SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số

Ngày 16/10 Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức tổng kết hoạt động cộng đồng năm 2018 “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số”. Song song đó là hội thảo “Giải pháp công nghệ cho đô thị thông minh”. Đây là 2 trong chuỗi gần 30 sự kiện của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (Whise 2018) do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.

Chuỗi hoạt động cộng đồng với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số” được tổ chức trong các tháng 9,10/2018, với sự tham gia của 10 trường cao đẳng, đại học (Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Hoa Sen, Đại học Công nghệ - Hutech, Đại học Văn Lang, Đại học Công nghiệp, Đại học Kinh tế, Đại học Mở, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Viễn Đông); thu hút gần 6.000 sinh viên, 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia giao lưu, hơn 30 diễn giả đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài ngành công nghệ thông tin – truyền thông, 10 gương mặt trẻ đại diện cho lĩnh vực khởi nghiệp chia sẻ về hành trình từ khởi nghiệp đến doanh nhân.

Ông Vũ Anh Tuấn tại buổi tổng kết. Ảnh: LV.

Theo ông Vũ Anh Tuấn (Tổng Thư ký HCA), chuỗi hoạt động với các câu chuyện thành công – thất bại trong hành trình từ khởi nghiệp đến doanh nhân đến từ các gương mặt trẻ nổi bật trong giới khởi nghiệp chính là làn gió mới giúp truyền cảm hứng và khích lệ các bạn sinh viên dám nghĩ dám thực hiện các ý tưởng của mình. Hiện thành phố có khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng và hoạt động của nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đang có xu hướng tăng. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (hay còn gọi là Đề án 844) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là những tín hiệu tốt, những yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do vậy, các bạn trẻ, nhất là sinh viên cần được trang bị và định hướng sớm về con đường khởi nghiệp, để phấn đấu ngay từ khi còn học tập tại trường. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp để sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông.

Bà Văn Thị Bích Ty báo cáo tổng kết hoạt động cộng đồng 2018. Ảnh: LV.

Bà Văn Thị Bích Ty (Trưởng ban Truyền thông sự kiện HCA) cho biết, chuỗi hoạt động cộng đồng đã chia sẻ các chủ đề về khởi nghiệp, các xu hướng công nghệ, những kỹ năng mềm dành cho sinh viên như: xu hướng công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics tại Việt Nam; thay đổi tư duy ao làng sang tầm nhìn hòa nhập với môi trường quốc tế; dữ liệu nguồn mở và khởi nghiệp; thương mại điện tử thế hệ mới; tâm thế để khởi nghiệp - sinh viên cần gì; xu hướng công nghệ số hóa; công nghệ IoT trong năng lượng tái tạo; tự tin và thu hút - phát triển kỹ năng giao tiếp;…là những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm rất thực tế mà sinh viên ngành công nghệ thông tin còn thiếu, từ đó, giúp hình dung được việc làm, xu hướng ứng dụng công nghệ thực tế tại các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin – truyền thông. Mặt khác, thông qua chuỗi chia sẻ, sinh viên cũng nắm bắt được nhu cầu nhân lực và thích ứng với các xu hướng công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông; nắm bắt thông tin và định hướng cho bản thân về khởi nghiệp công nghệ thông tin – một trong những mũi nhọn trong phong trào phát triển khởi nghiệp hiện nay.

Bà Nguyễn Thu Sang (Giám đốc truyền thông Mạng xã hội Kinh doanh Azibai) chia sẻ mong muốn đẩy mạnh việc hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực hành trên hệ sinh thái nền tảng số Azibai. Bên cạnh đó Azibai sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên của trường đến tham quan thực tế quy trình làm việc, tham gia kiến tập, thực tập và thực hành các dự án môn học chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và đa ngành.

Tọa đàm chia sẻ thông tin về khởi nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông. Ảnh: LV.

Chuỗi hoạt động cộng đồng 2018 do HCA phối hợp cùng 10 trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM và Saigon Innovation Hub tổ chức, với sự chỉ đạo và bảo trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2008, đã và đang mang lại nhiều nội dung giao lưu chuyên sâu và thực tế nhằm chia sẻ các kiến thức về các xu hướng công nghệ thế giới và sự tác động của xu thế công nghệ đến nhu cầu việc làm; các kỹ năng mềm; văn hóa doanh nghiệp; kinh nghiệm phỏng vấn, câu chuyện khởi nghiệp,… Tính đến năm 2018, chương trình đã tổ chức tại gần 100 trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, với sự tham gia của gần 50.000 sinh viên cùng sự góp mặt của các lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân, các diễn giả, chuyên gia công nghệ thông tin,…

Tại hội thảo “Giải pháp công nghệ cho đô thị thông minh”, nhiều đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, trao đổi đóng góp ý kiến xoay quanh nội dung các báo cáo tham luận như: Kết quả tổ chức triển khai thực hiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025 tại Quận 1; các giải pháp công nghệ liên quan đến lĩnh vực đô thị thông minh (giải pháp công nghệ Bosch cho thành phố thông minh; xây dựng chuẩn dữ liệu dựa trên nền tảng HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu các bệnh viện phục vụ công tác quản lý, chẩn đoán từ xa và hội chẩn trực tuyến; kỹ thuật xử lý camera và phân tích lưu lượng xe, ứng dụng trong hệ thống giao thông thông minh tại TP.HCM; các ứng dụng trí tuệ nhân tạo);…

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả