SpStinet - vwpChiTiet

 

Tổng kết trao giải thưởng sáng chế TP.HCM lần thứ IV

Chiều 16/9, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Lễ tổng kết Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ IV (năm 2015-2016). Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 10 sáng chế, trong đó có 2 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Hai sáng chế được trao giải nhất là “Bộ bàn ghế dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống” của BS. Phạm Thị Kim Loan, “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn alcaloid có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung” và “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn chứa flavonoit có hoạt tính sinh học hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung” của TS. DS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Các sáng chế này đã được thương mại hóa thành công và có doanh thu tăng đều mỗi năm. Cụ thể, sản phẩm bàn ghế dùng phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống có doanh thu tăng đều đặn hàng năm và đạt trên 100 tỷ kể từ năm 2013. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ, Singapore, Australia,...
 
Sản phẩm thuốc Cirla và Crilin hỗ trợ điều trị ung thư từ sáng chế của TS. Ngọc Trâm được trao giải nhất. Ảnh: LV.

Thuốc Cirla điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung và thuốc Crilin hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư là các sản phẩm được sản xuất và thương mại hóa thành công từ các sáng chế của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Thuốc Crila được phân phối rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2005 với doanh thu hiện vượt trên 200 tỷ, bước đầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
 
Ba giải nhì thuộc về các sáng chế "Miệng cống thoát nước có lưới chắn rác cố định và miệng thu nước được chế tạo liền khối" của tác giả Đinh Xuân Dũng (chủ sở hữu: Công ty Cổ phần Giải pháp xây dựng HT), "Cơ cấu lắp mặt tản gió dùng cho quạt điện dạng hộp" của tác giả và cũng là chủ sở hữu Trần Chí và "Bộ đa phân luồng dữ liệu nhận trong vi mạch điều khiển bus mạng khu vực" của tác giả Nguyễn Hùng Quân (chủ sở hữu: Đại học Quốc gia TP.HCM).
 

Khách tham quan thử bộ sản phẩm sáng chế đạt giải nhất của BS. Phạm Thị Kim Loan. Ảnh: LV.
 
Giải thưởng Sáng chế TP.HCM được tổ chức lần đầu vào năm 2008, đến nay đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng lượng đơn đăng ký sáng chế trên địa bàn thành phố. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 đạt mức bình quân 200 đơn/năm so với 119 đơn/năm trong giai đoạn 2006-2010. Mục tiêu của giai đoạn 2016 – 2020 là tăng gấp đôi số lượng đơn so với 2011-2015, tức bình quân 400 đơn/năm.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao những khác biệt của giải thưởng năm nay với nội dung xét giải vừa dựa vào quy trình thẩm định và cấp bằng độc quyền sáng chế, vừa hướng đến thúc đẩy hoạt động thương mại hóa sáng chế, lấy hiệu quả hoặc tiềm năng thương mại hóa của sáng chế làm thước đo. Đặc biệt, hai giải nhất sáng chế năm nay xuất phát từ hai nhà sáng chế nữ, vừa sáng tạo, vừa trực tiếp tổ chức sản xuất kinh doanh, liên tục đầu tư nghiên cứu phát triển, quan tâm bảo hộ thị trường trong nước, bước đầu tiếp thị được ra thị trường nước ngoài. Điều này cho thấy chúng ta đã có những nhà nghiên cứu làm chủ được các quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ và vận dụng được các nguyên tắc kinh doanh tài sản trí tuệ.
 

Tọa đàm "Khởi sự kinh doanh từ bằng độc quyền sáng chế" với sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của 2 nhà sáng chế nữ đạt giải nhất. Ảnh: LV.
 
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), bằng độc quyền sáng chế là công cụ để đơn phương chiếm lĩnh thị trường. Người nắm giữ sáng chế sẽ có cơ hội khởi nghiệp, kinh doanh, giúp tạo việc làm mới, tìm kiếm lợi nhuận cao nhất. Qua đó, tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển của mình. Các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ, nếu có bằng độc quyền sáng chế trong tay, có thể không cần trực tiếp đứng ra tổ chức sản xuất kinh doanh, hoặc chỉ cần phát triển mô hình kiểm nghiệm ban đầu để chứng minh giá trị thương mại của sáng chế liên quan rồi cấp li-xăng hoặc góp vốn bằng bằng độc quyền sáng chế, chuyển nhượng toàn bộ mô hình kiểm nghiệm để đạt được dòng thu nhập kì vọng. Giải thưởng Sáng chế của TP.HCM là sân chơi minh họa thêm về vai trò của bằng độc quyền sáng chế trong kinh doanh và khởi nghiệp.

Để đưa các tài sản trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng đi vào cuộc sống, thành phố cam kết sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Song song đó, các nhà khoa học, công nghệ, nhà sáng tạo, nhà sáng chế, các doanh nghiệp phải phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi thách thức để tìm kiếm cơ hội, tăng cường tinh thần hợp tác nhằm đi đến tận cùng quá trình hoạt động đổi mới sáng tạo. Đó là tạo ra được sản phẩm, dich vụ, giải pháp, mô hình mới ứng dụng có hiệu quả cao trong thị trường và cuộc sống.

Trong khuôn khổ Lễ tổng kết Giải thưởng, Sở KH&CN TP.HCM cũng phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Khởi sự kinh doanh từ bằng độc quyền sáng chế”. Đồng thời, ban tổ chức cũng trao tặng bằng khen của UBND Thành phố cho Hội Sở hữu trí tuệ về công tác phối hợp triển khai giải thưởng.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả