SpStinet - vwpChiTiet

 

Cơ hội tiếp cận công nghệ năng lượng tái tạo

Vừa qua, tại TPHCM, Bộ KH-CN họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế về các giải pháp năng lượng tái tạo và phân tán (ENEREXPO Vietnam 2010). Từ thông tin của cuộc họp báo này, nhiều người mới vỡ lẽ chuyện nước ta rất dồi dào tiềm năng về năng lượng tái tạo (gió, nước, mặt trời...) và nhiều chuyên gia nhận định, nếu đầu tư khai thác đúng hướng, nguồn năng lượng này có thể thay thế 100% năng lượng truyền thống…
 
Cụ thể, với hệ thống sông suối nhỏ dày đặc, hiện nước ta có khoảng 120.000 trạm thủy điện với tổng công suất ước tính khoảng 300MW, cung cấp điện hàng năm cho hàng vạn gia đình ở các khu vực miền núi và vùng cao. Khoảng 200 nguồn suối nước nóng nhiệt độ từ 40 đến 150oC tập trung ở khu vực miền Trung là nguồn địa nhiệt lý tưởng để xây dựng các trạm phát điện.

Hơn 100.000 nhà máy xay xát lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy điện chạy bằng vỏ trấu với tổng công suất 70MW.

Đó là chưa nói đến khí sinh học (biogas) ở khu vực châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long đang được các gia đình sử dụng để nấu nướng, thắp sáng và chạy các động cơ công suất nhỏ; hay nguồn năng lượng mặt trời với mức độ bức xạ nhiệt 3-3,5 kWh/m2/ngày (mùa đông); 4,5-6,5 kWh/m2/ngày (mùa hè).

Tiềm năng năng lượng gió ở Việt Nam cũng khá lớn: tại đảo là 860-1.410 kWh/m2/năm; khu vực duyên hải là 800 – 1.000 kWh/m2/năm; ở một số khu vực trong nội địa: 500 – 800 kWh/m2/năm… Đây là nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tiềm năng trong việc cung cấp điện cho các khu vực vùng xâu, vùng xa, nơi chưa có lưới điện quốc gia…
 
Thực tế, Chính phủ đã có những định hướng để phát triển nguồn NLTT, mà mới nhất là Quyết định số 130/2007/QĐ – TTg quy định một số cơ chế chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM).

Theo đó, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được đầu tư vốn, công nghệ để xây dựng dự án CDM tại Việt Nam đi kèm với việc được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tín dụng đầu tư của nhà nước, sản phẩm CDM được trợ giá từ Quỹ Bảo vệ môi trường…

Bộ Công thương cũng đang tiến hành xây dựng  quy hoạch phát triển NLTT với các dự án năng lượng không nối lưới, các chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

 
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Bá Hưng, Giám đốc Trung tâm thông tin KH-CN quốc gia, dù có nhiều tiềm năng và chính sách nhưng đến nay, phát triển NLTT ở nước ta vẫn còn rất khiêm tốn do còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể. Cơ chế chính sách cũng chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển, các giải pháp thực hiện vừa yếu, vừa thiếu lại chưa đồng bộ nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư phát triển NLTT.

Với mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2010 NLTT chiếm 3% tổng công suất điện thương mại và đạt 5% vào năm 2020, TS. Phạm Bá Hưng cho rằng, vấn đề then chốt là phải có chính sách hỗ trợ thích hợp, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc cải tiến công nghệ.

OV (theo SGGP Online)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả