SpStinet - vwpChiTiet

 

Đầu tư cho khoa học như hiện nay là không hợp lý

Chi ngân sách nhà nước dành cho KH&CN còn thấp; đầu tư kinh phí còn dàn trải thậm chí sai mục đích; cơ chế quản lý tài chính còn nhiều bất cập; chưa huy động được tối đa nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp cho KH&CN…
 
Đầu tư cho nghiên cứu KH&CN còn thấp

Đó là những nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam” do Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Bắc Ninh.

Nhiều bất cập

Theo GS.TS. Lê Du Phong, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân, đầu tư cho khoa học và công nghệ hiện nay là không hợp lý, mang nặng tính chất dàn trải. GS. Phong đưa ra ví dụ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ lâu được xem là một trung tâm nghiên cứu KHCN lớn và có uy tín của cả nước, thế nhưng hàng năm trường chỉ được đầu tư hơn 17,5 tỷ đồng kinh phí cho sự nghiệp khoa học. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, không phải là cơ quan nghiên cứu khoa học, nhưng lại được đầu tư tới gần 21 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp khoa học. Hay Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, một đơn vị sản xuất kinh doanh cũng được đầu tư trên 13 tỷ đồng từ ngân sách KHCN, nhiều hơn so với mức đầu tư cho nhiều trường đại học lớn như Trường Đại học nông nghiệp Hà Nội chỉ được gần 11,8 tỷ đồng, Đại học Xây dựng Hà Nội gần 8,6 tỷ đồng, Đại học Kinh tế Quốc dân hơn 6 tỷ đồng và Đại học Giao thông Hà Nội chỉ được 3,1 tỷ đồng. “Việc đầu tư như vậy là quá bất cập nên sẽ không thể phát huy được hiệu quả từ đồng tiền ngân sách nhà nước chi cho KH&CN” GS. Phong nhận định.

Đồng tình với GS. Phong, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay Bộ KH&CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội về 2% tồng chi ngân sách nhà nước cho KHCN nhưng thực tế Bộ KH&CN chỉ chủ động quản lý được việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN với kinh phí chiếm 12% tổng chi ngân sách nhà nước cho KH&CN mà thiếu cơ chế để Bộ KH&CN kiểm soát nội dung và hiệu quả đầu tư của 88% ngân sách còn lại hiện đang do Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cấp cho các bộ ngành và địa phương dẫn đến đầu tư dàn trải và sai mục đích. Nhiều địa phương đã điều chuyển kinh phí cho khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề khác, một số địa phương còn chi sai mục đích KH&CN đến 50%.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, đầu tư cho KH&CN tính bình quân giai đoạn 2001-2010 chiếm 0,63% trong tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó giai đoạn 2001-2005 là 0,53% và giai đoạn 2006-2010 là 0,67% (khoảng 2% ngân sách nhà nước). Theo đánh giá của các nhà khoa học, ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ như vậy là không cao, trong khi việc xã hội hóa nguồn đầu tư ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là cơ chế tài chính còn quá phức tạp, gây cản trở và làm nản lòng các nhà khoa học đối với công việc nghiên cứu. Theo GS. Phong, trước đây, một đề tài cấp nhà nước với kinh phí từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng muốn được phê duyệt và sử dụng hết kinh phí phải có ít nhất 45 - 50 chuyên đề, còn bây giờ khi kinh phí tăng lên từ 2,3 đến 2,6 tỷ đồng thì số lượng chuyên đề cũng phải có từ 65 - 100 chuyên đề. GS. Phong thẳng thắn, để có thể đạt được mục tiêu, được thanh quyết toán chắc chắn các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN phải bịa ra, bịa từ việc hình thành các chuyên đề cho đến quyết toán. Các nhà khoa học không ngại nghiên cứu song ngại nhất là việc phải thanh quyết toán tài chính thực hiện nghiên cứu.

Triển vọng đầu tư cho KH&CN


Để đảm bảo cho KH&CN hoàn thành tốt vai trò của mình đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, theo các chuyên gia, các nhà khoa học, cần phải có một hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ và phù hợp. GS. Phong cho rằng, cần phải tăng nhanh đầu tư cho KH&CN, phải nâng đầu tư từ 0,67% tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn hiện nay lên mức 1% giai đoạn 2013-2015 và khoàng 1,5-1,7% giai đoạn 2016-2020. Kiên quyết chấm dứt cách phân bổ kinh phí sự nghiệkhoa học theo kiểu chia chát bình quân, ban ơn, bao cấp hiện nay. Kinh phí đầu tư KH&CN từ ngân sách nhà nước chỉ nên cấp trực tiếp cho các cơ sở thực sự có khả năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, không cấp tràn lan. “Về tài chính, nên căn cứ vào nhiệm vụ nghiên cứu được đề ra mà khoán kinh phí cho đơn vị hoặc cá nhân nhà khoa học đảm nhận. Đơn vị và cá nhân nhà khoa học chỉ có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu và khi kết quả nghiên cứu đó được hội đồng khoa học có thẩm quyền đánh giá đạt yêu cầu trở lên là họ đã hoàn thành trách nhiệm. Việc quyết toán là nhiệm vụ của cơ quan đặt hàng và cơ quan tài chính” GS. Phong nói.

TS. Trần Việt Hùng, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam mạnh dạn đề xuất, đưa toàn bộ ngân sách nhà nước giành cho thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm vào Quỹ phát triển KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN sẽ được tuyển chọn và cấp kinh phí trong bất kỳ thời gian nào trong năm, miễn là thỏa mãn các điều kiện quy định đối với một nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải thành lập Quỹ đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp toàn quyền sử dụng quỹ này cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp nhưng phải có nghĩa vụ báo cáo tình hình chi tiêu và hoạt động của quỹ cho Bộ KH&CN và Bộ Tài chính.

Ngoài các giải pháp đồng bộ từ phía nhà nước, theo GS. Thái, tự bản thân các nhà khoa học cũng cần phải tôn trọng đồng tiền kinh phí mà ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động khoa học, bởi đây là đồng tiền mồ hôi của nhân dân đóng góp để các nhà khoa học sử dụng đồng tiền đó để nghiên cứu ra sản phẩm phục vụ cho lợi ích của nhân dân, phát triển kinh tế xã hội đất nước.
 
Nguồn: Báo Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả