SpStinet - vwpChiTiet

 

Đưa công nghệ mới vào ngành khai thác xa bờ

Với phương châm “Nâng cao sự khác biệt”, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh công nghiệp đã khẳng định được những nỗ lực chuyển giao công nghệ phục vụ đời sống. Nhiều dự án, công trình ứng dụng được triển khai thành công trong ngành xây dựng, thủy sản, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới cho nghề đánh bắt xa bờ.

Theo đuổi tâm huyết

Công ty TNHH Điện lạnh Thiên Phúc (TP.HCM) là đơn vị cung cấp và tư vấn tất cả các sản phẩm thuộc lĩnh vực lạnh công nghiệp. Trong đó, các thiết bị lạnh dùng cho ngành xây dựng và các thiết bị phục vụ ngành đánh bắt được xem là thế mạnh của doanh nghiệp với nhiều công trình, dự án ứng dụng thực tế. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ mới để cải thiện chất lượng sản phẩm đánh bắt của ngư dân cũng như nâng cao hiệu quả ngành khai thác xa bờ là “tâm huyết” mà Thiên Phúc theo đuổi nhiều năm.

Theo ông Nguyễn Khắc Lời (Phó Giám đốc Công ty Thiên Phúc), hơn hai năm khảo sát và “nếm trải” thực tế cho thấy, ngư dân đánh bắt trên các vùng biển còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về các thiết bị, công nghệ phục vụ cho việc đánh bắt và bảo quản sản phẩm sau đánh bắt, dẫn đến chất lượng thủy hải sản không đảm bảo, giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, Thiên Phúc đã quyết tâm “theo đuổi” và đưa vào ứng dụng thành công công nghệ sản xuất đá vẩy trên tàu thuyền, sử dụng trực tiếp từ nước biển, phục vụ tàu đánh bắt xa bờ.

Với phương pháp truyền thống, ngư dân muốn bảo quản sản phẩm đánh bắt thường sử dụng đá cây chở từ đất liền ra. Phương pháp này có những hạn chế như không đảm bảo độ lạnh để bảo quản sản phẩm, bởi nhiệt độ của đá cây chỉ vào khoảng 20C, dẫn đến giảm chất lượng thủy hải sản và dễ bị nhiễm khuẩn từ nước đá. Hơn nữa, với nước đá truyền thống, trước mỗi chuyến đi, ngư dân phải tốn thời gian và công sức để bốc dỡ hàng tấn nước đá lên tàu, quá trình vận chuyển cũng làm tăng tải trọng tàu và tiêu hao nhiều nhiên liệu.

Công nghệ mới sản xuất đá vẩy trên tàu thuyền có thể khắc phục những hạn chế nêu trên, giúp ngư dân chủ động được thời gian, tiết kiệm chi phí cho việc đánh bắt và bảo quản sản phẩm thủy hải sản, nâng hiệu quả kinh tế nghề đánh bắt xa bờ. Máy đá vẩy trên tàu thuyền có các tính năng nổi bật như: sản xuất đá từ nước biển, có độ dày 2,5 mm, khô và không có bột, nhiệt độ đá -80C, đáp ứng việc bảo quản lạnh trong hầm ướp cá trên tàu; máy có thể sử dụng năng lượng của tàu để tạo đá trong vòng 3–5 phút, hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động, không cần bảo trì thường xuyên, giảm tối đa chi phí nhân công; máy nhỏ gọn, không tốn diện tích trên tàu, vận hành dễ dàng.

Máy đá vẩy giúp ngư dân chủ động sản xuất nước đá ngay trên tàu với công suất từ 1 tấn đến 5 tấn/ngày. Đá vẩy được sản xuất trực tiếp từ nguồn nước biển, làm lạnh nhanh, tiếp xúc toàn thân cá, do đó giữ được chất lượng cá tươi hơn so với nước đá truyền thống. Đồng thời, đá tơi xốp, dễ bốc dỡ, không kết dính trong quá trình sử dụng, không có cạnh nhọn như đá xay, nên giảm tổn thất cá, thịt cá săn, không bị thấm ngược vào trong. Nhờ vậy khi sử dụng công nghệ này cá bán được với giá cao hơn.

Thiên Phúc đã lắp đặt khoảng 10 máy đá vẩy trên các tàu đánh bắt xa bờ cho ngư dân ở các tỉnh từ Bình Thuận đến Đà Nẵng. Hiện tại đang tiếp tục triển khai cho ngư dân ở Kiên Giang và Cà Mau. Qua thực tế ứng dụng cho thấy, máy đá vẩy hoàn toàn phù hợp với điều kiện của các tàu đánh bắt xa bờ như tàu lưới rê, tàu lưới vây hoặc tàu dịch vụ hậu cần,… Xu hướng đánh bắt này đang được lựa chọn và hỗ trợ bởi nó mang tính bền vững đối với môi trường, tài nguyên biển. Tuy nhiên, theo ông Lời, công nghệ đá vẩy còn khá mới mẻ với nghề đánh bắt xa bờ; đa số ngư dân khó khăn về vốn đầu tư, trình độ hiểu biết về công nghệ còn hạn chế. Đây là những khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực từng bước và theo đuổi đến cùng để có thể đưa công nghệ vào ứng dụng rộng rãi.

Khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước

Để công nghệ mới được biết đến một cách rộng rãi, rất cần hình thành mối liên kết tích cực giữa doanh nghiệp, sở ngành các địa phương (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và ngư dân. Là một trong những thành viên tham gia Techmart Daily, ông Nguyễn Khắc Lời cho rằng, các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin của Techmart Daily tạo thành kênh kết nối, quảng bá thông tin cần thiết cho doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với khách hàng, với những nơi có nhu cầu ứng dụng công nghệ mới. Thông qua kênh tiếp xúc uy tín này có thể tác động tốt lên nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ mới, đồng thời người dân có cơ sở tin cậy để lựa chọn công nghệ phù hợp.

Mặt khác, việc nắm bắt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Cụ thể, quá trình chuyển giao công nghệ đá vẩy ứng dụng trên tàu thuyền đánh bắt xa bờ có những thuận lợi nhờ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản: một trong những nội dung của nghị định này khuyến khích và hỗ trợ vốn cho ngư dân đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ đánh bắt xa bờ. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và người dân có cơ hội sử dụng máy móc thiết bị hiện đại hơn.

Khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp lạnh

Với hơn 10 năm phát triển, Thiên Phúc đã khẳng định được vị thế của mình trong ngành công nghiệp lạnh tại Việt Nam, hiện là nhà phân phối chính thức của Snowkey, cung cấp những sản phẩm thiết bị lạnh công nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm đã được Thiên Phúc đưa vào ứng dụng và mang lại nhiều lợi ích ưu việt như: máy sản xuất đá vẩy (bảo quản thực phẩm, làm đá và tuyết nhân tạo, giữ tươi thực phẩm trong siêu thị,…); hệ thống sản xuất đá cây trong container; băng chuyền xử lý tôm; băng chuyền cấp đông siêu tốc; hệ thống làm lạnh nước; dàn ngưng tụ bay hơi; máy nén lạnh (hệ thống lạnh thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, ứng dụng rộng rãi trong kho lạnh, đông lạnh thực phẩm, công nghiệp hóa chất, dược phẩm)…

Hàng loạt dự án chuyển giao công nghệ ứng dụng trên khắp cả nước đã được Thiên Phúc thực hiện, với nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị lớn. Có thể kể đến các đối tác tiêu biểu ngành thực phẩm như: Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam, Công ty CP Thủy sản Bình An, Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty TNHH Hải sản 404; ngành xây dựng là Tổng Công ty Sông Đà, Công ty CP Xây dựng 47, Công ty Xây dựng thủy lợi thủy điện IDICO, Công ty CP Cơ giới và Xây lắp số 9, Phân viện Máy và Dụng cụ công nghiệp,… Các công trình xây dựng ứng dụng công nghệ lạnh giúp cân bằng nhiệt cho các khối bê tông, từ đó rút ngắn được thời gian thi công và đảm bảo chất lượng công trình đã được Thiên Phúc thực hiện như: Thủy điện Đak Mi 4 (Quảng Nam), Hồ chứa nước trong (Quảng Ngãi), Thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa), Thủy lợi Văn Phong (Bình Định),…

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả