SpStinet - vwpChiTiet

 

Giáo dục đại học kỹ thuật chất lượng cao

Khuyến khích sinh viên chủ động học tập, phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, thiết kế và đảm bảo chất lượng chương trình giảng dạy chuyên ngành kỹ thuật… Đây là nội dung của Hội thảo quốc tế về Giáo dục đại học kỹ thuật chất lượng cao do Hội đồng Anh Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 12/9 tại Đà Nẵng.

Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam Chris Brown cho biết, hội thảo là cơ hội để các đại biểu Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, chia sẻ những vấn đề tồn tại, kinh nghiệm chuyên môn, đồng thời thảo luận về ý tưởng và giải pháp để nâng cao chất lượng của sinh viên tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật. Cùng với Sterling Mission 2013 – Chương trình giảng bài của các giáo sư Vương quốc Anh dành cho hàng ngàn sinh viên tại Việt Nam, hội thảo này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của ngành kỹ thuật đối với tương lai phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào.
 

 
PGS.TS. Lê Kim Hùng (Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã tích cực xây dựng và tham gia nhiều chương trình, dự án quốc gia và quốc tế về nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Một trong những chương trình tiêu biểu là Đào tạo kỹ thuật tiên tiến HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program) từ năm 2010. Chương trình tập trung vào việc phát triển chuyên sâu các ngành học; đào tạo kỹ sư ứng dụng qua việc đổi mới đào tạo và sẽ chuẩn bị cho cán bộ giảng dạy khả năng đào tạo sinh viên thành thạo kỹ thuật, tiếng Anh, những kỹ năng mềm; khả năng đào tạo kỹ sư quốc tế thỏa mãn yêu cầu trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao ở Việt Nam và khu vực.

TS. Phạm Xuân Thanh (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo) giới thiệu tổng quan về hệ thống công nhận và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam. Theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng Chiba, hệ thống đảm bảo chất lượng của Việt Nam bao gồm các phòng ban đảm bảo chất lượng bên trong và hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài cơ sở đào tạo. 75% các trường đại học tại Việt Nam có các phòng ban đảm bảo chất lượng trong trường, giúp đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng các chương trình học. Việt Nam cũng đã thành lập trường nhật ngữ hệ thống đảm bảo chất lượng ngoài trường thông qua việc xác định khung đảm bảo chất lượng giáo dục trong các văn bản pháp lý, gần đây nhất là trong Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua năm 2012.

PGS.TS Công nghệ Hóa học Jarka Glassey (Đại học Newcastle, Vương quốc Anh) đã đưa ra ví dụ về quy trình đánh giá và đổi mới chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Hóa tại Đại học Newcastle. Điểm đáng chú ý nhất về phương pháp giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật Hàng hải và Kiến trúc Hải quân là các khóa học không có sách giáo khoa (text books); thay vào đó, các giảng viên tự quyết định và soạn giáo trình của riêng mình với sự tham gia cố vấn về nội dung của các doanh nghiệp. Với cơ chế linh hoạt này, việc xây dựng khung chương trình giảng dạy và kiểm soát chất lượng có vai trò đặc biệt quan trọng. Khung chương trình tổng quát được xây dựng với mục tiêu cao nhất là đáp ứng các yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp, dựa trên tư vấn của ban cố vấn doanh nghiệp. Chương trình đào tạo do Hội đồng Kỹ thuật Vương quốc Anh xem xét và công nhận. Hàng năm một đơn vị thanh tra giáo dục độc lập sẽ tiến hành thanh tra các đề thi và đề cương đáp án của khoa và đưa ra phản hồi; họ còn phỏng vấn sinh viên, và công bố báo cáo thường niên. Đặc điểm “vừa lỏng vừa chặt” này khiến cho chương trình học có thể linh hoạt đáp ứng những yêu cầu không ngừng thay đổi của xã hội và doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo.

Để xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, các diễn giả tại hội thảo nêu ra các giải pháp để tăng cường mối quan hệ này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh cách thức quảng bá các thế mạnh nghiên cứu của trường và sự hài hòa lợi ích giữa nhà trường và doanh nghiệp. Một trong những thách thức thường thấy là sự “lệch pha” giữa kỳ vọng của nhà trường và doanh nghiệp khi đề tài hay nội dung doanh nghiệp muốn sinh viên nghiên cứu có thể không phù hợp với định hướng nghiên cứu trong chương trình của nhà trường. Vì vậy, sự chủ động và khả năng xây dựng quan hệ với doanh nghiệp của chính các giáo sư và giảng viên trong trường đại học là mấu chốt để các doanh nghiệp có thể tin tưởng giao dự án cho sinh viên cũng như để doanh nghiệp và nhà trường hiểu nhau, giúp giải quyết sự “lệch pha” trong kỳ vọng nghiên cứu. Việc xây dựng một “đội quân tinh nhuệ những chuyên gia quan hệ doanh nghiệp” nên nằm trong chiến lược của trường đại học.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả