SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội thảo về công nghệ sinh học cây trồng

Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM kết hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Công nghệ sinh học cây trồng ở Việt Nam: hướng phát triển cho tương lai” xoay quanh các vấn đề về ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp.

Theo đó, những ứng dụng của công nghệ sinh học nông nghiệp (CNSHNN) gồm cải tiến chọn giống truyền thống bằng chọn giống nhờ chỉ thị phân tử; kỹ thuật di truyền phục vụ cải tiến các tính trạng bằng chuyển gen – “cây trồng biến đổi gen” (CTBĐG)… Lợi ích của CNSH là giúp tăng tiềm năng năng suất và năng suất thực tế trên 1 ha; giảm thiểu mất mát do sâu bệnh và cỏ dại; giảm sử dụng thuốc trừ sâu; giảm chi phí công lao động cho làm cỏ và phun thuốc trừ sâu. Kể từ khi CTBĐG được thương mại hóa (năm 1996) đến nay, diện tích CTBĐG đã đạt 114,3 triệu ha với 23 nước gieo trồng, với các loại cây như bắp, đậu nành, bông, cải dầu… GS.TS Paul Teng (ĐH Kỹ thuật Nanyang – Singapore) đưa ra ví dụ về lợi nhuận kinh tế từ CTBĐG: giai đoạn 1996-2006 mang về cho Mỹ 15,9 tỷ USD, Achentina là 6,6 tỷ USD, Trung Quốc 5,8 tỷ USD… Tính riêng năm 2006, cây bông biến đổi gen ở Trung Quốc đã giúp giảm sử dụng thuốc trừ sâu đến 67%, năng suất tăng 10%, thu nhập tăng 500 USD/ha; ở Ấn Độ giảm phun thuốc trừ sâu giảm 50%, năng suất tăng 40%, thu nhập tăng 200 USD/ha…

Tại Việt Nam, đất nước mà nền nông nghiệp chiếm tới 35-40% GDP với hơn 75% dân số nông nghiệp thì CNSHNN, nhất là CTBĐG đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Một trong những định hướng của chúng ta từ nay đến 2015 là nâng đóng góp của CNSHNN lên 20-30% trong tổng số đóng góp của khoa học công nghệ vào sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp. Do đó, việc mở rộng hợp tác nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các sản phẩm CTBĐG là cần thiết.
Theo TS. Nguyễn Quốc Bình (PGĐ Trung tâm CNSH TP.HCM), CTBĐG giúp tạo ra giống mới nhanh hơn, có đặc tính tốt mà lai tạo bình thường không làm được. Các cây biến đổi gen đã được tạo ra là cây kháng sâu, cây kháng thuốc diệt cỏ, cây sản xuất protein làm thuốc, cây sản xuất vitamin A, cây có hàm lượng ligin thấp để làm giấy… Ông Bình cho rằng, Việt Nam nên áp dụng cây biến đổi gen với những loại cây trồng đang được sử dụng nhiều, có diện tích canh tác lớn như cây cho chăn nuôi (bắp, đậu nành, khoai mì, khoai tây…).

Lam Vân

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả