SpStinet - vwpChiTiet

 

Nguồn nhân lực thiết kế vi mạch - Tìm đâu cho đủ?

Đà Nẵng vừa khai giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch, là khóa đào tạo đầu tiên cho 25 học viên, được tuyển chọn từ các khoa chuyên ngành thuộc Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)… Đây như cột mốc đặc biệt cho lộ trình hình thành ngành vi mạch của thành phố này. Và tại TPHCM, giới quản lý cũng như công nghệ cũng vừa có cuộc họp xoay quanh vấn đề nhân lực trong Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định 348 của Thủ tướng Chính phủ. Hai sự kiện trên có một điểm chung là tìm nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.
 

Các học viên lớp thiết kế vi mạch đầu tiên tại Đà Nẵng trong ngày khai giảng.

Vai trò then chốt

Tại lễ khai giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng, cho rằng: “Để ngành công nghiệp CNTT phát triển mạnh, không thể không phát triển công nghiệp vi mạch điện tử, một sản phẩm cơ bản và thiết yếu của ngành công nghiệp CNTT, có vai trò thành phần then chốt trong hầu hết các sản phẩm công nghệ cao như máy tính, thiết bị điều khiển, đồ điện tử gia dụng, trang thiết bị y tế …”. Do đó 25 học viên đầu tiên nói trên sẽ là nguồn nhân lực nòng cốt của thiết kế vi mạch trong tương lai ở thành phố này. Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC (Đại học Quốc gia TPHCM) và Công ty cổ phần Người Đồng Hành chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo nói trên, đây cũng chính là một phần của sự lan tỏa từ chương trình phát triển vi mạch của TPHCM. Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, khẳng định: Sau đào tạo, nếu Đà Nẵng không có nhu cầu khai thác, sử dụng các học viên nói trên thì ICDREC sẵn sàng nhận và việc làm thì khỏi phải lo...

Sự khẳng định đầu ra mạnh mẽ như vậy có lý do của nó. Riêng tại TPHCM, đã có hơn chục công ty đang đầu tư vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch như Applied Micro, Arrived Technology... có nhu cầu nhân lực khá lớn. Hơn nữa thiết kế vi mạch mang lại giá trị gia tăng rất cao. Điều này khá rõ với tính toán của ông Ngô Đức Chí, Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft: Hiện cứ một chuyên viên làm phần mềm Việt Nam mang lại khoảng 1.500 - 2.000 USD/tháng, nhân viên xuất sắc thì kiếm được cho Việt Nam 3.000 USD/tháng. Thế nhưng với chuyên viên thiết kế vi mạch thì dễ dàng kiếm được 3.000 - 6.000 USD/tháng, chuyên viên giỏi có thể kiếm được 10.000 USD/tháng. Như vậy theo cách tính này, nếu chỉ làm phần mềm thuần túy và để đem lại doanh thu cho Việt Nam 1 tỷ USD, cả nước cần phải có khoảng 500.000 chuyên viên phần mềm, nhưng thiết kế vi mạch chỉ cần 200.000 chuyên viên…

Không thấm vào đâu so với thực tế

Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, cho thấy các con số choáng ngợp: Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho khoảng 500 lãnh đạo chủ chốt của các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, 10.000 kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu…

Trong những con số nói trên, riêng với nhân lực thiết kế vi mạch đã là một bài toán. Hiện tại TPHCM, mỗi năm ICDREC đào tạo tầm 105 người cho ngành này, trong đó chọn ra 5 người để tiếp tục đào tạo các kỹ năng mềm phục vụ cho quản lý. Tính ra từ năm 2013 đến 2020, đào tạo được 700 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35 quản lý. Cũng cần nói thêm, từ sự lan tỏa của chương trình vi mạch TPHCM, TPHCM và Đà Nẵng có mối liên kết với nhau trong đào tạo vi mạch nên ICDREC đã hướng đến kế hoạch đào tạo gần 300 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng trong giai đoạn trên.

Theo ông Ngô Đức Hoàng, tính chung TPHCM và Đà Nẵng, từ nay đến năm 2020 sẽ có trên 1.000 nhân lực cho vi mạch, nhưng con số này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Hiện nhu cầu sử dụng nhân lực vi mạch của các công ty có mặt tại TPHCM tăng cao, như Renesas cần 200 người/năm, Esilicon 100 người/năm, Applied Micro 100 người/năm… Tính ra mỗi năm, các công ty này cần tìm 1.000 kỹ sư vi mạch; trong khi đó lộ trình đào tạo của ICDREC từ năm 2013 đến 2020 chỉ được trên dưới 1.000 kỹ sư vi mạch. “Một sự thiếu hụt trầm trọng trong thời gian tới”, ông Hoàng khẳng định như vậy.

Cũng cần nói thêm, trong đào tạo nhân lực vi mạch, các trường đại học đang đứng “ngoài cuộc chơi” vì thực tế ICDREC đã liên kết với một số trường bằng những chương trình cụ thể nhưng kết quả không như mong đợi vì các trường chưa thực sự quan tâm.

Câu hỏi đặt ra vì sao chỉ thấy bóng dáng ICDREC trong đào tạo vi mạch, còn hàng chục trường đại học tên tuổi tại TPHCM thì sao? Thực tế thấy rằng, hiện hầu hết các trường đại học tại TPHCM chưa có chương trình đào tạo ngành vi mạch. Còn với ICDREC, đơn vị này đưa ra được những con số thuyết phục nói trên bắt nguồn từ những cơ sở trong chương trình vi mạch TPHCM. Trong chương trình vi mạch, thành phố gồm có 7 đề án, dự án phải thực hiện; trong đó có dự án Design House đã vạch sẵn lộ trình đào tạo bài bản và đã được TPHCM đầu tư 30 tỷ đồng cho dự án này…
 

Nguồn: SGGP

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả