SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu phát triển các sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng từ cá sấu

Đề tài do tác giả Lê Trung Thiên và cộng sự (Đại học Nông lâm TP.HCM) thực hiện nhằm cải tiến được quy trình nấu cao (trích collagen) từ xương cá sấu theo hướng ổn định và nâng cao chất lượng cao; thiết lập quy trình sản xuất 3 loại sản phẩm: bột protein thịt cá sấu thủy phân, bột collagen xương cá sấu thủy phân, và sản phẩm dinh dưỡng kết hợp 2 loại nguyên liệu đó.

Tình hình chăn nuôi cá sấu vì mục đích thương mại ở TP.HCM phát triển nhanh trong những năm gần đây. Do TP.HCM và các vùng lân cận là nơi có điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cá sấu, việc phát triển các trại nuôi loài này có thể xem như một trong những biện pháp phát triển kinh tế. Hiện nay, lợi nhuận chủ yếu của người sản xuất cá sấu đến từ bộ da của cá. Trong khi đó các bộ phận có tiềm năng khác có thể cần được khai thác để tăng lên nguồn lợi từ ngành chăn nuôi và giết mổ cá sấu. Việc sản phẩm hàm chứa nhiều công nghệ sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn về mặt kinh tế.

Theo kế hoạch phát triển hiện thời của Công ty TNHH Cá Sấu Hoa Cà, cũng như theo tiềm năng ứng dụng trong tương lai gần, nhóm đề tài tiến hành các nội dung nghiên cứu quy trình chế biến bột protein thịt cá sấu thủy phân; nghiên cứu cải thiện quy trình nấu cao xương; nghiên cứu quy trình chế biến bột collagen xương cá sấu thủy phân; nghiên cứu chế biến sản phẩm dinh dưỡng từ protein thịt cá sấu thủy phân và collagen xương cá sấu thủy phân.

Theo đó, enzyme neutral có hiệu quả thủy phân tốt đối với thịt cá sấu. Việc bổ sung chất trợ sấy là Maltodextrin với tỷ lệ 19,46% vào dịch thủy phân protein từ thịt cá sấu và sấy với nhiệt độ không khí sấy là 142,710C, tốc độ bơm dòng nguyên liệu 10 ml/phút giúp quá trình sấy phun đạt hiệu suất thu hồi bột 69,51%, hiệu suất thu hồi protein đạt 76,94% và các chỉ tiêu chất lượng của bột như độ ẩm, hoạt tính kháng oxy hóa lần lượt đạt giá trị 5,33% và 1,87 mg/ml. Đây là các giá trị tốt nhất của quá trình sấy phun dịch thủy phân protein từ thịt cá sấu có thể đạt được.

Về cải tiến quy trình nấu cao, nhóm tác giả nghiên cứu ảnh hưởng của xử lý xương, nhiệt độ, thời gian nấu cao hợp lý, sự hỗ trợ của xử lý siêu âm trong nấu cao, ảnh hưởng của nhiệt độ cô đặc cao sau khi nấu đến chất lượng cao thô. Qua thí nghiệm sơ bộ cho kết quả xương có kích thước càng nhỏ trích collagen nhiều hơn. Việc xay xương chứng tỏ có hiệu quả như mong đợi và việc hỗ trợ vi sóng hiệu quả hơn siêu âm.

Cao xương cá sấu với nhiều đặc tính sinh học quý giá, được đánh giá là có khả năng kháng chống đau, có tác dụng tăng cường sức khỏe cho con người, nhất là những trẻ bệnh xương thủy tinh. Vì cao xương là sản phẩm chức năng với những chuỗi polypeptit dài và khó tan nên dùng enzyme thủy phân những chuỗi polypetit dài thành những đoạn ngắn hơn giúp dễ tan trong nước hơn. Điều kiện tối ưu để sấy phun dịch collagen thủy phân từ xương cá sấu là: tỷ lệ bổ sung Maltodextrin 7,1% theo khối lượng, nhiệt độ sấy là 1400C, lưu lượng bơm là 15l/phút. Khi đó hiệu suất thu hồi là 65,13%, độ ẩm đạt yêu cầu bảo quản là 6,05%, hiệu suất thu hồi protein là 83,97%, chỉ số kháng oxy hóa IC50 đạt 4,074.

Về chế biến sản phẩm dinh dưỡng từ protein thịt cá sấu thủy phân và collagen xương cá sấu thủy phân, bổ sung ở 40% đường, 1,5% acid ascorbic và 12% bột gừng cho có kết quả cảm quan tốt nhất. Trong quá trình chế biến, nên sử dụng thịt vụn cá sấu để tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm và hạ giá thành nguyên liệu. Cần nghiên cứu giảm mùi tanh để tiếp cận tất cả đối tượng người tiêu dùng. Với các công ty vừa và nhỏ có vốn đầu tư không nhiều, có thể chế biến sản phẩm dạng lỏng thay vì chuyển thành bột cần nhiều vốn đầu tư.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả