SpStinet - vwpChiTiet

 

Truyền thông khoa học: Nên bắt đầu từ nhận thức

“Truyền thông khoa học là trong những biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học công nghệ (KH-CN), nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm đối với lĩnh vực này. Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi các nước đi trước trong việc xây dựng một chiến lược để thực hiện hoạt động này một cách có hiệu quả”.
 


Questacon tổ chức game show về khoa học công nghệ tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Thứ trưởng Bộ KH-CN, ông Nghiêm Vũ Khải đã cho biết như trên tại buổi tọa đàm “Truyền thông khoa học Australia: Chiến lược phát triển truyền thông khoa học quốc gia và giải pháp thực hiện” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH-CN (Bộ KH-CN) phối hợp với Trung tâm KH-CN Quốc gia (Questacon) thuộc Bộ Giáo dục- Khoa học -Sáng chế và Ngành nghề Australia tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Bài học từ sự nhận thức…

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các Bộ, ngành về lĩnh vực này, GS. Graham Durant AM- giám đốc Questacon cho biết: với quan điểm khoa học đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, nâng cao chất lượng xã hội, kinh tế và môi trường nên chính phủ Australia rất quan tâm chú trọng đến phát triển KH-CN và coi truyền thông là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH-CN.

Để phát triển hoạt động này, Australia đã xây dựng những trung tâm truyền thông phục vụ cho mục đich giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông để các nhà khoa học có thể chủ động trong việc kết nối, trao đổi thông tin với giới truyền thông. Tại Astralia, các sự kiện khoa học đều được đưa ra bàn luận công khai giữa nhà khoa học - nhà phản biện - doanh nghiệp và công chúng. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong các phòng thí nghiệm, doanh nghiệp, trường học và sinh viên cũng được khuyến khích nghiên cứu khoa học, toán và kỹ thuật để xã hội để có nhận thức toàn diện hơn về vai trò quan trọng mà khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo đóng góp cho quá trình phồn thịnh liên tục về kinh tế, môi trường.

…Đến các hoạt động thúc đẩy

Nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông khoa học, từ năm 1988 chính phủ Australia đã thực hiện chương trình "Sáng kiến khơi dậy Australia". Đây là một chiến lược quốc gia về truyền thông khoa học có nhiệm vụ khuyến khích công chúng hướng về khoa học, gắn bó chặt chẽ với cộng đồng khoa học, khơi dậy tinh thần sáng tạo của thanh niên (và những đối tượng khác) hướng đến hình thành một xã hội đổi mới sáng tạo với niềm tin và hiểu biết về KH-CN. Hay tổ chức các "Tuần lễ khoa học quốc gia" với vai trò là vườn ươm quan trọng cho đổi mới sáng tạo trong các hoạt động gắn kết khoa học. Với hoạt động này, hàng năm có tới hơn 1.000 sự kiện được tổ chức tại khắp Australia, thu hút hơn 1,4 triệu người tham gia. Với tinh thần luôn đổi mới sáng tạo, trong suốt 16 năm thực hiện, các sự kiện trong Tuần lễ Khoa học Quốc gia đã tạo ra nhiều kênh tương tác nhằm nâng cao sự quan tâm và gắn kết những người trước đây không hề quan tâm tới các hoạt động này.

Ngoài các hoạt động trên, Australia còn chú trọng tới việc xây dựng các trung tâm và bảo tàng khoa học để tổ chức hoạt động truyền thông khoa học nhằm thu hút đông đảo thanh thiếu niên cùng gia đình tổ chức và tham gia các hoạt động triển lãm, trình diễn khoa học.

 “Nét đặc biệt của các buổi trình diễn khoa học là luôn sống động và tương tác được với khán giả. Vì vậy, các trung tâm khoa học cần tìm kiếm phương thức trình diễn khác với những gì đã gặp trong cuộc sống hàng ngày bằng cách đưa những thứ quen thuộc vào các khung cảnh hoàn toàn khác. Người thực hiện truyền thông khoa học có kinh nghiệm phải biết điều chỉnh mức độ sao cho phù hợp với trình độ của người tham dự. Ngoài ra, trang phục cũng là một nét đặc trưng, sử dụng các yếu tố hài, kể chuyện, hát, múa rối cũng là các kỹ năng có thể được sử dụng với hiệu quả tốt khi thực hiện các buổi trình diễn khoa học”, GS. Graham Durant AM chia sẻ.
 


Giới thiệu về phòng Studio tại Trung tâm truyền thông khoa học Australila. (Trong ảnh là đoàn công tác do Trung tâm truyền thông Bộ Khoa học Công nghệ trong chuyến thăm, làm việc học hỏi kinh nghiệm truyền thông tại Australia)

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Khi biết Việt Nam cũng đang ấp ủ dự định xây dựng bảo tàng KH-CN, chia sẻ tại buổi tọa đàm ông Graham Durant AM cho biết, việc thành lập một trung tâm hay bảo tàng khoa học là một thách thức đáng kể nhưng việc duy trì hoạt động thường khó hơn nhiều.

Cũng theo ông Graham Durant AM,  khi xem xét việc thiết lập một trung tâm  hay bảo tàng khoa học thì điều cốt yếu cần phải xem nơi đó (thành phố, vùng hoặc đô thị) có thể hỗ trợ như thế nào để bảo tàng có thể hoạt động được. Tiếp đến, các trung tâm hay bảo tàng khoa học cần làm việc với nhiều đối tác khác nhau như: nhà bảo trợ ( nhằm bảo đảm nguồn tài chính); các đối tác về tri thức ( bảo đảm nội dung) để thực hiện sứ mệnh của mình. Ngoài ra, cần có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức văn hóa hoặc du lịch (nhằm thúc đẩy hoạt động tiếp thị), các đối tác thông tin đại chúng (góp phần để nâng cao nhận thức của toàn xã hội) về trung tâm hay bảo tàng khoa học và các hoạt động của chúng.

Về việc xây dựng chiến lược truyền thông cho KH-CN tại Việt Nam, ông Graham Durant AM đã đưa ra lời khuyên ngắn gọn: Cần có sự trao đổi càng nhiều càng tốt giữa các nhà truyền thông, quản lý, nhà khoa học và các doanh nhân, động viên tất cả cùng bước lên một chiếc thuyền. Tất cả đều phải biết được mình ở đâu, có được điều gì trong chiến lược đó.

Nhận thức rõ về tầm quan trọng và sức mạnh của truyền thông đem lại, thời gian qua, Bộ KH-CN đã rất quan tâm và có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy công tác truyền thông KH-CN. Nội dung này đã được đưa vào Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020; trong đó nhấn mạnh giải pháp "Đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH-CN" trở thành "Một trong sáu giải pháp chủ yếu" để thực hiện thành công Chiến lược.

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương (khóa 11) của Đảng về phát triển KH-CN, một trong các định hướng chủ yếu nhằm tăng cường tiềm lực KH-CN quốc gia là cần phải "Hình thành các bảo tàng KH-CN". Trong Luật KH-CN (sửa đổi) sắp tới trình Quốc hội, Bộ KH-CN có kiến nghị đưa vào Luật thêm hai điều liên quan tới công tác truyền thông KH-CN: "Phổ biến kiến thức, truyền thông KH-CN"  và "Ngày KH-CN Việt Nam".
 
Nguồn: Báo Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả