SpStinet - vwpChiTiet

 

Tăng cường hợp tác doanh nghiệp Hàn – Việt về năng lượng tái tạo

Ngày 2/2, tại TP.HCM diễn ra hộp nghị hợp tác công nghiệp Hàn Quốc – Việt Nam nhân chuyến công tác đến TP.HCM của Bộ trưởng Bộ Thương mại - Công nghiệp - Năng lượng Hàn Quốc, ông Pail Un Gyu. Hội nghị gồm 3 sự kiện chính là Diễn đàn ngành điện và năng lượng tái tạo (NLTT) Hàn Quốc – Việt Nam; Chương trình kết nối giao thương (B2B) trong lĩnh vực điện, NLTT, thiết bị công nghiệp và môi trường; Lễ ký kết các biên bản thảo luận và biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.

Diễn đàn ngành điện và NLTT do Văn phòng Kotra (Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư của chính phủ Hàn Quốc) tại TP.HCM, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh TP.HCM (VCCI HCMC) tổ chức. Tại đây, phía Hàn Quốc đã trình bày các báo cáo về phát triển thị trường điện lưới thông minh (Smart Grid), trong đó giới thiệu về lộ trình triển khai Smart Grid tại Hàn Quốc, các công nghệ Smart Grid tiên tiến của Hàn Quốc và các dự án thí điểm; chính sách năng lượng xanh của Hàn Quốc (thực trạng phát triển năng lượng mới và NLTT, và chính sách của chính phủ). Phía Việt Nam trình bày về hiện trạng và quy hoạch phát triển ngành điện lực, hiện trạng và chiến lược phát triển NLTT Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện năng và NLTT.

Theo xu hướng chung toàn cầu, chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng mới, NLTT được xem là một trong những giải pháp cấp bách tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Trong chính sách năng lượng xanh của chính phủ Hàn Quốc đã đề ra mục tiêu tăng tỷ trọng NLTT lên 20% đến năm 2030. Tính đến 2016, tỷ trọng tổng công suất đặt của các nhà máy điện NLTT chiếm gần 14% tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện quốc gia và tỷ trọng tổng sản lượng điện từ NLTT chiếm hơn 7% tổng sản lượng điện từ các nguồn phát điện. Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc đã có kế hoạch triển khai nhiều chương trình như xúc tiến các dự án NLTT quy mô lớn (xây dựng nhà máy điện gió trên biển,…); kêu gọi sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư (phát triển các làng năng lượng mặt trời ở nông thôn); quản lý hiệu quả nhu cầu tiêu thụ điện thông qua triển khai Smart Grid đô thị và mở rộng trên phạm vi toàn quốc;…

Đại diện Trung tâm Tư vấn Năng lượng Việt Nam trình bày về hiện trạng và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam. Ảnh: LV.

Tại Việt Nam, theo quy hoạch phát triển nguồn điện đến năm 2020 và 2030 sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn điện sử dụng NLTT và giảm tỷ trọng thủy điện. Theo ông Nguyễn Văn Vy (Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), trong mục tiêu phát triển NLTT của Việt Nam, tỷ lệ điện năng sản xuất từ NLTT đạt 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050. Trong đó sản lượng điện gió tăng lên khoảng 2,5 tỷ kWh năm 2020, 16 tỷ kWh năm 2030 và 53 tỷ kWh năm 2050, tương ứng chiếm tỷ lệ 1%, 2,75 và 5%; sản lượng điện mặt trời tăng lên 1,4 tỷ kWh năm 2020, 35,4 tỷ kWh năm 2030 và 210 tỷ kWh năm 2050, tương ứng chiếm tỷ lệ 0,5%, 6% và 205. Để đạt mục tiêu này, chính phủ Việt Nam đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển NLTT như các ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án NLTT, cấp kinh phí hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các dự án thí điểm,…

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn điện từ NLTT cũng như chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện sử dụng NLTT là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển NLTT của Việt Nam. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào các dự án phát triển NLTT tại Việt Nam như: nhà máy điện gió Bình Đại (Bến Tre) 180 triệu USD, dự án điện gió tại Trà Vinh 125 triệu USD, dự án điện mặt trời Tuy Phong (Bình Thuận) 64 triệu USD,… Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc  cũng đã cấp vốn ODA cho dự án điện mặt trời tại Quảng Bình nhằm cung cấp điện đến các làng vùng sâu, vùng xa tại địa phương chưa nối lưới điện quốc gia; trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp các thiết bị cho NLTT, có dự án đầu tư của CS Wind Tower tại Bà Rịa – Vũng Tàu chuyên sản xuất tháp điện gió.

Về quy hoạch phát triển lưới điện, ngành điện Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cấp lưới điện truyền tải và phân phối, khắc phục tình trạng quá tải, chất lượng điện áp thấp. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh trong truyền tải điện. Công nghệ lưới điện thông minh có nhiều ưu điểm như cho phép tương tác tốt giữa các hộ sử dụng điện với lưới điện, khả năng điều khiển từ xa, tự động hóa điều khiển giúp quản lý sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, nâng cao tính ổn định của nguồn điện, tích hợp nguồn điện phân tán (pin mặt trời, turbine gió, máy phát điện diesel) trong lưới điện,…

Tại Hàn Quốc, Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc đã triển khai công nghệ này, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư và thời gian, giảm tổn thất điện năng. Tại Việt Nam, những năm gần đây các doanh nghiệp điện lực Hàn Quốc cũng đã tham gia đầu tư các dự án điện như nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn II (Thanh Hóa), nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, dự án trạm biến áp GIS 220/110kV Bình Tân và trạm biến áp GIS 220/110kV Hiệp Bình Phước,…

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả