SpStinet - vwpChiTiet

 

Truyền thông góp sức trong phát triển đổi mới sáng tạo KH&CN

Thời gian qua, KH&CN đã có những đóng góp đáng kể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để nâng cao nhận thức và thống nhất hành động phục vụ phát triển KH&CN, đặc biệt là đổi mới sáng tạo thì truyền thông KH&CN luôn có vị trí, vai trò hàng đầu.
  
 
Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải chủ trì thảo luận tại tập huấn nghiệp vụ truyền thông về đổi mới sáng tạo trong KH&CN tại khóa học “Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông về hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH&CN” tại Vũng Tàu tháng 6/2013. (Ảnh: P.Hoàn)

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&CN, Tiến sỹ khoa học Nghiêm Vũ Khải xung quanh vấn đề này.

- Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về vai trò, nhiệm vụ của truyền thông trong hoạt động đổi mới sáng tạo KH&CN? Theo ông, công tác truyền thông KH&CN cần làm những việc cụ thể gì và hướng vào đội ngũ nào để đạt được hiệu quả cao nhất?

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải:
Tôi cho rằng, đối với hoạt động KH&CN nói riêng và nhiều lĩnh vực khác, vai trò truyền thông rất quan trọng. Cụ thể, với hoạt động KH&CN, truyền thông giữ vai trò chủ đạo trong công tác giới thiệu, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu.

Qua các kênh truyền thông, người dân cũng như các cấp quản lý ý thức được vai trò của KH&CN có tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế.

Không chỉ dừng lại ở mức nhận thức, truyền thông phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, biến thành hành động, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KH&CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống.

Truyền thông KH&CN phải đi trước một bước, giới thiệu những điển hình nghiên cứu, mô hình tốt về ứng dụng KH&CN của Việt Nam cũng như của nước ngoài nhằm góp phần tạo ra một xã hội đổi mới sáng tạo, một thế hệ nhà khoa học, doanh nhân kiểu mới tận tuy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với nhu cầu của đất nước, gắn với hoàn cảnh, môi trường hội nhập hiện nay.

Công tác truyền thông KH&CN cần hướng vào đội ngũ trí thức; tôn vinh, khích lệ tinh thần say mê sáng tạo, cống hiến tài năng và sức lực nhằm chấn hưng nền KH&CN nước nhà; khẳng định lòng tự tôn, danh dự quốc gia.

- Qua câu trả lời của ông, có thể thấy nhiệm vụ của công tác truyền thông là hết sức quan trọng. Tuy nhiên trong thực tế, vai trò của truyền thông, nhất là truyền thông KH&CN dường như chưa phát huy được thế mạnh của mình? Theo ông nguyên nhân là do đâu?


Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải
: Trước tiên, nhận thức về vai trò của tuyên truyền về KH&CN ở Trung ương và địa phương đều chưa đặt đúng vị trí, chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, những hạn chế chung là đội ngũ làm truyền thông chưa được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng chuyên môn; phương tiện tác nghiệp còn hạn chế;

Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Một tồn tại lâu nay cần khắc phục ngay là các phương tiện thông tin đại chúng công lập cả ở cấp Trung ương cũng như địa phương chưa dành thời lượng cần thiết cho công tác truyền thông về chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách, pháp luật về KH&CN; đầu tư cho truyền thông rất hạn hẹp…

- Vậy để các cấp quản lý cũng như người dân ý thức được vai trò của truyền thông trong sự phát triển đổi mới sáng tạo KH&CN, theo Thứ trưởng cần phải đặc biệt chú ý đến những vấn đề gì?

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải:
Theo tôi, cần phải chú ý đến những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần xây dựng đội ngũ truyền thông KH&CN có đủ số lượng, lĩnh vực, năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, trách nhiệm và lòng yêu nghề.

Thứ hai, cần đề ra kế hoạch tuyên truyền tổng thể, trong đó xác định đúng mục đích, nội dung, đối tượng truyền thông KH&CN. Cần xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo và là đối tượng hàng đầu của truyền thông KH&CN.

Làm sao để doanh nghiệp cũng như xã hội thấy rằng mô hình tăng trưởng kiểu cũ dựa vào sử dụng lao động rẻ, sử dụng tài nguyên thô, công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường không thể tồn tại lâu dài. Muốn phát triển bền vững cần phải ứng dụng công nghệ tiên tiến. Cần giới thiệu các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - viện trường.

Truyền thông đại chúng phải làm cho người dân hiểu rằng muốn phát triển đất nước cần dựa vào nền tảng KH&CN, để nhân dân ủng hộ chính sách của Đảng và Nhà nước coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất, phát triển đất nước. Sự ủng hộ của nhân dân là vô cùng quan trọng đối với mọi chủ trương, chính sách.

Thứ ba, cần đổi mới phương pháp, hình thức truyền thông KH&CN đối với từng nội dung, đối tượng tuyên truyền theo hướng thường xuyên, chuyên nghiệp hơn. Cần đa dạng hóa truyền thông KH&CN qua các hình thức như: triển lãm, bảo tàng KH&CN, các loại hình báo chí.

Đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông trong đó chính các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN phải trực tiếp tham gia vào công tác truyền thông KH&CN trong đó các nhà truyền thông giữ vai trò là người tổ chức, dẫn dắt, định hướng.

Ngoài ra, lực lượng tham gia truyền thông phải rộng rãi hơn, nếu chỉ dừng lại ở các nhà báo, những người làm công tác truyền thông thì chưa đủ. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương phải là những người đi đầu trong công tác truyền thông KH&CN.

Mỗi địa phương cần tuyên truyền những điển hình, tấm gương xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với những sản phẩm mang tính đặc trưng, chủ lực của địa phương. Công tác thu hút nhân tài rất quan trọng, nhiều địa phương thành công trong việc thu hút nhân tài từ các nơi khác đến đã tạo nên bước đột phá trong hoạt động KH&CN.

Thứ tư, cần đầu tư thỏa đáng từ ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa truyền thông KH&CN cả ở khâu đầu tư đến khâu thực hiện hoạt động truyền thông KH&CN. Và cuối cùng, nhưng không kém quan trọng và là khâu quyết định, đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo truyền thông KH&CN.
Nguồn:  Báo Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả