SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu mô hình nuôi cá bớp hiệu quả kinh tế cao

Mô hình thử nghiệm đầu tiên nuôi cá bớp trong ao đất được nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Chi nhánh phía Nam thực hiện thành công cho thấy hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, có thể áp dụng rộng rãi. Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá bớp (Rachycentron canadum Linnaeus, 1766) trong ao đất tại huyện Cần Giờ, TP.HCM”, vừa được nghiệm thu vào tháng 11/2018.

Mô hình nuôi mới

Theo ThS. Nguyễn Tuấn Anh (chủ nhiệm đề tài), cá bớp là đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao, nhanh lớn, dễ nuôi, ít bệnh và phù hợp với hình thức nuôi công nghiệp tạo sản lượng hàng hoá lớn. Thịt cá bớp trắng, ngon và bổ dưỡng. Hiện nay, một số quốc gia như Philippine, Mỹ và Australia, Ấn Độ,... cũng đang có chiến lược phát triển nuôi cá bớp. Trong tương lai cá bớp sẽ trở thành đối tượng nuôi chính, đóng góp sản lượng chủ yếu vào nghề nuôi cá biển trên thế giới.

Tại Việt Nam, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái hoàn toàn phù hợp nuôi cá bớp, có thể thu được lợi nhuận cao so với nuôi các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, cho đến nay chủ yếu cá được nuôi trong lồng, bè trên biển, chưa có công bố nào về nuôi cá bớp trong ao đất. Trong khi đó, việc nuôi trong lồng, bè không phải nơi nào cũng có thể áp dụng do những đòi hỏi nhất định về điều kiện kinh tế và điều kiện tự nhiên. Mặt khác, vấn đề ao nuôi tôm tại Cần Giờ và các tỉnh ven biển Việt Nam nói chung bị vốn bỏ không rất nhiều do thua lỗ, không tuân thủ quy hoạch, phát triển tự phát dẫn đến ô nhiễm nguồn nước,…Riêng huyện Cần Giờ (TP.HCM), ngành nuôi trồng thủy sản còn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, do dịch bệnh bùng phát, các mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả không cao, diện tích nuôi tôm, cá chẽm,…đang bỏ trống khá lớn (khoảng 4.000 ha), đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc nghiên cứu nuôi cá bớp trong ao đất tại Cần Giờ sẽ giúp luân canh đa dạng hóa đối tượng nuôi, hạn chế dịch bệnh cho từng vùng, cải tạo môi trường và tránh lãng phí tài nguyên nước, cải thiện đời sống người dân vùng ven biển. 

Nhóm tác giả đã tiến hành các thí nghiệm nuôi cá bớp trong ao đất tại các ao nuôi của hộ dân ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ với mật độ nuôi 1 con/m2 và 0,5 con/m2 nhằm xác định mức độ tăng trọng của cá bớp, hiệu quả kinh tế và tiềm năng nuôi cá bớp trong ao đất.

Qua 6 tháng nuôi, trọng lượng trung bình của cá bớp lần lượt đạt 2,84 ± 0,27 kg và 2,71 ± 0,23 kg tương ứng với các mật độ nuôi đã chọn. Kết quả phân tích thống kê cho thấy, mật độ nuôi 1 con/m2 đạt hiệu quả cao hơn với mật độ nuôi 0,5 con/m2 về tốc độ tăng trưởng và trọng lượng cá thu hoạch; tỷ lệ sống của cá cũng cao hơn (83% so với 74,7%).

Kết quả nuôi thực tế cá bớp trong ao đất với mật độ 1 con/m2 cho thấy, tốc độ tăng trưởng của cá bớp sau 7 tháng nuôi tăng khá nhanh, trọng lượng đạt 2,9–4,2 kg/con, trung bình đạt 3,66 kg/con, chiều dài trung bình 69,47 cm/con. Như vậy, việc nuôi cá bớp trong ao đất tại huyện Cần Giờ là khả thi và có hiệu quả kinh tế cao. 

Khả năng ứng dụng rộng 

ThS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, việc nuôi cá bớp trong ao đất có chi phí đầu tư thấp (so với nuôi tôm), kỹ thuật chăm sóc đơn giản, dễ áp dụng, tốc độ tăng trưởng của cá rất nhanh. Ngoài ra, nuôi cá bớp trong ao đất còn chủ động được điều kiện nuôi, giảm chi phí đầu tư (mô hình nuôi lồng bè có chi phí cao, phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường tự nhiên), chủ động về nguồn thức ăn (sử dụng thức ăn công nghiệp), chủ động kiểm soát được môi trường nuôi, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Do đó có thể triển khai áp dụng rộng rãi trên cả nước, nhất là các vùng ven biển. Điều kiện áp dụng chỉ cần tuân thủ yêu cầu về quy trình kỹ thuật, khuyến cáo về độ sâu ao, độ mặn, hàm lượng oxy,…

Về hiệu quả kinh tế, nuôi trong ao đất cá có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, dù thời gian nuôi ngắn hơn. Thực tế, sau 7 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 3,66 kg/con, sau 12 tháng có thể đạt trên 10 kg/con. Trong khi các hộ dân tại Cần Giờ nuôi cá 12 tháng trong lồng, bè chỉ đạt trọng lượng 5-6 kg/con. 

Hiện nhóm đề tài đang tiếp tục phối hợp với người dân để hướng dẫn và nhân rộng việc nuôi cá bớp thương phẩm trong ao đất.

Vân Nguyễn (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả