SpStinet - vwpChiTiet

 

Polymer sinh học có nhiều ứng dụng rất đa dạng

Là nội dung được PGS.TS. Ngô Đăng Nghĩa - nguyên Viện trưởng Viện Sinh học và Môi trường (Đại học Nha Trang) nhấn mạnh trong buổi báo cáo "Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng polymer sinh học trong công nghiệp thực phẩm" sáng 27/7 tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM).

Theo PGS.TS. Ngô Đăng Nghĩa, polymer sinh học thường được chiết xuất từ rong biển hoặc vỏ các loài động vật giáp xác (tôm, cua) để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực:

  • Agar: là loại polymer được sản xuất từ loại rong câu chỉ vàng (Gracilaria verrucosa), được dùng làm tác nhân tạo gel, chất phụ gia, chất ổn định để tạo ra các loại thực phẩm như jelly, kẹo, nhân kẹo, tạo độ quánh cho mứt dẻo…, dùng trong chế biến thịt và trộn vào xúc xích để giảm chất béo.
  • Alginate: là loại polymer chiếm 40% thành phần của rong nâu khô, thường được dùng trong nước xốt, kem, siro, nhân bánh; tạo gel trong jelly, thức ăn gia súc và trái cây mô phỏng; dùng làm chất xúc tác để sản xuất cồn công nghiệp và chế phẩm Isulin trị bệnh tiểu đường.
  • Carrageenan: là loại polymer ưa nước chiết xuất từ một số loài rong đỏ (Rhodophyta), có ứng dụng quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất sữa do khả năng làm dung dịch sữa không bị lắng, tách váng sữa hay tách chất béo; thay thế cho gelatin trong các loại thức ăn tráng miệng và đồ ăn chay; hạn chế sự mất nước và giữ độ mềm mại cho thịt khi nấu.
  • Chitin/Chitosan: là loại polymer kỵ nước nguồn gốc từ động vật, có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxi hóa và tạo màng tốt.
  • Collagen/Gelatin: là loại polymer có nhiều trong động vật có xương sống, được sử dụng làm phụ gia trong thực phẩm, chất ổn định bọt trong đồ tráng miệng, sản xuất vỏ thuốc và dùng trong giấy in ảnh và phim nhựa.

Theo các chuyên gia thông tin tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM, việc ứng dụng polymer trong sản xuất bao bì và thực phẩm cũng rất quen thuộc trên thế giới, với 1.243 sáng chế ứng dụng polymer sinh học trong công nghiệp được công bố tại 39 quốc gia và 2 tổ chức (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới và Cơ quan Sáng chế Châu Âu). Các sáng chế này tập trung chủ yếu vào 3 hướng chính là sản xuất phụ gia trong chế biến/xử lý thực phẩm; sản xuất đồ ngọt, bánh kẹo; và sản xuất thực phẩm chức năng.

PGS.TS. Ngô Đăng Nghĩa trình bày tại buổi báo cáo. - Ảnh:KT. 

Do polymer sinh học có ứng dụng rất đa dạng, nên tại Việt Nam, đã có nhiều đề tài nghiên cứu nhằm đưa nhanh polymer sinh học vào phục vụ sản xuất trong nước. Tại Đại học Nha Trang, các nhà khoa học đã đã thực hiện nhiều nghiên cứu như: "Nghiên cứu cố định tế bào nấm men saccharomyces cerevisiae sinh enzyme invertase có hoạt tính cao bằng alginate tạo ra dung dịch thủy phân chứa hàm lượng hỗn hợp đường khử nồng độ cao", cho hỗn hợp có mùi thơm tự nhiên và phù hợp ứng dụng trong sản xuất thực phẩm; "Nghiên cứu sản xuất oligocarrageenan từ rong sụn bằng phương pháp enzym và ứng dụng trong chế biến và bảo quản surimi (thanh cua)" cho kết quả khi bổ sung 0,2% oligocarrageenan có thể làm tăng chất lượng, tăng tính ổn định và hạn chế biến đổi chất lượng của surimi trong quá trình bảo quản đông; "Nghiên cứu công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm olygosaccharid (olygochitosan và olygochitin)" có khả năng kháng 5 loại vi khuẩn (E. Coli 0157:H7, Salmonella typhimurium, S. aureus, Listeria monocytogenes và B. subtilis) để bảo quản sau thu hoạch nguyên liệu thuỷ sản đánh bắt xa bờ; "Nghiên cứu ứng dụng alginate bọc vỏ hạt nhân tạo (tạo hạt nhân tạo) cây địa lan (Cymbidium spp.)" với nồng độ sodium alginate thích hợp tạo hạt nhân tạo là 8% cho tỷ lệ hạt nảy mầm đạt 85%;…

Các đại biểu tham dự buổi báo cáo. - Ảnh: KT.

Bên cạnh những ứng dụng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nhiều ứng dụng khác của polymer sinh học cũng đã được các báo cáo viên giới thiệu chi tiết tại buổi báo cáo. TS. San Trâm Anh (Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch) cung cấp thông tin về màng bảo quản trái cây ứng dụng polymer sinh học do các nhà khoa học Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch nghiên cứu và chế tạo. Đây là loại màng tạo ra một lớp phủ mỏng lên bề mặt thực phẩm, điểm đặc biệt là có thể ăn luôn cùng với thực phẩm. Màng giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm do làm chậm quá trình oxy hóa và trao đổi khí, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, giảm thoát hơi nước nhưng thực phẩm vẫn có chất lượng cảm quan phù hợp và an toàn cho sức khỏe.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc ứng dụng polymer sinh học, do là nước có nguồn lợi rong biển dồi dào từ cả tự nhiên và nuôi trồng, đồng thời có nguồn vỏ giáp xác lớn (là nước đứng thứ 2 thế giới trong sản xuất tôm). Vì vậy, các nhà sản xuất trong nước cần nhanh chóng nắm bắt được những ứng dụng và lợi ích của polymer sinh học để có những phương án khai thác, tận dụng tốt lợi thế nguồn tài nguyên sẵn có, đồng thời hợp tác, hỗ trợ nguồn lực cho các nhà nghiên cứu để cùng đưa polymer sinh học ứng dụng vào cuộc sống ngày càng rộng rãi hơn, vừa đem lại lợi nhuận, vừa đảm bảo giá trị phát triển bền vững.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả