SpStinet - vwpChiTiet

 

Đổi mới sáng tạo sản phẩm từ cây dược liệu

Đam mê với các dược liệu và y học cổ truyền, Hà Văn Lộc đã tìm ra “cách làm mới”, nâng cao giá trị một loài thảo dược quen thuộc với nhiều người bấy lâu, đó là máy hơ ngải cứu và nhang ngải cứu. Dự án về các sản phẩm này của Hà Văn Lộc đã được chương trình SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ kinh phí 700 triệu đồng.

Sản phẩm cũ, cách làm mới

Máy hơ ngải cứu TCS dùng thay cho việc hơ ngải cứu thông thường, vừa giảm rủi ro khi hơ (gây bỏng do quá nóng hoặc tàn rơi vào người), vừa giúp hơi nóng từ điếu ngải dễ dàng xuyên thấm sâu vào các huyệt đạo nhưng không làm bỏng lớp da bên ngoài. Máy có cấu tạo gồm hai lớp: ống đựng điếu ngải và lớp vỏ gỗ. Máy cũng có thể sử dụng khi cắm vào điện thoại.

Hà Văn Lộc vốn là kỹ thuật viên chế tạo máy. Anh đến với cây ngải cứu rất tình cờ. Ban đầu, một người bạn đề nghị Lộc chế tạo máy hơ ngải cứu do các loại máy có trên thị trường có giá trên 3 triệu đồng, người dùng bình dân khó tiếp cận. Trong khi đó, phương pháp hơ ngải cứu đã được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền để chữa rất nhiều loại bệnh như: hen suyễn, viêm khớp, chấn thương phần mềm, ứ tiểu, mỏi mệt, và các bệnh liên quan đến lão hóa, huyết áp thấp, tê lạnh tay chân, mất ngủ, viêm họng,… theo nguyên tắc cân bằng âm dương trong cơ thể.

Sau nhiều tìm tòi, nghiên cứu, Lộc đã thành công trong việc chế tạo ra chiếc máy vừa nhỏ gọn, dễ sử dụng, vừa đáp ứng yêu cầu cân bằng âm dương và có giá rẻ. Máy đã được kiểm định an toàn điện và nhiệt, có giá bán trên thị trường 1,6 triệu đồng, được khách hàng đón nhận khá tốt.

Cuối năm 2016, sản phẩm máy hơ ngải cứu đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo xuất sắc nhất (Best Innovator Award) do trường Đại học Việt Đức, Đại học Leipzig phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (TP.HCM) tổ chức. Sau cuộc thi, Lộc trở thành thành viên của vườn ươm Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Từ đây, Lộc bắt đầu con đường khởi nghiệp, hình thành nên doanh nghiệp với tên gọi TCS.

Đi sâu vào ngành, Lộc nhận ra vấn đề cốt lõi của sản phẩm là điếu ngải cứu: trên thị trường không có điếu ngải nào không dùng keo kết dính (phát sinh khói độc); không nhà sản xuất nào tuyên bố nhang ngải cứu của mình 100% từ ngải cứu. Tiếp tục nghiên cứu tìm cách làm ra viên ngải cứu không keo kết dính, sau nhiều lần thất bại (thậm chí tưởng như có lúc phải bỏ cuộc), quý 2/2017, TCS đã cho ra đời sản phẩm với hàm lượng ngải cứu 100%, không tạp chất, không keo kết dính mà vẫn giữ được màu xanh diệp lục của lá ngải cứu, ứng dụng kỹ thuật sấy khô đặc biệt. Sản phẩm đã được kiểm nghiệm không có khí độc trong khói khi đốt sử dụng.

Nhang ngải cứu TCS ứng dụng kỹ thuật sấy khô đặc biệt giúp người hơ và người được hơ không hít phải khói độc và cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ và thanh khiết, làm dịu thần kinh, giảm stress. Cũng nhờ đặc tính nguyên chất, nhang ngải cứu có khả năng thấm sâu vào các huyệt đạo, giúp giảm hàn, làm ấm cơ thể, kích thích cơ chế tự chữa lành bệnh của cơ thể, tăng quá trình trao đổi chất. Hiện TCS có 2 loại nhang ngải cứu, loại ngắn (1,5 x 6,5 cm) dùng cho máy hơ ngải cứu TCS (dùng được cho các loại máy khác) và loại dài (1,5 x 13 cm) dùng cầm tay hơ theo truyền thống.

Theo Hà Văn Lộc, TCS đã ứng dụng công nghệ để làm mới một sản phẩm cũ một cách tự nhiên mà không cần dùng đến phụ gia và hóa chất, rất phù hợp với xu hướng hiện nay của thị trường: quay về các sản phẩm tự nhiên trong chăm sóc sức khỏe, nên được người tiêu dùng đón nhận.  

Muốn khởi nghiệp, sản phẩm phải có ích

Đó là quan điểm của Hà Văn Lộc khi nói về kinh nghiệm khởi nghiệp. Theo đó, sản phẩm khởi nghiệp không cần phải mới hoàn toàn, nhưng phải tốt hơn hoặc ít ra là bằng với các sản phẩm đang có trên thị trường. Muốn vậy, phải hiểu được phản ứng của thị trường để thực hiện sản phẩm. Nếu sản phẩm chưa tốt thì khoan khởi nghiệp, mà nên tiếp tục nghiên cứu. Sau khi ý tưởng hoặc sản phẩm đủ tốt, các mới nên tìm đến các kênh hỗ trợ về vốn, kỹ thuật,...

Một “bài học xương máu” là các startup thường không tính được chi phí tài chính cho 2 năm đầu khởi nghiệp. Với TCS, dự tính ban đầu chỉ nghiên cứu sản phẩm trong 6 tháng, 6 tháng tiếp theo sẽ bán được sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế riêng nghiên cứu máy hơ ngải cứu đã mất một năm, làm đi làm lại nhiều lần, với chi phí gần 500 triệu đồng. Do vậy, các startup phải chuẩn bị nguồn tài chính để vận hành trong hai năm để tránh tâm lý chán nản và bỏ ngang vì thất bại, không thu được tiền từ việc bán sản phẩm.

Mặt khác, các startup thường mạnh về chuyên môn kỹ thuật, còn việc quản trị doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm lại thường là vấn đề nan giải. Vì vậy, việc cần trang bị các kiến thức về quản trị doanh nghiệp và tìm những cố vấn, cộng sự giỏi trong các lĩnh vực này là những điểm quan trọng mà các startup cần lưu ý khi khởi nghiệp.

Ngoài ra, startup đôi khi còn gặp những rào cản kỹ thuật khác của ngành. Ví dụ, TCS còn gặp khó khăn trong việc chứng nhận sản phẩm là 100% nguyên chất, bởi chưa có đơn vị nào kiểm định và xác nhận điều này. Bộ Y tế cũng chưa có tiêu chuẩn quản lý về khói nên chưa có cách xác nhận cho sản phẩm. Việc đưa sản phẩm vào ứng dụng rộng rãi, nhất là vào hệ thống các bệnh viện y học cổ truyền để người bệnh có thể dùng được sản phẩm sạch, nguyên chất cũng còn nhiều trở ngại,…

Tuy vậy, TCS vẫn rất lạc quan về chặng đường phía trước, bởi sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng thị trường còn rất lớn. Tuy còn cung ứng ở quy mô nhỏ, lẻ (doanh thu hàng tháng khoảng trên 100 triệu đồng) theo cách “truyền miệng”, nhưng sản phẩm đã từng bước khẳng định được hiệu quả với người sử dụng. Lộc cho biết, nhiều khách hàng đã dùng và giới thiệu sản phẩm cho nhiều người khác biết để sử dụng vì hiệu quả tốt.

Với TSC, Lộc cũng có thêm những người cộng sự có kiến thức, sự đam mê và cùng hướng đến xây dựng những giá trị tích cực cho cộng đồng. Dù đã đủ khả năng mở rộng sang lĩnh vực khác (nhang thảo dược chống muỗi, chống côn trùng và nhang thắp thường ngày với công nghệ không dùng keo kết dính, không hóa chất phụ gia và giữ nguyên màu xanh diệp lục), nhưng hiện nay TCS chỉ tập trung phát triển các sản phẩm ngải cứu, theo nguyên tắc “chậm mà chắc”, trong đó có nhang trị viêm xoang, vốn có khá nhiều người Việt Nam mắc phải.

Bên cạnh đó, TCS còn nghiên cứu thành công kỹ thuật trồng các loại cây dược liệu cho nhiều dược chất mà không cần dùng đến phân bón hóa học. Với sản phẩm ngải cứu, TCS đã hình thành được vùng trồng nguyên liệu sạch ở Củ Chi, đáp ứng quy trình sản xuất khép kín. Cây ngải cứu được trồng và thu hoạch đúng phương pháp, kỹ thuật nên cho đủ bốn vị (the, chát, đắng, cay). Đây là bí quyết giúp sản phẩm có chất lượng, công năng tốt hơn.

Hiện tại, TCS đang ổn định sản xuất để đưa vào quy mô công nghiệp và có kế hoạch quảng cáo, bán sản phẩm rộng rãi ra thị trường. Hà Văn Lộc cho rằng, những kênh hỗ trợ như chương trình SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM là một sự ghi nhận và động viên kịp thời đối với những giá trị mà TCS mang lại. Đồng thời, với những sản phẩm startup đã đủ tốt, những kênh hỗ trợ như thế này sẽ phát huy tác dụng trong việc thực sự đưa sản phẩm ra thị trường.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả