SpStinet - vwpChiTiet

 

Ký 4 tờ giấy, nhận bồi dưỡng... vài trăm

Cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế  đang hăm hở mở cửa. Khủng hoảng cũng làm bật ra những yếu kém trong quản trị, trình độ và năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm "Made in Vietnam"! Bài học cay đắng và đắt giá được rút ra: Không thể tồn tại kiểu "làm chơi ăn thật" trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, gay gắt! Chiến thắng chỉ có được với ai biết cách quản trị và áp dụng khoa học, kỹ thuật. Nhân dịp đầu năm mới, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), TS Nguyễn Quân.
 

Bộ trưởng Nguyễn Quân. (Ảnh: NLĐ)

Dân khoa học chưa dám "liều" làm kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng tôi lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách.

Trong những năm gần đây Bộ KH - CN luôn xác định  doanh nghiệp là trung tâm đổi mới công nghệ và là địa chỉ ứng dụng các kết quả nghiên cứu của giới KH - CN. Chính vì thế chúng tôi hết sức coi trọng vai trò của các  doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tập trung cho KH, dám ứng dụng các tiến bộ của KH - CN trong và ngoài nước để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Trên cơ sở đó, năm 2007 chúng tôi đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80 về doanh nghiệp KH - CN. Đây là loại hình doanh nghiệp đi tiên phong gắn kết chặt chẽ với giới KH - CN trong cả nước, là doanh nghiệp có năng suất lao động cao, giá trị gia tăng lớn và hoạt động có hiệu quả trong nền kinh tế.

Đây cũng là mô hình doanh nghiệp rất thành công ở các nước phát triển và đang phát triển, đang công nghiệp hóa mạnh mẽ như Hàn Quốc, Singapore ...

Kết quả bước đầu ra sao, thưa ông?

Mấy năm qua chúng ta đã thúc đẩy hệ thống doanh nghiệp như vậy. Nhưng kết quả rất khiêm tốn. Số lượng doanh nghiệp KH-CN thành lập chưa nhiều. Giới khoa học chưa dám mạnh dạn bước vào nền kinh tế.

Sự hội nhập của đất nước đã làm bộc lộ ra những khiếm khuyết, nói chính xác hơn là yếu kém trong nhận thức lẫn ứng dụng KHCN của đất nước ta. Vậy làm thế nào để tạo chuyển biến thưa Bộ trưởng?

Giới KH - CN chúng tôi thường nói vui với nhau là có 8 chữ vàng. Vào thập kỷ 60 KH - CN được xem là "Then chốt", thập kỷ 80 được xem là "Nền tảng và Động lực", thập kỷ 90 được xem là "Quốc sách hàng đầu". 8 chữ vàng đó chính là "Then chốt - Động lực - Nền tảng - Quốc sách". Nghĩa là, KH - CN rất quan trọng.

Nhưng cho tới tới thời điểm này,  8 chữ vàng đó tồn tại trên du học nhật bản văn kiện nhiều hơn là trong hành động của các cấp lãnh đạo quản lý và xã hội.

Bởi vì, nguồn lực cho KH - CN hiện nay rất nhỏ bé, kể cả nguồn nhân lực lẫn nguồn tài chính. Kinh phí hàng năm dành cho nghiên cứu KH - CN của cả nước chỉ khoảng 700 triệu USD trong khi riêng tập đoàn Samsung đã là 1,2 tỷ USD!  Đất nước phát triển, đang rất cần vai trò của KH - CN sự phát triển vừa qua chưa tương xứng với mong đợi.

Về phía chúng tôi, đã soạn thảo và được QH thông qua Luật KHCN sửa đổi.
 

 
Luật sửa đổi quy định có 3 đối tượng mà nhà nước tập trung trọng dụng và ưu đãi. Đó là nhà khoa học đầu ngành; những nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ tầm quốc gia và những nhà khoa học trẻ có tài năng. (Ảnh: NLĐ)

Nhà khoa học không cần nói dối

Luật mới sửa đổi đã có những thay đổi như thế nào để phù hợp với điều kiện, tình hình đất nước và chuẩn mực quốc tế
?

Điểm mới nhất so với trước đây là tư duy đầu tư cho KH - CN. Trước đây chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, còn các  doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc. Lần này luật quy định  doanh nghiệp phải đi tiên phong, bắt buộc doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ nhất định lợi nhuận trước thuế để thành lập Quỹ phát triển KH - CN. Nếu không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng thì phải đóng góp vào quỹ phát triển KH - CN của Trung ương, của các Bộ, các địa phương.

Thứ hai là cơ chế tổ chức cho KH - CN. Trước đây các nhà khoa học thường kêu là thời gian làm quyết toán các đề tài còn nhiều hơn thời gian nghiên cứu vì cơ chế tài chính quá lạc hậu! Lần này luật quy định toàn bộ các nhiệm vụ KH - CN khi được xây dựng và phê duyệt thì phải được cấp tiền ngay lập tức để có thể triển khai ngay đáp ứng nhu cầu của SX - KD và đời sống. Và việc cấp phát tiền cho hoạt động KH - CN phải thông qua hệ thống quỹ phát triển KH - CN từ Trung ương đến địa phương, Bộ ngành và  doanh nghiệp.

Thứ ba là định mức chi và thủ tục thanh quyết toán cho các đề tài dự án có nhiều nội dung mới bổ sung phù hợp. Các đề tài từ ngân sách nhà nước như mua thiết bị, công nghệ, thuê chuyên gia trong và ngoài nước v.v.... Những nội dung này trước đây không có quy định nên các nhà khoa học rất khó khăn xử lý. Ví dụ như một vấn đề người ta đã nghiên cứu hoàn chỉnh, nếu mua chỉ cần số tiền rất nhỏ so với tự thực hiện. Và chi phí nghiên cứu cao gấp nhiều lần chưa chắc đã thành công. Hoặc vấn đề thuê chuyên gia cũng vậy.

Về định mức chi đã được nâng cao để các nhà khoa học đi hội thảo không phải ký 3 - 4 tờ giấy để nhận bồi dưỡng vài trăm ngàn. Hoặc khi nghiên cứu không phải nói dối, làm chứng từ giả để thanh toán.

Cơ chế khoán, gọi là khoán gọn hay khoán trắng cũng được, được tuân thủ áp dụng. Đương nhiên, từ đây mọi chứng từ không còn cần thiết nữa.

Một điểm mới nữa trong luật KH - CN sửa đổi là chính sách với các nhà khoa học để họ không bị thiệt thòi như trước kia. Luật sửa đổi quy định có 3 đối tượng mà nhà nước tập trung trọng dụng và ưu đãi. Đó là nhà khoa học đầu ngành; những nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ tầm quốc gia và những nhà khoa học trẻ có tài năng...

Trở lại với mục tiêu chính là đưa KH - CN và thực tiễn SX - KD, giúp SX và nền KT đất nước tăng hiệu quả và sức cạnh tranh, từ thay đổi nhận thức đến luật KH - CN mới được sửa đổi và hàng loạt chính sách kèm theo, xin Bộ trưởng cho biết những biện pháp thực hiện?


Bản thân tôi đánh giá rất cao sự cố gắng, quyết tâm và năng động của các  doanh nghiệp và các tổ chức. Nói theo ngôn ngữ của chúng ta, đây là khẩu hiệu lúc cấp bách giống như khẩu hiệu của Cách mạng Cu Ba "Cách mạng hay là chết".  Doanh nghiệp của chúng ta đang đứng trước tình thế "Đổi mới hay bị phá sản". Nếu không quan tâm đổi mới để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, có sức cạnh tranh tốt hơn thì chắc chắn không thể trụ vững trong nền KT đang có biến động lớn như hiện nay!

Nếu chúng ta trở thành thành viên TPP, trong đó có những quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nhật. Các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn rất nhiều so với giai đoạn vừa qua vì lúc ấy phải chơi chung cùng sân với các cường quốc KT với nhiều rào cản kỹ thuật trong khi hàng rào bảo hộ cho SX trong nước không còn. Hàng hóa của chúng ta vào thế giới sẽ phải có chất lượng cao hơn, khó hơn. Như vậy, doanh nghiệp chúng ta cùng giới KH - CN cùng đứng trước sứ mệnh "Đổi mới hay phá sản".

Vấn đề lớn đặt ra cho chúng ta hiện nay là làm thế nào để đổi mới công nghệ? Có nhiều việc phải quan tâm và xử lý, giải quyết bên trong như làm sao để các kết quả nghiên cứu không bị xếp ngăn kéo mà phải đưa đến tay  doanh nghiệp để ứng dụng? Làm sao để nhà KH và  doanh nghiệp bảo vệ được tài sản trí tuệ, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của mình để phát triển SX - KD?.

Đây là những nhiệm vụ đặt ra mà chúng tôi đang nỗ lực giải quyết. Mục tiêu chung là đưa KH - CN thành động lực và sức mạnh cho  doanh nghiệp và nền KT đất nước phát triển, cạnh tranh có hiệu quả trong giai đoạn mới của đất nước!.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: Vietnamnet

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả