SpStinet - vwpChiTiet

 

Thịt nhân tạo có “thân thiện với môi trường” hay không, còn tùy vào nguồn năng lượng

Một nghiên cứu mới cho thấy, thịt nhân tạo được nuôi cấy trong các phòng thí nghiệm hiện nay chưa thể là giải pháp thay thế cho sản xuất thịt truyền thống (vốn gây nhiều tác động bất lợi cho môi trường), nếu không dựa vào các hệ thống năng lượng giảm thiểu sử dụng carbon.

Nghiên cứu, từ chương trình LEAP (Chăn nuôi, Môi trường và Con người) tại Trường Oxford Martin, đã cho thấy, việc sản xuất một số loại thịt nhân tạo có thể ít gây ảnh hưởng đến khí hậu, tuy nhiên, vẫn có nhiều thứ có thể làm cho nhiệt độ toàn cầu tăng cao về lâu dài. Được công bố trên tạp chí Frontiers in Sustainable Food Systems, nghiên cứu này nhấn mạnh, tác động của việc sản xuất thịt nhân tạo đối với khí hậu còn phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng của nó và các nguồn cung năng lượng carbon thấp.

Tiến sĩ John Lynch giải thích: "Gần đây đã có rất nhiều quan tâm của cộng đồng đối với thịt nhân tạo và nhiều công bố nhấn mạnh tiềm năng thay thế thịt bò bằng thịt nhân tạo để giảm tác động đến môi trường. Chúng tôi chưa thống nhất với quan điểm này, do chưa chắc chắn về tỉ lệ thịt nhân tạo được tạo ra. Ngoài ra, việc sử dụng công cụ footprint để so sánh tác động tạo nên hiệu ứng khí nhà kính cũng không phải dễ tính toán đối với thịt bò nuôi và thịt nhân tạo".

Phát thải khí nhà kính do nông nghiệp chiếm khoảng 1/4 tác nhân làm cho trái đất nóng lên. Thay việc chăn nuôi gia súc thông thường bằng cách sản xuất thịt nhân tạo trong các phòng thí nghiệm (sử dụng kỹ thuật nuôi cấy tế bào) đã được bàn thảo rộng rãi. tuy nhiên, những ước tính này dựa trên "dấu chân carbon" (carbon footprint) có thể sai lệch, vì không phải tất cả các khí nhà kính đều gây ra sự nóng lên như nhau của trái đất, hoặc là có cùng thời gian tác động.

"Gia súc tạo ra rất nhiều khí thải mê-tan từ quá trình lên men trong ruột", đồng tác giả nghiên cứu, Raymond Pierrehumbert, giáo sư Vật lý Halley tại Đại học Oxford nói. "Khí mê-tan là một loại khí nhà kính quan trọng, nhưng nếu mô tả lượng khí thải mê-tan là lượng 'tương đương carbon dioxide' có thể gây nhầm lẫn, bởi hai loại khí này rất khác nhau. Mỗi tấn khí mê-tan phát ra có tác động làm trái đất nóng lên nhiều hơn so với carbon dioxide. Tuy nhiên, mê-tan chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng 12 năm (trong khi carbon dioxide vẫn tồn tại và tích lũy trong nhiều thiên niên kỷ). Điều này có nghĩa là khí mê-tan không tác động làm trái đất nóng lên trong thời gian dài, và nó chịu tác động theo lượng khí thải tăng hoặc giảm theo thời gian".

Để so sánh cẩn trọng các tác động của thịt bò và thịt nhân tạo đối với khí hậu, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các dữ liệu về khí thải liên quan đến ba phương pháp chăn nuôi gia súc hiện tại và bốn phương pháp sản xuất thịt nhân tạo có thể sử dụng, và giả sử hệ thống năng lượng hiện tại không thay đổi. Với các dữ liệu này, họ đã mô hình hóa tác động lên nhiệt độ môi trường của từng phương pháp sản xuất trong 1.000 năm tới. Kết quả cho thấy, mặc dù gia súc ban đầu sẽ gây nóng lên nhanh hơn do giải phóng khí mê-tan, nhưng trong một số trường hợp, việc sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm cũng có thể làm khí hậu tăng cao. Nguyên nhân là do, dù ngay cả khi việc tiêu thụ thịt đã được loại bỏ hoàn toàn, quá trình làm nóng không khí lên từ carbon dioxide vẫn tồn tại. Trong khi đó, sự không khí bị nóng lên do khí mê-tan sẽ chấm dứt chỉ sau vài thập kỷ.

Lynch cho biết: "Điều này rất quan trọng, vì giảm phát thải khí mê-tan là tốt cho bầu khí quyển của chúng ta. Nhưng nếu ta thay thế khí mê-tan bằng carbon dioxide, thì thực sự là một mối nguy lâu dài".

Sản xuất thịt bò hiện là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu. Giảm tiêu thụ và cải thiện phương pháp sản xuất để giảm khí thải có thể giúp giải quyết vấn đề này. Những lợi ích về mặt môi trường của thịt nhân tạo, được nuôi cấy trong các phòng thí nghiệm là cần tiếp tục thực hiện và mở rộng nghiên cứu để phát triển các phương pháp sản xuất thịt một cách hiệu quả nhất. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng cả chăn nuôi thịt và chăn nuôi gia súc đều có những yếu tố đầu vào và tác động phức tạp cần được xem xét để đánh giá đầy đủ tác động của chúng đối với môi trường.
Lynch kết luận: "Tác động đến khí hậu của sản xuất thịt nhân tạo sẽ phụ thuộc vào trình độ tạo ra năng lượng bền vững có thể đạt được và hiệu suất của các quá trình nuôi cấy trong tương lai."

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả