SpStinet - vwpChiTiet

 

Giám đốc sở phải ký 100 chữ ký cho mỗi đề tài khoa học

Chiều 11-12, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Phan Minh Tân đã đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa VIII về các vấn đề liên quan đến hiệu quả, trình ứng dụng của các nghiên cứu khoa học trong thời gian vừa qua.
 
 
Các nhà khoa học đến triển lãm thành tựu NCKH trong ngày 24-10 - Ảnh tư liệu.
 
Mở đầu phần trả lời, ông Phan Minh Tân cho biết rất vui mừng phấn khởi được trả lời chất vấn trước HĐND TP vì đã rất lâu rồi Sở Khoa học Công nghệ mới có dịp trả lời chất vấn.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu hỏi: “Trong giai đoạn 2011-2013 TP có bao nhiêu đề tài khoa học được đưa vào thực tiễn, tỷ lệ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân là bao nhiêu?"

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh chất vấn: “Theo tôi được biết chỉ khoảng 10% đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng. Giới trẻ hiện nay rất không thích nghiên cứu khoa học? Sở có giải pháp gì để thúc đẩy việc này?"

Riêng đại biểu Bùi Tá Hoàng Vũ đặt vấn đề về hiệu quả kết nối giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Theo đại biểu Vũ, chi cho nghiên cứu khoa học năm 2013 chi 279 tỷ - có tăng nhưng chỉ đạt 62% so với dự trù, như vậy khó khăn do đâu và giải pháp giải quyết.

Giám đốc Sở Phan Minh Tân cho biết về kinh phí đầu tư: Năm 2011 kế hoạch TP chi cho nghiên cứu khoa học 68 tỷ nhưng chỉ dùng 46,7 tỷ; Năm 2012 kế hoạch chi 83 tỷ nhưng chỉ xài 44 tỷ. Năm 2013 thì tổng mức dự trù là 148 tỷ nhưng đến nay chỉ mới cấp hơn 60 tỷ, đạt hơn 40%.

Lý giải hiện tượng này, ông Tân cho rằng do thủ tục giải ngân từ kho bạc rất lâu. “Có rất nhiều thủ tục - nhanh nhất mất 3 tháng cho 1 đề tài. Lập hội đồng thì rất nhiều chuyên gia từ các cơ quan khác nhau - rất khó tập hợp. Thẩm định tài chính, ký kết hợp đồng… rất mất thời gian. Mỗi đề tài triển khai thì giám đốc sở phải ký khoảng 100 chữ ký, mà phải là chữ ký sống thì kho bạc mới giải ngân - cái này nhiều khi làm nản lòng nhà khoa học” - Ông Tân trần tình.

Theo ông Tân, cơ chế quản lý nhà nước còn quá bất cập.

“Cơ chế nhiều khi bắt nhà khoa học phải nói dối, định mức thì bất hợp lý. Quy định của Bộ về hợp đồng nghiên cứu khoa học thì không thấy nói trách nhiệm phải bàn giao đề tài nghiên cứu. Nhiều khi chúng tôi đi các doanh nghiệp thấy máy móc công nghệ của họ còn hiện đại hơn trong các viện nghiên cứu” - ông Tân bức xúc.

Ngoài ra, theo ông Tân, các nghiên cứu mang tính dự báo hiện còn bất cập. Hiệu quả đầu tư từ khoa học công nghệ cũng chưa rõ nét và chưa đạt mong muốn, chưa tạo các sản phẩm công nghệ mới để có thể chuyển giao và thương mại hóa được. Khoa học công nghệ chưa là động lực trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội.

Nghe ông Tân nói xong, đại biểu Huỳnh Quốc Cường nhận xét: “Tôi thấy đồng chí giám đốc Sở trả lời thật tình nhưng nghe rồi tôi thấy buồn quá. Giải ngân lúc nào cũng nan giải. Cứ phân bổ vốn rồi xài không hết - rất thiệt thòi. Tôi cho rằng ở đây có nguyên nhân chủ quan của sở”.

Còn đại biểu Tô Thị Bích Châu thì lo lắng: “Cách đây 3 năm tôi nghe chuyện 1 đề tài phải ký 100 chữ ký tôi cứ tưởng chuyện đùa. Hôm nay đích thân giám đốc Sở thừa nhận chuyện này thì tôi thấy băn khoăn. Như vậy thì làm sao các bạn trẻ có thể có đủ kiên nhẫn để chờ đợi? Nếu chúng ta không cải cách được chuyện này thì sẽ còn bao nhiêu người trẻ mặn mà với nghiên cứu khoa học?”

Theo bà Châu, bức tranh khoa học công nghệ của thành phố mà giám đốc sở cung cấp chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí của TPHCM.
 
Nguồn: Tuổi trẻ

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả