SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp sáng tạo trẻ trên nền công nghệ

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới thành công từ khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ, nhưng con đường này không dễ dàng khi có đến  80% - 90% thất bại. Làm thế nào để những dự án khởi nghiệp sáng tạo như Alfari, Anh Mõ phát triển thành công đang là trăn trở của những nhà sáng tạo

Alfazi - ứng dụng hỏi bài trực tuyến

Được phát triển bởi một nhóm bạn trẻ 9X, vốn là sinh viên Đại học Ngoại thương TP.HCM, với giấc mơ kết nối gia sư và học sinh dựa trên nền tảng internet, Alfazi cung cấp một lớp học “ảo” giúp học sinh có thể tiếp cận và trao đổi, hỏi bài trực tuyến (online) với các gia sư, thông qua các công cụ tương tác như bảng trắng, cuộc gọi thoại hiển thị thời gian thực. Với công cụ này, khi hai người sử dụng Alfazi tương tác với nhau, mọi thông tin và dữ liệu sẽ được truyền tải và hiển thị một cách nhất quán và trực tiếp, như trong một lớp học thực tế.

Việc hỏi chính là chìa khóa để hiểu bài. Nếu lắng nghe và ghi chép chỉ giúp học sinh ghi nhớ được 15% kiến thức thì việc đặt câu hỏi sẽ giúp hiểu và nhớ vấn đề đến 65%. Vì vậy, việc ngại hỏi sẽ khiến học sinh rơi vào vòng lẩn quẩn “không hiểu bài – thắc mắc – ngại hỏi – không hiểu bài”. Alfazi cho phép các em chủ động hỏi để tìm ra lời giải cho các câu hỏi khó, hay các thắc mắc chưa hiểu rõ trong học tập, làm bài tập mà không phải e ngại vì lỗ hổng kiến thức của mình. Đây chính là phương pháp học theo hướng mở, giúp học sinh tăng tính tương tác, sáng tạo và tư duy tự chủ, cũng chính là giá trị khác biệt mà Alfazi tạo ra. Hiện Alfazi có thể trả lời hầu hết các câu hỏi miễn phí và có phí một cách nhanh chóng, giúp học sinh dễ dàng hiểu bài.

Học sinh có thể lựa chọn hai cách thức sử dụng Alfazi: giải nhanh (người dùng đăng bài tập và chọn một trong những gia sư đang online để được giải đáp ngay trong thời gian ngắn) và dạy kèm (người dùng đặt lịch học, nhờ gia sư hướng dẫn theo thời gian định sẵn).

Với các bạn sinh viên muốn làm gia sư, Alfazi là công cụ giúp tạo ra công việc làm thêm phù hợp, thêm thu nhập mà không phải mất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc đi lại, môi giới như hình thức gia sư truyền thống.

Để sử dụng Alfazi, người dùng có thể tải và cài đặt ứng dụng vào điện thoại di động và đăng ký thành viên để sử dụng dịch vụ. Mức phí vào khoảng 50.000 đồng/giờ.

Theo Cao Thanh Hải (đại diện nhóm Alfazi), đến thời điểm hiện tại, Alfazi đã được thử nghiệm với hơn 2.000 người dùng, trong đó có hơn 200 khách hàng trả tiền, khoảng 100 sinh viên đăng ký trở thành gia sư online. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của một startup non trẻ như Alfazi là việc định hình được một mô hình đúng để xác định hướng đi, nên mất khá nhiều thời gian.

Vừa qua, Alfazi cũng là một trong những dự án được Chương trình SpeedUp 2017 của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chọn hỗ trợ tiếp tục hoàn thiện mô hình, kết nối ứng dụng trên điện thoại thông minh hệ điều hành Android, iOS và web; hoàn thiện bộ công cụ gõ toán học và mở rộng một số tính năng để đưa vào ứng dụng sản phẩm hoàn chỉnh.

 

Anh Mõ – kênh giao tiếp trực tuyến thông minh

Anh Mõ là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm bạn trẻ thuộc Công ty CP Công nghệ AM (AM Technology) có trụ sở tại Hà Nội, văn phòng chi nhánh tại TP.HCM. Anh Mõ được xây dựng với ý tưởng phát triển một kênh giao tiếp thông minh giữa cư dân chung cư với ban quản lý chung cư, ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể hoạt động trên cả hai nền tảng iOS và Android.

Anh Mõ cung cấp giải pháp kết nối giữa cư dân và ban quản lý chung cư hay với các dịch vụ dịch vụ/tiện ích, giữa cư dân với cư dân. Sử dụng Anh Mõ, cư dân sẽ tiếp cận được những thông tin quan trọng một cách nhanh chóng (như thông báo cắt điện, nước, thông tin thanh toán,…); gửi các yêu cầu (đăng ký xe, chuyển đồ); góp ý, phản ánh (hỏng điện, mất nước); thanh toán online (phí dịch vụ) cho ban quản lý một cách dễ dàng mà không cần phải đi lại. Đối với ban quản lý, chủ đầu tư hoặc các công ty, đơn vị cung cấp dịch vụ, Anh Mõ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng thông qua các tính năng tương tác (với cư dân), quản lý thông tin cư dân, kiểm soát và đánh giá chất lượng vận hành của ban quản lý, đảm bảo thông báo đến được với từng căn hộ. Ngoài ra, Anh Mõ có thể kết nối các căn hộ đến siêu thị, cửa hàng ở ngay dưới chân tòa nhà, có thể lựa chọn dịch vụ dựa trên đánh giá của hàng xóm.

Theo chia sẻ của bạn Thuận Nguyễn (Giám đốc điều hành AM Technology), với đội ngũ trẻ có niềm đam mê công nghệ và tư duy khác biệt, AM Technology phát triển Anh Mõ dựa trên những nền tảng công nghệ mới nhất, đảm bảo được hiệu suất và tính bảo mật. Với tính ứng dụng cao, Anh Mõ giúp tạo ra một hệ sinh thái cho chung cư mà ở đó cư dân và ban quản lý có thể nắm bắt, truyền tải thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí; cung cấp các tiện ích, dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu trong hoạt động sống của các hộ dân tại chung cư.

Ý tưởng Anh Mõ được hình thành từ tháng 6/2015, trải qua các giai đoạn phát triển phiên bản thử nghiệm để thăm dò thị trường và thu thập ý kiến người dùng, đến tháng 9/2016, AM Technology được thành lập. Anh Mõ hoàn thiện sản phẩm chính thức và gia nhập thị trường từ tháng 7/2017. Tại Hà Nội, Anh Mõ đã ký hợp đồng với nhiều chủ đầu tư, công ty quản lý vận hành (ví dụ như FLC Services, Sudico, Hải Phát PSP, HomeCare, Okamura-Tokyo, Sài Gòn Thăng Long,…) với trên 70 tòa nhà (khoảng 30.000 căn hộ). Tại TP.HCM, Anh Mõ đã triển khai được hơn 10 cụm chung cư, tiêu biểu như Fuji Residence (Quận 9), Camellia Garden (Quận 7), Sunview Town (Quận Thủ Đức), chung cư Bình Minh (Quận 2),… Bên cạnh đó, Anh Mõ đang đàm phán với một số đơn vị đầu tư bất động sản lớn ở TP.HCM để triển khai giải pháp hàng loạt. Kế hoạch dự kiến đến hết năm 2018, sẽ triển khai cho khoảng 100 chung cư tại thị trường này.

Thuận Nguyễn cho biết thêm, hiện tại, ngoài việc sử dụng Anh Mõ như một công cụ để quản lý thì hoàn toàn có thể coi đây là kênh để tuyên truyền những thông tin hữu ích đến cư dân chung cư (ví dụ như làm gì khi xảy ra hỏa hoạn, sử dụng bình cứu hoả như thế nào,… ); đặc biệt có thể dùng để nhắc nhở, giáo dục cư dân về ý thức phòng cháy chữa cháy (không hút thuốc trong hầm xe, không đốt vàng mã ở ban công, hành lang,…). Kế hoạch đến 2019, Anh Mõ sẽ phát triển và tích hợp phần cứng giúp người dùng quản lý điện năng, các thiết bị điện (giảm nguy cơ xảy ra cháy nổ).

Nhờ nghiên cứu thị trường và thử nghiệm thật kỹ trước khi dồn công sức, tiền bạc vào phát triển sản phẩm chính thức, cũng như lắng nghe ý kiến người dùng, những phản hồi từ thị trường để phát triển các tính năng phù hợp mà Anh Mõ đã đạt những thành công bước đầu. Đây cũng là những chia sẻ kinh nghiệm phát triển một startup công nghệ từ Thuận Nguyễn.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả