SpStinet - vwpChiTiet

 

Máy giao dịch thanh toán tự động "Made in Vietnam"

Với việc làm chủ được công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, các nhà chế tạo trong nước có thể tổ chức sản xuất và cung cấp sản phẩm cho thị trường, thay thế hàng nhập ngoại. Máy giao dịch thanh toán tự động "Made in Vietnam" có giá chỉ bằng 50-70% hàng ngoại nhập, đáp ứng tốt các quy trình giao dịch thanh toán tự động tại Việt Nam.

Đây là sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố "Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết kế, chế tạo hệ thống máy giao dịch thanh toán linh hoạt đa năng" do Công ty TNHH Điện - Điện tử C&T (doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại TP.HCM) thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Theo TS. Võ Đình Tùng (chủ nhiệm dự án), thanh toán điện tử đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Các hình thức thanh toán hiện nay gồm: thanh toán tiền mặt; thanh toán bằng thẻ ngân hàng qua POS (Pointt of Sale) kết nối với ngân hàng tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, bến xe, các khu vui chơi giải trí; thanh toán bằng thẻ NFC (Near Field Communications); thanh toán bằng QR code (Quick Response Code) cài đặt trong ví điện tử hoặc điện thoại thông minh. Mặc dù đây là xu thế chung của thế giới và các máy giao dịch tự động đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam, nhưng cho đến nay, hình thức kinh doanh này vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Phần đông người tiêu dùng Việt Nam giao dịch chủ yếu vẫn là tiền mặt. Hệ thống máy giao dịch thanh toán hiện nay được đặt trong các cửa hàng và các máy bán hàng tự động, thường chỉ chấp nhận một hình thức thanh toán nào đó cho một dịch vụ bán hàng: tiền mặt hoặc thanh toán điện tử riêng biệt, dẫn đến không linh hoạt trong thanh toán, kém thân thiện và không có khả năng tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau.

Ngoài ra, các máy giao dịch tự động hiện nay hoạt động độc lập, chưa hình thành hệ thống giao dịch quản lý tập trung. Qua khảo sát thị trường và làm việc với khách hàng, nhóm dự án nhận được các đặt hàng về cung cấp máy thanh toán tự động cho resort, khách sạn, nhà hàng, trường học, bến xe,… Các đặt hàng thường mang tính tổng hợp nhiều dịch vụ; khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán khác nhau: từ tiền mặt tới các loại thẻ thanh toán, từ khách hàng nội địa tới người nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng mạng - hệ thống các máy giao dịch tự động đa năng, linh hoạt là một nhu cầu cấp thiết.

Để đáp ứng các yêu cầu này, nhóm dự án lựa chọn công nghệ tích hợp, kết nối với các thiết bị giao dịch như màn hình chạm, kết nối các hình thức thanh toán như tiền mặt, thẻ ngân hàng qua POS, ví điện tử NFC, QR code, kết nối mạng để quản lý tập trung, kết nối máy in để in bill giao dịch,…

Kết quả, dự án đã hoàn thiện công nghệ, xây dựng nền tảng cấu hình phần cứng tối ưu cho máy giao dịch thanh toán tự động linh hoạt đa năng, có thể ứng dụng cho những nhu cầu khác nhau của xã hội; tích hợp các hình thức thanh toán; xây dựng mạng các máy giao dịch thanh toán tự động. Cấu hình hệ thống giao dịch thanh toán được tổ chức theo dạng module. Với mỗi ứng dụng, thiết bị có thể được cấu hình về phần cứng và phần mềm bằng cách thêm bớt module dễ dàng và nhanh chóng. Hệ thống giao dịch thanh toán với phần cứng và phần mềm có tính mở, có thể dễ dàng tích hợp thêm các dịch vụ mới hoặc các hình thức thanh toán mới (ví dụ như ví điện tử MoMo trong năm 2019). Hệ thống mạng có thể phát triển để quản lý giao dịch thanh toán cho số lượng lớn học sinh trong thành phố.

Qua đó, dự án đã chế tạo 1 máy mẫu và 16 máy giao dịch thanh toán tự động, sử dụng cho các ứng dụng ki-ốt căn-tin trường học; ứng dụng hệ thống bán và kiểm soát vé tự động. Kèm theo là bộ phần mềm hệ thống giao dịch thanh toán tự động trường học và bộ phần mềm thiết bị hệ thống bán và kiểm soát vé tự động và các quy trình giao dịch tự động, quy trình thanh toán tự động hoàn chỉnh. Các sản phẩm đều sử dụng giao dịch thanh toán tự động với các hình thức thanh toán thực tế hiện nay, như sử dụng tiền mặt có trả tiền thừa, sử dụng các loại thẻ tín dụng và sử dụng phần mềm thanh toán cài đặt trong điện thoại thông minh.

Hệ thống mạng các ki-ốt căn-tin trường học cấu hình gồm hệ thống server; phần mềm hệ thống mạng và các ki-ốt giao dịch thanh toán tự động. Hệ thống này có chức năng cho phép người mua chọn lựa các món ăn, đồ uống qua màn hình giao tiếp; lựa chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt với các mệnh giá từ 1.000-500.000 đồng, thẻ NFC, thẻ ngân hàng Visa, Master qua POS,… Máy tự động thực hiện giao dịch thanh toán, in hoá đơn giao dịch. Trên màn hình của trạm ki-ốt thể hiện các giao diện tương tác, bao gồm giao diện bắt đầu ứng dụng, giao diện chọn sản phẩm (giúp khách hàng chọn những sản phẩn muốn mua), giao diện thanh toán, giao diện kết thúc thanh toán. Quy trình vận hành: thông tin giao dịch khách hàng được truyền tải xuống nhà bếp qua mạng server; trạm gửi thông tin giao dịch và thanh toán về server; server thực hiện quản lý, lưu trữ, báo cáo.

Hệ thống bán và kiểm soát vé tự động cấu hình gồm hệ thống server; phần mềm hệ thống mạng và các trạm/máy bán vé giao dịch thanh toán tự động. Chức năng: cho phép chọn tuyến đường, ngày/giờ xuất bến qua màn hình giao tiếp; cho phép khách hàng chọn hình thức thanh toán; tự động thanh toán bằng các hình thức tiền mặt, trả tiền thừa với 4 mệnh giá (tiền đồng) tuỳ chọn, thẻ ngân hàng, QR code, in kết quả (vé),...

Sản phẩm đã được ứng dụng thực tế và được khách hàng đánh giá tốt. Cụ thể, triển khai Hệ thống bán vé tự động cho khu tắm bùn khoáng Nha Trang I-Resort (4 máy); Hệ thống giao dịch thanh toán tự động tại Công ty CP Thế Giới Di Động (2 máy); Trạm ki-ốt căn-tin tự động trường học theo đặt hàng của Công ty CP Ngôi Nhà Xanh (8 máy); Hệ thống máy bán vé xe khách tự động (2 máy) thử nghiệm tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Các máy giao dịch thanh toán tự động đáp ứng được quy trình giao dịch đặt ra và chấp nhận các hình thức thanh toán: tiền mặt có trả tiền thừa, thẻ ngân hàng qua POS, thẻ SSC (School Smart Card), Internet banking, QR Code.

TS. Võ Đình Tùng cho biết, thành công của dự án góp phần đưa công nghệ 4.0 vào thực tiễn cuộc sống, thúc đẩy ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán tự động, cũng là góp phần xây dựng thành phố thông minh và đẩy nhanh quá trình số hóa các dịch vụ.

Hiện tại, nhóm dự án có thể tổ chức sản xuất và thực hiện thương mại hóa sản phẩm "Made in Vietnam" này. Năng lực chế tạo khoảng 10-30 máy/tháng, giá thành tùy thuộc vào loại hình dịch vụ và số lượng hình thức thanh toán (khoảng 30 - 120  triệu đồng), bằng 50 - 70% sản phẩm ngoại nhập và có thêm một số tiện ích như dễ dàng thêm bớt các dịch vụ, thêm bớt các hình thức thanh toán nếu muốn. Đồng thời mong muốn triển khai ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực giao thông vận tải (giao dịch thanh toán cho hệ thống xe bus, metro, các hãng vận tải hành khách, các bến xe); các khu vui chơị giải trí; dịch vụ công (công chứng, giao dịch thanh toán các dịch vụ công, bệnh viện); cửa hàng siêu thị, trường học;…

Vân Nguyễn (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả