SpStinet - vwpChiTiet

 

Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và nâng cao nhận thức về quản lý, cải tiến năng suất chất lượng

Ngày 2/11, tại TP.HCM, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các tổ chức doanh nghiệp”. Với việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng (NSCL) khi tham gia Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 244 triệu đồng/năm và không còn bị khách hàng khiếu nại về chất lượng sản phẩm.

Đó là câu chuyện của Công ty Cổ phần sản xuất, dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Nội (Haprosimex). Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Trung Thu (Giám đốc chi nhánh Haprosimex) cho biết, trước khi tham gia Chương trình quốc gia về NSCL, doanh nghiệp bị lãng phí do sản xuất quá nhiều so với nhu cầu, nhiều sản phẩm lỗi, quá trình sản xuất không phù hợp, vận chuyển quanh co,… Ngoài ra, thái độ làm việc của nhân viên còn nhiều hạn chế, tổ chức sắp xếp công việc chưa hợp lý, vệ sinh phòng làm việc, phân xưởng chưa gọn gàng, sạch sẽ,…

Tham gia chương trình, Haprosimex đã cải tiến lại phân xưởng sản xuất bằng cách bố trí lại toàn bộ dây chuyền sản xuất, hệ thống điện, hơi. Với kinh phí 320 triệu đồng cải tiến quy trình chế biến điều, công ty đã tiết kiệm được 244 triệu đồng ngay trong năm đầu tiên áp dụng, nâng cao uy tín bởi không còn khiếu kiện nào từ khách hàng. Bên cạnh đó, sau khi thực hành hệ thống quản lý công cụ NSCL 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng), công ty đã thay đổi được nhận thức của cán bộ công nhân viên, giảm được thời gian dọn dẹp vệ sinh, giao hàng đúng hẹn, tăng NSCL, đảm bảo an toàn lao động.

Đại diện Haprosimex chia sẻ những kết quả đạt được. Ảnh: LV.

Ông Nguyễn Văn Bén (Giám đốc Công ty TNHH MTV Bén Linh, Đồng Tháp) cũng cho biết, sau khi áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và công cụ cải tiến NSCL 5S, văn phòng nhà xưởng, máy móc thiết bị đã được sắp xếp gọn gàng, hợp lý, nhờ đó, giảm được quá trình vận chuyển. Ngoài ra, sản phẩm của công ty ngày được cải tiến chất lượng, những lỗi sau khi đánh giá được khắc phục kịp thời, nhờ đó thương hiệu sản phẩm công ty được khẳng định hơn trong nhận thức của khách hàng. Bên cạnh đó, suy nghĩ của nhân viên cũng được thay đổi, có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, tăng năng suất lao động,…

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng), thông qua việc tham gia các dự án cải tiến NSCL, ý thức và kỹ năng của người lao động được nâng cao, tăng cường khả năng làm việc nhóm, kỹ năng tổng hợp, phân tích quá trình, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật,… Trong khuôn khổ các nhiệm vụ thuộc chương trình NSCL, một khối lượng lớn kiến thức về NSCL đã được nghiên cứu, đúc kết thành tài liệu phổ biến áp dụng cho cộng đồng doanh nghiệp như Năng suất – nền tảng cạnh tranh và phát triển, Cẩm nang kiến thức về NSCL, 6 Sigma – Lý thuyết và thực hành,… Khối lượng kiến thức này được xây dựng trên cơ sở tiếp thu các kiến thức tiên tiến về NSCL của các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa, tổ chức năng suất châu Á,… Cùng với sự tư vấn, hướng dẫn của các tổ chức, chuyên gia, nhận thức của các doanh nghiệp về hoạt động quản lý, cải tiến NSCL đã được thay đổi và nâng lên rõ rệt.

Trao đổi, thảo luận giữa các doanh nghiệp và chuyên gia tại hội thảo. Ảnh: LV.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar), Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Tila (Cần Thơ),… cũng chia sẻ kinh nghiệm và hiệu quả từ việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL; mong muốn được sự hỗ trợ tư vấn, kết nối nhiều hơn từ các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời chia sẻ sự đồng tình với ý kiến của ông Phạm Bá Cứu (nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 – SMEDEC 2) cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chỉ nặng về việc đạt chứng chỉ chứ chưa thực sự quan tâm đến thực chất, do đó việc áp dụng các công cụ NSCL ở các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng chủ trì, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện từ năm 2012. Qua 6 năm, các doanh nghiệp đã được tiếp cận với các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến. Theo kết quả đánh giá của SMEDEC 2, tính đến năm 2016, trên 162 doanh nghiệp áp dụng công cụ NSCL với tổng số tiền đầu tư 4,7 tỷ đồng, thì tổng số tiền các doanh nghiệp tiết kiệm được lên tới 22,9 tỷ đồng.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả