SpStinet - vwpChiTiet

 

Tổng kết đánh giá 20 năm Vườn ươm Sáng tạo KH&CN trẻ

Ngày 12/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM tổ chức Hội nghị đánh giá 20 năm Chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ. Chương trình được triển khai nhằm khuyến khích, phát huy tiềm lực về sức sáng tạo của tuổi trẻ thành phố trong việc tham gia các hoạt động nghiên cứu. Từ đó, các nhà khoa học sẽ đưa ra các mô hình, giải pháp mới hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố và đất nước.

Vườn ươm Sáng tạo KH&CN trẻ do Sở KH&CN TP.HCM là cơ quan chủ quản, Thành đoàn là đơn vị chủ trì và phối hợp thực hiện. Qua 20 năm thực hiện, chương trình đã nhận được gần 1.700 hồ sơ đăng ký sơ tuyển của các nhà khoa học trẻ từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu,… Chương trình đã tổ chức xét duyệt và cấp kinh phí cho 345 đề tài triển khai nghiên cứu với tổng kinh phí là 22 tỉ đồng. Đến nay đã có 204 đề tài được nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Tiêu biểu, một số đề tài nghiên cứu đã cho ra sản phẩm cụ thể và được ứng dụng vào cuộc sống như bộ KIT thử hàn the của ThS. Phùng Văn Trung (Viện Công nghệ hóa học); mô hình điều khiển xe robot không dây và phát triển một số module thu thập dữ liệu (ThS. Nguyễn Chí Nhân, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM),…

Sau khi tham gia chương trình Vườn ươm, nhiều chủ nhiệm đề tài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ như TS. Đặng Văn Sơn, TS. Hoàng Thị Kim Dung, TS. Nguyễn Anh Tiến,…; một số nhà khoa học trẻ được phong học hàm như: PGS.TS Từ Diệp Công Thành, PGS.TS Trần Minh Triết, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc,... Ngoài ra, nhiều đề tài đã được in thành sách, tài liệu giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng như đề tài “Khảo sát thành phần loài và xây dựng bộ sưu tập mẫu các loài cây thân gỗ trên hệ sinh thái gò đồi thuộc huyện Củ Chi - TP.HCM”, đề tài “Điều tra, đánh giá và xây dựng bộ sưu tập cây thuốc huyện Củ Chi - TP.HCM” đã được Nhà xuất bản Nông nghiệp xuất bản thành sách: Cẩm nang các loài cây có ích ở Củ Chi, TP.HCM; đề tài “Thiết kế mô hình vật lý điều khiển Robot không dây và phát triển một số modul thu thập dữ liệu”, đề tài “Nghiên cứu tác dụng dược lý của phân đoạn cây hà thủ ô trắng (Streptocaulon Turentas Asclepiadaceae) phối hợp với hà thủ ô đỏ trong điều trị Cholesterol huyết” trở thành những tài liệu để phục vụ công tác giảng dạy.

Từ kết quả nghiên cứu khi tham gia chương trình Vườn ươm, nhiều chủ nhiệm đề tài được Thành đoàn giới thiệu tham gia và đạt các giải thưởng sáng tạo khoa học trẻ toàn quốc như giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng Khoa học Kỹ thuật thanh niên mang tên Quả cầu vàng, giải thưởng Vifotec, Nhân tài Đất Việt,…

Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), Vườn ươm Sáng tạo KH&CN trẻ là chương trình duy nhất trong cả nước hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học cho đội ngũ các nhà khoa học trẻ. Các nghiên cứu viên, các cán bộ giảng dạy trẻ được hội đồng tư vấn gồm các giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành hỗ trợ phương pháp luận, cách nghiên cứu, đặt vấn đề,... để cho ra những công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, có tính ứng dụng thực tế. Trong thời gian tới, Sở KH&CN TP.HCM sẽ chuyển Vườn ươm về cho Thành đoàn trực tiếp quản lý. Điều này nhằm tạo điều kiện cho Thành đoàn chủ động hơn trong việc tuyển chọn và thực hiện các đề tài nghiên cứu phục vụ cho chương trình Vườn ươm. Hằng năm Sở KH&CN dự tính cấp kinh phí khoảng 2 tỉ đồng hỗ trợ Vườn ươm (dự kiến 5 năm ký hỗ trợ một lần).

Cũng tại hội nghị, Sở KH&CN TP.HCM đã trao bằng khen cho 20 cá nhân là nhà khoa học trong Hội đồng đánh giá đề tài nghiên cứu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Vườn ươm.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả