SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội thảo khoa học Trường lũy tại Quảng Ngãi-Bình Định

Tại TP. Quảng Ngãi, ngày 16-4, Trung tâm trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội tổ chức hội thảo báo cáo khoa học của chương trình nghiên cứu “Lịch sử và di sản miền Trung Việt Nam về Trường lũy tại Quảng Ngãi-Bình Định nhằm đánh giá giá trị di sản, thách thức bảo tồn và tiềm năng phát huy giá trị di sản”.
Hội thảo đã nghe tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học giới thiệu tóm tắt nội dung Dự án nghiên cứu Trường lũy Quảng Ngãi-Bình Định (Hợp tác giữa Viện Viễn đông Bác cổ Pháp và Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Đây là Trường lũy độc đáo, một di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị được thể hiện rõ nét về khảo cổ học, kiến trúc, nhân loại học, câu chuyện lịch sử và cảnh quan. Trường lũy có chiều dài gần 200 km, là công trình kiến trúc lớn và đa dạng với nhiều phần của nó làm bằng đá, nhiều phần khác làm bằng đất và những đoạn làm bằng cả đất và đá. Kỹ thuật xếp đá cũng rất đặc biệt được sử dụng các nguyên liệu khác nhau, tại chỗ trong cấu trúc của lũy. Nhiều công trình có liên quan Trường lũy như: hơn 50 đồn bảo đã được tìm thấy đều xây bằng đá và tình trạng bảo tồn tốt hoặc xây bằng đất có hào bao quanh (trong đó đã khai quật 3 di tích Thiên Xuân, ở xã Hành Tín Đông, Rồm Đồn và Đèo Chim Hút, ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành-Quảng Ngãi) đã chứng minh rất rõ ràng về đồn bảo có vai trò là công trình quân sự. Có một con đường cổ chạy dọc theo lũy. Đây là một phần của đường Thiên Lý nối kinh đô với các tỉnh phía nam. Trường lũy nằm ở thung lũng gần chợ nguồn cổ của vùng cao nguyên: Trà Bồng (Quảng Ngãi) phía Bắc và An Lão (Bình Định) phía nam. Cả hai còn giữ được cảnh quan đặc trưng của những điểm buôn bán nguồn giữa miền núi và đồng bằng…
 Hội thảo còn nghe nhiều ý kiến của các nhà quản lý, khoa học trong việc bảo vệ, quản lý và sử dụng bền vững; đặc biệt nghe báo cáo khoa học của Tiến sỹ An drew Hardy về “Trường lũy Quảng Ngãi-Bình Định: Di sản văn hóa độc đáo” và những ý kiến đóng góp của hai nhà khoa học nước ngoài là Tiến sĩ Christopher Young (Hội đồng di sản Anh) và tiến sĩ Patriza Zolese, nhà khảo cổ học Ý (Quỹ Lerici-Ý) về chuyến đi khảo sát di tích, đồng thời đưa ra những kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản…
Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia Giáo sư Phan Huy Lê kết luận: Hội thảo Trường lũy tại Quảng Ngãi-Bình Định đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ những khảo sát, khai quật và nghiên cứu có tính lôgích, khoa học đã đem lại cho chúng ta những nhận thức đúng đắn về Trường lũy Quảng Ngãi-Bình Định. Đây là công trình độc đáo, một di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị. Trường lũy có công trình kiến trúc lớn, đa dạng và quy mô dài nhất Đông Nam Á. Tính đa chức năng của Trường lũy không những là đơn thuần về mặt quân sự (thế kỷ 17) mà còn là điểm giao lưu văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư thời bấy giờ. Trước mắt, chính quyền địa phương cần có biện pháp bảo vệ Trường lũy nguyên trạng. Đồng thời các cơ quan chức năng nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Trường lũy Quảng Ngãi-Bình Định là di tích lịch sử quốc gia. Trên cơ sở đó, chúng ta bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hóa; đồng thời tuyên truyền giáo dục nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững di tích Trường lũy…
ĐT (Theo Báo Nhân Dân Online)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả