SpStinet - vwpChiTiet

 

I-Star 2019: 600 triệu đồng trao cho 12 tổ chức, cá nhân đoạt giải

Sáng 19/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (I-Star 2019) cho 12 cá nhân và tổ chức có thành quả xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, giá trị mỗi giải thưởng là 50 triệu đồng. Sự kiện này cũng khép lại chuỗi hoạt động của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2019).

12 cá nhân và tổ chức nhận giải thưởng năm nay được lựa chọn từ 40 bài dự thi vào vòng chung kết ở 4 nhóm (3 giải/nhóm) gồm: nhóm 1 - Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhóm 2 -  Giải pháp đổi mới sáng tạo; nhóm 3 - Tác phẩm truyền thông; nhóm 4 - Tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Cụ thể, ở nhóm 1, ba doanh nghiệp được trao giải là: Công ty TNHH BusMap, Công ty Cổ phần 689Cloud và Công ty Cổ phần Công nghệ TK25.

Các doanh nghiệp nhóm 1 nhận giải thưởng I-Star 2019. Ảnh: LV.

BusMap là ứng dụng hỗ trợ đi xe buýt tại TP.HCM, giúp việc di chuyển bằng xe buýt trong các đô thị được thuận tiện hơn. Sở hữu tính năng chỉ đường đi xe buýt thông minh với thuật toán được tác giả tự phát triển, BusMap giúp tối ưu hóa cho riêng hệ thống xe buýt tại Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí vận hành cho sản phẩm. Người dùng có thể tra cứu tất cả mọi thông tin về các tuyến xe buýt từ biểu đồ giờ, danh sách trạm dừng, đường đi, giá vé, thông tin về xe buýt, đến đánh giá chất lượng,... một cách đầy đủ và nhanh chóng nhất. BusMap luôn được cập nhật những dữ liệu trạm, tuyến, biểu đồ giờ xe buýt mới nhất, giúp người dùng không bị sai thông tin khi đi xe buýt. Ngoài ra, BusMap còn có tính năng xem thời gian chờ xe buýt đến mỗi trạm theo thời gian thực, giúp người dùng chủ động hơn trong việc đón xe buýt; tính năng theo dõi lộ trình xe buýt và thông báo khi gần tới trạm, giúp người đi xe buýt chủ động hơn trong lộ trình đi xe cũng như tránh tình trạng xuống nhầm tuyến,… Hiện tại Busmap đang dẫn đầu thị trường với ứng dụng Mobile về giao thông công cộng ở Việt Nam, đạt hơn 1 triệu lượt tải, có 400.000 người dùng thường xuyên mỗi tháng. BusMap đã được triển khai cho người đi xe buýt tại TP.HCM hơn 5 năm với sự hỗ trợ thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trung bình mỗi tháng có hơn 10 triệu lượt người sử dụng BusMap để phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe buýt, chiếm khoảng 20% số lượt đi xe buýt hằng tháng (tính theo số liệu 571 triệu lượt đi xe buýt trong năm 2018 do Sở GTVT TP.HCM công bố).

689Cloud là nền tảng điện toán đám mây về bảo mật, lưu trữ, quản lý, chia sẻ dữ liệu cho doanh nghiệp và chính phủ, được sáng lập bởi một nhóm người trẻ có hơn 6 năm làm việc cùng nhau trong lĩnh vực bảo mật nội dung số cho khách hàng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Ngoài chức năng về quản lý, chia sẻ như các giải pháp đang có trên thị trường, 689Cloud trang bị công nghệ bảo mật IRM với chức năng bảo mật được đính kèm trên mỗi tài liệu. Cho dù tài liệu đã chia sẻ, hay bị đánh cắp, thì chỉ những người dùng được cấp quyền mới có thể xem tài liệu. Trong quá trình mở/xem tài liệu, người xem không thể copy nội dung. Chủ nhân tài liệu có thể kiểm soát, thu hồi quyền truy cập tài liệu, cài đặt tự động hết hạn cho tài liệu, cho phép hoặc không cho phép in dù tài liệu đã được chia sẻ, tải về, lưu trữ trên máy cá nhân của người dùng. Với lợi thế cạnh tranh sẵn có, 689Cloud đặt mục tiêu tăng tốc trong năm 2019 và có doanh thu 1 triệu USD vào năm 2020, trở thành công ty hàng đầu về cung cấp dịch vụ Cloud Security tại Viêt Nam và khu vực châu Á.

Công ty TK25 được trao giải với sản phẩm là siêu ứng dụng gannha.com, tích hợp đa thương hiệu chuỗi (Integrated Branding) trên cùng một ứng dụng, cung cấp giải pháp kết nối tức thì (Realtime) nhu cầu mua của khách hàng (on-demand) đến với sản phẩm chính chủ gần nhất. Chức năng chính của ứng dụng gannha.com giúp điều hướng “Tìm kiếm – Nhận biết – Mua ngay” các sản phẩm, dịch vụ chính chủ thuộc 5 ngành hàng: bán lẻ, việc làm, mặt bằng kinh doanh, vận tải - vận chuyển và du lịch, giải trí - làm đẹp. Với hơn 100.000 điểm bán của 1.300 thương hiệu chính chủ, hơn 7.500 chương trình giới thiệu sản phẩm mới được cập nhật liên tục trên nền tảng gannha.com, ứng dụng đã và đang được người tiêu dùng và các thương hiệu tích  cực đón nhận, thể hiện qua gần 10.000 lượt cài đặt sử dụng trên các nền tảng iOS và Android trong một thời gian ngắn.

Ba giải pháp ở nhóm 2 đoạt giải là: Đổi mới sáng tạo với mô hình STEAM của Trường THCS Lê Quý Đôn; KDI - Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ giáo dục của Công ty Cổ phần Giáo dục KDI; Quy trình liên thông cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thuế tại Quận 3 của Phòng Kinh tế Quận 3.

Trao giải nhóm 2. Ảnh: LV.

Nhóm 3 gồm: chuyên mục Nhật ký Innovation của tác giả Bung Trần (Chuyên trang thông tin điện tử Đổi mới sáng tạo); chương trình “Chợ phiên Startup – Khởi nghiệp thông minh” của nhà báo Kim Ngân (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM); chương trình “Sức bật sáng tạo và Khởi nghiệp” của Ban Khoa Giáo (Đài Truyền hình TP.HCM).

Hình ảnh trao giải thưởng ở nhóm 3. Ảnh: LV.

Ba tổ chức hỗ trợ đoạt giải trong nhóm 4: là Trung tâm Uơm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI), Topica Fournder Institute, Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE).

Trao giải thưởng nhóm 4. Ảnh: LV.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, Trưởng ban Ban tổ chức Giải thưởng I-Star 2019) cho biết, Giải thưởng góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời xây dựng và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực trong cộng đồng, góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự tăng trưởng bền vững của TP.HCM. Bước sang năm thứ hai, Giải thưởng I-Star càng chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Trưởng ban Ban tổ chức giải thưởng) phát biểu tại Lễ Tổng kết và Trao giải I-Star 2019. Ảnh: LV.

Sau hơn 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 300 bài dự thi hợp lệ, 40 bài dự thi có số lượng yêu thích lớn đã được chọn vào vòng chung kết. Có thể nói, năm nay, số lượng và chất lượng của các bài thi đều rất cao, trải rộng trên hầu hết lĩnh vực. Đó là những startup trong lĩnh vực công nghệ, y tế, giáo dục, giao thông, thương mại điện tử; là những giải pháp đổi mới sáng của các cơ quan quản lý các trường học, bệnh viện, đoàn thanh niên, các cộng đồng dân cư; là các tác giả bài báo, các chương trình phát thanh – truyền hình; các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Chính vì thế, Giải thưởng đã được lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng khởi nghiệp, thu hút rất đông lượt bình chọn và chia sẻ từ phía cộng đồng, tạo nên bầu không khí cạnh tranh đặc biệt sôi động. Nhiều bài dự thi đạt đến vài ngàn lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội nhờ sự vận động của các đối tượng dự thi và sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

WHISE 2019 bế mạc vào trưa 19/10. Ảnh: LV.

Ngay sau lễ trao giải I-Star, WHISE 2019 cũng chính thức khép lại với dấu ấn là một sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM. Theo công bố của Ban tổ chức, trong khuôn khổ WHISE 2019 đã diễn ra 32 sự kiện lớn nhỏ, thu hút hơn 5.000 khách tham dự các sự kiện, tăng 43% so với năm 2018. Có 160 startup, trong đó có 15 startup Hàn Quốc tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm, tăng 30% so với WHISE năm ngoái. Ở sự kiện gọi vốn, có 15 quỹ đầu tư quốc tế từ Singapore, Indonesia, Hàn Quốc đã được kết nối với 35 startup tại TP.HCM. Bên cạnh đó, WHISE 2019 có hơn 100 nhà đầu tư và quỹ đầu tư tham gia và chia sẻ nhiều thông tin bổ ích cho cộng đồng khởi nghiệp; 27 đơn vị, tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM cùng đồng hành.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả