SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng CNTT ở bệnh viện: Sẽ số hóa bệnh sử

Tại TPHCM đã có hàng chục bệnh viện ứng dụng CNTT trong quản lý và không ít bệnh viện khác đang triển khai các phần mềm ứng dụng. Hiệu quả ban đầu cho thấy, ứng dụng CNTT trong bệnh viện đã mang lại sắc thái mới, quản lý bệnh viện được tốt hơn và bệnh nhân cũng giảm được rất nhiều thời gian chờ đợi… Đồng thời, quá trình này đã dần hình thành nguồn cơ sở dữ liệu y tế.

Trước đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải mất 15 ngày để có được báo cáo về tình hình hoạt động, nhưng hiện nay với sự hỗ trợ của các phần mềm, ban giám đốc bệnh viện có thể xem báo cáo tình hình hoạt động, tình hình khám chữa bệnh bất cứ lúc nào. “Song song đó, với phần mềm tài chính kế toán, hệ thống cho phép quản lý tất cả hoạt động thu chi trong toàn bệnh viện… đã giúp chúng tôi quản lý bệnh viện khoa học hơn, cũng chính là giúp công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân được thuận tiện hơn” - bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết như vậy.
Tại Bệnh viện An Sinh, các thông tin bệnh án của bệnh nhân được chuyển thành dữ liệu số

Không chỉ thế, Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định còn có thể theo dõi từng loại thiết bị, máy móc y tế như máy siêu âm, CT, X-quang, huyết học... Hay theo từng phòng ban, từng loại hình dịch vụ hoặc các chi phí… Một phần mềm khác chuyển số liệu sang hệ thống tài chính kế toán, sẽ định khoản tự động nên đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Điều này giúp bệnh viện tiết kiệm nhân lực và việc kiểm soát thu chi được chặt chẽ hơn. Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng còn cho biết thêm, từ những kết quả nhanh chóng trên còn giúp ban giám đốc bệnh viện có những quyết định đúng đắn trong việc nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho bệnh viện. Đặc biệt hơn, với việc ứng dụng phần mềm quản lý thông suốt trong toàn bệnh viện, thông tin về bệnh án của người bệnh giúp cho người đến khám chữa bệnh có thể hoàn toàn an tâm, bởi thông tin về hồ sơ bệnh án là duy nhất và có tính lịch sử.

Còn tại Bệnh viện An Sinh, người đến khám, chữa bệnh chỉ cần khai báo thông tin hành chánh một lần, khi đến những khoa, phòng khác nhau, bệnh nhân không cần phải khai báo lại vì các thông tin của bệnh nhân đã được quản lý thông suốt giữa các khoa phòng. Bà Hoàng Thị Lan, nhà ở quận 10, TPHCM, cho rằng đây là sự thuận lợi, đã giúp người đến khám giảm bớt những thủ tục giấy tờ, hồ sơ và tạo sự an tâm nhiều hơn. Không chỉ vậy, tại Bệnh viện An Sinh, bằng việc ứng dụng CNTT, nhân viên thu ngân chỉ cần nhập mã y tế hoặc quét mã vạch là có đủ thông tin liên quan, vừa giải quyết được ùn tắc tại quầy viện phí, vừa đảm bảo tính chính xác trong việc ra toa thuốc…

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh, cho rằng từ khi ứng dụng CNTT trong quy trình khám, chữa bệnh, Bệnh viện An Sinh đã giảm trên 70% thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Ứng dụng CNTT đã giúp hoạt động quản lý, chuyên môn của bệnh viện tốt hơn. Mà thuận lợi cho bệnh viện cũng chính là thuận lợi cho bệnh nhân. Điều này thể hiện cụ thể nhất qua việc đọc toàn diện hồ sơ bệnh án mỗi bệnh nhân đã trở thành công việc hàng ngày. Qua đó, các bác sĩ còn có thể hội chẩn trực tiếp trên mạng và đưa ra kết quả, hướng điều trị nhanh nhất, hiệu quả nhất…

Tại TPHCM đã có hàng chục bệnh viện ứng dụng CNTT qua các phần mềm ứng dụng như: Quản lý Tiếp nhận - Khám bệnh; Quản lý Cận Lâm sàng; Quản lý Dược phẩm… Chính việc ứng dụng các phần mềm trên, các bệnh viện cũng đã dần hình thành cơ sở dữ liệu y tế của bệnh nhân và theo các bệnh viện, họ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này khi bệnh nhân yêu cầu. Trong tương lai không xa, mỗi người sẽ có dữ liệu thông tin y tế riêng (bệnh sử), nó giúp ích rất lớn trong việc khám, chữa bệnh…
QT (theo SGGP)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả