối các tổ chức tài chính đem đến cơ hội hỗ trợ, tài trợ vốn; đánh giá hoạt động kinh doanh để phát hiện những lệch hướng, giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh.
 

Nhân lực CTBI-NLU có 9 người, gồm 1 phó giáo sư tiến sĩ, 1 tiến sĩ, 3 kỹ sư, 3 cử nhân và 1 kỹ thuật viên. CTBI-NLU cùng với đội ngũ nghiên cứu khoa học hùng hậu, các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển KH&CN khu vực phía nam và cả nước.

Tính đến năm 2015, CTBI-NLU đã ươm tạo được một số doanh nghiệp như: Công ty Rau mầm Phương Thành, Công ty TNHH Công nghệ Nông lâm... đã tạo ra các sản phẩm thâm nhập được thị trường, đạt doanh thu khả quan.

c/ Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là HCMUT-TBI, là một tổ chức KH&CN hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP do Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh quản lý.

HCMUT-TBI phát triển theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 01/2010 - 12/2010: khởi đầu thí điểm chương trình thử nghiệm vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thuộc các trường đại học. Qua đó, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác và hỗ trợ Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh hình thành hai vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thuộc Trường.

Giai đoạn tiền phát triển (2011-2014): tháng 04/2012, HCMUT-TBI được thành lập và tọa lạc trong khuôn viên của Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh với diện tích là 650 m2. HCMUT-TBI là một trong những nhân tố thúc đẩy phát triển KH&CN thành phố với các hoạt động chính: phát triển các doanh nghiệp công nghệ sinh lợi, nâng cao nhận thức kinh doanh, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Giai đoạn này HCMUT-TBI tiến hành ươm tạo 10 doanh nghiệp.

Đến tháng 06/2012, HCMUT-TBI được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép hoạt động KH&CN. HCMUT-TBI đã thực hiện một số dự án, hợp đồng chuyển giao công nghệ đạt doanh thu 219,962 triệu đồng, nộp thuế 16,411 triệu đồng trong năm 2013. Năm 2014, Trung tâm thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học với doanh thu 290 triệu đồng. Từ khi thành lập đến nay, HCMUT-TBI đã tuyển chọn và ươm tạo thành công các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như sau:

– Ươm tạo các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng trong các ngành: công nghệ hóa học, sinh học và thực phẩm, công nghệ vật liệu, cơ khí, kỹ thuật giao thông, năng lượng, năng lượng tái tạo, điện - điện tử, công nghệ môi trường, công nghệ thông tin, quản lý doanh nghiệp… điển hình là Công ty TNHH Sản phẩm Thiên nhiên Bách Khoa (BK.Nature) đã thương mại hóa thành công 3 dòng sản phẩm về hóa mỹ phẩm, từ đó tạo thu nhập tích lũy đủ để BK.Nature phát triển thành một doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. BK.Nature phát triển tốt, được chứng nhận tốt nghiệp vào tháng 4/2016.

– Công ty cổ phần Giải Pháp Điều Khiển Việt (Vietcontrol) là kết quả ươm tạo thành công trong lĩnh vực dịch vụ KH&CN, tư vấn, chuyển giao công nghệ, thông tin KH&CN, huấn luyện. Công ty này hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT, ứng dụng phần mềm trong hoạt động quản lý và công nghiệp.

– Hoạt động hợp tác trong và ngoài nước: HCMUT-TBI ký kết hợp đồng thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với Trung tâm Công nghệ Điều Bờ biển Ngà vào tháng 02/2016.

Giai đoạn phát triển và mở rộng sắp tới (2015-2018): bên cạnh nguồn tài trợ hàng năm từ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, HCMUT-TBI đã và đang cố gắng tiếp cận các nguồn tài trợ khác từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ Bỉ, Dự án IPP, Lãnh sự quán Mỹ… để có kinh phí hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp được ươm tạo và để phát triển HCMUT-TBI thành một đầu mối ươm tạo doanh nghiệp KH&CN hàng đầu tại khu vực phía Nam như mục tiêu đã đề ra.
 
Từ năm 2015-2019, HCMUT-TBI được Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ không hoàn lại tổng ngân sách 4,4 triệu EUR (trong đó vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 400.000 EUR) để triển khai dự án BIPP nhằm hỗ trợ thí điểm triển khai một số chính sách, nâng cao năng lực vận hành và hỗ trợ các doanh nghiệp ươm tạo quỹ khởi nghiệp trong 5 năm. Mục tiêu của hỗ trợ này là xây dựng một trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghiệp kiểu mẫu, từ đó nhân rộng mô hình.


Về nguồn nhân lực, HCMUT-TBI có 13 người gồm 5 người kiêm nhiệm và 8 người điều hành và chuyên viên chính nhiệm, trong đó 2 phó giáo sư tiến sĩ, 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 1 kỹ sư và 2 cử nhân. Ngoài ra, HCMUT-TBI kết hợp chặt chẽ với mạng lưới chuyên gia hợp tác từ nhiều lĩnh vực khác.

 

d/ Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao

Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), với nhiệm vụ: “tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng khoa học công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ thực hiện việc hoàn thiện công nghệ, chế thử sản phẩm và thành lập doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao”.
 
Trong 10 năm hoạt động (từ tháng 8/2006), SHTP-IC ưu tiên ươm tạo 4 lĩnh vực chính: công nghệ thông tin - viễn thông, cơ khí chính xác - tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ nano.


Hiện tại, SHTP-IC thực hiện ươm tạo thông qua 2 chương trình là “Chương trình ươm tạo” trong thời gian tối đa 3 năm giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn khởi sự và “Chương trình hậu ươm tạo” tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đã vững mạnh và tốt nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Để các doanh nghiệp tham gia thuận lợi và hoạt động hiệu quả, SHTP-IC đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ từ tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, văn phòng làm việc, chi phí thuê máy móc, thiết bị, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đến các hoạt động nghiên cứu làm chủ công nghệ, mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng trong quá trình thực hiện nghiên cứu thí nghiệm, khảo nghiệm tại các cơ sở sản xuất thử nghiệm của SHTP-IC.

Tính đến hết năm 2015, có 29 dự án và doanh nghiệp ươm tạo. Trong đó, công nghệ thông tin - truyền thông - vi mạch: 10 dự án; cơ khí chính xác, tự động hóa, điện - điện tử, robot: 14 dự án; công nghệ sinh học: 4 dự án; công nghệ vật liệu: 1 dự án.

Giai đoạn từ năm 2012 - 2015, SHTP-IC đã triển khai nhiều cuộc thi lập trình ứng dụng dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Unicef, Samsung; cuộc thi Soccerbot, cuộc thi Giải pháp công nghệ Việt…. Các hoạt động này đã thu hút hàng ngàn lượt sinh viên, nhà phát triển di động, khởi nghiệp quan tâm.

Song song đó, SHTP-IC đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, chương trình đào tạo khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp. Tổ chức các chương trình đối thoại công nghệ hàng tháng với các chủ đề tập trung trong việc giới thiệu các công nghệ tiên tiến đang được các công ty công nghệ áp dụng trong thực tế; định hướng phát triển các sản phẩm, công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ được Nhà nước khuyến khích phát triển. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm hỗ trợ của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành và sự tham gia của hơn 1.500 kỹ sư, trí thức trẻ. Ngoài ra, SHTP-IC đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nhằm tư vấn, đầu tư, hỗ trợ, hợp tác trong hoạt động ươm tạo.

SHTP-IC đã nỗ lực không ngừng để đạt được những thành công như hiện tại, sau gần 10 năm ươm tạo, có 6 trong tổng số 31 doanh nghiệp đã tốt nghiệp. SHTP-IC xứng đáng là địa chỉ nuôi dưỡng các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ tồn tại và trưởng thành, góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược đã đặt ra: “trong vòng 10 - 20 năm tới sẽ hình thành một trung tâm đô thị sản xuất công nghệ cao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và triển khai, góp phần tạo ra thực lực kinh tế, năng lực nội sinh về KH&CN quan trọng cho khu vực”.

e/ Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao trực thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, được thành lập theo Quyết định số 4615/QĐ-UBND ngày 05/10/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hình thành và phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao có 7 lĩnh vực ươm tạo chính gồm: công nghệ sinh học nông nghiệp; chọn tạo giống cây trồng; chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp; bảo quản và chế biến nông sản; nuôi trồng nấm, cây dược liệu; canh tác trong nhà màng không sử dụng đất; hoa, cây cảnh, cá cảnh…

Quy trình ươm tạo của Trung tâm có 4 giai đoạn chính là: tuyển chọn, tiền ươm tạo, ươm tạo và hậu ươm tạo với những tiêu chuẩn hỗ trợ rõ ràng, thuận lợi tối đa cho quá trình hoạt động và sản xuất của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dự án, theo từng giai đoạn.

Trong gần 7 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã có được một số thành tựu đáng ghi nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đang ươm tạo 22 doanh nghiệp (gồm 6 doanh nghiệp trong giai đoạn tiền ươm tạo, 7 doanh nghiệp trong giai đoạn ươm tạo chính thức; 9 doanh nghiệp đã tốt nghiệp) trong đó có 7 doanh nghiệp sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu; 4 doanh nghiệp sản xuất các loại rau ăn quả và hạt giống rau ăn quả; 5 doanh nghiệp sản xuất phân bón và chế phẩm sinh học; 2 doanh nghiệp sản xuất rau ăn lá hữu cơ; 1 doanh nghiệp sản xuất giống và thành phẩm hoa lan; 2 doanh nghiệp sản xuất đông trùng hạ thảo và 1 doanh nghiệp sản xuất tinh dầu.

Một số doanh nghiệp khi tham gia chương trình của Trung tâm đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể. Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Nấm Việt ngoài phát triển nhân sự và quy mô hoạt động, doanh số cũng tăng trưởng đáng kể từ 1,47 tỷ năm 2014 lên 4,25 tỷ đồng năm 2015. Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn từ một doanh nghiệp bước đầu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, sau khi nhận được những hỗ trợ từ Trung tâm đã dần phát triển ổn định và doanh số tăng đều theo các năm, đến nay doanh số đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.

f/ Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp

Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (gọi tắt là BSSC) được thành lập theo Quyết định số 4532/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13/10/2010 về tổ chức lại Trung tâm Thông tin Tư vấn Kinh tế Thanh niên thành Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh, với sứ mệnh giúp thanh niên thực hiện ước mơ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo.

Kết quả hoạt động đáng ghi nhận của BSSC trong hơn 5 năm hoạt động:

– Tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - Startup Wheel đã thu hút các ý tưởng kinh doanh tiềm năng, đột phá của giới trẻ. Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, đến nay trở thành cuộc thi khởi nghiệp uy tín, chất lượng kéo dài 6 tháng mỗi mùa giải. Năm 2016, cuộc thi được tổ chức lần thứ 4 với quy mô toàn quốc nhằm mục tiêu xây dựng cuộc thi thành môi trường thực tập khởi nghiệp lớn nhất nước, đồng thời, góp phần giới thiệu cho cộng đồng các ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, sáng tạo. Tính đến năm 2016, Startup Wheel đã thu hút hơn 2.136 ý tưởng/mô hình/doanh nghiệp khởi nghiệp trong tất cả các lĩnh vực trên toàn quốc tham gia. Tất cả những dự án đoạt giải từ cuộc thi qua các năm đều được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ và các kênh truyền thông uy tín vì tính ứng dụng cao và hiệu quả xã hội.

– Sàn Giao dịch ý tưởng kinh doanh (Startup Idea Exchange) được xây dựng nhằm tạo cơ hội cho các dự án/sản phẩm khởi nghiệp giới thiệu dự án của mình, đánh giá mức độ quan tâm của thị trường và nhà đầu tư để phát triển dự án; tạo môi trường để các nhà đầu tư tìm kiếm dự án tốt, hình thành mối liên kết giữa dự án và nhà đầu tư. Qua 3 lần tổ chức, Sàn Giao dịch đã thu hút trên 10.000 lượt người tham gia trong đó có 50% là doanh nhân tìm cơ hội đầu tư, và giới thiệu đến công chúng trên 250 ý tưởng và mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trên toàn quốc.

– Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam (Vietnam Young Leaders Forum) được thiết kế và ra mắt lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014 với mong muốn xây dựng cộng đồng lãnh đạo trẻ xuất sắc có độ tuổi dưới 35 để truyền cảm hứng và thông điệp mạnh mẽ về quá trình vươn đến vị trí lãnh đạo, dẫn dắt xu hướng mới. Qua 03 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành diễn đàn mở duy nhất thu hút hơn 2.100 lãnh đạo trẻ trên khắp cả nước.

– Dự án “Mỗi Doanh nhân - Một người thầy” được xem là dự án cộng đồng đầu tiên kết nối doanh nhân bảo trợ cho hoạt động khởi nghiệp và những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng của những người trẻ. Dự án được triển khai từ năm 2014. Phương thức 1 - 1 là phương thức kèm cặp trực tiếp của 1 doanh nhân thành công cho 1 nhà khởi nghiệp cụ thể nhằm biến doanh nghiệp khởi nghiệp hay mô hình khởi nghiệp sớm thành công. Đến năm 2015, qua 2 năm triển khai đã có 26 mô hình khởi nghiệp nhận được bảo trợ, đỡ đầu để phát triển dự án.

– Câu chuyện Doanh nhân khởi nghiệp, Người trẻ khởi nghiệp là 02 phiên bản chương trình theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa doanh nhân thành công, doanh nhân trẻ khởi nghiệp và người khởi nghiệp. Đến năm 2015, Câu chuyện Doanh nhân khởi nghiệp, Người trẻ khởi nghiệp đã có gần 60 chương trình thu hút trên 30.000 người khởi nghiệp và sinh viên các trường đại học tham gia.

– Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hay Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo, trong giai đoạn 2011-2015, nguồn Quỹ này có tổng qui mô 30 tỷ. Từ nguồn Quỹ này, BSSC đã hỗ trợ gần 750 dự án khởi nghiệp với nguồn vốn khoảng 60 tỷ đồng. Ngoài ra, BSSC đã hỗ trợ kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần ước tính trên 20 tỷ đồng cho các mô hình khởi nghiệp.

– BSSC còn điều hành Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo (HSIF) được khởi xướng và sáng lập bởi Hội Liên hiệp Thanh niện Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, đồng sáng lập với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). HSIF phấn đấu đạt qui mô nguồn vốn trong giai đoạn 2016-2020 là 100 tỷ đồng. Nguồn vốn được hình thành hoàn toàn từ nguồn khu vực tư nhân (doanh nghiệp đóng góp) và hoạt động theo mô hình đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. HSIF chính thức ra mắt ngày 17/5/2016.

– Công tác đào tạo nổi bật với chương trình đào tạo “Lãnh đạo khởi nghiệp” được thiết kế chuyên sâu dành cho đối tượng đã, đang và sẽ khởi nghiệp có tuổi đời dưới 35, nhằm mang đến cho người khởi nghiệp những kiến thức, kinh nghiệm nền tảng dành cho các mô hình mới khởi sự kinh doanh, các doanh nghiệp có quá trình hoạt động dưới 03 năm. Đến năm 2015, trên 11.000 thanh niên đã được đào tạo các kiến thức kinh tế và khởi sự doanh nghiệp. Năm 2015, BSSC cũng đã triển khai hoạt động đào tạo về quản trị doanh nghiệp nhỏ cho 600 doanh nhân khởi nghiệp.

Tính đến năm 2015, BSSC đã và đang hỗ trợ toàn phần cho hơn 150 thành viên, và hỗ trợ một phần (theo từng chương trình) cho khoảng 500 thành viên.



3.5. NGUỒN LỰC THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nguồn lực thông tin KH&CN tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu được lưu trữ, khai thác tại các hệ thống thư viện tổng hợp, hệ thống thư viện chuyên ngành và hệ thống thư viện các trường đại học

3.5.1. Hệ thống thư viện tổng hợp

Trong hệ thống thư việc tổng hợp, đáng kể nhất là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tiền thân là thư viện của các đô đốc - thống đốc, được thành lập vào năm 1868. Trước năm 1975 có tên gọi Thư viện Quốc gia của miền Nam Việt Nam. Thư viện có diện tích 7.070 m2, địa chỉ: 69 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1.

Nguồn tài nguyên của thư viện:

– 500.000 đầu sách và 300.000 báo, tạp chí các loại.

– Tài liệu tham khảo gồm có: bách khoa toàn thư, các loại từ điển chuyên ngành, tiểu sử danh nhân, cẩm nang tra cứu, các bộ sưu tập chuyên đề, niên giám, nguồn tài liệu địa lý, tài liệu chính phủ, nguồn tài liệu thống kê, sổ tay và cẩm nang…

– Tài liệu điện tử:

• Bộ sưu tập các cơ sở dữ liệu (CSDL) trên CD ROM và sản phẩm thông tin dạng điện tử do Thư viện biên soạn (từ năm 1998).

• CSDL trực tuyến: CSDL điện tử trực tuyến đa ngành, Proquest, Britanica, World Bank …

• CSDL trực tuyến do Thư viện xây dựng: CSDL thư mục, CSDL toàn văn (Địa chí Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, báo điện tử), CSDL báo trích (Sài Gòn Giải phóng, Công báo Pháp, Kinh tế châu Á, Khoa học công nghệ …), CSDL Tổng mục lục.

• CSDL tài liệu tham khảo trên web: Bách khoa toàn thư, Niên giám, Thư mục, Sách chỉ dẫn, Từ điển ngôn ngữ…

• CSDL các trang web hữu ích trong nước và ngoài nước được tổ chức và sắp xếp theo chủ đề.

3.5.2. Hệ thống thư viện chuyên ngành

3.5.2.1. Thư viện Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh

Thư viện Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập từ năm 1983. Thư viện được đặt ở lầu 6 tòa nhà 79 Trương Định, quận 1. Với chức năng và nhiệm vụ xây dựng, tổ chức và khai thác thông tin đặc thù thuộc 4 lĩnh vực: nghiên cứu triển khai, sở hữu công nghiệp, thông tin công nghệ, tiêu chuẩn.

Nguồn tài nguyên của thư viện:

– Nguồn tư liệu trong nước: gần 150.000 tài liệu, gồm có:

• Kết quả nghiên cứu quốc gia: thông tin về hơn 8.800 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học của quốc gia đã được nghiệm thu trên nhiều lĩnh vực.

• Kết quả nghiên cứu do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh quản lý: hơn 1.900 đề tài nghiên cứu từ năm 1990 đến nay thuộc đa lĩnh vực (môi trường, công nghệ sinh học, nông nghiệp, quản lý đô thị,…).

• Tạp chí chuyên ngành KH&CN: hơn 124.000 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, bao quát các chủ đề về KH&CN, kinh tế, nông nghiệp,…

• Phim KH&CN: hơn 800 phim tư liệu trong nhiều lĩnh vực (KH&CN, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường,...).

• Tiêu chuẩn Việt Nam: hơn 12.400 tiêu chuẩn và quy chuẩn từ năm 1963 đến nay.

– Nguồn tư liệu quốc tế: 4 CSDL

• CSDL Thomson Innovation: lưu trữ hơn 95 triệu tư liệu sáng chế của hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, cùng công cụ hỗ trợ phân tích xu hướng công nghệ dựa vào các sáng chế.

• CSDL ProQuest: là bộ CSDL đa ngành, cung cấp hàng triệu tài liệu (các bài báo, tạp chí, luận án, tài liệu hội nghị, công trình nghiên cứu, báo cáo,..) tại 90 quốc gia, dưới dạng tóm tắt, toàn văn, hình ảnh và đồ họa. Dữ liệu bao quát rất nhiều ngành và lĩnh vực như: kinh tế, công nghệ, khoa học xã hội,…

• CSDL SpringerLink: nguồn dữ liệu KH&CN, y học với trên 10 triệu tài liệu từ các tạp chí, sách điện tử,…

• CSDL IEEE: đáp ứng gần 3 triệu tài liệu toàn văn chất lượng về các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn như: CNTT, điện tử - viễn thông, tự động hóa, năng lượng,... đã được đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo của IEEE và IET.

3.5.2.2. Thư viện Khoa học xã hội

Thư viện Khoa học xã hội thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ được thành lập năm 1975 cùng với sự thành lập của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (trước đây là Viện Khoa học Xã hội Miền Nam) là thư viện chuyên ngành về khoa học xã hội, đối tượng phục vụ là các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Nguồn lực thông tin của Thư viện Khoa học xã hội gồm có:

– Sách: 152.509 bản sách về lịch sử, địa lý, chính trị học, sử học, kinh tế học, khoa học quân sự,…, gồm các ngôn ngữ: tiếng Việt (chiếm đa số), tiếng Latin (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha), tiếng Nga, tiếng Trung Quốc (cùng với tiếng Nhật, Tiếng Hàn chung kho sách chữ vuông)….

– Luận án tiến sĩ: 249 bản

– Luận văn thạc sĩ: 31 bản

– Báo: 131 đầu báo, gồm 100 đầu báo Việt, 16 đầu báo Latin, 15 đầu báo Nga.

– Tạp chí: 1.506 đầu tạp chí bao gồm: tạp chí Việt (175), tạp chí Latin (583), tạp chí Nga (265), tạp chí Hoa (15), tạp chí Việt xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975 (403) và tạp chí Latin trước năm 1975 (65)

3.5.3. Hệ thống thư viện các trường đại học

Các trường đại học đều có thư viện riêng, sau đây là thông tin về thư viện của một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

3.5.3.1. Thư viện Trung tâm - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Thư viện Trung tâm ĐHQG-HCM là một đơn vị hành chính sự nghiệp độc lập, trực thuộc Ban Giám đốc ĐHQG-HCM, là đầu mối tổ chức liên kết và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin trong hệ thống Thư viện ĐHQG-HCM. Thư viện Trung tâm được trang bị các phương tiện, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu độc giả. Cơ sở duy nhất của Thư viện nằm tọa lạc ở Khu Phố 6, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Thư Viện Trung tâm ĐHQG-HCM có đa dạng các nguồn tài nguyên như: các CSDL, thông tin theo chủ đề, bộ sưu tập chuyên đề, tài liệu đa phương tiện, bộ sưu tập số. Trong đó, bộ sưu tập số là nguồn tài nguyên phong phú được sưu tầm, tập hợp những bài giảng, luận án, bộ sưu tập chuyên đề, tạp chí thuộc các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, kỹ thuật,... Cụ thể:

– Tài liệu bản in: có hơn 400.000 bản sách, hàng trăm nhan đề tạp chí, hàng ngàn luận văn, luận án và CD-ROM thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học.

– Tài liệu điện tử truy cập qua mạng internet: có 13 CSDL điện tử online: CSDL ACS, CSDL Sciencedirect, CSDL Springerlink, CSDL Proquest, CSDL IOP, CSDL OECD,…


3.5.3.2. Thư viện Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh

Thư viện Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1977, trên cơ sở sát nhập 3 thư viện: Thư viện Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ; Thư viện Bách khoa Trung cấp; Thư viện Cao đẳng Hóa học. Hiện nay, ngoài thư viện tại cơ sở 1 (nhà A2 – 268 Lý Thường Kiệt), còn có thư viện tại cơ sở 2 (nhà H1 - Dĩ An, Bình Dương) và thư viện ký túc xá (497 Hòa Hảo) hoạt động phục vụ bạn đọc. Đối tượng phục vụ của thư viện chủ yếu là: sinh viên, học viên, giảng viên đã đăng ký và được cấp quyền sử dụng tại bộ phận quản lý bạn đọc của Thư viện Bách khoa.

Nguồn tài nguyên thư viện đa dạng, bao gồm:

– Tài liệu bản in:
• Sách: 22.371 nhan đề.
• Luận án tiến sĩ: 327 nhan đề.
• Luận văn thạc sĩ + khóa luận: 8.966 nhan đề.
• Tạp chí: 451 đầu tạp chí.
• Báo cáo khoa học các cấp: 1.060 bản.
• Tuyển tập báo cáo khoa học: 644 nhan đề

– Tài liệu điện tử:
• Ebook: 3.204 tên/file.
• Luận án tiến sĩ: 247 tên/file.
• Luận văn thạc sĩ + khóa luận: 8.242 tên/file.
• Tuyển tập CD báo cáo khoa học: 268.
• Tiêu chuẩn kỹ thuật: 05 bộ.
• Sáng chế: 02 bộ.
• Thông tin chuyên đề: 22 chuyên đề.
• Bài giảng điện tử: 33 bản.

– CSDL online:
• CSDL sách điện tử Ebrary Academic Complete (Ebrary AC): 130.000 nhan đề.
• Dùng chung 13 CSDL trực tuyến của hệ thống thư viện ĐHQG -HCM.

– CSDL offline:
• Tạp chí Science Direct (2003-2013): 207 nhan đề.
• Tạp chí IEEE, Wilson,…: 303 nhan đề.

3.5.3.3. Thư viện Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh

Thư viện Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh có lịch sử 60 năm. Tiền thân là thư viện Đại học Văn khoa Sài Gòn (thành lập năm 1955), phục vụ cho công tác đào tạo 7 ngành: văn chương Việt Nam, Hán Nôm, lịch sử, địa lý, triết học, Anh văn, Pháp văn. Từ năm 1997 đến nay, thư viện phục vụ theo hướng mở, tiến hành tin học hóa thư viện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên tiếp cận dễ dàng nguồn lực thông tin của Thư viện.

Thư viện có 2 cơ sở chính: cơ sở 10-12 Đinh Tiên Hoàng và cơ sở Tân Phú - Thủ Đức

Tính đến ngày 17/06/2016, kho tài liệu của thư viện có 206.448 bản tài liệu, tương ứng với 86.224 nhan đề đủ các môn về các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tài liệu điện tử có: 3.981 bản (tương ứng với 2.328 tên tài liệu). Trong đó có: 3.846 đĩa CD-ROM, VCD, DVD (tương ứng với 2.204 nhan đề), 112 băng cassette (tương ứng với 104 nhan đề) và 23 băng video (tương ứng với 20 nhan đề); và các CSDL, bao gồm: các CSDL thư mục (như: CSDL sách, CSDL báo - tạp chí, CSDL luận án, CSDL đề tài nghiên cứu khoa học, CSDL tài liệu đa phương tiện, CSDL tóm tắt bài trích báo - tạp chí); 03 CSDL toàn văn: CSDL toàn văn báo cáo khoa học, CSDL thư viện điện tử, CSDL tạp chí tiếng Anh và 01 CSDL toàn văn do Thư viện tự tạo lập.

Trong đó CSDL thư mục gồm 89.737 biểu ghi/phản ánh 207.569 bản tài liệu, gồm:

– CSDL sách: 81.429 biểu ghi/phản ánh 194.152 bản sách;

– CSDL luận văn: 4.877 biểu ghi/phản ánh 7.616 bản;

– CSDL đề tài nghiên cứu khoa học: 1.103 biểu ghi/phản ánh 1.820 bản;

– CSDL tài liệu điện tử: 2.328 biểu ghi/phản ánh 3.981 bản.

3.5.3.4. Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh
 

Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tổ chức, khai thác, lưu trữ và cung cấp thông tin tư liệu các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội, nhân văn...phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của hơn 1.300 cán bộ, giảng viên và trên 70.000 sinh viên các hệ cao đẳng, đại học và sau đại học cho 03 cơ sở của Trường.
 

Cơ sở chính của Thư viện tại địa chỉ số 12, Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp.
 

Nguồn tài nguyên:
 

– Sách và giáo trình, tài liệu tham khảo (tài liệu in): 205.651 cuốn.
 

– Báo và tạp chí in:
• Nhan đề báo và tạp chí: 124 nhan đề.
• Số tạp chí: 17.300 tờ.

– Sách điện tử, bộ sưu tập số và CSDL online:
• Sách điện tử: 13.454 TL
• CD-ROM: trên 1800 CD các loại.
• Bộ sưu tập số: 115 bộ sưu tập số chuyên ngành: tiếng Anh (9.929 tài liệu), tiếng Việt (4.751 tài liệu).
• CSDL online gồm: CSDL Proquest, CSDL Credo Reference, báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu (KQNC) và tài liệu KH&CN Việt Nam (STD).

3.5.3.5. Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng
 

Thư viện Đại học Tôn Đức Thắng có chức năng đảm bảo cung cấp nguồn tài nguyên thông tin, dịch vụ và môi trường học thuật phục vụ học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và sáng tạo của học sinh, sinh viên, giảng viên của Trường.

Thư viện tại lầu 8 và lầu 9 tòa nhà A, địa chỉ số 19, đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Phong, quận 7. Thư viện lầu 8: phục vụ sách đọc tại chỗ; Thư viện lầu 9: phục vụ sách cho mượn về, khóa luận/đồ án tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp, tài liệu sau đại học, báo - tạp chí và cung cấp phòng học nhóm.

Nguồn tài nguyên thông tin của thư viện bao gồm giáo trình, tài liệu chuyên khảo, tài liệu tham khảo, khóa luận/đồ án tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, báo cáo nghiên cứu khoa học, báo - tạp chí, bài trích, tài liệu nghe nhìn, các bộ sưu tập số, các CSDL thuê quyền truy cập, các CSDL miễn phí Thư viện sưu tầm...

3.5.3.6. Thư viện Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh
 

Thư viện Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường. Thư viện gồm 2 cơ sở: cơ sở Hàm Nghi - quận 1 và cơ sở Thủ Đức với nguồn tài nguyên chuyên sâu về lĩnh vực ngân hàng, cụ thể:
 

– Nguồn tài liệu nội sinh bao gồm: tạp chí chuyên ngành, luận văn - luận án và bộ sưu tập Greenstone.
 

– Sách điện tử: tiếng Việt (500 nhan đề) và tiếng Anh (38 nhan đề).
 

– CSDL World Bank Library.
 

– CSDL chia sẻ từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
 

– CSDL Thư viện pháp luật.
 

– Website Thư viện số - Buh.tailieu.vn.
 

– Tạp chí chuyên ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng (tiếng Việt).
 

– Luận văn - luận án - công trình nghiên cứu khoa học.
 

– Tài nguyên giáo dục Việt Nam. 
 

– Thư viện học liệu mở Việt Nam.
 

– Nội dung tài liệu mở liên thư viện.

3.5.3.7. Thư viện Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh
 

Thư viện Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1996, cơ sở chính của thư viện tại địa chỉ số 02 Nguyễn Tất Thành, quận 4. Thư viện có chức năng đảm bảo việc thu thập, lưu trữ và phổ biến, cung cấp tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cán bộ và sinh viên trong và ngoài trường. Hỗ trợ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin đáp ứng nhu cầu bạn đọc. 
 

Thư viện hiện đang đứng đầu khu vực các tỉnh phía Nam về CSDL luật, cụ thể:
 

– Sách: trên 80.000 đầu sách.
 

– CD-ROM luận văn, luận án: 1.800 đĩa.
 

– Ngoài ra còn có các loại hình tài liệu khác như:bài trích, tài liệu nghe nhìn, hình ảnh, bản đồ,…


Tin liên quan:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả