SpStinet - vwpChiTiet

 

3 sáng chế độc đáo của một nông dân

Ở tuổi 60, ông Tư Sáng (Nguyễn Văn Sáng) ở Vị Thanh, Hậu Giang, luôn trăn trở việc “cơ giới hóa” cho nhà nông. Dù chỉ mới học “lớp nhất” trường làng ngày trước, vậy mà ông đã mày mò sáng chế ra được máy hút lúa vào bao, máy cào lúa chuyển hướng, máy phun thuốc diệt rầy và đang nghiên cứu máy gom lúa ngoài đồng (phối hợp với máy cắt xếp dãy). Sáng chế này đã được ứng dụng ở nhiều nơi.

Ý tưởng sáng chế máy hút lúa xuất phát từ những vụ lúa hè thu vất vả phơi sấy. Lúa sấy xong, người dân phải vào lò sấy cào xuống, trong môi trường nóng bức, ngột ngạt, bụi bay mịt mù. Công đoạn này cũng tốn nhiều nhân công và thời gian. Nhiều đêm trăn trở, ông Tư Sáng bỏ công quan sát từng chiếc máy nông nghiệp để tìm hiểu cơ chế hút lúa. Về nhà, sẵn có máy móc hàn cửa sắt, ông thử nghiệm từng chi tiết, ráp lại rồi tháo ra... Cứ hàng tháng trời vật lộn với máy khoan, máy tiện, cuối cùng chiếc máy hút lúa “mô hình” ra đời. Tiếp tục hoàn thiện và vận hành thử, sau nhiều lần thất bại ông mới thành công. Ông đưa vào ứng dụng ngay và nhận thấy máy hút lúa tốt nhưng chưa khắc phục được tình trạng bụi bay mịt mù khi vào bao. Ông lao vào nghiên cứu và ráp thêm bộ phận vừa hút bụi, vừa giê sạch lúa rồi vào bao. Chiếc máy lập tức được nhiều chủ lò sấy đặt hàng. Máy rất đơn giản, các bộ phận chính gồm thùng chứa lúa, bộ phận lấy lúa, ống hút và lọc bụi, môtơ chạy điện... Trọng lượng máy khoảng 80 kg, cao 1,6 m, di chuyển bằng 4 bánh xe. Công suất hút lúa vào bao từ 10 - 12 tấn/giờ. Thông thường xúc 10 - 12 tấn lúa vô bao cần khoảng 4 công nhân, thời gian làm việc 4 - 5 giờ; với máy hút lúa của ông Tư Sáng chỉ cần 2 người, thời gian làm việc trong 1 giờ, tiêu hao 2 kW điện/giờ. Hạt lúa được làm sạch và không bị hư tổn. Ông đã cung cấp 24 máy cho các lò sấy ở Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang với giá 5 triệu đồng/máy. Sau thành công của máy hút lúa vô bao, ông Tư Sáng vẫn chưa hài lòng vì bộ phận cào lúa trên lò sấy vẫn sử dụng lao động thủ công (cào lúa lại một nơi rồi mới dùng máy hút lúa vô bao). Thế là ông bắt tay nghiên cứu máy cào lúa chuyển hướng gom lúa. Nếu cào lúa thủ công phải sử dụng 2 - 4 lao động để cào 10 - 12 tấn lúa trong 4 giờ. Sử dụng máy cào này chỉ cần 1 lao động, lúa được đảo đều hơn, thời gian rút ngắn một nửa. Hiện ông đã cung cấp 18 máy, giá 3,5 triệu đồng/máy. Khi dịch rầy nâu bùng phát, người dân phải phun thuốc ráo riết. Ông quan sát thấy bình phun thông thường không hiệu quả, lãng phí thuốc rất lớn, nên tiếp tục sáng chế máy phun thuốc diệt rầy. Dàn phun có 12 béc phun (6 béc phun thuốc diệt rầy, 6 béc phun thuốc thông thường). Chỉ cần một người điều khiển mang bình thuốc đi trước, kéo theo dàn phun gắn trên bánh lăn, có thể phun ngược hoặc xuôi theo chiều gió mà không bị thuốc bay vào mặt. Dàn phun không làm hư hại cây lúa, tháo lắp dễ dàng, hoạt động tốt trên mọi địa hình. Trọng lượng máy phun là  25 kg.

Ông Tư Sáng được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng giải thưởng Sao thần nông, Bộ NN&PTNT tặng bằng khen. Ông được bình chọn vào tốp 50 nông dân sáng tạo tiêu biểu về sản xuất lúa toàn quốc năm 2009. Các sáng chế của ông được đánh giá là rất hữu ích.
QT (theo Khoa học Phổ thông)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả