SpStinet - vwpChiTiet

 

Nhân sự trẻ ngành khoa học và công nghệ: cần nuôi dưỡng đam mê và sự tự tin

Những cơ hội và thách thức của các bạn trẻ theo học ngành kỹ thuật công nghệ trong giai đoạn mới; những kinh nghiệm, câu chuyện thành công trong việc theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,… được khắc họa khá sinh động qua buổi tọa đàm “Chân dung nhân sự trẻ ngành khoa học công nghệ” do Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, Đại học Bách khoa TP. HCM, Kênh Truyền hình FBNC và Tạp chí Khám Phá phối hợp tổ chức ngày 15/10 tại Đại học Bách Khoa TP. HCM (cơ sở Thủ Đức).

Tham gia buổi tọa đàm có các diễn giả chính: GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM), ông Hoàng Minh Châu (nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT), PGS.TS. Nguyễn Anh Thi (Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM), cùng 300 sinh viên đang theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ của các trường đại học nằm trong khu Làng đại học Thủ Đức, TP.HCM.

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng, các nhà khoa học được hỗ trợ kinh phí làm nghiên cứu khoa học chủ yếu vẫn dựa trên niềm đam mê, sự tìm tòi sáng tạo, để truyền lại cho thế hệ sau kế thừa phát triển. Các nhà khoa học không chú trọng làm giàu, nhưng họ tạo ra sản phẩm làm công cụ cho xã hội làm giàu. Hiện nay, Sở KH&CN TP.HCM có khá nhiều chương trình hỗ trợ giảng viên, sinh viên, nhà khoa học trẻ tham gia vào nghiên cứu khoa học như chương trình vườn ươm, 17 chương trình hỗ trợ các nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, y tế, môi trường,… Việc đầu tư cho KH&CN là nên làm nhưng cần xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội, bởi nguồn lực này là rất lớn. 
 

Các diễn giả chính của buổi tọa đàm. Ảnh: LV.
 
PGS.TS. Nguyễn Anh Thi nhận định, doanh nhân và nhà khoa học có vai trò, vị trí khác nhau trong xã hội. Nhà khoa học khám phá tri thức, công nghệ mới để đưa vào cuộc sống, còn việc ứng dụng sản phẩm, công nghệ đó để tạo ra giá trị xã hội là trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp. Do vậy, cần phân định rõ vai trò nhà khoa học và doanh nhân. Hiện nay đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN còn hạn chế (chiếm 2% GDP), cần tăng đầu tư xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Muốn vậy, các nhà khoa học cũng cần chủ động dịch chuyển nghiên cứu của mình về gần với nhu cầu xã hội, doanh nghiệp hơn để thu hút đầu tư.

Về câu chuyện đam mê làm giàu và cơ hội thành công, ông Hoàng Minh Châu chia sẻ, thành công không đến từ sự may rủi mà phải có chiến lược, có đàm phán, hợp tác. Trên thế giới có nhiều người tạo ra các sản phẩm sáng chế, sản phẩm công nghệ rồi trở thành tỷ phú, cho nên không có nghĩa nhà khoa học không thể làm giàu, chỉ doanh nhân mới giàu. Nhà khoa học hay doanh nhân đều có thể làm giàu, với điểm chung là đều là nỗ lực đúng, tạo ra những sản phẩm – dịch vụ mà xã hội cần. Để thành công, quan trọng nhất không phải là kiến thức, mà là thái độ. Thái độ tốt sẽ giúp các bạn làm việc, học tập chăm chỉ, nỗ lực đúng, cởi mở, kết nối và giúp đỡ mọi người, từ đó sẽ thành công. Bên cạnh thái độ, các bạn trẻ cần có sự bền chí, sức khỏe và ý chí tốt.

Về tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng chính yếu vẫn là sự không tương hợp giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Bên cạnh đó, quy hoạch về đạo tạo nghề nghiệp của Việt Nam hiện nay cũng còn bất cập. Ví dụ, nhu cầu của cả nước mỗi năm chỉ cần khoảng 10.000 lao động trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng các trường đại học, cao đẳng lại đào tạo “đội” lên 20.000 nhân lực cho lĩnh vực này.

Theo ông Hoàng Minh Châu, sinh viên cần được hỗ trợ tiếp cận với doanh nghiệp nhiều hơn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, bản thân các bạn trẻ cần nỗ lực chuẩn bị những kỹ năng kiến thức phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp. Khi công nghệ đang thay đổi rất nhanh thì vấn đề khoảng cách đào tạo và thực tế là vấn đề khó của toàn cầu, bởi chương trình đào tạo dễ bị lạc hậu so với thực tế phát triển công nghệ mới. Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Thi, luôn có một khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp. Khoảng cách này không bao giờ triệt tiêu, mà chỉ có thể thu hẹp lại. Muốn vậy, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên trao đổi qua lại lẫn nhau.

Để trau dồi kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng khuyến nghị, sinh viên cần chủ động kết nối với các thầy cô giáo, giảng viên để tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học.

Được biết, tọa đàm “Chân dung nhân sự trẻ ngành khoa học công nghệ” nằm trong chuỗi chương trình “SMART MONEY SV” của kênh Truyền hình FBNC, nhằm bổ sung những kiến thức thực tiễn cho sinh viên, giới trẻ chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống, cũng như thúc đẩy đam mê đối với khoa học, công nghệ của giới trẻ. Tọa đàm này cũng nằm trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN mà Sở KH&CN TP. HCM đang thực hiện nhằm đóng góp vào mục tiêu chung xây dựng TP. HCM sớm trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, KH&CN của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả