SpStinet - vwpChiTiet

 

Tình trạng biến đổi khí hậu phụ thuộc vào lựa chọn thực phẩm của bạn

Theo nghiên cứu mới của Đại học Công nghệ Sydney (Úc) và Đại học Duke (Mỹ), người tiêu dùng thường không chú ý đến việc lựa chọn thực phẩm của họ có thể làm biến đổi khí hậu hay không, nhưng vẫn sẽ ưu tiên chọn các mặt hàng có lượng phát thải khí carbon thấp, nếu thông tin được cung cấp đầy đủ trên bao bì.

Từ 19-29% lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuất phát từ hoạt động sản xuất thực phẩm, trong đó chăn nuôi bò và cừu lấy thịt là hai hoạt động phát thải nhiều nhất. Do đó, việc thay đổi chế độ ăn theo hướng tăng cường trái cây và rau quả là một chiến lược đầy hứa hẹn để giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Adrian Camilleri, tác giả chính của nghiên cứu muốn biết người tiêu dùng hiểu như thế nào về hậu quả phát thải carbon từ sự lựa chọn thực phẩm của họ. “Với một thiết bị như máy sưởi, bạn có thể cảm nhận được năng lượng tiêu hao và nhìn thấy hóa đơn tiền điện vào cuối tháng, do đó, sẽ dễ nhận thấy mức độ tác động hơn. Trái lại, các tác động đến từ hoạt động sản xuất thực phẩm phần lớn là vô hình”, tiến sĩ Camilleri nói.

Nghiên cứu (được công bố trên tạp chí Nature Climate Change) đã yêu cầu hơn 1.000 người ước tính năng lượng được dùng để sản xuất 19 loại thực phẩm và hoạt động của 18 thiết bị điện tử, cũng như lượng khí nhà kính mà các thiết bị và thực phẩm đó sinh ra. Kết quả cho thấy, những người tham gia đánh giá khá thấp mức tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính ở cả thiết bị điện tử lẫn thực phẩm, trong đó, thực phẩm bị đánh giá thấp hơn.

TS. Camilleri cho biết, khi đặt ra câu hỏi so sánh sự khác biệt giữa hai món súp thịt bò và súp rau quả về khía cạnh môi trường, câu trả lời từ người tham gia thường không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, sự thật thì súp thịt bò tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều hơn 10 lần so với súp rau quả.

"Đây là một điểm mù! Vì khi ai đó muốn giảm lượng khí thải nhà kính, họ có thể nghĩ đến việc tắt lò sưởi, lái xe ít đi hoặc đi máy bay ít hơn. Nhưng rất ít người nghĩ đến việc ăn ít thịt bò hơn."

Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét, liệu họ có thể cải thiện nhận thức của người tiêu dùng đối với các tác động đến môi trường từ việc lựa chọn thực phẩm, thông qua thông tin in trên bao bì hay không. 

Bằng việc theo dõi quá trình mua sắm của 120 người tham gia, các nhà nghiên cứu nhận thấy, khi bao bì mặt hàng súp có dán nhãn “Dấu chân carbon" (carbon footprint) thì người tham gia mua ít súp thịt bò và nhiều súp rau hơn so với khi không có nhãn dán.

Nghiên cứu cho thấy, việc in biểu tượng footprint lên bao bì thực phẩm là một biện pháp can thiệp đơn giản để gia tăng hiểu biết cho người tiêu dùng về việc sử dụng năng lượng và phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất thực phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Khí nhà kính xuất phát từ sản xuất thịt bò và thịt cừu bao gồm những chất được tạo ra trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, khí metan phát ra từ động vật, hoạt động vận chuyển gia súc và phá rừng làm đồng cỏ chăn nuôi. Ngoài ra, chế độ ăn tăng cường trái cây, rau và ngũ cốc có tác động ít nhất đến môi trường; thịt lợn, thịt gà có tác động vừa phải; thịt bò và thịt cừu có tác động lớn nhất.

"Sự lựa chọn mà chúng ta đưa ra cho bữa tối có thể ảnh hưởng lớn đến thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và nghiên cứu này của chúng tôi cho thấy, người tiêu dùng muốn đưa ra lựa chọn của mình", TS. Camilleri nói.

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả