SpStinet - vwpChiTiet

 

Bốn kịch bản cho tương lai kinh tế số Việt Nam đến 2045

Ngày 22/5, tại Saigon Innovation Hub diễn ra buổi công bố kết quả báo cáo “Tương lai nền kinh tế số của Việt Nam: hướng tới năm 2030, 2045”. Báo cáo đưa ra các xu thế chủ đạo ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2025. Đồng thời thực hiện mô hình ước lượng các viễn cảnh về kinh tế tới năm 2030 và 2045 với bốn kịch bản dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam.

Báo cáo là một hợp phần trong Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia tài trợ với trị giá 10 triệu đô la Australia (AUD). Chương trình là sáng kiến chiến lược được thiết kế để tăng cường các mối liên kết giữa hệ thống đổi mối sáng tạo của Australia và Việt Nam.

TS. Lucy Cameron (tác giả chính của báo cáo, đồng thời là tư vấn nghiên cứu cao cấp tại Data61|CSIRO - Cơ quan chuyên về nghiên cứu số liệu và công nghệ số thuộc Tổ chức khoa học quốc gia Australia) cho biết, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp đang số hóa rất nhanh như thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính. Những ngành này cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, các nghiên cứu điển hình trong ngành nông nghiệp và chế biến sản xuất cho thấy mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số còn thấp. Dù các doanh nghiệp đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của công nghệ số trong sản xuất, họ vẫn gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới do các vấn đề kỹ thuật và tài chính.

TS. Lucy Cameron trình bày các kết quả của báo cáo tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045. Ảnh: LV.

Data 61|CSIRO đã phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để xác định bảy xu thế chủ đạo ảnh hưởng đến tương lai kinh tế số của Việt Nam. Những xu thế này bao gồm các công nghệ số mới nổi; xu hướng quốc tế hóa; nhu cầu đảm bảo an ninh mạng và bảo mật cá nhân tăng cao; sự phát triển của cơ sở hạ tầng số hiện đại; thúc đẩy phát triển thành phố thông minh; sự gia tăng về kỹ năng, dịch vụ, doanh nghiệp số và nền kinh tế việc làm tự do; sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Từ các xu thế chủ đạo này, nhóm nghiên cứu xây dựng nên bốn kịch bản cho tương lai nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2045, gồm kịch bản truyền thống, kịch bản xuất khẩu số, kịch bản tiêu dùng số và kịch bản chuyển đổi số.

Theo kịch bản truyền thống, cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 196 tỷ đô la Mỹ (USD) vào GDP (tính theo giá so sánh năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương), 61 tỷ USD (theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân); chuyển đổi số thấp, năng suất lao động trì trệ, nền kinh tế vẫn chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu các sản phẩm truyền thống, ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) phát triển chậm.

Kịch bản xuất khẩu số cho thấy, đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 217 tỷ USD vào GDP (tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương), 67 tỷ USD (theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân); ngành CNTT&TT phát triển nhanh, chủ yếu dựa trên hoạt động gia công xuất khẩu, ứng dụng số trong các ngành còn hạn chế.

Ở kịch bản tiêu dùng số, công nghệ số dự kiến đóng góp 331 tỷ USD vào GDP (tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương), 103 tỷ USD (theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân); chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các ngành, nhưng chủ yếu sử dụng sản phẩm dịch vụ CNTT&TT của nước khác, ngành CNTT&TT trong nước phát triển chậm.

Với kịch bản chuyển đổi số, công nghệ số dự kiến đóng góp 544 tỷ USD vào GDP (tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương), 169 tỷ USD (theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân); ứng dụng công nghệ số cao trong toàn bộ nền kinh tế và ngành CNTT&TT tăng trưởng mạnh, năng suất lao động ở tất cả các ngành đều tăng.

Phần trao đổi, thảo luận tại buổi công bố báo cáo. Ảnh: LV.

Từ các kịch bản này, nhóm nghiên cứu đưa ra lộ trình phát triển cho nền kinh tế số Việt Nam trong tương lai, với 6 lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình. Đó là ưu tiên về hạ tầng CNTT&TT và năng lượng (năng lượng an toàn cho hạ tầng kỹ thuật số, cải thiện hạ tầng cáp quang cho mạng trục xương sống, thử nghiệm và triển khai công nghệ 5G, thí điểm và triển khai đô thị thông minh mới); ưu tiên về an ninh mạng và quản trị dữ liệu (các máy chủ đảm bảo an toàn, xây dựng kỹ năng an ninh mạng, đóng góp cho khung tham chiếu khu vực và quốc tế về an toàn dữ liệu và tội phạm công nghệ cao,…); ưu tiên về kỹ năng số (nâng cao kiến thức số toàn dân, xây dựng kỹ năng chuyên dụng trong các lĩnh vực quan trọng, đầu tư chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm,…); ưu tiên hiện đại hóa bộ máy chính phủ (đầu tư chính phủ điện tử mới và các dịch vụ ứng dụng số, bao gồm sử dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống chuỗi khối và các giải pháp thực tế ảo, robot, hệ thống cảm biến, đổi mới sáng tạo quy trình đấu thầu, thử nghiệm đổi mới sáng tạo khu vực công,…); công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo quốc gia; cải cách thuế và quy định pháp lý.

TS. Lucy Cameron phân tích, năm 2019 là một cột mốc đặc biệt đối với quá trình phát triển của Việt Nam và lịch sử công nghệ khi đạt mức thu nhập trung bình và bước vào thời kỳ đầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong 4 thập kỷ qua, chiến lược kinh tế đã mang đến thành công cho Việt Nam với mức tăng trưởng GDP cao, nhưng con đường cho Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao và thu nhập cao không được đảm bảo. Để chuyển từ quốc gia thu nhập trung bình cao sang thu nhập cao, ngoài việc sở hữu thị trường lao động giá rẻ và phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn vốn FDI để tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam cần phải làm được nhiều hơn thế và chuyển sang tăng cường năng lực sử dụng công nghệ. Con đường phía trước là nâng cao năng suất lao động, cải thiện các ngành công nghiệp dựa vào tri thức thông qua ứng dụng công nghệ, cải cách cơ cấu, phát triển kỹ năng và giáo dục. Bên cạnh đó, chính sách và công nghệ của CMCN 4.0 được ứng dụng và sử dụng như thế nào trên khắp Việt Nam sẽ quyết định kịch bản nào trong số các kịch bản nêu trên sẽ diễn ra trong 25 năm tới. Các kịch bản và phân tích, khuyến nghị hành động được trình bày trong báo cáo này sẽ cung cấp ý tưởng cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo ngành ở Việt Nam trong việc xử lý các quyết định đầu tư cho 25 năm tới.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả