SpStinet - vwpChiTiet

 

Hình thành viện công nghệ tiên tiến: kỳ vọng chuyển giao nhiều công nghệ cho doanh nghiệp

Xúc tiến hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo có chức năng nghiên cứu, phát triển, giải mã, làm chủ, thương mại hóa, chuyển giao được nhiều công nghệ cho doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), là một trong các nhiệm vụ rất quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại TP.HCM năm 2020.

Chiều 17/1, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

Báo cáo hoạt động KH&CN và ĐMST thành phố năm 2019, ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, Sở đã tham mưu, phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành 24 văn bản triển khai hoạt động KH&CN, ĐMST trên địa bàn Thành phố.

Về hoạt động nghiên cứu KH&CN, trong năm 2019, Sở đã triển khai mới 167 nhiệm vụ, 76% các nhiệm vụ này tập trung hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố và góp phần giải quyết các vấn đề Thành phố đang quan tâm. Trong đó, 24 nhiệm vụ có sự phối hợp của doanh nghiệp với kinh phí đồng đầu tư từ doanh nghiệp là 23,42 tỷ đồng. Sở đã tổ chức nghiệm thu 76 nhiệm vụ, 100% đều được ứng dụng thực tế, góp phần phục vụ cho nhiều lĩnh vực trọng điểm của Thành phố như y tế, vật liệu - công nghệ chế tạo máy - tự động hóa, điện - điện tử và công nghệ thông tin,…

Ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) trình bày báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN và ĐMST TP.HCM năm 2019.

Về hoạt động kết nối, hợp tác giữa trường viện, tổ chức KH&CN với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đào tạo và quản lý trong các lĩnh vực nhằm hình thành các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố, đạt 100% kế hoạch năm 2019. Kết quả tiêu biểu như nghiên cứu, thiết kế chế tạo thử nghiệm máy CNC, nghiên cứu ứng dụng IoT trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu chế tạo triển khai hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng công nghệ LED, nghiên cứu chế tạo băng gạc kháng khuẩn phục vụ y tế,…

Về hoạt động phát triển tiềm lực KH&CN, đã xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trong yếu thông qua việc số hóa, kết nối cơ sở dữ liệu của 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia, 275 tổ chức KH&CN, 57 doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời mở rộng phạm vi kết nối, chia sẻ thông tin KH&CN với 16 đơn vị mới trên địa bàn Thành phố tại địa chỉ www.stinet.vn, nâng tổng số lên 30 đơn vị tham gia hệ thống đến hiện tại.

Ngoài ra, Sở cũng cấp giấy chứng nhận cho 33 tổ chức KH&CN đăng ký mới và 4 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký khoảng 217,696 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 16 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 86 doanh nghiệp được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận, tính đến hiện tại.

Về hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, bên cạnh việc hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp, xây dựng năng lực các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp, trong năm 2019, Sở tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST (startup). Cụ thể, đã có 614 dự án được hỗ trợ (đạt 102 % kế hoạch 2019), lũy kế đến nay đã có 2.291 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ (đạt 114,5% kế hoạch nhiệm kỳ). Chương trình hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp TP.HCM (SpeedUp) đã hỗ trợ 43/200 dự án tham gia, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 33 tỷ đồng. Nhiều dự án sau ươm tạo gọi vốn thành công với định giá tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với trước khi nhận được hỗ trợ như: Teamup, 689 Cloud,…

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN) giới thiệu một số hoạt động tiêu biểu đóng góp vào kết quả chung của Sở trong năm 2019.

Về hoạt động phát triển thị trường công nghệ, Cổng thông tin giao dịch công nghệ trực tuyến (Techport) đang vận hành với 7.417 công nghệ và thiết bị của 1.134 nhà cung ứng; 1.446 tổ chức, chuyên gia tư vấn; 304 dự án tìm kiếm đối tác. Trong năm 2019, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM tổ chức, phối hợp tổ chức 6 kỳ Techmart, 76 hội thảo giới thiệu công nghệ, báo cáo phân tích xu hướng công nghệ; tổ chức tiếp nhận và tư vấn cho 411 yêu cầu từ cá nhân, doanh nghiệp, trong đó cung cấp thông tin cho 288 yêu cầu, kết nối tư vấn chuyên gia cho 123 yêu cầu, kết nối thành công 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, thành phố hiện có khoảng 200 đơn vị đang thực hiện các hoạt động dịch vụ trung gian trong thị trường KH&CN. Trong năm 2019 có 147 cá nhân được tham dự các lớp đào tạo về thẩm định giá tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hướng dẫn 25 hồ sơ đăng ký sáng chế và 162 doanh nghiệp thực hiện 374 hồ sơ xác lập quyền và các thủ tục khác về sở hữu trí tuệ;…

Với hoạt động KH&CN và ĐMST cơ sở, năm 2019 triển khai 182 mô hình ứng dụng KH&CN tại các cơ quan, đơn vị, lũy kế đến nay đã có 732 mô hình được triển khai; hỗ trợ 107 mô hình ứng dụng KH&CN cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế áp dụng; tổ chức, phối hợp đào tạo STEM cho 4590 giáo viên và 75.082 học sinh; tổ chức, hình thành được 1.685 câu lạc bộ sáng tạo trong trường học và 3.559 hoạt động, cuộc thi.

Nhìn chung, với những hoạt động hỗ trợ về khởi nghiệp ĐMST trong thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST tại Thành phố đạt 36,4%. Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số ĐMST toàn cầu, tăng 17 bậc so với năm 2016, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ những nỗ lực của TP.HCM. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Thanh cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại như: chế độ chính sách để thúc đẩy KH&CN phát triển còn hạn chế, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo; lực lượng cán bộ KH&CN ngày càng phát triển nhưng còn thiếu những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, vi mạch, nano, trí tuệ nhân tạo; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp ĐMST, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiếu sự liên kết phối hợp trong đào tạo, xây dựng môi trường sinh thái cho giảng dạym nghiên cứu, đưa ý tưởng vào sản xuất kinh doanh; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong thúc đẩy hoạt động KH&CN và ĐMST chưa đồng bộ và chặt chẽ;…

Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), năm 2020 sẽ rất quan trọng với định hướng tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, giải pháp phát triển KH&CN và ĐMST của nhiệm kỳ 2016-2020; đề xuất các chương trình trọng điểm giai đoạn 2021–2025 nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái ĐMST thành phố, gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu KH&CN và ĐMST làm nền tảng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố và xây dựng thành phố thông minh – đô thị sáng tạo.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) chủ trì hội nghị.

Vì vậy, các nhiệm vụ chủ yếu trong năm được xác định gồm: thực hiện tái cấu trúc các chương trình KH&CN nhằm liên kết các trường viện với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ giải quyết các mục tiêu của thành phố, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, cơ khí - tự động hóa, vật liệu mới; thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh, chuyển giao công nghệ tại các trường, viện (TTO); đẩy mạnh chương trình hợp tác với các nước như Úc, Phần Lan, Thụy Điển để huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các trường viện về hoạt động ĐMST và các kỹ năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; xúc tiến hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sắp xếp lại các tổ chức KH&CN công lập; tiếp tục hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố thông qua một số hoạt động chính như tổ chức các sự kiện, cuộc thi, huấn luyện nâng cao năng lực các thành phần hệ sinh thái, tổ chức ngày hội AI, phối hợp tổ chức Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest), Tuần lễ ĐMST và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2020) với chủ đề phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp AI,…

Trong đó, nhiệm vụ được quan tâm, kỳ vọng nhất chính là xúc tiến thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo. TP.HCM với 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, năng lực về KH&CN, ĐMST đa phần rất yếu. Mô hình viện công nghệ tiên tiến với chức năng nghiên cứu phát triển, giải mã, làm chủ, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ sẽ tập trung hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, trong đó chuyển giao được nhiều công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ, chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ tiên tiến. Đồng thời, nghiên cứu chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phù hợp với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả