SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về an toàn hạt nhân

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Viên đã khai mạc Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về an toàn hạt nhân. Tham dự Hội nghị có nhiều bộ trưởng, thứ trưởng và trên 1000 cán bộ của các nước thành viên IAEA. Đoàn Việt Nam gồm 7 thành viên do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến dẫn đầu.
  

Hội nghị diễn ra trong 5 ngày (từ 20 - 24/6/2011) với mục tiêu rút ra các bài học kinh nghiệm từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật bản và thảo luận về các biện pháp để tăng cường an toàn hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Hội nghị là diễn đàn để các bộ trưởng và chuyên gia cao cấp của các nước thảo luận về các vấn đề liên quan đến an toàn hạt nhân. Hội nghị sẽ nghe phái đoàn của IAEA báo cáo đánh giá sơ bộ về tai nạn Fukushima và đưa ra các khuyến cáo để làm tốt hơn vấn đề an toàn. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về vai trò trung tâm của IAEA trong vấn đề an toàn hạt nhân và làm thế nào để các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân quan trọng nhất được áp dụng trên toàn cầu.
Ngoài phiên toàn thể nơi trưởng các đoàn các nước trình bày báo cáo của quốc gia, Hội nghị còn tổ chức phiên họp tiểu ban chuyên môn để thảo luận sâu về các biện pháp tăng cường an toàn các thiết bị hạt nhân, ứng phó ban đầu với tai nạn, kế hoạch hành động khẩn cấp, các bài học rút ra và cách thức tăng cường khuôn khổ an toàn hạt nhân toàn cầu.
Kết thúc Hội nghị sẽ có tuyên bố chung của các bộ trưởng và trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị biểu thị quyết tâm trong việc tăng cường an toàn hạt nhân toàn cầu.
Phát biểu trong phiên khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA đã đề xuất 5 vấn đề nhằm thiết lập một khuôn khổ an toàn hạt nhân được tăng cường sau tai nạn Fukushima và có tính thực tiễn. Cụ thể 5 vấn đề như sau:
Thứ nhất, tăng cường các tiêu chuẩn an toàn của IAEA và bảo đảm cho chúng được áp dụng trên toàn cầu. Sau tai nạn Fukushima, cần xem xét lại các tiêu chuẩn an toàn trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thiên nhiên kép cả động đất và sóng thần cùng một lúc, vấn đề mất điện lưới lâu dài, vấn đề cung cấp nước làm mát cho lò phản ứng, vấn đề bảo vệ nhà máy có nhiều lò phản ứng, vấn đề làm mát nhiên liệu đã cháy trong điều kiện tai nạn nghiêm trọng. Hội đồng về các tiêu chuẩn an toàn của IAEA sẽ xem xét trong vòng 12 tháng để đưa ra các khuyến cáo nhằm tăng cường các biện pháp về bảo đảm an toàn. Tiêu chuẩn an toàn là một mặt của vấn đề. Tuy nhiên nếu các tiêu chuẩn có cao đến đâu nhưng không được áp dụng thì cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy quan trọng là các nước thanh viên cần cam kết áp dụng các tiêu chuẩn an toàn của IAEA.
Thứ hai, xem xét đánh giá tình trạng an toàn của các nhà máy điện hạt nhân theo 2 bước. Trước hết các nước tự tổ chức đánh giá và sau đó IAEA sẽ có các đoàn thẩm định lại đánh giá về an toàn của các quốc gia. Từ bài học của Fukushima, đánh giá về an toàn sẽ tập trung vào xem xét giới hạn an toàn của các nhà máy điện hạt nhân đối với các hiện tượng tự nhiên trầm trọng như động đất, sóng thần và lụt lội. Thẩm định của IAEA sẽ tập trung vào 3 vấn đề là an toàn vận hành, biện pháp ứng phó và tính hiệu quả của hệ thống pháp quy hạt nhân. Trên có sở các đánh giá sẽ đưa ra các khuyến cáo và sau đó sẽ có các đoàn kiểm tra xem các khuyến cáo được thực hiện thế nào.
Thứ ba, xem xét các cơ quan pháp quy hạt nhân của các nước, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hạt nhân. IAEA đã có dịch vụ đánh giá pháp quy tích hợp (IRRS) và đề nghị các nước cần sử dụng dịch vụ này của IAEA để đánh giá hệ thống pháp quy của nước mình. Riêng đối với Nhật Bản, IAEA sẽ cử đoàn IRRS sang Nhật Bản vào năm 2012.
Thứ tư, tăng cường hệ thống ứng phó toàn cầu. Đề xuất các nhà vận hành nhà máy điện hạt nhân phải có kho dự trữ các thiết bị ứng phó như máy phát điện dự phòng để có thể sẵn sàng đưa tới nhà máy bị nạn, IAEA sẽ tổ chức đăng ký dịch vụ chuyên gia kỹ thuật về tự động hoá, cứu hoả… để có thể cung cấp cho nước thành viên gặp nạn, liên kết các đội ứng phó của các nước trong hệ thống chung thông qua đầu mối của mạng lưới trợ giúp và ứng phó của IAEA, thực thi hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan.
Thứ năm, vai trò của IAEA trong việc tiếp nhận và phổ biến thông tin về sự cố, tai nạn hạt nhân, trong đó cần tăng cường khả năng của IAEA trong việc phân tích và đưa ra các kịch bản sự cố phát triển và ảnh hưởng phóng xạ liên quan cũng như xem xét lại thang sự cố hạt nhân INES của IAEA.
Báo cáo của đoàn chuyên gia IAEA về đánh giá sơ bộ tại nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã đưa ra 15 kết luận và 16 khuyến cáo liên quan đến an toàn hạt nhân. Nhật Bản cũng đã gửi cho IAEA báo cáo đánh giá sơ bộ về sự cố Fukushima trong đó rút ra 28 bài học về 5 vấn đề: 1) Tăng cường các biện pháp ngăn ngừa đối với các tai nạn nghiêm trọng; 2) Tăng cường các biện pháp ứng phó đối với các tai nạn nghiêm trọng; 3) Tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp hạt nhân; 4) Củng cố cơ sở hạ tầng an toàn; 5) Đẩy mạnh văn hoá an toàn. Ngoài ra Nhật Bản thông báo đã thành lập nhóm nghiên cứu toàn diện về sự cố và sẽ phối hợp với IAEA tổ chức Hội nghị quốc tế về an toàn hạt nhân vào cuối năm 2012 để phân tích, đánh giá đầy đủ về sự cố Fukushima.
Đoàn Việt Nam tham gia và trình bày Báo cáo quốc gia tại phiên toàn thể và thảo luận ở các nhóm làm việc chuyên môn. Các bài học rút ra từ tai nạn Fukushima sẽ được chúng ta nghiên cứu để làm tốt hơn công tác bảo đảm an toàn trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nguồn:  Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả